10% người già bị ngã gặp chấn thương nặng, làm gì để phòng tránh tai nạn?

(Dân trí) - Ngã là một tai nạn thường gặp ở người già, khi mà các cử động đã không còn linh hoạt, tầm nhìn kém, tay chân không vững, do có bệnh lý như bệnh cơ xương khớp, bệnh tim mạch, sức khỏe tinh thần…

Té ngã – Tai nạn phổ biến và nguy hiểm ở người già

10% người già bị ngã gặp chấn thương nặng, làm gì để phòng tránh tai nạn? - 1

Ngã là một tai nạn thường gặp ở người già, khi mà các cử động đã không còn linh hoạt, tầm nhìn kém, tay chân không vững và đôi khi là xuất phát từ một số tình trạng bệnh lý như bệnh cơ xương khớp, bệnh tim mạch, sức khỏe tinh thần… Theo thông kê ở Việt Nam, hàng năm cứ 5 người cao tuổi thì lại có 1 người bị ngã. Trong các tai nạn ngã ở người cao tuổi thì 60% xảy ra ở nhà, 30% xảy ra ở khu vực công cộng, 10% ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Đi sâu vào các trường hợp cụ thể, Bác sĩ Hoàng Thị Bạch Dương, chuyên gia về lĩnh vực y tế gia đình cho hay: “Người già do hội chứng khiếm dụng nên đứng không vững gây ngã. Cũng có thể do thay đổi tư thế đột ngột, khi đang ngồi mà đứng dậy ngay gây chóng mặt dẫn đến ngã. Không ít trường hợp các cụ ngồi xe lăn bị ngã đổ xuống trước, tôi cũng gặp nhiều trường hợp bị ngã gãy cổ xương đùi vì lý do này. Ngoài ra, các tai nạn ngã còn xuất phát từ việc các cụ ngã lăn từ trên giường xuống, ngã do mò mẫm đi vệ sinh vào ban đêm, ngã do trơn trượt nhất là trong phòng tắm.”

10% người già bị ngã gặp chấn thương nặng, làm gì để phòng tránh tai nạn? - 2

Bác sĩ Hoàng Thị Bạch Dương đã có nhiều năm kinh nghiệm về chăm sóc người cao tuổi.

Là đối tượng xương khớp đã bị thoái hóa, thể trạng không tốt cũng như mắc nhiều vấn đề về sức khỏe, việc bị ngã dễ gây ra các tổn thương lớn với người già. Điều này cũng đã được chỉ ra trong thống kê: 10% những người lớn tuổi bị ngã sẽ gặp chấn thương nghiêm trọng, điển hình như gãy xương, chấn thương não, bất động, thậm chí có thể gây tử vong. Nhẹ hơn ngã sẽ gây suy giảm chức năng vận động. Không chỉ ảnh hướng đến thể chất, việc bị ngã cũng gây cảm giác sợ ngã cho người già. Đáng chú ý, chính cảm giác sợ ngã lại tăng nguy cơ ngã của người cao tuổi.

Cách đánh giá nguy cơ té ngã ở người cao tuổi

Có một bài kiểm tra khá đơn giản để có thể đánh giá phần nào nguy cơ té ngã của những người cao tuổi, có thể thực hiện ngay tại nhà. Cách làm như sau:

-Bước 1: Người cần kiểm tra ngồi vững trên một chiếc ghế tựa.

-Bước 2: Đứng dậy từ ghế, đi thẳng 3 mét sau đó quay ngược lại và ngồi xuống ghế như ban đầu, với tốc độ bình thường. Chú ý: Ghi lại tổng thời gian của bước này.

Dựa vào tổng thời gian tính từ lúc đứng dậy và bắt đầu di chuyển cho đến khi hoàn thành và ngồi xuống ghế (toàn bộ Bước 2), chúng ta có thể đánh giá nguy cơ té ngã ở người cao tuổi:

-Dưới 12 giây: Nguy cơ thấp.

-Từ 13 đến 20 giây: Nguy cơ cao, cần đánh giá thêm từ chuyên gia.

-Trên 20 giây: Nguy cơ cao, cần trợ giúp.

Biện pháp hạn chế tai nạn té ngã ở người cao tuổi

Dưới góc độ của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, BS Hoàng Thị Bạch Dương chia sẻ đến Quý độc giả những giải pháp để hạn chế tối đa tai nạn té ngã ở người cao tuổi:

-Người cao tuổi cần hạn chế các cử động đột ngột. Ví dụ như khi vừa ngủ dậy thì nên ngồi trên giường một lúc rồi mới đứng dậy; đứng dậy từ từ và nên chắc chắn đã đứng vững thì mới bắt đầu di chuyển.

- Ở giường của người cao tuổi nên lắp thêm thanh chắn để hạn chế hiện tượng bị ngã lăn xuống đất.

-Với các cụ đã lớn tuổi, đi lại không còn vững, buổi tối nên bố trí phương tiện đi vệ sinh ở vị trí gần các cụ. Bên cạnh đó, nên lắp đặt các dụng cụ hỗ trợ đi lại như: gắn thanh vịn ở tường ở gần chỗ tắm, cầu thang phải có vịn 2 bên.

10% người già bị ngã gặp chấn thương nặng, làm gì để phòng tránh tai nạn? - 3

-Xe lăn của các cụ nên lắp thêm đai an toàn, để hạn chế tối đa rủi ro ngã chúi xuống đằng trước. “Nhiều trường hợp khi không có người thân quan sát, để ý, điển hình như vào dịp Tết, các cụ bị ngã theo cách này dẫn đến gãy xương.” – BS Bạch Dương phân tích.

- Mắt kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngã ở người cao tuổi. Do đó, cần khám mắt định kỳ cho các cụ để đảm bảo các cụ sử dụng kính phù hợp, cũng như được các bác sĩ tư vấn về vấn đề nhãn khoa thường gặp ở người cao tuổi như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.

Minh Nhật