1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Vì sao Mỹ và Trung Quốc không bàn về Biển Đông trong thỏa thuận “đình chiến” tại G20?

(Dân trí) - Báo Thời báo Hoa Nam buổi sáng đã dẫn ý kiến các chuyên gia giải thích lý do vì sao vấn đề Biển Đông không được đề cập trong cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc bên lề hội nghị thượng đỉnh G20.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức dự tiệc tối kết hợp làm việc tại Argentina ngày 1/12. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các quan chức dự tiệc tối kết hợp làm việc tại Argentina ngày 1/12. (Ảnh: Reuters)

Trước khi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1/12 bên lề hội nghị G20 diễn ra, đã có nhiều nhận định cho rằng ngoài vấn đề thương mại, Biển Đông có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự của 2 phái đoàn.

Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề Biển Đông không xuất hiện trong biên bản cuộc họp được công bố sau buổi họp, dù 2 quốc gia có quan điểm khác biệt một cách sâu sắc về việc này.

Thay vào đó, ông Tập và ông Trump đã trao đổi về các vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, quản lý sử dụng thuốc giảm đau có chất gây nghiện và chủ đề thương mại.

Chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Hong Kong đánh giá rằng do quan điểm của Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông là quá khác biệt, vì vậy việc đặt Biển Đông qua một bên có thể giúp 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tập trung vào việc giải quyết các “nút thắt” về vấn đề thương mại.

Ông Song nói rằng với quan điểm đối lập quá lớn, một cuộc họp không thể đủ để giải quyết vấn đề Biển Đông, vì vậy, Mỹ và Trung Quốc đã tạm không động chạm tới chủ đề này để có thể đi tới thỏa thuận về mặt thương mại.

Wang Dehua, chuyên gia về vấn đề Nam Á và Trung Á của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải (Trung Quốc), nhận định rằng Bắc Kinh dường như muốn tạo ra một bầu không khí thoải mái cho cuộc đàm phán nên họ không đề cập tới Biển Đông. Trong khi đó, phái đoàn Mỹ dường như hiểu rằng họ sẽ không có ích lợi gì nếu nhắc đi nhắc lại về vấn đề trên trong khi ưu tiên của 2 bên trong cuộc gặp lần này là vấn đề giải pháp cho cuộc chiến thương mại căng thẳng.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận định cuộc gặp cuối tuần qua là thành công và hai bên đồng ý sẽ chưa áp thêm thuế suất lên hàng hóa từ ngày 1/1/2019.

Năm 2015, tại Washington, ông Tập Cận Bình từng cam kết “không có ý định quân sự hóa” các đảo đá tranh chấp trên Biển Đông. Mặc dù vậy, từ đó tới nay, Bắc Kinh liên tục thực hiện các hành vi bồi đắp, đưa vũ khí tới các đảo nhân tạo bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Mỹ - dù không có chủ quyền tại khu vực - nhưng thường xuyên lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc. Washington cử tàu, máy bay quân sự di chuyển qua vùng biển và vùng trời ở khu vực Biển Đông thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, tự do hàng không. Mỹ khẳng định rằng động thái của họ không nhằm tỏ thái độ hung hăng, mà thể hiện quan điểm cứng rắn, chống lại những tuyên bố bất hợp pháp về chủ quyền.

Trước thềm cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo, Mỹ ngày 29/11 đã công bố thông tin rằng tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Chancellorsville ngày 26/11 đã di chuyển tới gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, nhằm tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải và duy trì quyền tiếp cận các vùng biển tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Nathan Christensen đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo quyền lợi, sự tự do của tất cả các quốc gia trong việc di chuyển trên vùng biển và vùng trời tuân thủ theo quy tắc và thông lệ quốc tế.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm