1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

OTC “ấm" dần cùng VN-Index

OTC và thị trường chính thức có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sự lên xuống của VN-Index hàng ngày ảnh hưởng khá nhiều đến tâm lý của các NĐT trên thị trường OTC. VN-Index tăng liên tục gần đây, dù không cao, nhưng cũng khiến OTC có dấu hiệu "ấm" lên.

Thận trọng tính toán

Trong tháng 3 và 4 vừa qua  đã có những thời điểm hầu hết các mã CK trên OTC giảm rất mạnh. Loại giảm ít thì cũng 5-7 giá, loại nhiều nhất đến  50-80 giá. Thị trường gần như đóng băng. Một số mã CK  rao mãi chẳng ai hỏi mua NĐT đành đắng cay mà "ôm".

Có một số lý do khiến OTC ảm đạm. Thứ nhất là do ảnh hưởng từ sàn giao dịch,  sàn "down" thì OTC cũng "down" theo và lý do  quan trọng nữa là sau một thời gian tăng quá "nóng", các cổ phiếu OTC cũng dần trở về giá trị thật.

Hơn chục ngày gần đây, cùng với sự phục hồi, tăng trở lại của VN-Index, nhiều loại CP trên OTC đã tăng giá. Nhất là các CP blue-chips như  PVFCCo, VPBank, MB, Eximbank, Habubank, Vinaconex, Vincom, Hoà Phát...

Thị trường đã có kẻ mua, người bán chứ không vắng lặng như thời gian trước. Nhưng nhìn chung sức mua còn  tương đối yếu, số lượng giao dịch không nhiều (CP có số lượng giao dịch nhiều nhất và "hot" nhất có lẽ chỉ  PVFCCo). Các mã khác giao dịch khá thưa thớt và có loại vẫn không có mua/bán.

Người mua bây giờ thận trọng và có phần chắc ăn, không còn cảnh "người người mua, nhà nhà bán".  Một số nhà đầu cơ đã bắt đầu "ngấm đòn" từ đợt điều chỉnh vừa rồi nên không còn cảnh "điếc không sợ súng" tranh mua tranh bán nữa.

Các NĐT vẫn còn đắn đo, cân nhắc. Họ tính toán thận trọng và cầm chừng khi mua vào vì  không chắc thị trường còn lên hay xuống. Với một số người thì chỉ cần giá lên một  chút là bán vội để cắt giảm lỗ,  còn với những người trót mua khi OTC đang "nóng hừng hực"  thì không dám bán và tiếp tục chờ...

Ngóng đợi... IPO

Tâm lý các NĐT trên OTC hiện phân vân, ngóng đợi. Số ít thì cho rằng  đã đến thời điểm đủ  rẻ để mua vào, nếu nấn ná thì sẽ không có cơ hội mua được mức giá đó. Một số người khác thì nghe ngóng diễn biến tiếp theo của thị trường để quyết định.

Một số NĐT có kinh nghiệm thì nhận định thị trường OTC  sẽ chưa thật sự sôi động được  ít nhất là hết tháng 6.2007. Có 4 lý do đưa ra để minh chứng cho nhận định trên.

Thứ nhất là OTC phụ thuộc vào thị trường niêm yết  mà thị trường đang còn ở thế thăm dò và khối lượng giao dịch khớp lệnh ít như hiện nay thì rất khó cho OTC tăng trở lại.

Thứ hai, "Bài học" về PVFCCo  đã làm cho NĐT đặt câu hỏi: Giá các loại CP trên thị trường OTC liệu có là giá trị thực và ngang tầm khi  so sánh Đạm Phú Mỹ? Đạm Phú Mỹ là hàng "khủng" như thế mà giá trung bình có 54  vậy thì mua CP A, B, C liệu có quá đắt?

Thứ ba, sắp tới sẽ còn nhiều vụ IPO lớn, đặc biệt IPO của Bảo Việt. Nhiều ý kiến dự đoán NĐTNN và các tổ chức có thể bỏ giá tăng hơn 10-15% giá khởi điểm, còn NĐTTN  có thể bỏ giá trên 30% so với giá khởi điểm.

Với những vụ IPO lớn như thế này nếu đấu giá thành công thì theo quan điểm và cách đánh giá của một số NĐT  thì sẽ phải hút một  lượng vốn ít nhất là trên 1 tỉ USD (hoặc còn nhiều hơn nữa).

Để có một lượng tiền lớn như vậy, nhiều NĐTTN phải bán bớt CP trên sàn và OTC  (nhất là với những CP hạng ruồi, hoặc CP làng nhàng, thường thường bậc trung mà trót ôm vào).

Thứ tư, một số người cho rằng trên sàn niêm yết cũng như OTC, các "đại gia" đang cố tình "dìm" giá xuống, không để thị trường nóng lên để khi đấu giá các loại CP "khủng long" như Bảo Việt, VCB, Incombank, BIDV, Vinaphone, MobiFone, Viettel, MHB... họ mới mua được giá rẻ (kinh nghiệm PVFCCo là một ví dụ).

NĐT khác trên diễn đàn Sanotc.com lại cho rằng: "Đây chính là thời điểm xác định danh mục đầu tư, hoạch định vốn đầu tư, chăm sóc danh mục đã có, tái cơ cấu ... Các quỹ đầu tư cũng đang tái cơ cấu danh mục, hoạch định nguồn vốn, đánh giá tình hình kinh doanh của các Cty, xem xét tình hình huy động vốn của thị trường (IPO, tăng vốn...), sự chuyển dịch nền kinh tế của VN, nhu cầu vốn của thị trường...

Nhà đầu cơ thì cũng đã có những bài học tốt trong 2-3 tháng qua vì vậy tất cả cùng đang dừng lại để nghĩ. Vì vậy, TTCK (cả chính thức và OTC) sẽ còn một thời gian trầm lắng nữa".

Dù đưa ra các nguyên nhân khác nhau về diễn biến thị trường trong thời gian tới, nhưng có vẻ như các NĐT đang cảm thấy thời điểm "tồi tệ" nhất của OTC đã qua. Một số người đã bắt đầu tìm mua một vài loại CP mà mình quan tâm với mức giá theo họ là khá "hời".

Theo Xuân Thủy - Trịnh Ngọc Lan
Báo Lao động