1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ngoại giao Mỹ tê liệt khắp toàn cầu vì chính phủ đóng cửa

(Dân trí) - Việc chính phủ Mỹ đóng cửa dài chưa từng có trong lịch sử đã khiến các cơ quan ngoại giao của nước này trên khắp toàn cầu rơi vào tình trạng tê liệt. Các nhà ngoại giao lo ngại không có lương để thanh toán các loại hóa đơn nếu tình trạng đóng cửa kéo dài thêm.

Ngoại giao Mỹ tê liệt khắp toàn cầu vì chính phủ đóng cửa - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Getty)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây tuyên bố rằng các nhà ngoại giao Mỹ vẫn "có tinh thần tốt" dù chính phủ đóng cửa, nhưng nhiều trong số các cấp dưới của ông lại kể một câu chuyện khác.

Tại Bộ Ngoại giao Mỹ và các đại sứ quán Mỹ khắp thế giới, các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đang ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của việc đóng cửa chính phủ đối với nguồn tài chính, cuộc sống của họ, và các chương trình ngoại giao mà họ đã và đang nỗ lực thúc đẩy.

Không giống nhiều nhân viên chính phủ tại Mỹ, các nhân viên ngoại giao công tác ở nước ngoài gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các thu nhập phụ.

Tinh thần sụt giảm

Và một số nhà ngoại giao đã buồn lòng khi Ngoại trưởng Pompeo, người đứng đầu một bộ có nhiệm vụ thúc đẩy các quan hệ trên khắp thế giới, lại bảo vệ quan điểm của Tổng thống Donald Trump nhằm tiếp tục đóng cửa chính phủ, trừ khi ông nhận được chi phí cho bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Tâm lý không thoải mái sẽ được thể hiện trong tuần này tại thủ đô Washington, nơi Ngoại trưởng Pompeo quyết định vẫn tiến hành một cuộc họp với các đại sứ Mỹ khắp thế giới.

Hàng chục nhà ngoại giao sẽ bay về Mỹ từ các đại sứ quán khắp thế giới để tham gia hội nghị kéo dài 2 ngày, gây ra sự cằn nhằn từ các nhân viên văn phòng và cấp bậc thấp vốn lo ngại rằng hội nghị sẽ làm khó cho một cơ quan hiện nhân sự làm việc còn rất mỏng do chính phủ đóng cửa.

"Nó diễn ra vào một thời điểm rất lạ", một nhà ngoại giao tiết lộ. "Không được trả lương đồng nghĩa với việc tinh thần sẽ giảm sút".

Tiền lương trả vào ngày 17/1 đối với nhiều nhân viên ngoại giao Mỹ nhiều khả năng là con số 0.

Nhiều nhân viên tại Bộ Ngoại giao và ở nước ngoài phải nghỉ làm hoặc làm việc mà không được trả lương tại các văn phòng hầu hết vắng vẻ, không có người làm thay, ngay cả khi các công việc và giấy tờ chồng chất.

Ngoại trưởng Pompeo trở lại Mỹ sau chuyến đi kéo dài 1 tuần tới Trung Đông. Trong chuyến đi, ông Pompeo đã nói về việc các nhà ngoại giao Mỹ xử lý tình trạng đóng cửa kéo dài kỷ lục, hiện đã bước sang ngày thứ 25, như thế nào.

"Họ hiểu rằng có những tranh cãi tại Washington, nhưng sứ mệnh và nhiệm vụ của họ vẫn tiếp tục", ông Pompeo phát biểu tại Abu Dhabi. Ông cũng đã viết thư cho các nhân viên của Bộ Ngoại giao, bày tỏ lòng biết ơn về sự cống hiến của họ: "Những đóng góp của các bạn cho đất nước không phải là không được chú ý".

Chuyến đi Trung Đông gây tranh cãi của Ngoại trưởng

Ông Pompeo có thể đã cố gắng chứng tỏ các hoạt động diễn ra bình thường, nhưng một số nhà ngoại giao và cựu quan chức cho rằng một số quyết định của ông đang làm giảm sự nhiệt huyết thay vì thúc đẩy nó.

Ví dụ, một số người có thể ngụy biết về quyết định của ông Pompeo vẫn thực hiện chuyến thăm Trung Đông do các lợi ích lớn của Mỹ trong khu vực, nhưng nhiều người không hài lòng khi ông đưa cả vợ đi cùng.

"Việc đưa cả phu nhân đi là không phù hợp, vì điều đó cần đội ngũ lớn hơn", Dana Shell Smith, cựu đại sứ Mỹ tại Qatar, nhận định. "Bà ấy đáng nhẽ không nên tham gia chuyến đi khi chính phủ Mỹ đóng cửa".

Tuy nhiên, ông Pompeo đã bảo vệ quyết định đưa vợ theo, bởi bà từ lâu là một thành viên trong nhóm nội bộ của ông. Ông cho biết, khi gặp gỡ một loạt các nhà ngoại giao và các quan chức nước ngoài, bà Susan Pompeo đóng vai trò là "người nhân lên sức mạnh".

Việc Ngoại trưởng Mỹ quyết định vẫn tổ chức hội nghị với các đại sứ, diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/1 tại Washington, cũng vấp phải nhiều chỉ trích. Một nhân viên ngoại giao giấu tên tại Washington cho rằng ông Pompeo hoàn toàn có thể hoãn hoặc hủy sự kiện này.

"Chúng tôi không có đủ nhân viên để hỗ trợ đại sứ của mình", nhân viên ngoại giao nói. "Ông ấy muốn thực hiện tất cả những các cuộc họp bên ngoài. Thật lố bịch".

Tuy nhiên, những người khác thì cho rằng hội nghị là một sự kiện có ích, đặc biệt là với các đại sứ mới, dù một số người đặt câu hỏi rằng liệu hội nghị có thật sự phải diễn ra trong bối cảnh chính phủ đóng cửa. Các đại sứ tham gia hội nghị sẽ có cơ hội thiết lập mạng lưới, nắm bắt về những chính sách mới nhất của Tổng thống Donald Trump, lắng nghe các phát biểu những quan chức hàng đầu như Phó Tổng thống Mike Pence, người dự kiến có bài phát biểu vào ngày 16/1.

"Việc đưa tất cả các trưởng phái đoàn ngoại giao tới thủ đô là một vấn đề lớn, không dễ để lên kế hoạch lại. Nhưng tổ chức sự kiện này là một vấn đề lớn và nhiều người phải làm thêm giờ, vì các văn phòng của họ thiếu nhân sự", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho hay.

75.000 nhân viên khắp toàn cầu 

Ngoại giao Mỹ tê liệt khắp toàn cầu vì chính phủ đóng cửa - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/11 cũng phải bỏ tiền túi ra mua đồ ăn nhanh cho một bữa tiệc đãi khách tại Nhà Trắng do các nhân viên nghỉ làm vì chính phủ đóng cửa. (Ảnh: Reuters)

Tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa ảnh hưởng rất lớn tới Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan có tổng cộng 75.000 nhân viên trên khắp thế giới từ các bộ phận khác nhau. Ví dụ, các công dân của một quốc gia làm việc cho Bộ Ngoại giao Mỹ thì gọi là nhân viên địa phương và họ vẫn được trả lương theo luật lao động địa phương.

Nhưng nếu chính phủ tiếp tục đóng cửa, có những lo ngại rằng các quỹ dành cho các nhân viên địa phương cũng cạn kiệt. Điều đó có thể gây ảnh hưởng to lớn do các quan chức Mỹ phải phụ thuộc nhiều vào nhân viên địa phương để hoạt động tại một số quốc gia.

"Tại nhiều nơi, đóng cửa chính phủ có nghĩa là chúng tôi không có họ. Họ đơn giản là không thể tải được nếu không có lương trong nhiều tuần", một nhà ngoại giao ở nước ngoài cho biết.

Khoảng 26% nhân viên của Bộ ngoại giao Mỹ làm việc ở nước ngoài và khoảng 42% tại Mỹ phải nghỉ không lương. Bộ Ngoại giao vẫn cung cấp các dịch vụ thị thực và hộ chiếu, phần lớn là do các dịch vụ này được trả phí.

Giống các nhân viên liên bang khác, các nhân viên Bộ Ngoại giao cho biết họ cũng lo ngại về việc thanh toán các hóa đơn và các nghĩa vụ tài chính khác. Ngay cả các nhà ngoại giao cấp cao được trả lương cao hơn cũng lo ngại nếu tình trạng chính phủ đóng cửa kéo dài trong nhiều tháng.

Và bản chất công việc ngoại giao, trong đó có việc tham gia ngoại giao tại các khu vực chiến sự, đồng nghĩa với việc nhiều công việc rất quan trọng và không thể dừng hoạt động, dù các nhân viên không được trả lương.

Tuy nhiên, các công việc rất quan trọng đó cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Việc đưa ra các quyết định cũng khó khăn một phần vì không dễ để biết ai đang làm việc, ai đang nghỉ.

"Chúng tôi gặp phải một mê cung tin nhắn "không có mặt tại văn phòng" và được đề nghị liên lạc với nhân viên hỗ trợ dự phòng", một nhân viên Bộ Ngoại giao tại Washington cho biết.

Một viễn cảnh như vậy giờ đây đang được nói đến nhiều, trong bối cảnh đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn giằng co về đề xuất của Tổng thống Trump cấp 5,7 tỷ USD cho bức tường biên giới ở phía nam nước Mỹ với Mexico. Không bên nào xuống nước và chưa có giải pháp tiềm tàng nào, bất chấp các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tuần.

Danh tiếng của Mỹ trên thế giới

Ngoại giao Mỹ tê liệt khắp toàn cầu vì chính phủ đóng cửa - Ảnh 5.

Con gái của một nhân viên chính phủ Mỹ xuống đường biểu tình vì chính phủ đóng cửa. (Ảnh: Reuters)

Các nhà ngoại giao ở nước ngoài cũng chỉ ra rằng rất khó để họ đề nghị trợ cấp thất nghiệp - như một số quan chức chính phủ tại Mỹ đã làm - hoặc cố gắng kiếm thu nhập phụ trợ bằng công việc khác, nhất là khi các quy định địa phương lại cấm họ làm vậy.

Một số nhân viên ngoại giao ở nước ngoài phụ thuộc vào một nguồn thu nhập vì người vợ hoặc chồng của họ thường không đi làm.

Nhưng một số nhà ngoại giao cho rằng thiệt hại lớn nhất có thể là danh tiếng quốc tế của nước Mỹ.

"Các chương trình mà chúng tôi đã làm trong nhiều tháng, thậm chí nhiều nay, lại đột ngột bị dừng", một nhà ngoại giao Mỹ tại châu Phi cho biết. "Từ các chương trình ngoại giao quyền lực mềm nhưng trao đổi học giả Fulbright và trao đổi văn hóa, tới các dự án quan trọng hơn tại các vùng xung đột… tất cả đều bị dừng".

Nhà ngoại giao trển nói thêm, rất bối rối khi phải nói với các đối tác địa phương rằng: "Xin lỗi, chúng tôi tạm ngừng mọi thứ do đóng cửa chính phủ cho tới khi có thông báo tiếp theo".

Một số nhà ngoại giao rất không vui khi Ngoại trưởng Pompeo, trong lá thư của ông viết về tình trạng chính phủ đóng cửa, lại bảo vệ quyết định của Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy xây dựng bức tường biên giới.

Các nhà ngoại giao "có khuynh hướng tập trung vào việc xây những cầu nối, chứ không phải những bức tường. Bức tường như một sự biện minh cho việc đóng cửa chính phủ là một chính sách tồi tệ", một quan chức ngoại giao nói.

An Bình

Theo Politico

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm