Hoãn phiên phúc thẩm vụ “ăn đất” tại Hóc Môn

(Dân trí) - Nhận thấy còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, tránh bỏ lọt tội phạm, tòa phúc thẩm vụ tham nhũng đất đai ở Hóc Môn (TPHCM) đã bất ngờ hoãn phiên xử để triệu tập một số nhân chứng liên quan nhưng cố tình vắng mặt.

Ngày 10/3, HĐXX phúc thẩm vụ tham nhũng đất đai tại huyện Hóc Môn tiếp tục thẩm vấn làm rõ các kháng cáo về phần dân sự.
Hoãn phiên phúc thẩm vụ “ăn đất” tại Hóc Môn - 1
Bị cáo Hà cho rằng, Công ty 12 đã trả nợ thay Thành Phát thì cớ gì vợ chồng Hà phải nộp tiền bồi thường

Tại phiên tòa, ông Trần Duy Doanh (Giám đốc Công ty TNHH XD&TM 12), đơn vị trả nợ thay cho Thành Phát cho biết, sau khi sự việc làm ăn gian dối của Thành Phát bị vỡ lở, UBND TPHCM ra quyết định giao lại dự án cho Công ty 12 tiếp nhận. Đổi lại, Công ty 12 phải trả khoản nợ giúp Thành Phát.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm tuyên buộc vợ chồng Hà – Hòa phải liên đới bồi thường dân sự số tiền 3.000 lượng vàng và 18 tỉ đồng. Kê biên 33 sổ đỏ mà Hà- Hòa thế chấp tại NHNN&PTNT Chợ Lớn để đảm bảo thi hành án.

Về vấn đề này, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, nếu Công ty 12 đã trả nợ thay Thành Phát cho ngân hàng thì không việc gì mà cấp sơ thẩm lại tuyên bắt bị cáo Hà - Hòa phải liên đới bồi thường khoản nợ này cho ngân hàng. Nếu như vậy thì bị cáo Hà - Hòa đã khắc phục hậu quả. Do đó, mức án sẽ có sự thay đổi (sơ thẩm tuyên hai bị cáo này án chung thân). Ngoài ra, trong suốt thời gian khởi tố và xét xử 2 cấp vụ án này, thay vì cơ quan tố tụng cần nhìn nhận Công ty 12 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì lại chỉ coi là nhân chứng.

Cũng liên quan đến phần dân sự này, cả hai vợ chồng Hà – Hòa đều kháng cáo cho rằng, đã có người trả nợ thay mình thì tại sao mình phải trả.

Đối với bị cáo Lưu Thị Minh Hiền (nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank Chợ Lớn) kháng cáo kêu oan về tội: “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Hiền cho biết mình căn cứ vào hồ sơ dự án cũng như tính thành công của dự án để cho Thành Phát vay. Đại diện VKS hỏi: “Tại sao khi người dân chỉ vay vài chục triệu bị cáo lại xuống kiểm tra chi tiết, trong khi một công ty vay đến hàng tỷ đồng thì bị cáo chỉ dựa vào hồ sơ để ký duyệt?”. Hiền cho biết: “Vì dự án đã được nhiều cơ quan ban ngành, các cấp phê duyệt nên bị cáo tin vào đó để ký cho vay”.

Có mặt tại tòa, bị cáo Trần Văn Tuyến, nguyên Giám đốc Agribank Chợ Lớn (bị tuyên án 12 năm tù, không kháng cáo) cho biết, theo quy định, thì hồ sơ của Thành Phát được vay tối đa là 80 tỉ đồng. Khoản tiền 42 tỷ đồng mà Hiền ký duyệt cho Thành Phát vay là đúng quy định và thẩm quyền.

Theo tiến trình cho vay, phòng tín dụng có nhiệm vụ nhận và làm thủ tục hồ sơ cho vay, sau đó chuyển qua phòng thẩm định để kiểm tra tính pháp lý. Nếu có sai sót, phòng thẩm định có quyền đề nghị bác.

Luật sư của bị cáo Hiền cho rằng, trong quá trình thẩm định hồ sơ, không có một ai bên phòng thẩm định nói rằng hồ sơ “có vấn đề”. Vì vậy, căn cứ vào đó, Hiền đã cho Công ty Thành Phát vay đúng theo quy định của ngân hàng.

HĐXX cho rằng có thể cơ quan điều tra và cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm. Bởi vai trò của phòng thẩm định cũng góp phần dẫn tới sai phạm cho vay của ngân hàng. 

Nhận thấy trong vụ án này còn có nhiều vấn đề cần làm rõ vì vậy, cần phải thẩm vấn công khai thêm một số đương sự. Trong đó có ông Trịnh Thế Việt, hiện đang giữ chức Trưởng phòng Thẩm định của ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Chợ Lớn mặc dù đã được tòa triệu tập nhưng lại cố tình vắng mặt.

Để tránh oan sai, bỏ sót tội phạm, án nặng án nhẹ, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã quyết định cho hoãn phiên tòa.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm