1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV
  3. Phá tòa "Hàm cá mập", cải tạo không gian quanh hồ Gươm

Những bước chân không mệt mỏi đưa tôi qua các bản làng

(Dân trí) - Mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình đầy ý nghĩa. Mỗi chuyến đi với tôi mang lại một niềm tin mới... Gần 6 năm trong nghề, với tôi mỗi chuyến đi luôn để lại những kỷ niệm không thể nào quên.

PV Dân trí giúp đỡ cụ bà trên đường đất đỏ khó khăn ở huyện miền núi Thanh Chương.
PV Dân trí giúp đỡ cụ bà trên đường đất đỏ khó khăn ở huyện miền núi Thanh Chương.
 
Và tôi cũng lớn dần lên sau muốn chuyến đi, ngòi bút sâu sắc hơn, dạn dày hơn, "gan ruột" hơn, bởi tôi đã viết những điều mắt thấy tai nghe trên quãng đường thâm nhập thực tế…

Xứ Nghệ nằm ở cái dải đất miền Trung đầy thiên tai địch vận từ những mùa hè nóng cháy bỏng rát gió Lào, hay những mùa mưa làm ngập các bản làng trong biển nước...

Hầu như các xã của 21 huyện thành thị của tỉnh Nghệ An đều được tôi đặt chân đến. Có tháng tôi đã đi hàng ngàn cây số, cũng có ngày tôi chạy xe máy đi qua 7 huyện với gần 500km... Có thể nói mảnh đất xa xôi nhất tỉnh Nghệ An gồm các huyện biên giới Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong - 3 mảnh đất này được mệnh danh là “chó ăn đá gà ăn sỏi” - người dân nơi đây còn chịu khá nhiều thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ, học sinh không đủ ăn đủ mặc, học hành không đến nơi đến chốn tôi đã từng đến và đã từng có lần khóc với bà con nơi đây.

Và trong những bước chân tôi qua các bản làng đã để lại khá nhiều kỷ niệm. Từ thành phố Vinh thân yêu, tôi đi xe máy cọc cạch vượt theo quốc lộ 7 bám sát dọc sông Lam và Nậm Mộ vòng qua hàng trăm ngọn núi đồi với quãng đường gần 400km để vào mảnh đất Keng Đu.
PV Dân trí lội bộ hơn 5km tác nghiệp ở huyện miền núi Tân Kỳ.
PV Dân trí lội bộ hơn 5km tác nghiệp ở huyện miền núi Tân Kỳ.

Trong chuyến đột nhập vùng rừng núi hẻo lánh xa xôi Keng Đu của huyện Kỳ Sơn chưa đầy một tuần nhưng bước chân thúc giục tôi phải trải qua 5 xã biên giới từ Keng đu khát nước qua các bản làng thuộc xã Huồi Tụ, Mường Lống - mảnh đất trước đây là thủ phủ ma túy rồi qua Đoọc Mạy - thung lũng của đói nghèo tới đến xã Mỹ Lý đầy sông nước Nậm Nơn. Mỗi nơi đều để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Trong đó đó phải kể đến mảnh đất xã Keng Đu - vùng đất này bấy lâu vẫn được xem là xã khó khăn, xa nhất của tỉnh Nghệ An.

Ấn tượng và không thể quên đó là một đêm tháng 11 gần ngày nhà giáo Việt Nam. Đêm hôm đó, tôi được một số thầy cô giáo đưa sang ký túc xã học sinh để xem chỗ ăn ở các em. Tại đây, trong những chiếc nồi nhem nhuốc dính đầy lọ nồi tôi chợt mở vung cơm và thấy những hạt gạo nấu chưa chín liền ăn mấy thìa cơm. Thú thật lúc đó, những hạt cơm vào miệng chính là những hạt gạo tôi thầm nghĩ là đầy nước mắt mồ hôi của cha mẹ các em mang đến nhưng tôi không thể nhả ra mà cố nuốt để hiểu hơn về sự khổ cực của các em.
PV Dân trí lội bộ hơn 5km tác nghiệp ở huyện miền núi Tân Kỳ.
PV Dân trí trong một lần tác nghiệp ở vùng lũ Tương Dương gặp gỡ và trao đổi với người đàn ông sống bên gốc cây.

Tôi ăn mà lòng chát chúa rồi tự hỏi: Không biết các em ở đây còn phải chịu cảnh này đến bao giờ?. Tôi về nhưng tôi nhớ các em học sinh ở đây lắm. Rồi một dịp khác, cái máu nghề nghiệp của tôi cứ thúc giục tôi phải đi. Đi để biết nhiều hơn, để hiểu nhiều hơn... lần đó tôi ngược lòng hồ thủy điện Bản Vẽ vào mảnh đất Nhôn Mai của huyện Tương Dương.

Chuyến đi bằng thuyền nhỏ hôm đó của tôi với giá 1,5 triệu đồng/chuyến đi. Vào mảnh đất Nhôn Mai vào dịp Trung thu tiết trời lại mưa như trút. Vùng đất này được mệnh danh là xã có nhiều con số không: không đường giao thông, không chợ, không điện thoại, không điện thắp sáng...

Hôm đó, tôi rạo bước quanh khu vực trường THCS Nhôn Mai gặp gỡ các em tại những khu ký túc xá đầy đau thương. Đứng trong ký túc xá các em tôi tưởng như mình đang đứng ở ngoài trời khi mưa xối xả... Cái ký túc xá đau thương ấy là nơi trú ngụ của hàng trăm em.

Vậy nhưng, chính nơi đây các em chắt chiu từng con chữ nhưng bởi mảnh đất quà nghèo khó nên đành chấp nhận. Rồi đến bữa ăn các em tôi cám cảnh và chảy nước mắt khi chứng kiến các em tập trung mỗi nhóm 4-5 em chung một nồi cơm trắng chấm muối trắng ngoài ra chẳng có một thứ thức ăn gì.
PV Dân trí gặp gỡ một nhân vật người mẹ phải nhốt con trong chuồng vì bị điên.
PV Dân trí gặp gỡ một nhân vật người mẹ phải nhốt con trong chuồng vì bị điên.

Tôi lại nghĩ: Sao các em lại khổ đến thế này? Tạm biệt những mảnh đất cằn sỏi đá, nơi hàng ngàn học sinh quanh năm dường như chỉ có ăn cơm với muối trắng, hoặc có chăng được mấy con cá dưới suối, cọng măng trên rừng. Tôi lại đến mảnh đất chưa mưa đã ngập nhà, chưa lũ đã xảy ra cảnh nước càn quét đó là vùng đất Yên Tĩnh – một xã vùng sâu vùng xa của huyện Tương Dương.

Còn nhớ như in trong một buổi sáng cuối tháng 6 năm 2011, tôi nhận được điện thoại của ông Vi Tân Hợi – Phó chủ tịch Tương Dương bảo: chú ơi bà con xã Yên Tĩnh bị lũ nhấn chìm hết rồi. Vừa dứt cuộc điện thoại tôi lên xe máy là đi từ thành phố Vinh vượt qua hơn 300km và mất gần 5 giờ đồng hồ có mặt tại Yên Tĩnh.

Đúng như lời ông phó chủ tịch than vãn. Cảnh nước lũ nhấn chìm bản làng mà lòng xót xa. Nhiều nhà dân đã bị nước lũ cuốn trôi, trung tâm xã cũng bị nước dâng cao hơn 4m và để lại sau khi lũ rút là hơn 1m bùn đặc quánh. Và cũng mất 3-4 tháng sau mới dọn dẹp được bùn nhưng nhiều khu vực vẫn còn vết tích của cơn lũ hơn 3 giờ đồng hồ đi qua.

Và có lẽ đau đớn nhất là ngôi trường cấp 1 của bản Hạt. Sau con lũ, ngôi trường xây dựng đưa vào sử dụng hơn 1 năm thì bị nước lũ cuốn sụp đổ. Đường đi lại ở xã này thì quả là vô cùng gian nan vất vả. Hôm đó, từ trung tâm xã đến bản Hạt khoảng 5km nhưng phải đi mất gần 1 giờ đồng hồ bởi con đường đất đỏ, bùn sục ngang đầu gối, xe máy chỉ đi số 1 lúc phải nhờ bàn con trong bản đẩy hộ.

Và chuyến đi hôm đó không làm tôi nhụt chí mà càng làm trong cái tôi thức dậy bản tính của một người làm báo cần phải chiến “đấu dũng cảm” hơn trong những chuyến đi thâm nhập về với bà con lúc khó khăn như thế này. Mỗi chuyến đi tôi đều phải trang bị đầy đủ và làm sao khi đặt chân đến mình phải truyền tải được tin bài, hình ảnh đầy đủ nhất tới độc giả và tôi đã làm được điều đó.

Sau chuyến đi hôm đó tôi đã đưa tin, bài phản ánh khá đầy đủ và có thể nói là phóng viên duy nhất (chỉ sau mấy anh em phóng viên đài huyện - PV) có mặt ở vùng tâm lũ đưa tin phản ánh.
PV Dân trí gặp gỡ một nhân vật người mẹ phải nhốt con trong chuồng vì bị điên.
PV Dân trí tác nghiệp ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Nơi đây là đồng bào tộc người thiểu số Đan Lai chưa từng có điện, đi lại cực kỳ khó khăn, không điện thoại, không đường, không chợ... và đặc biệt số học sinh ở độ tuổi đến trường bỏ học lấy vợ rất sớm.

Cũng chính những bài báo của tôi được phản ánh mà nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước có nhiều đóng góp, ủng hộ cho bà con xã Yên Tĩnh và đặc biệt là học sinh nơi đây có sách vở, quần áo, giày dép... để đến trường.

Và sau đó chính Tổng biên tập báo Dân trí cùng với tôi và một doanh nghiệp tại Hà Nội phối hợp tổ chức Tết trung thu sau lũ cho người dân, các em học sinh xã Yên Tĩnh. Sau những ngày tháng vất vả vút mình trong những chuyến đi, có những phản ánh khá kha càng làm cho tôi thấy hạnh phúc vì mình đã đóng góp được một phần nhỏ vào cho cuộc sống bà con, cho các em học sinh...

Có thể nói hàng ngàn chuyến đi của tôi còn muôn vàn khó khăn và nguy hiểm. Song tôi không nản, không nao núng, chỉ với một mục tiêu duy nhất là chuyển thông tin nhanh nhất đến tay bạn đọc. Và bà con vùng đất nghèo Keng Đu, Nhôn Mai hoặc vùng lũ Yên Tĩnh … rất cần những bài báo đó.

Và chính bản thân tôi cũng mong những bài báo đến với độc giả để đọc giả thấu hiểu hơn về cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ của con người vùng núi biên giới Việt - Lào đang ngày đêm chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ...

Còn tôi, sau mỗi chuyến đi, tôi thấy yêu nghề hơn! Và tôi thầm nghĩ, bước chân tôi còn bước thì tôi hãy còn đi, tôi sẽ đi nhiều hơn nữa tới các bản làng xa xôi hẻo lánh nhất của mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng gió Lào này.
 
PV Dân trí có mặt tại xã biên giới Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) - cách TP Vinh gần 350km.
PV Dân trí có mặt tại xã biên giới Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) - cách TP Vinh gần 350km.
 
 
Mara Phan