1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lễ hội Đền Vua Quang Trung trên đỉnh Dũng Quyết

(Dân trí)- Lễ hội Đền vua Quang Trung là hoạt động tâm điểm cho chuỗi các hoạt động chào mừng sự kiện 220 năm Phượng Hoàng-Trung Đô và Vinh được công nhận đô thị loại 1. Trong nghi ngút trầm hương, hàng ngàn người thành kính dâng hương tưởng niệm người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Trẩy hội Đền vua Quang Trung

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ được xây dựng trên đỉnh thứ 2 của núi Dũng Quyết, cao 92 m so với mặt nước biển.

Chính nơi đây, ngày 1/10/1788, Hoàng đế Quang Trung đã hạ chiếu cho xây dựng Phượng Hoàng - Trung Đô. Ngay trên mảnh đất năm xưa này, tròn 220 năm sau, ngày 7/5/2008 đền thờ Vua Quang Trung đã được khánh thành.  

Công trình gồm các hạng mục chính như khu Tiền đường, Trung đường, Hậu cung, nhà Tả vu, Hữu vu... được thiết kế hoành tráng, giao hoà với thiên nhiên. Đền thờ là ý nguyện của nhân dân tôn vinh người anh hùng áo vải của dân tộc, đây trở thành một địa chỉ văn hoá, du lịch hấp dẫn du khách.

Lễ hội Đền vua Quang Trung được coi là hoạt động đầu tiên và tâm điểm cho chuỗi các hoạt động chào mừng sự kiện 220 năm Phượng Hoàng - Trung Đô và TP Vinh được công nhận đô thị loại 1.

Từ sáng sớm ngày 6/10, tại khu Hạ điện, lễ Khai quang đã diễn ra trong háo hức của du khách thập phương tề tựu về đây. Dòng người nô nức đổ về núi Dũng Quyết mỗi lúc một đông, ai cũng chung lòng thành kính dâng hương.

Lễ hội Đền Vua Quang Trung trên đỉnh Dũng Quyết - 1

Ông Hoàng Đăng Hảo, Chủ tịch UBND TP Vinh đánh trống khai hội. (Ảnh: CĐ)

Bà Lê Thị Xuân, quê ở Thanh Hoá đã khăn đóng áo dài cùng con cháu có mặt tại Đền thờ Vua Quang Trung từ sáng sớm. Năm nay bà Xuân đã 71 tuổi, bà từng đi thăm quan nhiều đền chùa trong cả nước, đi lễ Đền Vua Quang Trung, bà cảm nhận: "Đền thờ Vua Quang Trung toạ lạc ở vị trí tuyệt đẹp, phong thuỷ hữu tình. Nếu ở gần đây, tôi sẽ một tháng đôi tuần được sớm chuông chiều mõ, thành tâm hương khói".

Trong nghi ngút trầm hương, TS Nguyễn Quang Hồng, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Vinh say sưa hướng dẫn sinh viên tham quan. Vị Tiến sỹ này tấm tắc cho PV Dân trí biết cảm nhận của mình: "Càng nghiên cứu, sưu tầm càng thấy công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung với đất nước ta, với mảnh đất xứ Nghệ địa linh nhân kiệt. Một lễ hội xứng tầm với công lao đó, thiết nghĩ đã thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta".

Lung linh Dũng Quyết
 
Lễ hội Đền Vua Quang Trung trên đỉnh Dũng Quyết - 2

Đền thờ Vua Quang Trung trên đỉnh núi quyết. (Ảnh:  Cao Đông)

Hoàng hôn đã buông, vậy mà đường lên đỉnh Dũng Quyết vẫn dập dìu người đi. Ngay trước sân điện chính, những thiện nam tín nữ đã sẵn sàng cho buổi lễ.

"Tôi cảm thấy rất vinh dự và hồi hộp. Lòng ngưỡng mộ vị Hoàng đế toàn tài, anh minh như tiếp thêm tinh thần để tôi thể hiện thành công vai diễn, diễn tả được thần thái oai nghiêm của Ngài trước công chúng" - Nghệ sỹ Quang Thuận, người thể hiện vai Hoàng đế Quang Trung phấn khởi dành chút thời gian trước buổi diễn để chia sẻ với chúng tôi.

Không gian sân khấu hoành tráng tái hiện thuở xưa Quang Trung hành quân thần tốc chinh Nam, dẹp Bắc hiện ra. Hoàng đế Quang Trung xuất hiện giữa lung linh trời mây và đèn hoa trên đỉnh Dũng Quyết gợi ấn tượng và xúc động mạnh mẽ trong lòng người xem. Không gian Đền thờ Vua Quang Trung trở nên linh thiêng lạ thường.

 

Lễ hội Đền Vua Quang Trung trên đỉnh Dũng Quyết - 3


Nhân kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung đô và TP Vinh đón nhận lên đô thị loại một, TP Vinh đã tổ chức thi sáng tác biểu tượng cho thành phố, tác phẩm biểu tượng TP Vinh của tác giả Phạm Tam (Trường ĐH Kiến trúc TPHCM) đã được chọn khi vượt qua 151 tác phẩm của 65 tác giả khác tham gia dự thi.

Trong vi vút ngàn thông huyền ảo trên đỉnh Dũng Quyết, dường như đất trời đã hội tụ, giao hoà khiến thời gian như ngưng đọng giữa khoảnh khắc đậm màu tâm linh.

Phóng tầm mắt, thành Vinh nhấp nháy đèn hoa, sông Lam uốn lượn thao thiết chảy giữa những quầng sáng dọc đôi bờ.

Chợt lời dẫn đầy hào sảng cất lên: "Cách đây 220 năm, sau khi lên ngôi Hoàng đế rồi tiến quân ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh xâm lược, khi dừng chân lại quê cha đất tổ Nghệ An, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã nhận định: "Vùng đất Yên Trường có vị trí chiến lược quan trọng và thuận lợi cho việc xây dựng Kinh đô".

Vì thế, ngày 3/9 năm Thái Đức thứ 11 (Tức ngày 1/10/1788), Hoàng đế Quang Trung gửi chiếu cho La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp quyết định lựa chọn vùng đất này để định đô, lấy tên là Phượng Hoàng - Trung Đô.

Thành Phượng Hoàng trở thành một dấu son lịch sử trong cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Hoàng đế Quang Trung, trở thành dấu ấn cho sự hình thành và phát triển của TP Vinh sau này".

Từ đây, những con phố, tên đường, ngọn núi, dòng sông nơi thành Vinh một thời hoa lửa bỗng trở nên thân thương hơn. TP Vinh vươn lên thành đô thị loại 1 hoà trong niềm vui lễ hội Đền Vua Quang Trung.

Ngô Doanh - Trần Hải - Quốc Cường