Chuyện những nhà khoa học rà phá thuỷ lôi (kỳ 2)
(Dân trí) - Thực tế rà phá thuỷ lôi ở Bến Thuỷ - Cửa Hội, với bao tổn thất đau lòng, xoáy sâu vào lương tâm và trách nhiệm các kỹ sư tham gia công trình T5. Câu kết luận là: Chỉ có phương tiện rà phá điều khiển từ xa mới tránh được thương vong.
Kỳ II: Trước cái chết và thương tật của bao đồng đội...
Những tấm mộ chí đá xanh và vết sẹo như một nhát gươm chém
Nơi công tác của chúng tôi là đội rà phá thuỷ lôi ở cảng Bến Thuỷ - lời PGS, KS Đoàn Nhân Lộ. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ anh đội trưởng tên là Ninh. Đội ở trong mấy gian nhà lá, gồm khoảng vài chục anh chị em, kể cả mấy o cấp dưỡng, y tá. Nghe các anh, các o đàn hát, thật khó tưởng tượng đó là những con người ngày ngày cận kề bên cái chết! Trên nền nhà, đặt một loạt mộ chí đá xanh, khắc tên từng người đã hy sinh, ngày mất, nơi xảy ra trận đánh. Anh Ninh vuốt vuốt mớ tóc loà xoà trước trán, nói:
- Khi anh em mất, chúng tôi chưa kịp lo tươm tất, vì còn phải lao vào mở luồng, thông tuyến. Giờ mới đem những tấm mộ chí kia đến dựng ở những nơi anh em yên nghỉ.
Anh Ninh lại đưa tay vuốt mớ tóc. Chúng tôi chợt thấy, giữa trán anh có một vết sẹo dài, chênh chếch, như từng bị một nhát gươm chém.
- Đây là vết sẹo tôi bị trong khi rà phá thuỷ lôi! - Anh đội trưởng kể. Từ 1964 đến nay 1968, địch luôn đánh phá ác liệt vùng khu Bốn cũ. Sau khi Johnson tuyên bố "ném bom hạn chế", thì dải đất từ cầu Bùng trở vào càng bị ném bom... không hạn chế! Trên đất liền, Mỹ ném bom phá, bom bi, bom cháy, bom hơi, bom từ trường... Trên sông nước, chúng thả thuỷ lôi MK-42 mô-đen 0, mô-đen 1, hết sức nhạy cảm trước các biến thiên của từ trường dù rất nhỏ.
Là nhà khoa học, kỹ sư, các anh hiểu rõ điều này hơn chúng tôi. Chiếc thuyền gỗ đi qua, thế mà quả thuỷ lôi cũng nổ! Vì thuyền đóng đinh sắt! Nhưng, chiếc thuyền nan đi qua, quả thuỷ lôi vẫn cứ nổ! Tại sao? Thì ra anh thuỷ thủ đeo thắt lưng da với khoá sắt mạ kền!
Cách rà phá của chúng tôi lúc đầu là phóng ca-nô lướt thật nhanh, khiến thuỷ lôi chỉ kịp nổ... vuốt đuôi! Cũng có lúc thành công. Đằng sau ca-nô, liên tiếp dựng lên những cột nước trắng xoá. Nhưng cũng lắm khi nó nổ ngay trước mũi, hoặc, tai hại hơn, nổ dưới buồng lái! Ca-nô bị hất tung lên, tan thành từng mảnh! Thuỷ thủ, thợ máy hy sinh! Nếu quả thuỷ lôi nổ chếch đi một chút, thì có khi chiếc ca-nô chỉ bị tung lên mà không tan vỡ. Người ngồi trên, trong trường hợp ấy, thường không chết vì mảnh bom (bom nổ dưới nước không nhiều mảnh như nổ trên cạn) mà chết, bị thương vì sức ép. Có anh va đầu vào xà ngang ca-bin vỡ sọ, chùn xương sống; có anh đập người vào thành ca-bin gãy tay. Trường hợp của tôi là vậy, bập trán vào cái xà ngang, để lại một vết sẹo dài, chênh chếch, như bị một nhát gươm chém...
"Ông cụ" tuổi bốn mươi và câu hỏi nghiệt ngã
Chúng tôi mải nghe chuyện anh Ninh, không chú ý đến một ông cụ chống gậy bước vào. Có lẽ không phải một ông cụ, vì khuôn mặt còn trẻ, mái tóc đen, dày. Chỉ có cái lưng còng trĩu xuống. Trong ánh đèn dầu tù mù, thật khó đoán người mới bước vào ở độ tuổi nào.
- Xin giới thiệu đây là anh Vân, đội phó. Anh đang nghỉ, chờ xe ra Hà Nội, chữa thương tật. Như tôi đã nói, khi thuỷ lôi nổ, do va đập, anh Vân bị chùn xương sống, còng lưng...
Bấy giờ, chúng tôi mới hỏi kỹ: Hoá ra "ông cụ" chưa đên bốn mươi!
- Nghe nói tối nay có các anh kỹ sư ngoài Hà Nội vào, tôi cố chống gậy sang - anh Vân nói. Các anh hãy chế tạo những loại phương tiện rà phá ít nguy hiểm hơn, để đỡ tổn thất xương máu cho chúng tôi.
- Cách rà phá của bọn tôi hiện nay còn thô sơ lắm - anh Ninh tiếp lời. Không còn dùng loại ca-nô sắt thép nữa, mà dùng thuyền nan, thuyền gố đóng đinh nhôm, đinh đồng. Các anh kỹ sư gọi nó là gì nhỉ?
- Thuyền tiêu từ (vì loại bỏ hết các vật liệu sắt từ).
- Vâng, anh em đi rà phá ngồi trên thuyền tiêu từ. Chiếc thuyền kéo theo sau một tấm lưới có buộc chặt một thỏi nam châm. Thuyền không mui, để tránh va đập. Thuỷ thủ mặc quần cộc, mình trần, đeo phao cứu sinh, tay ghì chặt lấy cọc thuyền. Con thuyền đi qua, quả thuỷ lôi chưa nổ. Tấm lưới có nam châm quét qua, quả thuỷ lôi mới nổ. Anh em ngồi trên thuyền bị hất văng xuống sông, nhưng như thế, vẫn ít nguy hiểm hơn là đập đầu vào mui thuyền. Nếu không ngất xỉu, thì cứ từ từ bơi vào bờ. Nếu ngất xỉu, thì có phao cứu sinh nâng đầu lên, cứ thế trôi xuôi dòng nước, đồng đội từ trên bờ chèo đò con ra vớt. Thường rà phá về đêm. Sông nước mênh mông, vắng lặng. Thuỷ lôi có thể nổ bất cứ lúc nào! Thần kinh căng như sợi dây đàn! 1 phút... 30 giây... 10 giây nữa... cái chết rất có thể ập tới! Đã có hôm thuỷ lôi nổ ngay dưới bụng thuyền tiêu từ!...
Những ngày sống chung với anh em ở đội rà phá Bến Thuỷ, chúng tôi coi mình như người trong đội, đeo phao cứu sinh, mặc quần cộc, ngồi thuyền tiêu từ, đi phá thuỷ lôi dọc sông Lam ra đến Cửa Hội. Trên mặt sông, thỉnh thoảng lại thấy phất phơ những cọc tre xanh, còn cả lá tươi, do dân quân vừa mới cắm xuống, để đánh dấu nơi thuỷ lôi rơi.
Chuyến vào khu Bốn năm 1968 khiến chúng tôi càng thấm thía: Chỉ có điều khiển từ xa mới tránh được thương vong. Bất cứ phương tiện nào còn cần đến người lái ngồi ngay trên phương tiện, thì nguy hiểm vẫn còn. Phải nhanh chóng hoàn thiện T5, sớm một ngày là một ngày đỡ thương vong cho đồng đội. Đòi hỏi ấy nghiêm khắc biết bao, cấp bách biết bao!
Người cán bộ kỹ thuật có thể nào cứ ngồi nhẩn nha đàm đạo hoài về những lý thuyết cao siêu, hoặc toan tính quá lâu, quá "khôn ngoan" cho những thiệt hơn của cá nhân mình? Cái chết và những thương tật suốt đời của bao thuỷ thủ, thợ máy cứ xoáy sâu vào lương tâm, trách nhiệm của mỗi chúng tôi. Thực tế đặt ra bao vấn đề nghiệt ngã!...
Nhiều kỹ sư ưu tú tham gia công trình
Một số kỹ sư tham gia công trình tàu T5 (từ trái sang phải): Phạm Văn Hiến, Đoàn Nhân Lộ, Nguyễn Hữu Bảo, và Nguyễn Văn Thắng. |
Công trình tàu T5 phá thuỷ lôi điều khiển từ xa - PGS, KS Đoàn Nhân Lộ nhắc đi nhắc lại - là một công trình tập thể. Anh Nguyễn Hữu Bảo, kỹ sư điện tàu thuỷ ở Phân viện Thiết kế tàu thuỷ, Bộ Giao thông - Vận tải, là chủ nhiệm công trình. Tôi được anh Bảo mời cộng tác để giải quyết các vấn đề về vô tuyến điện...
Những lệnh khác nhau của người điều khiển được biến thành những mã hiệu điện khác nhau, và, qua ăng-ten máy phát, được truyền đi bằng sóng điện từ với điều chế khác nhau. Sóng điện từ truyền lan trong không gian. Qua ăng-ten, máy thu nhận được, đưa vào bộ phận dịch mã, xem mã đó ứng với lệnh gì, rồi truyền lệnh đó cho cơ cấu chấp hành quay chân vịt hay bẻ bánh lái...
Về nguyên lý, chúng tôi không có khám phá gì mới. Khó khăn gặp phải chính là trong thực hành! Với số vật tư ít ỏi, gồm những linh kiện nhặt nhạnh được từ xác máy bay Mỹ và từ một vài nguồn khác, làm thế nào để lắp ráp được máy phát và máy thu cần có?
Nhớ lại những ngày đi thử cự ly - vẫn là lời PGS Đoàn Nhân Lộ - tôi đứng trên nóc cái lô-cốt ngầm bên nhà Bác Cổ (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), máy phát và bộ pin bên mình. Anh Bảo mang máy thu và một bộ pin khác, ngồi đằng sau xe đạp một ông bạn. Xe từ từ lăn bánh dọc đường Bờ Sông, qua Bệnh viện Hữu Nghị, xuống Nhà máy Xay Lương Yên. Người qua đường có thể tưởng anh Bảo đi câu cá, bởi vì cần ăng-ten được nguỵ trang thành cần câu! Đứng trên nóc lô-côt, tôi bấm nút cho máy phát truyền đi những tín hiệu khác nhau. Anh Bảo theo dõi xem đến cự ly nào thì tín hiệu quá yếu, máy thu không bắt được. Chúng tôi đi thử ở những địa hình khác nhau, giữa cánh đồng, trên hồ Tây, ở bến Chèm... để xác định xem ở mỗi loại địa hình, với cự ly bao nhiêu, thì nhận được tín hiệu điều khiển.
Vậy là, với thiết bị tự chế, chúng tôi đã có thể điều khiển con tàu bằng tín hiệu vô tuyến điện ở khoảng cách 1,5 - 5 km, tuỳ theo địa hình. Nhưng, có thiết bị điều khiển rồi, chưa phải đã có con tàu. Còn bao việc khác phải làm như thiết kế, chế tạo các bộ rơ-le, bộ công-tắc từ, các thiết bị điện, cơ khí... Nhiều kỹ sư ưu tú được huy động tham gia công trình: Nguyễn Hữu Bảo thiết kế hệ thống truyền động điện; Đinh Ngọc Liễn thiết kế hệ thống truyền động cơ giới; Phạm Văn Đương tham gia thiết kế phương án chọn tần cải tiến. Các kỹ sư trẻ Lương, Đăng, Thắng... tham gia chế tạo và điều khiển con tàu.
Việc thử nghiệm con tàu điều khiển từ xa đầu tiên ở nước ta luôn nhận được sự khích lệ của các vị lãnh đạo: Tố Hữu, Tạ Quang Bửu, Phan Trọng Tuệ, Lê Khắc...
(Còn nữa)
Hàm Châu