1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Vị tướng cận vệ và 6 ngày đêm bảo vệ Bác

(Dân trí) - Đón chúng tôi tại căn nhà nằm khuất trong một ngôi biệt thự cổ trên phố nhà binh, Thiếu tướng Trần Kinh Chi vẫn quắc thước và tráng kiện. Xuất thân từ một chiến sĩ công an, rồi trở thành vị tướng với cương vị Cục trưởng Cục bảo vệ an ninh quân đội, Thiếu tướng Trần Kinh Chi vinh dự là người được nhiều lần bảo vệ Hồ Chủ tịch, ngay từ thời Cách mạng còn trứng nước, cho đến khi Người về cõi vĩnh hằng...

Nhiệm vụ đặc biệt

 

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời binh nghiệp mấy mươi năm của tôi là 6 ngày bảo vệ Bác trong một chuyến công tác chiến trường. Đó là ngày đầu tiên, tôi trở thành người của quân đội và cũng là lần đầu, tôi được gặp Bác.

 

Một buổi chiều cuối tháng 12 năm 1950, chiến dịch Trung Du vừa kết thúc, Tướng Nguyễn Chí Thanh khi đó là Chính uỷ Bộ tư lệnh tiền phương gọi tôi đến và nói: “Chú Kinh, chú đi với anh”. Quàng ba lô lên vai, tôi theo anh Thanh mà không biết là đi đâu, làm gì. Lên một chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm thu được sau chiến dịch Biên Giới, chúng tôi đi qua chợ Chu, qua bến Bình Ca xuôi theo đường 2, xe đến Trạm Thản (Phú Thọ) khi trời đã giữa khuya, anh Nguyễn Chí Thanh cho xe đỗ bên một quán nước liêu xiêu vệ đường dặn tôi ở lại và đi về phía bìa rừng.

 

Phần tôi, vì đói và thấm mệt sau một chiến dịch lớn nên ngủ lúc nào không hay. Rạng sáng, bất chợt tôi nghe thấy tiếng anh Thanh lay dậy. Đi được vài bước chân, anh nói ngắn gọn nhưng giọng đanh thép: “Chú được cử đi bảo vệ Bác, nhớ hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Người tôi rân rân một cảm giác rất lạ. Nghe về Bác thì nhiều nhưng gặp mặt thì chưa một lần nào nên với một chiếc sĩ trẻ như tôi khi đó, cảm giác “ngợp” là khó tránh khỏi.

 

Đến bên chiếc xe Jeep đang đỗ, Chính uỷ Bộ Tổng Tư lệnh Nguyễn Chí Thanh nói trong xe: “Báo cáo Bác, đây là chú Kinh sẽ theo bảo vệ Bác”. Lúc đó, tôi mới nhìn thấy Bác cùng một số người nữa. Chưa hết run vì bất ngờ thì Người bảo: “Chú Kinh đi với Bác thì lên đây”.

 

Lúc này, có 8 người trên chiếc xe nhỏ, nên Bác tự xếp chỗ cho mọi người và ân cần bảo: “Chú Kinh ngồi ghế trước với Bác vì chú làm bảo vệ”. Tôi không ngờ một vị lãnh tụ thiêng liêng và vĩ đại trong tâm tưởng bao người lại giản dị và chu đáo đến vậy!

 

Bài học đầu đời

 

Xe xuyên đêm đen và rừng thẳm, đến khoảng 5 giờ sáng thì tới xã Hiền Lương (Ấm Thượng, Phú Thọ). Đây là nơi đóng quân của sư đoàn 312 - sư đoàn vừa đánh thắng trong chiến dịch Trung Du. đồng chí Sư trưởng Sư 312 là Tướng Lê Trọng Tấn cùng một số cán bộ chỉ huy ra đón.

 

Vị tướng cận vệ và 6 ngày đêm bảo vệ Bác - 1

Thiếu tướng Trần Kinh Chi bây giờ.
 

Thấy bộ đội nằm ngủ la liệt khắp trong nhà, ngoài sân, các cán bộ chỉ huy định gọi dậy, nhưng Người nhẹ nhàng ngăn lại: “Bộ đội vừa đánh giặc xong, còn mệt, cứ để cho các chú ấy ngủ. Ta vào nhà làm việc”. Rồi Người vào việc luôn dù vừa đi chặng đường dài và vất vả. Sau đó, Bác còn dành thời gian nói chuyện với bộ đội.

 

5 giờ chiều cùng ngày, đoàn xe đưa Bác đến Tuyên Quang. Dọc đường đi, trẻ con từ hai bên đường chạy theo xe hò reo ầm ĩ, tôi lo quá, vội quát lũ trẻ để ngăn lại, Bác quay sang nói với tôi, giọng nghiêm khắc: “Trẻ nhỏ thấy lạ chạy xem thì ta dừng lại, bảo các cháu về chứ sao lại quát?”. Bất ngờ vì bị Bác “chỉnh”, nhưng với tôi, đó lại là bài học đầu đời về cách cư xử với quần chúng mà Bác Hồ khuyên bảo.

 

Chuyến đi tiếp tục tới đại bản doanh của Bộ chỉ huy tiền phương Bộ tổng tư lệnh. Vào đến nơi Bác hỏi ngay: “Chú Văn (đại tướng Võ Nguyên Giáp) đâu?”. Mọi người thưa Bác là đại tướng đang ngủ trong nhà. Bác không cho mọi người lay gọi mà dắt tay tôi cùng đi vào lán trong, Bác dừng lại khá lâu trước cửa phòng đại tướng. Ánh mắt Bác nhìn đại tướng như người cha nhìn người con đang chìm trong giấc ngủ say sau những đêm dài chinh chiến...

 

Hết xăng thì Bác đi bộ

 

Biết Bác đi nhiều ngày liên tục chưa ngơi nghỉ, anh Văn có ý giữ lại: “Mai Bác về có được không?”. “Đến thăm các chú một lúc, Bác phải đi ngay trong chiều nay”. Anh Văn gọi với ra ngoài: “Hỏi cần vụ xem có sẵn xăng không...”. Biết ý anh Văn, Bác nói luôn: “Có xăng hay không Bác cũng về”. “Nhỡ đâu dọc đường hết xăng, không lẽ...”, Bác ngắt lời: “Hết xăng thì Bác đi bộ”. Anh Văn đành ngồi im.

 

Vừa lúc đó, anh Nguyễn Chí Thanh đi về gặp tôi ở ngoài, hỏi tôi tình hình sức khoẻ của Bác và cũng có ý giữ Bác lại. Tôi nói anh Văn cũng chịu thua rồi, Bác nhất quyết đòi về. Anh Thanh nheo mắt nói “Cái này để tôi” và lanh lẹ bước vào phòng. Ít phút sau, anh Thanh mang vẻ mặt rầu rầu bước ra ngoài, nói với tôi: “Gàn thế nào Bác cũng đòi về, tôi cũng chịu rồi đấy”. Và chiều đó, anh em cận vệ theo xe Jeep đưa Bác về Chiêm Hoá - Thái Nguyên.

 

Những ấn tượng về Bác để lại trong tôi sâu nặng, nên với Người, ngoài trách nhiệm của một chiến sĩ cận vệ , còn là tình cảm của người con với cha. Những tình cảm đó cứ lớn dần sau mỗi ngày, mỗi giờ sống bên Bác.

 

Phúc Hưng (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm