1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tử hình bằng tiêm thuốc độc: Chuyện ghi trước “Giờ G”

Còn chưa đầy 1 tháng nữa, Nghị định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ có hiệu lực thi hành, tuy nhiên cho tới thời điểm này, với những người trực tiếp làm công tác thi hành án hình sự vẫn đang còn một núi công việc phải làm…

Theo quy định của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP "Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc", từ 1/11/2011, tiêm thuốc độc sẽ thay cho xử bắn đối với các phạm nhân bị tuyên án tử hình. Đây là một thay đổi quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp ở Việt Nam thể hiện sự văn minh và nhân đạo của pháp luật.

I- Tôi tìm đến Trại tạm giam số 1 của Công an Hà Nội, đặt tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, vào một buổi tối cuối tháng 9. Dù đã chuyển từ phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm về xã Xuân Phương từ năm 1993, nhưng "dân gian" vẫn quen gọi Trại tạm giam số 1 này bằng cái tên trại "Hỏa Lò mới". Con đường từ ngã 3 thị trấn Cầu Diễn đi vào Hỏa Lò mới dài chừng 4km, càng vào sâu càng vắng vẻ bởi đây là con đường cụt mà tận cùng con đường này là khu xử lý rác thải của Công ty Môi trường đô thị và trường bắn Cầu Ngà, nơi đền tội của các tử tù.

Trước năm 1993, trường bắn Cầu Ngà chỉ là nơi sản xuất gạch của dân. Khi Trại tạm giam chuyển về thì khu đất trống này mới được giao cho Trại quy hoạch thành trường bắn.

Tử tù "xông đất" trường bắn Cầu Ngà là Huỳnh Thức, tháng 3/1993 trại tạm giam chuyển về đây thì tháng 4 năm ấy, tử tù Huỳnh Thức bị thi hành án.

18 năm qua, trường bắn Cầu Ngà là nơi trừng phạt những tử tù bị giam giữ ở Trại tạm giam số 1. Trong số những tử tù đã bị thi hành án ở đây có những cái tên gắn với những vụ án lớn như Khánh "Trắng", Vũ Xuân Trường…

Tử tù bị xử bắn gần đây nhất ở Cầu Ngà là Nguyễn Văn Hưng, thi hành án ngày 24/6/2011. Sinh năm 1989 tại xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng "Chày") là thủ phạm vụ giết người, cướp xe ôm tại cánh đồng Giềng, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) từ năm 2008.

Do thiếu tiền ăn chơi nên tối 8/7/2008, Hưng ra khu vực gầm Cầu Vượt (Phú Diễn) thuê anh Nguyễn Đăng Thực (SN 1961, trú ở tổ 2, phố Cầu Vượt, thôn Kiều Mai, Phú Diễn, Từ Liêm) chở về xã Liên Hiện. Khi đến khu vực cánh đồng Giềng, Hưng dùng dao đâm 5 nhát khiến anh Thực tử vong tại chỗ rồi cướp đi chiếc xe Dream. Hưng đem chiếc xe cướp được đi cắm được 9 triệu đồng rồi mang đi đánh bạc. Sau khi nướng gần hết số tiền vào "sới" bạc, Hưng bỏ trốn vào miền Nam. Cuối tháng 7/2008, Hưng bị bắt khi đang lẩn trốn ở địa bàn xã Tân Hà, huyện Tân Châu (Tây Ninh).

Sẽ chẳng có gì phải nói về Nguyễn Văn Hưng, bởi chẳng riêng gì Hưng mà tất cả những tử tù bị thi hành án ở trường bắn Cầu Ngà này đều là những kẻ đã phạm phải những tội ác khủng khiếp, không buôn ma túy thì cũng giết người, cướp tài sản. Nhưng Nguyễn Văn Hưng là tử tù cuối cùng bị tử hình bằng hình thức xử bắn, hay nói cách khác, Hưng là tử tù "khóa sổ" trường bắn Cầu Ngà, vì từ ngày 1/7/2011, theo Luật Thi hành án hình sự (THAHS), tử tù bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Trước kia, chịu trách nhiệm thi hành án tử hình đối với các bị án là một đội công tác thuộc Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp - CATP Hà Nội. Sau khi Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp được tách ra, lực lượng hỗ trợ tư pháp sáp nhập với một số phòng nghiệp vụ khác, có tên gọi mới là Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Một cán bộ Trại tạm giam số 1 bảo rằng vẫn biết việc tử hình là nhiệm vụ phải làm nhưng anh em khi thực hiện nhiệm vụ ít nhiều đều mang tâm lý nặng nề. Vì vậy, sau mỗi lần anh em thực hiện nhiệm vụ, các anh đều tìm cách động viên anh em, nhất là với những chiến sĩ trẻ.
 
Tử hình bằng tiêm thuốc độc: Chuyện ghi trước “Giờ G” - 1

II- Trên thế giới hiện nay, trong số gần 80 nước đang áp dụng án tử hình thì có hơn 30 nước áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Tại châu Á, nhiều nơi cũng áp dụng biện pháp này như Thái Lan, Đài Loan. Riêng Trung Quốc có 2 biện pháp thi hành hình phạt tử hình đối với tử tội là xử bắn và tiêm thuốc độc. Hình thức xử bắn được áp dụng đối với các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, cần răn đe phòng ngừa mạnh mẽ. Các trường hợp khác áp dụng hình phạt tiêm thuốc độc.

Tại Mỹ, nhiều tiểu bang đã áp dụng tiêm thuốc độc để thi hành án tử hình thay cho các biện pháp ghế điện, phòng hơi ngạt và một số biện pháp khác. Bản chất của biện pháp này là tiêm vào người tử tội một liều thuốc độc, thường gồm 3 loại: một để gây mê, một để cơ bắp và thần kinh ngưng hoạt động và một để làm cho tim ngừng đập. Thường các tử tội chết trong vòng từ 10 đến 15 phút sau khi bị tiêm thuốc độc.

Tuy nhiên, ở Việt Nam để việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc được quy định rõ trong luật như hiện nay đã trải qua một quá trình xây dựng luật khá công phu. Vậy mà khi đưa ra trình trước Quốc hội vẫn còn tranh cãi với những ý kiến trái ngược.

Tôi vẫn nhớ buổi sáng hôm 24/5/2010, tại diễn đàn Quốc hội khóa XII, trong phần thảo luận về dự thảo Luật THAHS, vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh luận.

Bữa ấy, báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba cho biết, có tới 3 luồng ý kiến khác nhau về hình thức tử hình: thứ nhất, đề nghị quy định hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; loại ý kiến thứ hai đề nghị dự thảo Luật quy định hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn; loại ý kiến thứ ba đề nghị quy định cả hai hình thức thi hành án… Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII đã thông qua luật và quy định chỉ có một hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc. Dài dòng một chút như vậy để thấy rằng để ra được Nghị định này là cả một quá trình công phu của những người xây dựng pháp luật, bởi đây không chỉ là việc trừng phạt của pháp luật với những người vi phạm pháp luật mà nó còn liên quan tới tập quán, văn hóa của người phương Đông.

Các chuyên gia về pháp luật cho rằng việc tử hình bằng tiêm thuốc độc phù hợp với xu thế chung về thi hành án hình sự của các nước trên thế giới; thể hiện giá trị nhân văn về mặt pháp lý, làm giảm đi những hạn chế của hình thức xử bắn như về pháp trường tổ chức thi hành án; về áp lực tâm lý với cán bộ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án, đồng thời là nhân đạo nhất, nhẹ nhàng nhất đối với tử tù và cũng là tốt nhất đối với người thi hành án, người bị thi hành án tử hình ít bị đau đớn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn…
 
Tử hình bằng tiêm thuốc độc: Chuyện ghi trước “Giờ G” - 2
Phòng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ở Mỹ. Ảnh: Internet

III- Theo quy định, trang bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc gồm: giường nằm có các đai cố định người bị thi hành án; ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án và các dụng cụ, trang thiết bị khác.

Thuốc dùng tử hình là một liều thuốc gồm 3 loại: thuốc Sodium thiopental để gây mê; thuốc Pancuronium bromide dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp và cuối cùng là thuốc Potassium chloride dùng để ngừng hoạt động của tim.

Người bị đưa ra thi hành án tử hình được hưởng tiêu chuẩn ăn uống bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày lễ, tết quy định với người bị tạm giam.

Việc tử hình bằng tiêm thuốc độc sẽ thực hiện theo quy trình:

Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không cản sự lưu thông máu.

Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện theo các bước: chuẩn bị 3 liều (trong đó có 2 liều dự phòng). Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm, trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch. Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch được xác định cụ thể theo trình tự:

Tiêm 5 grams Sodium thiopental. Sau mũi tiêm gây mê này, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án phải tiến hành kiểm tra, nếu chưa bị mê thì tiếp tục thực hiện tiêm gây mê cho đến khi mê.

Tiếp theo là tiêm 100 miligrams Pancuronium bromide.

Cuối cùng là tiêm 100 grams Potassium chloride.

Sau khi tiêm phải kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh để sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện lần thứ hai.

Trường hợp đã tiêm hết hai liều thuốc mà người bị thi hành án vẫn chưa chết thì Đội trưởng Đội Thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh tiêm lần thứ ba.
 
Tử hình bằng tiêm thuốc độc: Chuyện ghi trước “Giờ G” - 3
Tử tù Vũ Xuân Trường làm thủ tục trước khi ra pháp trường. Ảnh: Nguyễn Như Phong
 

IV- Nhưng, dù đã có Luật và Nghị định quy định cụ thể như vậy, tuy nhiên để thực hiện thì còn phải được Chính phủ thông qua đề án triển khai thực hiện hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Vì chỉ khi đề án được phê duyệt thì mới có kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây nhà tử hình và mở lớp đào tạo cán bộ thực hiện… tức là còn một núi công việc phải làm.

 

Trong câu chuyện với tôi, một cán bộ Trại tạm giam số 1 của Công an Hà Nội cho biết, ngoài những phạm nhân đã bị tuyên án tử hình nhưng còn đang trong thời gian chờ Chủ tịch nước xét đơn xin ân xá thì ngay cả những người đã bị bác đơn cũng tiếp tục phải chờ thi hành án theo hình thức mới. Theo các cán bộ ở đây thì cho tới thời điểm này vẫn chưa biết việc tử hình bằng tiêm thuốc độc sẽ được thực hiện như thế nào.

 

Vậy thời điểm này, công tác chuẩn bị để thực hiện việc tử hình bằng tiêm thuốc độc đã và đang được tiến hành như thế nào?

 

Theo thông tin từ Tổng cục THAHS và Hỗ trợ tư pháp (HTTP) thì sau khi Thủ tướng phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự, để xây dựng đề án, Bộ Công an đã cử cán bộ của Tổng cục THAHS và HTTP, Vụ Pháp chế tham gia đoàn công tác của ủy ban Tư pháp của Quốc hội trực tiếp nghiên cứu, khảo sát thực tiễn mô hình thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ở Thái Lan. Nhân nói chuyện việc tử hình ở Thái Lan, một cán bộ của Tổng cục THAHS và HTTP  Bộ Công an, người đã tham gia đoàn công tác sang Thái Lan nghiên cứu phương pháp tử hình bằng tiêm thuốc độc, kể rằng Thái Lan đã phải mất tới 10 năm chuẩn bị từ năm 1993 tới 2003 họ mới chính thức áp dụng. Tính đến năm 2010, hàng năm Thái Lan mới thi hành được 1 bị án.

 

Không những thế, các cán bộ ở đây còn phải nghiên cứu tham khảo tài liệu báo cáo của Đoàn ủy ban Tư pháp của Quốc hội về kết quả khảo sát việc thi hành án bằng phương pháp này tại bang California (Mỹ).

 

Bộ Công an đã tổ chức lấy ý kiến tham gia của Công an các địa phương trong cả nước về địa điểm, cơ sở vật chất, lực lượng tham gia thi hành án. Khảo sát thực tế 15 Công an địa phương trong cả nước có số lượng người bị thi hành án tử hình nhiều tại 3 miền Bắc - Trung - Nam.

 

Sau đó Bộ Công an đã tổ chức hai cuộc hội thảo với các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, TAND Tối cao, VKSND Tối cao… để thống nhất việc sử dụng các loại thuốc dùng để thi hành án tử hình và các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ thi hành án. Đồng thời cũng đã có công văn lấy ý kiến của 7 bộ, ngành liên quan đến đề án… Cho tới thời điểm này, dự thảo đề án triển khai thực hiện hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc đã hoàn thành và đã được các cơ quan liên quan thẩm định.  Hiện nay, liên bộ Công an, Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể hơn việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

 

Theo dự thảo đề án này thì nhà thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc sẽ được xây dựng tại tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, dự kiến trước mắt 5 địa phương gồm Hà Nội, TP HCM, Sơn La, Đắk Lắk và Nghệ An sẽ được chọn để xây dựng nhà thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc đầu tiên trên cả nước. Theo kế hoạch thì vào cuối năm 2011 này, 3 lớp tập huấn cán bộ thực hiện thi hành án sẽ được mở.

 

Khi thời điểm Nghị định 82 sắp có hiệu lực: "Trong phạm vi chức trách của mình, chúng tôi đã và đang cố gắng hết sức hoàn tất các công việc được giao để luật có thể sớm được thực hiện" - Đó là khẳng định của cán bộ Tổng cục THAHS và HTTP khi làm việc với chúng tôi.

 

Theo Nguyễn Thiêm

Công an Nhân dân