Trên đỉnh đèo Hải Vân
Từ ngày 5/6, đường hầm xuyên đèo Hải Vân bắt đầu vận hành, đi vào sử dụng. Ôtô vào Nam ra Bắc giờ sẽ đi qua đoạn hầm này. Và vì thế, đỉnh đèo Hải Vân ngày đêm lộng gió sẽ trở nên hoang vắng ít người qua lại. Cuộc sống của người dân quanh năm bám trụ nơi đây vốn rất chật vật, lại càng trở nên khó khăn gấp bội.
Một nơi đầy hiểm hoạ
Đoạn đường từ Đà Nẵng lên tới đèo Hải Vân dài khoảng 20km. Những lần vượt đèo bằng ôtô, có nán lại ở đỉnh đèo lâu nhất cũng chỉ được 15 phút, nhìn ngắm trời mây theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa một lúc rồi lại vội vàng lên xe. Còn lần này mượn được chiếc xe máy, tôi có thể ở cả giờ đồng hồ trên đèo, tha hồ chuyện trò với những người dân bản xứ.
Vượt đèo bằng xe máy, cảm giác thật khác! Con đèo thật chẳng hổ danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, hùng vĩ và nguy hiểm hơn rất nhiều những gì tôi được chứng kiến khi ngồi trên tàu hoặc ôtô. Đường đèo, một bên là rừng cao, bên kia là vực sâu với những vách taluy dựng đứng. Trên sườn đèo, gió biển thổi vào lồng lộng. Nơi tôi đang đi cao hơn so với mặt nước biển tới gần 1.000m. Dưới chân là biển xanh, rì rào sóng vỗ.
Dưới chân đèo, những chiếc xe ôtô chầm chậm lăn bánh, nặng nhọc bắt đầu cuộc hành trình vượt đèo đầy thử thách. Chỉ cần lái xe hơi lơ đễnh, con đèo nguy hiểm bậc nhất này có thể quật đổ chiếc xe vào bất kỳ lúc nào, ở bất cứ đoạn đường nào. Một phút sơ sểnh có khi phải đánh đổi cả mạng người.
Qua đèo, xe khách, xe du lịch đều dừng lại để ngắm “đệ nhất hùng quan”. |
Đường vòng vo uốn éo như rắn lượn, bám theo những sườn núi. Những khúc cua tay áo cứ liên tục nối đuôi nhau, hết khúc này tới khúc khác. Gương cầu được dựng lên rất nhiều ở những khúc cua. Vậy mà tai nạn vẫn cứ diễn ra hằng ngày. Cả đoạn đường đèo dài 24 cây số, từ chân đèo bên này sang chân đèo bên kia tôi đếm được tới hơn 40 miếu thờ ven đường. Cứ vài chục mét lại thấy có một miếu nhỏ dựng ngay rìa đường, lạnh lẽo và u ám.
Ở lưng chừng đèo, trước khi tôi tới, một chiếc xe tải đổ lăn ngang ra rệ đường, may không ai chết. Cuộc thương lượng giữa hai bên diễn ra khá gay gắt. Tay có xe đổ mặt đỏ găng như tôm luộc, đòi 14 triệu thì mọi việc sẽ êm thấm, nhưng lái xe bên kia cho rằng mình không sai. Xem chừng hai bên khó lòng có được “tiếng nói chung”.
Có lẽ vì con đèo quá nguy hiểm nên nhà nước đã quyết tâm làm đường hầm Hải Vân xuyên núi, tiết kiệm thời gian vượt đèo chỉ còn 1/10 so với trước, tai nạn cũng giảm thiểu. Lợi thì thật lợi, nhưng đường hầm ấy đã làm thay đổi không biết bao nhiêu thân phận con người, những người đã bao năm nay lấy việc vượt đèo làm nguồn sống.
|
Gian nan cuộc sống đỉnh đèo
Tôi lên tới đỉnh đèo Hải Vân khi mặt trời đã xế bóng. Độ cao tại đây là 1.172m so với mặt nước biển. Chiều muộn, những chiếc xe khách chạy đường dài dừng nghỉ ít phút và hành khách tranh thủ thời gian ngắn ngủi để chụp ảnh và mua quà lưu niệm, chuyện trò lao xao. Bao giờ cũng vậy, xe khách khi bò lên tới đỉnh đèo thì dừng lại. Có hai lý do: Phần vì hành khách muốn dừng chân tham quan ít phút, phần vì nhà xe cũng muốn tranh thủ kiểm tra hệ thống phanh côn trước khi đổ đèo.
Đỉnh đèo có tới vài chục người bán hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống giải khát. Ở đây có khoảng 15 hộ sinh sống, còn lại là những người sống xung quanh chân đèo. Việc buôn bán khá sầm uất. Anh Nguyễn Tư, một người bán hàng giải khát ở đây nói: “Có lẽ sau khi thông hầm chúng tôi chỉ còn phục vụ được khách du lịch, số này chiếm không nhiều. Nếu buôn bán ế ẩm quá, tôi đành xoay sang nghề khác nhưng chưa biết sẽ làm gì bây giờ”.
Nhà anh Tư ở chân đèo Bắc Hải Vân. Đều đặn hàng ngày anh vượt đèo lên đỉnh lúc 6h sáng và trở về nhà lúc 7h tối, tần tảo kiếm sống. Vậy mà ngót nghét đã gần chục năm trời.
Anh Tư rút bao thuốc lá Ngựa Trắng mời tôi: “Buổi tối ở đây hầu như không có khách qua lại, nghề bán hàng chỉ ăn thua vào ban ngày thôi. Nhưng cũng có khi tôi ở lại qua đêm ở đây, kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy”.
Anh Tư đang viết thư nhờ thợ lên sửa máy phát điện. |
Thấy tôi và anh Tư trò chuyện, những người bán hàng khác dần dà vây lại xung quanh, trên tay lúc lỉu vòng đá, sao biển, bưu thiếp... Họ đoán chắc rằng tôi là khách du lịch. Đến khi vỡ lẽ thì tất cả lại giãn ra, chỉ còn hai người ngồi lại. Một là Nguyễn Thị Sương còn người kia là Lê Thị Hương. Tôi nói: “Lát nữa xuống chân đèo, chị nào quá giang em cho đi nhờ”. Đám phụ nữ bấm vai nhau cười khúc khích, còn chị Hương thì nhận lời ngay: “Cho chị xuống với, đỡ phải bắt xe khách”.
Thấy tôi có vẻ dễ gần, Hương và Sương ngồi xuống bênh cạnh, thi nhau giãi bày tâm sự. Chị Sương thật thà: “Nhà chị có 4 cháu, chồng là thợ xây. Tất cả đều trông chờ vào buôn bán ở đỉnh đèo. Nếu một mai không còn nhiều xe cộ qua đây, cuộc sống có lẽ sẽ vất vả hơn rất nhiều”. Chị kể nhiều tới những nỗi lo toan hàng ngày, từ chuyện học hành của con tới công việc của cả 2 vợ chồng. Nói chung tất cả đều rất chật vật, mệt mỏi...
Trời tối dần. Những người buôn bán như anh Tư đều phải dùng máy phát điện vì không có điện lưới. Anh Tư hôm nay ở lại đỉnh đèo, hiềm nỗi máy phát điện hỏng. Anh cấp tốc viết thư tay nhờ người mang xuống chân đèo, kêu thợ lên sửa. Hương sốt sắng giục tôi xuống núi. Trước khi ra về, chị vay anh Tư 10.000 đồng. Chị nói: “Cả ngày bán được đúng 5.000 đồng, phải vay thêm để sáng mai có tiền mua thức ăn cho con. Bán hàng thế này ngày được ngày không. Nay mai vắng xe cộ qua đây thì chắc chị chuyển nghề, đi vào rừng kiếm củi mỗi ngày cũng được 2 chục ngàn”.
|
Tôi xuống đèo. Muôn vạn bóng đèn ở Đà Nẵng đã phát sáng, đẹp lung linh huyền ảo. Nhìn chẳng khác nào một dải lụa hồng nổi lặng lờ trên mặt biển Đông. Những chiếc thuyền câu mực trên biển cũng bật đèn, chiếu sáng lấp lánh mặt nước. Đèo sâu hun hút, tối thẫm, gió thổi ù ù như có cối xay bên tai. Thỉnh thoảng, đèn pha từ những chiếc ôtô ngược chiều chiếu vào sáng loá mắt, tôi chẳng còn nhìn thấy được đâu là đường. Những lúc như thế chỉ còn cách đứng tấp vào lề đường.
Đi qua những ngôi miếu ven đường, bất giác tôi thấy rờn rợn. Lưng chừng đèo, chiếc xe tai nạn vẫn nằm nguyên như lúc tôi đi lên. Hải Vân thật hùng vĩ. Ngồi sau, giọng Hương đều đều kể về những vất vả trong cuộc mưu sinh thường nhật. Có lẽ sau khi thông hầm chị sẽ chẳng còn lên đỉnh đèo kiếm sống nữa. Cuộc sống trước mắt cũng mịt mù, đầy gian truân.
Đà Nẵng, tháng 6/2005
Lê Bảo Trung