1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Thăm những “sân khấu” thời chiến trong hang núi

(Dân trí) - Hang động Cố Liên và Bong ở dãy núi đá vôi hùng vĩ Yên Phú, xã Trung Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, từng là “sân khấu” diễn văn công, văn nghệ, hội họp của các đơn vị quân đội và nhân dân địa phương trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khám phá những kiệt tác từ thiên nhiên

Lâu nay tôi đã từng nghe người dân xã Trung Hóa nói nhiều về hang động Cố Liên và hang Bong trong lòng núi đá vôi ở xã Trung Hóa từng là “sân khấu” diễn văn công, văn nghệ, hội họp,… trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một ngày cuối hạ, trời nắng nóng như đổ lửa, tôi được anh Đặng Xuân Quyết ở thôn Yên Phú, xã Trung Hóa dẫn lên huyện miền núi rẻo cao Minh Hoá để “mục sở thị” vẻ đẹp kì vĩ và tìm hiểu về những giá trị lịch sử từ những hang động này.

Thăm những “sân khấu” thời chiến trong hang núi - 1
Cửa vào hang động Cố Liên

Cách thôn Yên Phú chừng 4km về phía Tây là hang Cố Liên. Miệng hang cao chừng 3m, rộng khoảng 2m nằm ẩn khuất sau những tảng đá vôi cao chót vót và rừng cây rậm xanh ngút che chắn bên ngoài. Vào cửa hang, bật đèn pin, phóng tầm mắt nhìn vào mới thấy cả một không gian rộng lớn nằm lọt phía trong. Dưới ánh đèn pin mờ ảo, một đàn dơi hàng trăm con giật mình bay loạn xạ. Sâu bên trong, ba đứa trẻ chừng 13 - 14 tuổi đang tò mò khám phá những nét bí ẩn kỳ vĩ của hang.

Thăm những “sân khấu” thời chiến trong hang núi - 2
Những em học sinh hào hứng khám phá những “sân khấu” thời chiến
 
Tôi và anh bạn cùng ba đứa trẻ bước xuống hang bằng những bậc thang đá do người xếp trước đây. Xuống sâu khoảng 10m, pha đèn pin quan sát xung quanh mới phát hiện ra nhiều nét lạ và bí ẩn. Hang có chiều dài khoảng 100m, rộng khoảng 25-30m, vòm cao khoảng 20m. Phía cuối hang có lối thông ra ngoài, ánh sáng hắt lên những tảng thạch nhũ muôn hình muôn vẻ.
Thăm những “sân khấu” thời chiến trong hang núi - 3
Sân khấu trong hang động Cố Liên

Trong hang Cố Liên có hai chỗ được bộ đội dùng đá kết thành 2 sân khấu để tổ chức văn nghệ, hội họp. Mỗi sân khấu rộng chừng 30m2, cao hơn mặt bằng hang khoảng 3m. Sân khấu được lát đá khá bằng phẳng. Phần móng phía trước được kết bằng những tảng đá to có bê tông gắn lại. Phía dưới sân khấu khá bằng phẳng có thể chứa khoảng 150 khán giả.

Rời hang Cố Liên với hai sân khấu được tạo nên từ những khối đá thiên nhiên, chúng tôi ghé thăm hang Bong cách đó không xa. Hang Bong có chiều dài khoảng 150m, nhưng ít thạch nhũ hơn. Hang có ba cửa ra vào từ các hướng.

Thăm những “sân khấu” thời chiến trong hang núi - 4

Xung quanh cột có nhiều hình thù đa dạng mà tạo hóa đã chạm khắc, khiến người xem thỏa sức tưởng tượng

Sân khấu trong hang Bong rộng hơn so với hang Cố Liên, có đường kính khoảng 15-17m, được thiết kế như sân bóng đá ngoài trời thu nhỏ. Phía trên sân khấu có một khối thạch nhũ hình người khổng lồ đeo dốc ngược. Khán giả ngồi xung quanh trên những tảng đá cao.

Chứng tích lịch sử bị lãng quên?

Thăm những “sân khấu” thời chiến trong hang núi - 5
Vẽ đẹp mê hồn trong hang động Cố Liên

Để hiểu rõ hơn về hang động Cố Liên và Bong, chúng tôi tìm gặp nhân chứng lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước - người từng gắn bó với 2 hang động này. Ông là Thái Xuân Thủ - nguyên là bộ đội thời chống Mỹ, là Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hóa thời đó.

Đã ngoài tuổi bát thập nhưng ông Thủ còn khá khỏe mạnh và minh mẫn khi nhớ lại quá khứ. Ông Thủ cho hay: “Hang Cố Liên là do một cụ già tên Liên ở xã Trung Hóa phát hiện ra từ lâu. Sau đó, cụ chuyển vào hang sinh sống và chết ở đó nên người ta lấy tên cụ đặt tên cho hang. Còn hang Bong là tên bản địa đã có từ thời xa xưa”.

Ông Thủ cho biết, trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, các đơn vị bộ đội ta đã chọn hai hang trên để làm nơi trú quân. Do vậy họ đã cải tại mặt bằng hang thành các khu vực sân khấu để biểu diễn văn công, văn nghệ, hội họp và các khu vực sinh hoạt nghỉ ngơi, cất giấu vũ khí… Đó là những nơi địa hình hiểm trở, có núi đá vôi bao bọc xung quanh và có rừng cổ thụ che chắn.

Trong hang thường tập trung nhiều người nhưng vẫn bảo đảm bí mật phòng tránh được máy bay địch. Mỗi hang đều có cửa ra vào riêng biệt. Nếu máy bay Mỹ bắn lấp cửa này thì vẫn còn cửa khác để thoát hiểm. Vì thế, 2 hang động này đã trở thành nơi trú quân của nhiều đơn vị bộ đội và là nơi ở của một số đơn vị TNXP.

Thăm những “sân khấu” thời chiến trong hang núi - 6
Những “sân khấu” trong 2 hang động Cố Liên và Bong đã trở thành nơi trú quân của nhiều đơn vị bộ đội. Và là nơi ở của một số đơn vị TNXP

Trước cửa hang có đường 47 nối từ đường chiến lược 15A vào công trường 47 - đó là nơi đóng quân của một đơn vị bộ đội vừa tập kết, bảo vệ vũ khí để chi viện cho chiến trường miền Nam và phục vụ chiến đấu tại chỗ. Từ đường 47 vào công trường đi được bằng xe cơ giới. Từ đó, đi qua nước bạn Lào bằng đường bộ. Do vậy, diễn văn công, văn nghệ ở đây sẽ phục vụ được cho nhiều bộ đội, TNXP và quần chúng nhân dân.

Ngày đó, có rất nhiều đoàn văn công, văn nghệ từ trung ương và địa phương về hang động Cố Liên và Bong biểu diễn. Những tối có biểu diễn văn nghệ, nơi đây rất đông vui nhộn nhịp; ngoài bộ đội và TNXP còn có nhân dân khắp các xóm làng kéo đến xem.

Thăm những “sân khấu” thời chiến trong hang núi - 7

Chứng tích lịch sử bị lãng quên?

Với vẻ đẹp thiên nhiên quý giá và ý nghĩa lịch sử như thế, nhưng giờ đây hang động Cố Liên và Bong vẫn đang “ngủ yên” trong rừng. Cây cối mọc lên um tùm che khuất cả miệng hang; nhiều chỗ xuống cấp nhưng không được chỉnh trang, tu bổ. “Lẽ ra hang động Cố Liên và hang Bong cần được các cấp ban ngành chức năng quan tâm hơn nữa vì đây là những chứng tích lịch sử; từng là khu căn cứ quân sự cho các đơn vị quân đội và TNXP của ta trong kháng chiến, là nơi vui chơi giải trí cho quân và dân” - ông Thủ phân trần.

Thượng tá Cao Văn Năm - Trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Minh Hóa - cho biết: “Hiện Ban chỉ huy quân sự huyện đã khảo sát hang và bàn giao lại cho Ban chỉ huy quân sự xã Trung Hóa trông nom bảo vệ. Bởi đó không những là chứng tích lịch sử thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những du khách thoả lòng khám phá những “sân khấu” trong hang động này”.

Đặng Tài