1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Phu” trường bắn

“Phu” trường bắn làm cái nghề gan nhất trong thiên hạ: quật mộ, tẩm liệm và mai táng xác chết. Họ làm không chỉ vì tiền, mà còn vì tình người.

Nhà ông Ba Phương (tên đã được đổi theo yêu cầu nhân vật) nằm trong một xóm nghèo nơi cuối con hẻm đất đỏ sâu hút thuộc ấp Cây Dầu (phường Tân Phú, quận 9, TPHCM). Ông không muốn nhiều người biết về cái nghề “phu” trường bắn của mình. Phải thuyết phục thật nhiều chúng tôi mới được nghe người đàn ông 54 tuổi này kể những câu chuyện chẳng giống ai của mình.

 

Vợ không dám ngủ chung!

 

Hơn 10 năm trước, ấp Cây Dầu gần trường bắn Long Bình còn là một vùng đất hoang sơ. Ba Phương đưa vợ con đến đây lập nghiệp và ngày qua ngày đối diện với cái đói, cái nghèo. Lần nọ, sau khi đứng xem một buổi thi hành án tử hình tại trường bắn, chứng kiến cảnh cô quạnh của tử tù sau khi ngã xuống, ông đứng ra khâm liệm, mai táng người đó một cách tử tế. Người thân của tử tội sau đó đã tìm đến cảm ơn ông và xin hậu tạ. Về sau, người ta biết tiếng ông và tìm tới càng nhiều, từ đó, Ba Phương quyết theo đuổi cái công việc khác người này.

 

Sau loạt súng của đội thi hành án, xác tử tù được quàn trong chiếc quan tài gỗ tạp rồi chôn trong khu đất mai táng tội phạm tử hình tại trường bắn. Tiếp theo đó là phần việc của ông Ba Phương:Cúng bái, khai quật mộ, tắm rửa, nhét bông gòn vào vết đạn, tẩm liệm xác chết rồi chôn lại theo yêu cầu của gia đình tử tội.

 

Đối với những tử tội tứ cố vô thân, ông Ba Phương cũng làm rồi lặn lội đi tìm gia đình họ để báo tin. “Ban đầu thì vì cuộc sống bức bách, tôi phải giấu vợ. Cuối cùng thì vợ cũng biết. Bả sợ lắm, cứ la tôi bỏ “nghề” hoài, tối về chê không dám... ngủ chung. Nhưng đã theo rồi, bỏ cũng khó, riết rồi bà xã cũng thông cảm với chuyện tôi làm” - Ông kể.

 

Cuộc sống ngày càng cải thiện, Ba Phương bắt đầu nghĩ tới việc bỏ nghề. Đang lưỡng lự, ngày nọ có một người đàn bà từ Thái Bình vào trường bắn tìm xác con. Bà ta khóc như ri, muốn nhìn thấy mặt con lần cuối, muốn con mình được chôn cất chu đáo hơn. Ba Phương động lòng, gật đầu.

 

Thường thì công việc khai quật xác chết và mai táng trở lại mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Lần này, giữa đêm khuya vắng, khi xác chết được mang lên, bà mẹ ôm con khóc mãi suốt 2 giờ. Bà muốn mang xác con về quê nhưng không đủ tiền. Thương bà, Ba Phương làm không lấy tiền công. Ông bộc bạch: “Trước nhiều hoàn cảnh thương tâm, dù chẳng có thù lao nhưng mình không nỡ từ chối. Cứ nghĩ đến câu “nghĩa tử là nghĩa tận” thì không bỏ nghề được...”.

 

Lắm khi sợ vỡ mật

 

Giữa trưa nắng, trường bắn vắng đến lạnh người. Bên những nấm mộ lúp xúp, từng lớp tro bụi cứ tung lên sau mỗi làn gió thổi qua. Ban đêm, chẳng ai dám vào đây ngoài đội “phu” trường bắn của ông Ba Phương. Ban ngày cũng vậy, hiếm khi có thân nhân của người chết đến thắp nhang, cúng bái. Chúng tôi phải nhờ ông dẫn ra tận nơi...

 

Chỉ vào những nấm mộ còn trắng màu vôi, Ba Phương nói: “Những người nằm dưới mấy nấm mộ này do chính tay tôi mai táng. Đa số đều được thực hiện vào ban đêm. Tôi không nhớ hết mình đã mai táng cho bao nhiêu người nơi trường bắn này”. Chúng tôi nhìn quanh, ước chừng có hơn 600 mộ được xây cất, có cả bia. Ông giải thích: “Phải gan lắm mới dám làm, riết rồi quen. Nhưng lắm khi sợ vỡ mật... “.

 

Ba Phương kể lại chuyện chôn xác Phước “tám ngón”. Sau khi kẻ tội phạm khét tiếng này bị xử bắn chừng 3 tháng, một đám đàn em của Phước đã tìm đến khu vực ngã ba Lâm Viên tìm Ba Phương. Nhóm này “xin phép” ông để được quật mộ và mai táng lại nhằm thể hiện sự “tôn kính” đối với đàn anh. “Nhưng khi quật lên, xác đã rữa, bốc mùi nặng. Nhóm người ấy chịu không nổi, bỏ chạy. Lúc đó tôi cũng run, vì xác đã chôn lâu quá. Khi chôn lại, phải xếp từng đốt xương giữa đêm mưa gió, nghĩ lại thấy nổi gai ốc”.

 

Một cán bộ phụ trách trường bắn nay đã chuyển ngành, hiện công tác tại một đơn vị hành chính ở quận 9, cũng từng là một “phu” trường bắn “đồng nghiệp” của Ba Phương. Ông nhận xét sở dĩ Ba Phương làm được cái việc không giống ai ấy bởi vì ông là người vừa “có gan”, vừa có tình. Theo ông, chẳng phải ai cũng có thể làm “phu” trường bắn được. Những người ấy không chỉ phải có cái tâm với đời, mà phải biết trọng những yếu tố tâm linh.

 

Ngay tại phường Long Bình cũng đã hình thành một nhóm “phu” trường bắn mới, mỗi khi có phạm nhân bị xử bắn, họ lại ra tay. Thế nhưng không phải ai cũng có cái tâm và tinh thần nghĩa hiệp đối với những trường hợp thương tâm. Đó là lần xử bắn tử tù N. can tội buôn bán vũ khí quân dụng trái phép. Ngày tử tù được đưa ra pháp trường cũng là lúc Ba Phương bắt xe ra Long Khánh (Đồng Nai) để tìm người thân của N. Nhưng thật oái oăm, gia cảnh của N. hết sức éo le.

 

Vợ con túng bấn đến mức phải ngủ vỉa hè. Ba Phương rút tiền túi cho 2 đứa con nhỏ của N. rồi ra về, sửa sang mộ N. như bao người khác. Cũng không ít lần ông, hoặc những “phu” khác trong đội của ông tìm cách liên hệ với gia đình tử tội ở tận các tỉnh phía Bắc để họ vào chăm sóc mộ chí của người thân.

 

“Làm “phu” trường bắn có nhiều tiền không?” - Tôi hỏi. Ông Ba Phương im lặng rồi trần tình: “Chỉ giàu phúc đức”. Ngay cả trường hợp lo liệu cho “đại gia” P.H.P trước đây được mồ yên mả đẹp, Ba Phương cũng chỉ được trả một số tiền khá khiêm tốn. Sau 3 lần lâm bệnh nặng, ông Ba Phương giải nghệ nhưng người thân của tử tội vẫn thường tìm gặp ông, nhờ ông giúp, ông nhận rồi giao cho những cộng sự thân tín làm.

 

Chia tay chúng tôi, ông Ba Phương nhắn nhủ rằng những “phu” trường bắn đều là những lao động tự do, làm những công việc tương đối “nhạy cảm”. Họ rất cần những ràng buộc pháp lý, để ít ra công việc của họ làm được công nhận là đúng pháp luật, hợp đạo lý.

 

Theo Người Lao động