1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nơi “đánh thức niềm tin” của những người khuyết tật

(Dân trí) - Dù thân thể không lành lặn song với niềm tin và ý chí, anh chị Út - Chiến (thị trấn Kim Anh, Thanh Oai, Hà Nội) đã vượt qua số phận nghiệt ngã để làm giàu cho bản thân và tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật khác.

Xưởng khảm trai của những người khuyết tật

Nơi “đánh thức niềm tin” của những người khuyết tật - 1
Vợ chồng anh chị Chiến Út tại Hội thi Người khuyết tật Sơn Tây.
 
Trong căn nhà ống nho nhỏ chừng 30m2 tại số 68 thị trấn Kim Anh luôn lách cách những tiếng đục, chạm… Đây là một trong hai cơ sở sản xuất khảm trai của anh Chiến và chị Út. Không giống như những xưởng khảm trai khác, đây là xưởng khảm trai của những người khuyết tật - cả chủ xưởng và nhân công đều có khiếm khuyết trên cơ thể.

Anh Nguyễn Đình Chiến, chủ xưởng khảm trai, đứng dậy khó khăn với một bên chân bị tàn tật, chia sẻ: Năm 3 tuổi, sau một trận sốt cao, anh bị bại liệt. Chị Phạm Thị Út vợ anh cũng vì sốt dẫn đến teo gân chân từ khi mới 1 tuổi, giờ đi lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn.

Năm 2005, anh chị tốt nghiệp trường dạy nghề ở Phú Xuyên. Sau 2 năm bươn trải đi làm thuê, nhận thấy những khó khăn trong vấn đề hòa nhập, tìm việc của người tàn tật, anh chị đã cùng với một người bạn nảy ra ý tưởng thành lập xưởng khảm trai riêng. Và thế là tháng 8/2007, xưởng khảm trai có tên “Đánh thức niềm tin” ra đời.
 
Nơi “đánh thức niềm tin” của những người khuyết tật - 2
Hiện tại xưởng có 6 công nhân hầu hết đều là người khuyết tật.

Cũng vì thấu hiểu những khó khăn của người tàn tật mà ngay sau khi phát triển xưởng, anh chị đã nhận những người khuyết tật về làm việc và đào tạo nghề cho họ. Hiện tại xưởng có 6 công nhân đều được đào tạo nghề và hưởng mức thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

Thành công từ ý chí và niềm tin

Hiện tại, anh chị có 2 xưởng sản xuất các sản phẩm khảm trai ốc trên các sản phẩm gỗ, từ bàn ghế, tủ, tranh treo tường… với cả hai hình thức khảm chìm và khảm nổi. Dù mới thành lập được hơn 3 năm nhưng xưởng khảm trai Chiến Út đã đạt được những thành công đáng nể.

Xưởng đã nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn và thường xuyên. Ngoài ra, sản phẩm của xưởng cũng đã đạt giải đặc biệt trong chương trình “Hưởng ứng quốc tế người khuyết tật” ngày 18/4/2010 tại Hà Nội.
 
Nơi “đánh thức niềm tin” của những người khuyết tật - 3
Một sản phẩm được làm ra từ những đôi tay người khuyết tật.

Có thể nói, để đạt được thành công như ngày hôm nay là cả một nghị lực, ý chí và quan trọng nhất là niềm tin của anh chị và những người cùng cảnh ngộ khác.

Anh Chiến tâm sự, ngay từ những ngày đầu thành lập xưởng, anh chị phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ những khó khăn về vốn, cơ sở sản xuất, khách hàng cho đến những khó khăn trong vấn đề đi lại. Đã có lúc, anh chị tưởng chừng như không thể tiếp tục được nữa.

“Nhưng với sự giúp đỡ động viên của gia đình, bạn bè và một niềm tin rồi khó khăn sẽ phải lùi xa nếu mình có nghị lực, có ý chí quyết tâm. Và nhờ đó mà mình đã vượt qua tất cả. Ngay cái tên “đánh thức niềm tin” cũng ra đời từ đó, hãy đánh thức niềm tin nơi những con người khuyết tật, có niềm tin sẽ giúp ta làm được tất cả”, anh Chiến chia sẻ.

Hiện tại công việc sản xuất đã ổn định nhưng anh chị không muốn chỉ dừng lại tại đó mà còn tâm huyết mở rộng và phát triển hơn nữa vì cơ sở hiện tại vẫn chưa phát huy hết khả năng, vẫn còn nhiều hợp đồng lớn phải bỏ qua.

Ngoài ra, đôi vợ chồng khuyết tật này còn trăn trở đến việc mở lớp đào tạo nghề để có thể giúp đỡ những người khuyết tật khác tự nuôi sống được bản thân mình và hòa nhập hơn với cộng đồng xã hội.

Chí Nam - Lê Viên