Những điều ít biết về làng SOS Hà Nội

(Dân trí) - Ngôi nhà mang tên Hoa Đại là một trong 16 ngôi nhà ở làng trẻ SOS Hà Nội, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Chị Phạm Thị Thắng, người mẹ của 22 đứa con, đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh niềm vui, nhất là khi nói về những đứa con chị đã dựng vợ gả chồng.

Quyết định không lập gia đình, năm 1990, chị Thắng khăn gói rời quê Ba Vì (Hà Tây), đến làng SOS Hà Nội xin được làm mẹ của những đứa trẻ mồ côi. Bao năm qua, chị đã làm mẹ của hàng chục đứa con, nuôi chúng từ lúc bé, thậm chí lọt lòng cho đến khi khôn lớn trưởng thành.

 

Tại ngôi làng SOS này, cả 16 bà mẹ đều giống chị Thắng: tình nguyện đến giúp đỡ, nuôi nấng những đứa trẻ có số phận thật éo le. Hầu hết các em đều mồ côi cả cha lẫn mẹ, giờ được sống dưới bàn tay chăm sóc của các mẹ, các em như được bù đắp phần nào.

 

Nói về những đứa con, chị Thắng không giấu nổi niềm tự hào: “Tôi có tất cả 22 đứa. Những đứa trưởng thành thì giờ đã xây dựng gia đình và lập nghiệp ở ngoài rồi, giờ chỉ còn 10 đứa ở nhà. Nhưng đứa nào đứa nấy đều ngoan lắm. Đứa lớn thì biết nhường nhịn em, giúp đỡ mẹ, đứa bé thì biết vâng lời”.

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc làng SOS - cho biết: “Đã có không ít người đến đây xin con nuôi nhưng chúng tôi nhất quyết không đồng ý. Các cháu vào đây từ lúc còn rất bé, được bàn tay yêu thương chăm sóc của mẹ cũng như được làng tạo điều kiện cho ăn học đến nơi đến chốn cho đến ngày trưởng thành. Thử hỏi làm sao chúng tôi nỡ để các cháu phải xa nơi mà các cháu đã thực sự coi là gia đình”.

 

Làng SOS Hà Nội duy trì một môi trường giáo dục rất nghiêm túc và lành mạnh. Đối với trẻ nam, từ 14 tuổi, các em được ở tại khu lưu xá thanh niên, nơi có những thầy giáo giúp các em phát triển tính cách người đàn ông. Còn các em nữ sẽ được chính các mẹ chỉ bảo, truyền dạy những kinh nghiệm quý của tuổi dạy thì.

 

Một điều rất đặc biệt ở làng trẻ SOS Hà Nội là cách dựng vợ gả chồng cho các em. Ông Dũng cho biết: “Khi cùng sống trong một gia đình ở làng SOS, dù không thể ngăn cấm nhưng chúng tôi vẫn căn dặn các cháu chỉ nên giữ ở tình cảm anh em, làng xóm, không nên phát triển thành tình yêu. Bởi nếu các cháu tự đến với nhau thì về sau, chính chúng sẽ không có điểm tựa từ gia đình, con của các cháu sẽ một lần nữa lại bị mồ côi. Dù không phải mồ côi cha mẹ nhưng các cháu bị mồ côi ông bà”.

 

Ông Dũng giải thích: “Đứa trẻ trong làng thì còn có cộng đồng làng, nhưng khi nó ra đời thì phải tự lập nghiệp không có điểm tựa. Nếu lấy người bạn đời có cha mẹ thì những đứa con của các cháu sinh ra sẽ có ông bà nội hoặc ông bà ngoại, một điểm tựa vững chắc để giúp các cháu vượt qua những lúc khó khăn”.

 

Các thế hệ thanh niên ở làng này đều ý thức được điều đó, nên có ý thức tìm bạn đời ở bên ngoài.

 

Tính đến thời điểm này, đã có 58 cháu lập gia đình. Chị Thắng cho biết: “Khi có gia đình riêng, các cháu về nhiều hơn. Vì nhu cầu tình cảm về cội nguồn rất quan trọng, nhất là khi các cháu xây dựng gia đình rồi thì điều ấy càng có ý nghĩa. Các cháu đã thực sự coi đây là gia đình của mình. Và tôi hạnh phúc vì điều đó”.

 

Lan Hương