1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những chuyến đò nghĩa tình sang sông Đakrông

(Dân trí) - Đã hơn chục năm nay, hình ảnh người lái đò thầm lặng đưa đón người sang sông Đakrông đã in dấu trong tiềm thức người dân Mò Ó. Hàng ngày, hành trình "nối những bờ vui" của người chèo đò tận tụy thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 7 giờ tối.

Dòng Đakrông chảy qua địa phận xã Mò Ó (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), ngăn cách bởi bản Khe Luồi với các thôn bản khác. Trước đây, người dân qua lại phải dùng những chiếc săm ô tô, kết bè chuối... để vượt sông. Việc thông thương chẳng hề đơn giản. Vì thế bản Khe Luồi bỗng trở thành ốc đảo thu nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ.
Không đặng lòng khi chứng kiến cảnh ấy, anh Nguyễn Văn Nhân một người dân xã Triệu Nguyên, huyện huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đành gác cuốc cày, bỏ ruộng vườn đứng ra mua một chiếc đò mới với quyết tâm "nối những bờ vui" cho bà con dân bản.

Kể từ đó, trên dòng Đakrông ngày ngày không thiếu hình ảnh anh Nhân dù nắng hay mưa vẫn luôn cần mẫn đưa đón từng lượt người sang sông. Hình ảnh đó như đã in dấu trong tiềm thức nhân dân xã Mò Ó. Hàng ngày, hành trình "nối những bờ vui" của người chèo đò tận tụy thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc tầm 7 giờ tối. Anh túc trực ở căn chòi dựng tạm, chờ từng tiếng gọi "Đò ơi!". Trung bình hàng ngày anh đưa hàng chục lượt người từ bên này sang bên kia sông, trong đó phần đông là các em học sinh bản Khe Luồi. 
Những chuyến đò nghĩa tình sang sông Đakrông - 1

Chở học sinh sang dòng Đakrông hung dữ an toàn là niềm vui bé nhỏ của anh Nhân.
Hoàn cảnh khó khăn, lại nuôi ba con ăn học, nhưng anh Nhân vẫn nhiệt huyết với công việc của mình. Mỗi lần đò cập bến an toàn, dân bản thường dấm dúi vào tay anh 2.000 đồng dẫu người chèo đò nghèo hiếm khi yêu cầu ai phải trả công. Các hộ có con đi em học thường ân cần biếu gia đình anh khi bao lúa, lúc cân ngô, cũ sắn... "Công việc vất vả, thu nhập chẳng là bao nhưng ý nghĩa lắm chú ạ! Mình lấy niềm vui làm lời thôi" – anh Nhân tâm niệm.

"Cả bản mình mang ơn chú Nhân nhiều lắm, ai cũng mong chú ấy luôn khỏe mạnh để đưa bà con sang sông. Không có chú ấy thì bà con dân bản mình chỉ có nước bơi qua sông hàng ngày thôi", bà Hồ Thị Lý một người dân cho biết.


Chèo chống con đò khá lớn, lại phải đảm bảo an toàn cho mọi người, nên anh Nhân luôn tập trung cao độ vào công việc. Buổi đầu gắn bó với nghề, lưng và hai vai anh mỏi nhừ, tâm trí lúc nào cũng căng như dây đàn vì lo lắng cho sự an nguy của mọi người. Dần dần, anh Nhân thuộc từng luồng lạch dòng Đakrông hung dữ, tích lũy bí quyết... để sang sông an toàn và dễ dàng.

Công việc đang "xuôi chèo, mát mái" thì cuối năm 2008 anh Nhân ốm nặng. Lúc nhập viện, bác sĩ bảo anh mắc chứng viêm tắc tĩnh mạch, chỉ còn cách cưa chân trái mới hi vọng bình phục. Chống chọi với từng cơn đau trong bệnh viện, điều làm anh Nhân lo lắng nhất vẫn là... không có ai đưa dân bản sang sông. Anh giục vợ về nhà, thay mình làm nhiệm vụ. Trải qua những cơn đau dài về thể xác cũng như tinh thần, anh Nhân vẫn lo lắng hướng đến công việc nặng nghĩa tình.

Trở về với đôi chân chẳng còn lành lặn, nỗi nhớ nghề quặn thắt trong lòng anh Nhân. Người đàn ông tật nguyền nhờ con cõng ra túp lều dựng tạm bên triền sông để “cố vấn” cho chị Nguyễn Thị Nở (vợ anh) làm việc. Thấy hình ảnh vợ liêu xiêu chở những chuyến đò đông, nước mắt anh cứ thế rơi lã chã. Bó gối ở nhà một thời gian ngắn, anh Nhân hối hả giục vợ mua chiếc chân giả để vừa tập đi vừa tìm cơ hội gắn bó với nghề như xưa.

Đổ mồ hôi, nước mắt tập luyện một thời gian dài, khi đã đi lại gần như người bình thường, anh Nhân mới quay về với công việc. Anh bộc bạch: "Được chèo đò chở bà con sang sông, nhận những nụ cười, lời động viên... nên mình thấy khỏe hẳn ra. Mình sẽ làm việc đến khi có người tình nguyện đảm đương trọng trách này thay mình thì thôi".

Trải không ít thăng trầm, những điều ước của anh Nhân đều hướng về mọi người: "Ước gì có một cây cầu. Nếu thế dẫu thất nghiệp mình cũng sướng rân. Còn không thì mình chỉ hy vọng ai đó khỏe mạnh, giàu kinh nghiệm chèo đò sẽ thay mình chở bà con sang sông hàng ngày". Nói rồi, người đàn ông khuyết tật nhoẻn miệng cười hiền từ, anh lắp chiếc chân giả, tập tễnh đi về phía con đò để chuẩn bị đón mấy lượt học sinh sắp sửa tan trường.

Những chuyến đò nghĩa tình sang sông Đakrông - 2

 Trải qua bao sóng gió, anh Nhân vẫn gắn bó với nghề "đưa nghĩa tình sang sông".

Khi các em học sinh đã qua sông an toàn, người đàn ông luống tuổi mới nhấc từng bước khó nhọc lên căn chòi dựng tạm. Anh tháo chiếc chân giả, châm mồi điếu thuốc, mắt đăm đăm nhìn ra dòng Đakrông. "Mùa này, nước sông dâng cao, lại chảy xiết... mình phải cố gắng gấp đôi. Để đảm bảo an toàn cho khách, mình chỉ mong có vài chục cái áo phao và một chiếc thuyền to hơn, chắc chắn hơn". Mỗi lúc rảnh tay chèo, tâm trí anh Nhân lại mải miết đeo đuổi những mong ước giản dị ấy.

Lộc Hương