Nhếch nhác chợ Hàn Đà Nẵng

(Dân trí) - Ở nơi được coi là mặt tiền của thành phố Đà Nẵng, với những công trình trọng điểm và sang trọng nằm sát bên sông Hàn, nổi lên một khu chợ nhếch nhác, siêu vẹo, ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan thành phố - chợ Hàn.

Chợ Hàn nằm giữa hai đường Nguyễn Thái Học và Hùng Vương, cách cầu quay sông Hàn không xa. Đây là một trong những địa chỉ tham quan quen thuộc của du khách nhưng lại chưa xứng tầm là một địa chỉ du lịch. Đứng từ bên này sông Hàn, người ta có thể thấy phần “hậu trường” của chợ Hàn với một rừng ô dù, bạt, mái tôn cũ kỹ và tạm bợ. Những đám rác thải tuồn ra phía sông, hôi hám, ô nhiễm. Khung cảnh nhàu nát, xộc xệch đó hiện lên ngay giữa khu mặt tiền sang trọng của thành phố.

 

Đối với người dân Đà Nẵng, chợ Hàn là nỗi xấu hổ nhưng đối với du khách, đây quả là nỗi nhức nhối của một thành phố du lịch và hiện đại, đang trên đà phát triển như Đà Nẵng.

 

Trở lại với lịch sử mới thấy chợ Hàn cũng có một quá khứ khá hào hùng. Ra đời từ thời Pháp thuộc, chợ Hàn khi đó chỉ là một khu giao thương buôn bán tự phát của một nhóm người. Nhờ vào vị trí địa lý (đường bộ, đường thủy), chợ Hàn ngày càng phát triển.

 

Những năm 1940, người Pháp cải tạo chợ Hàn thành chợ Tourance Marché (tức Chợ Đà Nẵng), kết hợp với nhà ga Tourance Marché bên cạnh, trở thành nơi trung chuyển hàng hóa, vật tư và vũ khí.

 

Đến năm 1989, chợ được xây dựng thành nhà lồng hai tầng như hiện nay. Riêng nhà ga của Pháp bị bỏ hoang, một thời gian dài là nơi cư ngụ của những lưu dân tứ xứ, nơi tập kết lợn gà các nơi đưa đến chợ, nơi tập trung những gì gọi là “chợ búa, giang hồ”, tệ nạn xã hội.

 

Sau này, nhà ga hoang phế bị xóa sổ, chợ Hàn dần trở nên nhếch nhác, cũ kỹ ngay giữa lòng thành phố. Bản thân những người có trách nhiệm ở Đà Nẵng cũng nhận thấy điều này. Họ cho biết thành phố đang có kế hoạch phát triển chợ Hàn thành một trung tâm thương mại lớn, hiện đại, xứng tầm với đà phát triển chung của thành phố.

 

Nhưng “kế hoạch xây dựng đã được các cấp duyệt lâu rồi, chỉ là chưa biết thời gian triển khai cụ thể như thế nào...” - ông Ba, phó giám đốc Công ty quản lý chợ Đà Nẵng thừa nhận.

 

Khi quy hoạch đã xác lập, kế hoạch đã được duyệt, tức là các hộ dân trong diện giải tỏa không được cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà ở. Dãy nhà lợp tôn trên đoạn đường Phan Thành Tài phía sau chợ đã xập xệ lắm nhưng vẫn phải giữ nguyên trạng, khiến chợ Hàn càng thêm xộc xệch.

 

Hội nghị cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng và Hội An (từ ngày 6 - 17/9). Thành phố đã phát động phong trào củng cố trật tự, vệ sinh đô thị để hưởng ứng sự kiện trọng đại này. Ban quản lý (BQL) chợ Hàn cũng vận động bà con tiểu thương thực hiện văn minh mua bán, giữ gìn vệ sinh môi trường, thậm chí nghỉ buôn bán để trả lại nét đẹp cho thành phố.

 

Ông Phạm Sĩ Nguyên, Phó BQL chợ lo lắng: “Các đoàn kiểm tra cấp trên đã chỉ đạo làm công tác trật tự vệ sinh trong thời gian Hội nghị. Chúng tôi cũng đang vận động bà con tiểu thương hưởng ứng phong trào. Nói chung ý thức chấp hành của bà con rất tốt, trước đây mỗi lần cần phải nghỉ bán 3, 4 ngày, họ đều vui vẻ thực hiện. Nhưng lần này hội nghị tới mười mấy ngày, chắc là gay lắm. Đã đành bà con vì việc chung mà hy sinh, nhưng sinh kế của người ta, ai cũng khó khăn...”.

 

Ông Nguyên cho biết thêm, trước mắt cấp trên cũng đã duyệt cho dựng một mái vòm trên đường Phan Thành Tài thay cho những mái dù nhếch nhác, nhưng vẫn chưa thực hiện được vì “chưa có kinh phí” (khoảng 150 triệu đồng).

 

Vậy là, trước mắt, khi sự kiện quốc tế APEC đang diễn ra ở đây, chợ Hàn vẫn đón chào du khách tham quan bằng vẻ nhếch nhác cố hữu của mình.

 

Như Thể