1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Nhậu đêm

(Dân trí) - Không muốn “bênh” cho những kẻ quyến luyến với rươu, với những trò nhậu thâu đêm suốt sáng. Nhưng, với một đêm “lượn” cùng rượu, qua cách quan sát của tác giả Án Văn Long, với những hay - dở, bạn đọc tự quyền đánh giá.

Khởi động

 

11 giờ đêm, khu vực Hàng Bồ - Lương Văn Can đông kín người và xe. Tiếng chạm lạch cạch của chén, tiếng đập mực bồm bộp khiến không khí rất náo nhiệt. Thỉnh thoảng trong một góc khuất tự nhiên có ngọn lửa bùng cháy xanh lè. Mùi khăn khẳn của mực sống, mùi thơm thơm khen khét của mực nướng quện vào nhau rất đặc trưng. Kẻ cười người nói ồn ã như chợ vỡ.

 

Không khí đang “nhã” bỗng ồn ào, rồi dân tình chạy tán loạn. Kèm theo tiếng hô “chạy, chạy...” tất cả thực khách nhìn nhau ngơ ngác, rồi người cầm tương ớt, kẻ cầm mực... đứng dậy chạy thục mạng. Khu phố đột nhiên tĩnh lặng. Khi lực lực công an, dân phòng đi khuất, tất thảy lại trở về vị trí ban đầu...

 

Sau vài lần “chạy loạn” trên khu Hàng Bồ - Lương Văn Can, chúng tôi ai nấy đều đã ngà ngà rồi. Bảy - một tay chuyên uống rượu đêm - khoát tay hùng hồn: “Ăn thua gì, đi uống tiếp. Anh em theo tôi”. Tất cả loạng choạng lấy xe rồi rồ ga phóng vụt đi.

 

Xuống hầm

 

Hà Nội bây giờ, có vẻ như thời của rượu Tây đã không còn vượng như trước. Người ta đang trở lại với bản sắc hồn Việt - rượu gạo trắng hoặc ngâm cùng các loại thảo dược thiên nhiên, côn trùng, bò sát, động vật... để nó có những cái tên đậm chất phương Đông như Anh Hùng Tửu, Mai Quế Lộ Tửu, Bổ Dương Hoàng Đế Tửu, Trường Sinh Tửu, Hoan Lạc Tửu...

 

12h30, phố Lê Duẩn vắng tanh. Ánh sáng đỏ nhờ nhờ của đèn cao áp càng làm cho con phố vắng vẻ gấp bội. Bảy dẫn chúng tôi xộc thẳng xuống Hầm Phố tửu. Được vài bước chân, cảnh phố đêm vắng vẻ đã chẳng còn, thay vào đó là cảnh ngột ngạt của một cái hầm, đúng nghĩa với tên gọi: Hầm Phố.

 

Nền nhà, nơi trải chiếu để thực khách ngồi được tôn cao chừng nửa mét, rộng khoảng 30 mét, như một sân khấu nhỏ. Thực khách, những người ngồi trên đó chính là diễn viên đang trình diễn những tiết mục cạn ly mà theo cảm nhận của tôi, là rất ngoạn mục. Đúng là anh hùng dính tửu thì biển chỉ sâu đến mắt cá chân.

 

Chúng tôi như lạc vào rừng rượu. Chỉ có rượu và rượu. Rượu đựng trong bình thuỷ tinh to nhỏ để trên tường, trên tủ, rượu đựng trong hũ, chum để dưới nền nhà, lối đi lại... Các hũ sành đều được bịt kín bằng vải đỏ (tất nhiên là ngâm đủ thứ thượng vàng hạ cám), khiến tôi ngỡ mình như đang lạc vào một tửu quán ven đường nào đó trong phim dã sử Trung Quốc.

 

Ai trong đời mà không uống tửu...

 

Tiết trời mùa đông lạnh tê tái, nhưng trong hầm thì nóng đến ngột ngạt. Ở cái Hầm Phố này, những nồi lẩu bốc hơi nghi ngút cùng với mùi thức ăn, mùi khói thuốc lá, mùi rượu... tạo thành một thứ mùi hổ lốn cực kỳ khó ngửi. Chẳng biết, những người ở mấy bàn cạnh chúng tôi đến từ bao giờ, nhưng nhìn đống vỏ bầu trơ đáy, lăn lóc sau lưng họ, tôi thực sự thấy... nể.

 

Bàn đối diện mình “dzô”, bàn bên cạnh “dzô”, sau lưng “dzô”. Đâu đâu cũng thấy “dzô”. Người cười kẻ nói, huyên náo. Mặc dù ngồi sát nhau nhưng ai cũng phải cố nói thật to thì người khác mới nghe được. Có người bảo, hình như thanh niên bây giờ nghiện cái không khí xô bồ, ồn ã này, nghiện cái  thứ mùi khó tả này.

 

Đồng hồ trên tường đã chỉ 1h45. Lại thêm một nhóm khác, 4 người cả trai lẫn gái bước vào. Thấy bộ dạng quê mùa ngơ ngáo, mắt tròn mắt dẹt của tôi, mấy thực khách mới đến đánh mắt sang đầy dè bỉu.

 

Nhậu đêm - 1

Bốn bề là rượu - (Ảnh: Vietscape)

Xung quanh tôi, người ta nói đủ thứ chuyện. Hết văn chương thơ phú lại đến hậu trường chính trị, đời tư nghệ sỹ, rồi thời trang quần áo, điện thoại, xe máy... Nào thì các anh hùng trong Tam Quốc, Thủy Hử, nào thì bối cảnh thế giới, rồi cúm gà, bóng đá, chuyện thưởng Tết, rồi thì các kỳ nhân dị khách đương đại… Tất tần tận được đem ra bàn thảo cực kỳ rôm rả.

 

Tôi có cảm giác quán rượu như một xã hội thu nhỏ. Đến đây không hẳn ai cũng biết uống và uống được nhiều rượu. Có người đến chỉ để bạn bè gặp nhau, hoặc đơn giản chỉ để nghe, để cảm nhận cuộc sống về đêm ở một góc nhỏ trong đất Hà thành. Ở những nơi như thế này, bất kể điều gì, dù là to hay nhỏ đều có thể trở thành lý do để uống. Có người mới đến: uống; có món mới: uống; có người về: cũng uống.

 

Lóng ngóng, không may tôi và anh thanh niên ngồi sau lưng huých vào nhau. Hai bên lập tức xin lỗi nhau bằng cách rất nhà nghề: cùng nhau “bắc cạn” một chén, rồi bắt tay rõ chặt, giật qua giật lại mấy cái. Anh tên Bình, tay rút thuốc lá mời tôi, miệng kể: “Uống rượu đêm hay lắm. Lúc say, có thằng đang khóc hu hu đột nhiên lại cười ngặt nghẽo ngay được”.

 

Mâm bên cạnh có ai đó cất tiếng hát nhái theo bài “Huyền thoại mẹ” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Ai trong đời mà không uống tửu. Mà uống tửu thì phải say. Tửu mà chít không say, chít làm chi cho phí tửu...”. Tay này nghêu ngao vài câu, rồi bỏ lửng và nằm đổ bịch xuống chiếu, thây mặc sự đời.

 

Rượu là gì mà cho ta say?

 

Ở một góc khác có một nhóm mang cả đàn guitar đi. Họ hát một bài theo phong cách rock nghe khá nhộn nhịp, đại khái: “Rượu là gì mà cho ta say, rượu là gì mà cho ta quay, rượu vào rồi là ta say say, rượu vào rồi là ta lăn quay…”, tiếng đàn tỏ ra có nghề lắm. Bình tỏ vẻ hiểu biết: “Bài này là rock Rượu, dân rock hầu như ai cũng biết, mang ra uống rượu thì dễ vào lắm. Còn có cả một bài rock Tiền nữa”.

 

Bình ghé tai tôi: “Ở Hàng Chiếu vào giờ này nhiều “hàng” đẹp lắm, toàn em trẻ măng. Bọn ấy “no xôi chán chè” ở các khắp nơi, vũ trường sàn nhảy dạt về...”

           

Tay phục vụ lảm nhảm giới thiệu cho nhóm khách mới đến: “Những loại rượu mang tính nhiệt, tức Dương, dùng để uống vào tiết trời mát là loại rượu ngâm côn trùng như ong, sâu chít... những loại rượu mang tính hàn, tức Âm để uống vào tiết trời nóng là loại ngâm rễ, củ thảo dược thiên nhiên”... nghe cứ như nhà rượu học.

             

Không thể chịu thêm được, tôi loạng choạng lảo đảo bước ra ngoài. Bảy và nhóm còn lại ai cũng đỏ mặt tía tai, tay vung quá trán. Lúc tôi đi, tất cả còn đang mải ngợi ca về tình yêu, về quan hệ mẹ chồng nàng dâu (mặc dù chưa ai có vợ). Rượu vào, ai cũng nói thật, quan điểm ai cũng có lý cả.

           

Trời lờ mờ sáng, tôi hít một hơi thật sâu. Về tới Ngã Tư Sở, người dân ngoại tỉnh đang gò lưng đẩy những xe rau xanh vào các chợ. Tôi nghĩ vẩn vơ, không biết cả xe rau ngồn ngộn của họ có đủ để mua một nậm rượu bé con con mà tôi vừa được thưởng thức trong kia…

 

Án Văn Long