1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nguyễn Bính và tôi (*)

(Dân trí) - Nguyễn Bính (1918-1966) là nhà thơ chân quê. Trong suốt nhiều thập kỷ qua thơ của ông luôn gây xúc động cho nhiều thế hệ độc giả. Thơ của Nguyễn Bính giản dị, dễ hiểu, nhưng cũng vẫn không kém phần thi vị, duyên dáng, với những cảnh làng quê mộc mạc làm đắm say lòng người.

Những bài thơ của ông như “cô hái mơ”, “Hoa và rượu”, “Tương tư”, “chân quê”... vẫn luôn tươi mới dù bây giờ cái “gu” thưởng thức thơ của giới trẻ đã khác xa thời Nguyễn Bính rất nhiều.

Cho đến bây giờ, nếu còn sống, Nguyễn Bính cũng đã ở tuổi ngót 90. Tìm lại những người cùng thời với Nguyễn Bính để trò chuyện hầu như chẳng còn mấy ai. Những Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm, Hoàng Lập Ngôn... thì đã thành người thiên cổ từ lâu. Gia đình người thân của Nguyễn Bính cũng chẳng còn nhiều người và ngoài cô con gái Hồng Cầu (hiện đang ở TPHCM) thì đa số đều không hiểu lắm về thơ, về tình của Nguyễn Bính.

Thật may trong khi đi tìm tư liệu về Nguyễn Bính, phóng viên Dân trí đã gặp được nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn (kém Nguyễn Bính 1 tuổi) hiện vẫn đang sống ở Hà Nội. Bùi Hạnh Cẩn là anh họ của Nguyễn Bính và suốt những năm tháng tuổi thơ sống cùng với Nguyễn Bính. Kể cả những năm Bính tha hương thì giữa 2 người vẫn có một sợi dây tình cảm bền chặt.

Vào một buổi chiều cuối thu, trong căn phòng nhỏ trên phố Võng Thị (Hà Nội), Bùi Hạnh Cẩn vừa say sưa vẽ tranh chữ (tranh được phóng tác từ chữ) vừa kể cho tôi những kỷ niệm về Nguyễn Bính...

Nhắc đến Nguyễn Bính, Bùi Hạnh Cẩn như được trở về với tuổi thơ, đầy ắp những kỷ niệm đẹp. Cha của Bùi Hạnh Cẩn là nhân sĩ yêu nước Bùi Trình Khiêm. Ông là một trong nhóm 7 người đầu tiên mời cụ Cử Lương Văn Can đứng ra lập Đông kinh nghĩa thục.

Ông cũng mở trường dạy học và cổ suý cho phong trào yêu nước, giải phóng dân tộc. Học trò của ông sau này có những chiến sĩ cách mạng  nổi tiếng như Trần Huy Liệu, Nguyễn Thượng Cát...

Vì có tư tưởng yêu nước, nên Bùi Trình Khiêm bị Pháp quản thúc tại quê nhà. Quê của ông tại thôn Vân, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, Nam Định. Theo Bùi Hạnh Cẩn nhớ lại, thôn Vân đặc biệt mang nét dân dã làng quê, có bờ đê, cánh đồng, có núi xa xa, có dòng sông uốn quanh.

Cha đẻ của Nguyễn Bính là Nguyễn Đạo Bình thường được gọi là ông Cả Biền, mẹ của Bính là Bùi Thị Miên. Mẹ đẻ ra Nguyễn Bính là em gái ruột của ông Bùi Trình Khiêm, nên về vai vế, Bùi Hạnh Cẩn là anh họ của Nguyễn Bính.

Lúc Nguyễn Bính được 3 tháng tuổi thì mẹ đẻ của Nguyễn Bính (Bùi Hạnh Cẩn gọi là cô ruột) bị bệnh mất. Ông Bùi Trình Khiêm đón Nguyễn Bính từ quê nội ở xóm Trạm (cách thôn Vân khoảng một cây số) về chăm sóc.

Gia đình cụ Bùi Trình Khiêm có 6 người con (4 trai, 2 gái), Bùi Hạnh Cẩn là con thứ hai, còn gia đình cha đẻ của Nguyễn Bính có tất cả 7 người con, trong đó bố của Nguyễn Bính với bà cả có 3 người con trai (trong đó có Nguyễn Bính và Trúc Đường - anh ruột Nguyễn Bính là nổi tiếng).

Với bà thứ 2 có thêm 4 người con, 2 trai, 2 gái, nhưng tất cả đều không theo nghiệp văn thơ như Nguyễn Bính. Nay những anh chị em của Nguyễn Bính cũng chỉ còn 2 bà còn sống.

Quê nội Nguyễn Bính ở xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội, Vụ Bản, Nam Định. Gọi là xóm Trạm vì ở xóm này đặt một trạm giống như bưu điện bây giờ (để chuyển thư từ, sách báo). Tuy nhiên xóm Trạm không có nhiều kỷ niệm của tuổi ấu thơ với Nguyễn Bính.

Hơn nhau 1 tuổi nên Nguyễn Bính và Bùi Hạnh Cẩn chơi với nhau rất thân. Suốt những năm tháng tuổi thơ, cho đến tận lúc 14 tuổi, Nguyễn Bính đều sống tại thôn Vân và sau này có rất nhiều bài thơ tả đồng quê đều có thấp thoáng hình bóng  thôn Vân trong đó.

Khi Nguyễn Bính khoảng 14-15 tuổi, Bính chia tay với thôn Vân để ra Hà Nội kiếm sống. Kể về thôn Vân bỗng chốc mắt của cụ Cẩn như sáng hẳn lên. Cụ đọc bài thơ “Thôn Vân” do chính Nguyễn Bính viết và tặng Bùi Hạnh Cẩn.

Bài thơ được làm có lẽ vào khoảng năm 1938, trong đó có đoạn tuyệt hay:

“Thôn Vân có biếc có hồng

Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều

Đê cao có đất thả diều

Giời cao lắm lắm có nhiều chim bay

Quả lành trĩu nặng trên cây

Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen”.

Thưa ông, Khi Nguyễn Bính đã rời quê hương, rồi ra Hà Nội, vào Nam, ông có thường xuyên liên lạc và có hay nhận được thơ của  Nguyễn Bính không?

Khi Nguyễn Bính 15-16 tuổi, Bính quyết định rời thôn Vân để đi lập nghiệp. Đó là vào  năm 1933. Nguyễn Bính ra Hà Nội, làm nghề bán báo, rồi lên Thái Nguyên, dạy học, lại vào Hà Đông làm với anh ruột là Trúc Đường.

Lúc này Nguyễn Bính đã bắt đầu có bài thơ nổi tiếng nào chưa?

Cô hái mơ

“Thơ thẩn đường chiều một khách thơ

Say nhìn ra rặng núi lơ thơ

Khí trời lặng lẽ và mát mẻ

Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ

Hỡi cô con gái hái mơ già

Cô chửa về ư? Đường thì xa

Mà ánh chiều hôm dần một tắt

Hay cô ở lại về cùng ta?

Nhà ta ở dưới gốc cây dương

Cách động Hương Sơn nửa dặm đường

Có suối nước trong tuôn róc rách

Có hoa bên suối ngát đưa hương

Cô hái mơ ơi! Cô gái ơi

Chẳng trả lời nhau lấy một lời

Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng

Rừng mơ hiu hắt, lá mơ rơi…”

Năm 1939, trên tờ “Tiểu thuyết thứ năm” của Tự Lực Văn đoàn đăng một loạt dài kỳ bài thơ “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính. Bính bắt đầu được dư luận chú ý và nổi tiếng. Đi chỗ nào cũng thấy người ta đọc “Lỡ bước sang ngang”. Nhưng bài thơ mà Bính sáng tác đầu tiên không phải là bài “Lỡ bước sang ngang” mà là bài thơ “Cô hái mơ”.

Bài thơ “Cô hái mơ” được đăng trên tờ “Ngày Nay” Bính làm khi vẫn còn là một thiếu niên mới lớn ở thôn Vân. Có một lần Bính rủ các bạn học cùng đi chơi chùa Hương tức cảnh sinh tình viết nên bài thơ này. Bài thơ được giải thưởng của nhóm “Tự lực văn đoàn” và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Có lẽ bài thơ này mới được coi là điểm khởi đầu thơ Nguyễn Bính.

Vậy Nguyễn Bính rời Hà Nội để vào Nam khi nào và đến lúc nào thì ông và Nguyễn Bính mới tái ngộ?

Đó là vào cuối năm 1941. Một cuộc chia tay dài. Đến tận năm 1954 Nguyễn Bính và Bùi Hạnh Cẩn mới gặp lại nhau ở Hà Nội. Có lẽ đó là những tháng ngày rất khó khăn và buồn bã của Bính. Suốt một khoảng thời gian khoảng 10 năm từ lúc Bính đi tôi nhận được  khoảng gần chục bài thơ trong những lúc tha hương Nguyễn Bính gửi tặng.

Điều đặc biệt là khi Bính gửi thư cho tôi lại chẳng hề viết bằng văn xuôi bình thường mà tất cả đều bằng... thơ. Ví như bài “Hoa với rượu” có đoạn “Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh. Tôi đi gian díu với kinh thành”.

Thế ông có trả lời Nguyễn Bính không?

Nhận được thơ của Bính tôi cũng viết trả lời và cũng bằng thơ. Ví dụ có một đoạn tôi viết cho Bính để kể về những kỷ niệm khi hai đứa cùng chơi với nhau ở thôn Vân:

“Hiên cao xếp ngói làm đình

Ao sen nở đỏ, chúng mình buông câu

Thuyền con buộc lỏng chân cầu

Trưa nào gắt nắng đội đầu lá sen”.

Năm 1933, Nguyễn Bính từ Xóm Trạm xuống Hội Phủ Giầy rồi buổi chiều lấy vé ôtô đi Hà Nội bắt đầu những chuyến giang hồ. Khoảng cuối những năm 30, gia đình Bùi Hạnh Cẩn cũng ly tán mỗi người một nơi. Cẩn ra Hà Nội. Rồi làm báo. Đến tận năm 54, hai người mới gặp lại nhau ở Hà Nội.

Có bài thơ nào mà Nguyễn Bính tặng ông, cho đến nay vẫn rất ít người biết đến không?

Bùi Hạnh Cẩn lặng đi một hồi, rồi ông từ từ đọc lại bài thơ của Nguyễn Bính tặng ông Tết năm 1938. Có lẽ không có nhiều người biết về bài thơ này. Bài thơ có tên “Đêm 30 Tết”.

Nguyễn Bính lúc ấy xa thôn Vân, nhớ những ngày tết với không khí tết ấm cúng, Nguyễn Bính có gửi cho Bùi Hạnh Cẩn bài thơ này. Rất tiếc có một vài câu trong bài thơ ông Cẩn không giữ cũng không nhớ được. Ông chỉ đọc một đoạn:

“Trời đen như mực tối 30

Diệm trốn nhà sang để gặp tôi

Hai đứa ngôi ngồi trên đệm rạ

Lặng nhìn nồi bánh rộn ràng sôi

Ánh lửa hồng lên má Diệm hồng

Cổ tay nàng trắng, mắt nàng trong

Tôi không dám hỏi nhưng đưa mắt

Ý hỏi sao em chửa lấy chồng”.

Trong suốt bao năm thân thiết với Nguyễn Bính, ngoài những bài thơ mà Nguyễn Bính viết tặng ông, ông còn giữ được kỷ niệm nào của Nguyễn Bính nữa không?

Có một lần Bính tặng tôi một chiếc lư đồng có hình người dắt trâu. Tôi cũng còn giữ được một bức tranh bút chì màu do Hoàng Lập Ngôn vẽ tặng Bính năm 1940 khi ông về thăm thôn Vân. Bức tranh vẽ người dắt trâu ở bờ ruộng, và luỹ tre làng chính là luỹ tre của thôn Vân.

Trong nhiều thập kỷ, có rất nhiều người yêu thơ của Nguyễn Bính, tất nhiên trong số đó sẽ có rất nhiều thiếu nữ. Vậy suốt một thời trai trẻ, Nguyễn Bính có yêu nhiều không và các cuộc tình của ông có để lại dấu ấn trong những bài thơ của ông không?

Tất nhiên là thi sĩ thì yêu cái đẹp như một sự tất yếu. Trong nhiều bài thơ của Nguyễn Bính đều thấp thoáng có bóng dáng một ai đó. Ví dụ có người tên Diễm, có người tên Nhi, tên Thi rồi chị Trúc... Mỗi một cuộc tình, mà thường là đơn phương, Nguyễn Bính đều để lại một sáng tác.

Như bài “học trò trường Huyện” nhân vật nữ trong đó hoàn toàn có thật, tên là Thi, con một ông ký rượu ở Vụ Bản. Cô gái tên Thi người nhỏ nhắn xinh xắn, khiến nhiều anh chàng (trong đó có cả Bính và tôi) đều mê. Sau này Thi lấy chồng. Bính buồn viết bài thơ “giấc mơ anh lái đò” trong đó có câu:

“Lang thang anh dạm bán thuyền

Cả người giả chín quan tiền lại thôi”

Cụ Cẩn ngồi lặng im một lát, có lẽ để ký ức trôi về thời tuổi trẻ rồi cụ hẹn: Về những cuộc tình của Nguyễn Bính. Yêu thì đẹp, thơ thì hay, còn vào duyên phận thì lận đận. Như vậy là bạn đọc sẽ còn chờ tiếp ở số tới.

(*) Đầu đề trích từ một cuốn sách của Bùi Hạnh Cẩn viết về Nguyễn Bính.

Kỳ sau: Những người con gái trong thơ Nguyễn Bính?

Hiền Chi Mai

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm