1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người phụ nữ đi xuyên đường Hồ Chí Minh bằng xe đạp

Một thương binh nghèo, luống tuổi, mang bệnh ung thư đã di căn ở thời kỳ cuối, vết mổ chưa lành miệng, tay trái liệt hoàn toàn. Một người phụ nữ một mình một xe đạp đi xuyên đường Hồ Chí Minh để từ TPHCM ra viếng lăng Bác ở thủ đô Hà Nội, rồi lại quay trở vào cũng trên chiếc xe đạp.

Hai hình ảnh tưởng như không liên quan ấy lại có thể kết hợp thành chân dung của một người: chị Huỳnh Thị Kiều Thu.

 

Một đoàn làm phim tình cờ gặp trên đường đã tình nguyện đi theo để ghi lại những ngày người cựu chiến sĩ biệt động năm xưa chinh phục Trường Sơn, vượt qua chính mình. Bao nhiêu người ở dọc đường Hồ Chí Minh đã kinh ngạc, hân hoan rồi như được tiếp thêm sức sống mới khi nhìn thấy Kiều Thu...

 

Hình ảnh của Kiều Thu trên đường Hồ Chí Minh là không thể quên được: ngồi đạp trên yên sau, mái tóc bạc chảy dài trên lưng, cánh tay trái đặt trên yên xe, lái bằng tay phải sưng vù, đau nhức, và những bị, những bọc, những biđông, bếp dầu cứ lủng lẳng, ngồn ngộn trước tay lái. Lên dốc, Thu dắt bộ, yên xe tì vào hông, lẹt xẹt, tập tễnh đẩy cả mình lẫn xe lên dốc bằng chân, bằng vai, bằng má. Xuống dốc, một cành cây được buộc vào bàn đạp để làm thành một cái thắng chân, tăng thêm ma sát...

 

Dòng nhật ký của Kiều Thu ghi lại trên đỉnh cao 601, Đắc Tô, Kontum: “Tôi đến trước ngọn đồi này, thật cao, dốc đứng sừng sững tưởng chừng không thể lên nổi. Tôi hát “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi...” để khích lệ mình. Hát đi, hát lại rất nhiều lần thì tôi lên được đỉnh đồi...”.

Phim tài liệu Những ngày vượt qua chính mình (vừa được phát trên sóng HTV tối 16/5) đã ghi lại khá nhiều cảm nhận của mọi người về chị. Ông Đỗ Ửng, một người dân trên đường Hồ Chí Minh, kể: “Nom cô tiều tụy, tay trái bất động, tay phải thì sưng to bằng cái chân của tôi. Khuyên cô về nhà không được, tôi nghĩ chắc cô ấy sẽ chết đâu đó dọc đường.

 

“Ấy vậy mà cô đã đi được...”. Bác sĩ Lương Thị Ngọc Thái ở Hà Nội thì nhớ hình ảnh nom có vẻ kỳ cục và lập dị của chị với chiếc xe đạp chất đầy thứ lỉnh kỉnh ngay trước lăng Bác. Trên gương mặt từng người chưa hết nỗi bàng hoàng.

 

Với đèo Lò Xo, chị mất hai ngày mới vượt qua được. Đi và về, hai lần chinh phục Trường Sơn mỗi lần hơn một tháng nhưng chỉ một lần duy nhất chị thoáng nghĩ tới chuyện bỏ cuộc: khi vừa ra khỏi nhà ở quận Bình Thạnh, sức khỏe quá yếu, đồ đạc quá nặng nên chị dắt bộ đến tận Lái Thiêu. Mấy người đi đường nghe chuyện, ai cũng khuyên chị trở về. Suy nghĩ nửa ngày, chị tặng bớt đồ đạc cho một gia đình ven đường rồi mím môi đạp tiếp.

 

Cảnh đẹp, vẻ hiện đại của đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa đã bù đắp lại những giọt mồ hôi. Chị viết: “Có quá nhiều những điều thú vị mà người ta chỉ nhận ra được khi đi trên con đường này bằng chính đôi chân của mình”. Đó là cảm giác sảng khoái, thư giãn bên một thác nước, bờ suối, cảm giác tan biến trong thiên nhiên khi ngả lưng trên một tảng đá, cánh võng mắc bên rừng.  

 

Đó là sự thú vị khi được làm người đầu tiên đi qua một cây cầu mới nối, được nghe tiếng động cơ xe ầm vang trong hầm Hải Vân... Mỗi ngày đi, chị không chỉ vượt lên những dốc núi mà còn vượt lên sức người, vượt lên bệnh tật. Một tai nạn bất ngờ trên đường khiến chị phải nằm viện thêm nửa tháng, nhưng vừa xuất viện chị đã lại lên đường. Trên hành trình đi về, những người đã từng gặp chị lần trước ai cũng phải thốt lên: “Chị Thu béo khỏe, đẹp hẳn ra, lại vui tươi hơn nữa...”.

 

Chị bảo chị khỏe ra vì đã thỏa nguyện được đi xuyên đường Hồ Chí Minh, thăm làng Sen, viếng lăng Bác, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tham quan Điện Biên Phủ. Chị khỏe ra vì được sự khích lệ, động viên của hàng trăm người chị đã gặp, được các công nhân làm đường nhường chỗ ngủ, chia bữa ăn, được ông lương y ghi cho bài thuốc, chị phụ nữ giặt hộ tấm áo...  

 

Hành trang của chị suốt cuộc hành trình chỉ có ít thức ăn khô, mấy thang thuốc nam, hai bộ quần áo, nồi và bếp dầu. Vật quí nhất với chị là mấy cuốn sổ nhật ký, nhưng lật giở mãi thỉnh thoảng mới thấy chị viết vài dòng. Tràn ngập năm cuốn sổ là hàng trăm nét chữ, đoạn viết khác nhau: nguệch ngoạc và nắn nót, non nớt và rắn rỏi, dài và ngắn, chỉ một dòng thăm chúc hay cả một bài thơ dài... Nhưng tất cả đều rất chân tình bày tỏ sự cảm phục với nghị lực của chị.

 

Và mọi người đã nhận ra điều đó trên vẻ mặt rạng rỡ của chị, trong những câu chuyện chị kể ríu rít và những tấm ảnh, cuốn sổ chị mang về. Một cô gái viết, không biết cho chị hay cho mình: “Con vừa mất mẹ, con buồn tới không thiết sống. Rồi con gặp cô. Cô không còn sống được bao lâu nữa nhưng lại nghị lực hơn con nhiều lần. Con đã biết cuộc sống của mình quí giá...”.  

 

Một cô gái khác: “Một lần vấp ngã về tình cảm, con đã thấy suy sụp, không tin bản thân cũng như mọi người xung quanh. Gặp cô, con nhận ra mình thật bé nhỏ, suy nghĩ của mình thật nông cạn...”. Ngọn lửa từ Kiều Thu đã rải khắp từ những công nhân làm đường đến bác nông dân, chị bán quán, cả những em bé học sinh. Cô bé 6 tuổi Lê Ngọc Tú Uyên nắn nót: “Chúc bà được gặp Bác Hồ nằm ngủ ngon lành. Năm sau cháu vào lớp 1, cháu hứa cố gắng học giỏi”.

 

Và cả những nét chữ thật ngang tàng: “Chúng cháu là... lâm tặc vùng này. Chúc cô hoàn thành chuyến đi thăm lăng Bác như cô mong muốn. Chúng cháu không bao giờ quên cô, có thể cuộc gặp gỡ này sẽ làm thay đổi cuộc đời cháu”...

 

Kiều Thu đã tự tin viết về mình: “Tôi đi xe đạp xuyên Việt. Vì muốn kính viếng Bác. Vì muốn chiến thắng bệnh tật. Vì muốn sống thêm vài năm nữa. Vì những công việc và những điều chưa làm được”. Chị đã làm được nhiều hơn thế khi có nhiều người thốt lên như anh Phan Văn Hải ở Đắc Nông: “Gặp chị, tôi biết trên đời này không phải là không có phép lạ. Phép lạ ở trong ta...”.

Theo Phạm Vũ

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm