1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người níu giữ câu quan họ cổ

Cụ Ngô Thị Nhi, làng Diềm thôn (xã Hoà Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) kể rằng, cứ mỗi năm, vào dịp mùa xuân cụ lại bồi hồi nhớ tới một thời chơi quan họ quên ngày quên đêm...

Cứ câu quan họ mà... nhớ nhau

 

Ở tuổi 82 cụ Ngô Thị Nhi vẫn còn khá nhanh nhẹn. Khăn đen quấn đầu, răng đen hạt huyền cùng lối nói năng linh hoạt, đôi lúc có pha những câu ca, tục ngữ khiến người tiếp xúc có thể cảm nhận về cái duyên quan họ thưở nào vẫn phảng phất nơi cụ Nhi... Cụ bảo rằng, bây giờ "vài trăm bài không nói chứ trong khoảng trăm bài, hỏi chỗ nào tôi cũng biết". Khả năng nhớ nhanh và nhớ lâu đã giúp cụ Nhi và cụ Phụng (cùng làng) giật vài giải nhất trong các cuộc thi những năm trước.

 

Mặc dù tự nói rằng giọng đã mỏi nhưng cụ vẫn còn lực để hát những giọng cổ khó như La giằng, Tình tang... với những bài Tiên sa, Đường đi những suối. Giọng hát của cụ nghe vẫn còn rền, nảy theo quan niệm về giọng hát hay của quan họ xưa...

 

Cụ Đỗ Thị Nhi kể, cụ đến với quan họ rất sớm. Thưở ấy, trong làng quan họ có một nhà chứa các liền anh, một nhà chứa các liền chị. Nhà cô bé Nhi lúc ấy cũng là nhà chứa các liền chị Diềm thôn. Tối tối, các liền chị tụ tập tại đây để học theo những người lớp trước; sáng ra, ai về nhà nấy... Ở trong một không khí quan họ như vậy, mới 10 tuổi cô bé Nhi đã "học đòi" được nhiều câu hát từ các liền chị. Đến năm 15 tuổi, cô đã có một chân trong bọn quan họ làng, mải miết theo các chị cả, chị hai đi hát...

 

Cũng không riêng gì cô Nhi, nhiều người ham hát cùng thời cứ cha truyền con nối mà kế nghiệp quan họ.  Ngày ấy, có tục kết chạ giữa quan họ nữ làng Diềm và quan họ nam làng Hoà Thị (Tiên Du). Cứ đến 10 tháng Giêng bọn nam Hoà Thị lại mời nữ làng Diềm ra và đầu tháng Tám làng Diềm lại mời Hoà Thị lên. Mỗi địp như vậy thường kéo dài đến hai ba ngày, đôi bên cứ hát cả ngày lẫn đêm mà vẫn không hết câu. Khi được hỏi câu hát nào mê nhất thời đó, cụ Nhi bảo: Quan họ gặp nhau, đã say hát rồi câu nào cũng thích. Lúc chia tay rồi vẫn lưu luyến, vẫn thấy văng vẳng tiếng anh Hai, anh Ba hát ở bên tai. Nhưng chỉ say nhau câu hát chứ không say nhau về tình...

 

Hai làng quan họ đã ăn “chạ” với nhau từ thời thượng cổ nên các liền anh liền chị không kết duyên (nhưng một trong hai bên chơi với các bọn quan họ khác nữa thì không phải tuân thủ lệ này).

 

Người níu giữ câu quan họ cổ - 1
Cụ Ngô Thị Nhi 

Khi quan họ vào mùa, cụ Nhi cùng các liền chị làng Diềm cứ đi hết hội Lim đến hội Đống Cao, chợ Ó... Theo cụ Nhi, dù hát ở đâu quan họ xưa cũng thể hiện sự nghiêm túc, khiêm nhường, ý tứ. Lúc đi hội, các liền chị mặc áo the, mang thắt lưng sồi se, dải yếm lụa, dép quai mỏ... Những áo xanh, đỏ (màu nổi) luôn ẩn bên trong, áo màu hạt dẻ phủ ngoài. Đến hội, bọn quan họ nam muốn mời các liền chị phải có cây giầu: Nhất niên nhất lệ, mỗi năm một lần. Hôm nay, năm mới tháng xuân, anh em chúng tôi đi hội muốn mời chị Hai, chị Ba xơi miếng giầu để anh em chúng tôi được theo đòi một vài lối, năm sớm lấy may... Quan họ nữ nhận giầu, đáp lại từ tốn rồi hai bên mới vào hát.

 

Càng chơi quan họ, cụ Nhi càng thuộc được nhiều, cả đến vài trăm bài. Theo cụ, cùng chơi quan họ, ai thuộc nhiều hơn, hoạt bát hơn, sáng kiến hơn thì người đó được coi là biết hát hơn. Chất giọng có thanh, hát dư giọng được coi là hay...

 

Quan họ rất giữ gìn mối quan hệ kết chạ và nhiều người chơi quan họ rất bền. Khi cô Nhi đã nơi có chốn thì thú chơi quan họ vẫn chưa thể dừng. Cứ đến mùa chơi quan họ hai vợ chồng lại tạm chia hai ngả. Cô Nhi cùng các liền chị trong làng chơi với Hoà Thị còn chồng cô lại cùng các liền anh sang hát cùng quan họ nữ bên Đống Cao. Đã chơi quan họ rồi, ai cũng ham cũng mải: "ông đi hát với bọn ông, tôi đi với bọn tôi...". 

 

Tiếc những giọng hát khó

 

"Các cụ bên trên còn giỏi gấp mấy lần tôi nhưng các cụ không còn mấy. Lớp đi chơi của tôi vẫn còn một số nhưng các bà ấy chơi xong ít nhớ hơn tôi", cụ Nhi tâm sự. Chỉ trừ giọng Hừ la của các cụ xưa rất khó theo, hầu hết các giọng khó khác cụ Nhi vẫn còn giữ được.

 

Hiện, cụ Ngô Thị Nhi là một trong sáu nghệ nhân quan họ đang được UNESCO xem xét công nhận... Cuộc sống đời thường còn chưa hết bươn trải,  cụ vẫn còn phải bán rau nơi chợ làng nhưng trước sau cụ vẫn luôn lưu tâm tới việc gìn giữ câu hát.

 

Từ năm 1971, cụ Nhi cùng các liền anh liền chị đã tham gia truyền nghiệp cho các diễn viên của đoàn quan họ Bắc Ninh. Mới đây, NS Thuý Cải cũng dẫn diễn viên lên tập cùng cụ. Cả bảy người con của cụ Nhi cũng được thừa hưởng "gien" quan họ, trong đó anh Kí con trai cả của cụ hiện là trưởng đội văn nghệ cũa xã và cũng là người sưu tầm được nhiều bài quan họ cổ. Lớp 40-50 tuổi của làng Diềm Thôn như chị Tuyết, Hời, Hài... do các cụ dạy những năm trước cũng đang tiếp tục truyền lại cho các lớp trẻ.

 

Cụ Nhi cho rằng quan họ thời nay hay hơn xưa ở chỗ: đưa lên truyền hình, hát ngồi tựa mạn thuyền thì hiện cái thuyền, vào chùa... hiện chùa, đi đò... có đò. Người say hát thời nay cũng vẫn còn nhiều. Nhưng cụ vẫn còn chưa thật bằng lòng: "Các cháu bây giờ chủ yếu học hát giọng lá tức giọng vặt. Các cụ để lại nhiều giọng lắm... chúng tôi vẫn tiếc là còn nhiều giọng hay nhưng khó, chưa dạy lại được; về sau chúng tôi qua đời là mất".

 

Kim Tân