Người Mông xuống núi đổi đời
(Dân trí) - Thức chém những nhát rìu như búa bổ xuống thân cây gỗ, chẳng mấy chốc đã thành chiếc cột. Những người khác đang xúm vào chình đất, bức tường dày dễ tới nửa mét. Hai người đàn ông khoẻ mạnh ra sức đầm đất bằng hai chiếc chày dài. Ở đây đang xây nhà mới.
Khắp các vùng biên cương ở địa đầu của Hà Giang, những bản hạ sơn như thế có thể dễ dàng bắt gặp ở đâu đó.
Bản hạ sơn
Ở vùng cao của mảnh đất địa đầu Tổ quốc này, người dân, đặc biệt là bà con dân tộc Mông có thói quen sống ở những đỉnh núi xa lơ lắc. Cuộc sống ở đó chẳng những thiếu thốn đủ bề mà điều kiện tiếp xúc với văn minh cũng không có nhiều. Những đứa trẻ ít có điều kiện được đến trường và người lớn luôn phải tất bật với việc kiếm sống đầy gian truân.
Trong những năm qua, bằng nguồn vốn 135, định canh định cư, vốn hỗ trợ dân tộc thiểu số... Hà Giang đã thực hiện vận động đưa được trên hàng ngàn hộ bà con các dân tộc thiểu số sinh sống trên các triền núi cao xuống vùng thấp hơn.
Những hộ hạ sơn hầu hết đều có điều kiện để phát triển kinh tế, được giao lưu về văn hoá với các dân tộc sống trên địa bàn, tiếp cận với khoa học kỹ thuật và có cuộc sống tốt hơn.
Con đường từ thị xã Hà Giang lên các huyện vùng cao dài thật dài, đi mải miết hết núi này sang núi khác cũng chỉ thấy xám xịt một màu u ám. Những bản hạ sơn nằm lấp ló giữa bạt ngàn mây núi.
Anh bạn đồng nghiệp làm báo Hà Giang cho hay: "Cứ bản nào lợp mái broximăng, nằm quây quần gần đường quốc lộ thì đó đích thị là bản hạ sơn". Chúng tôi dừng chân ở một bản hạ sơn đang chuẩn bị những nếp nhà mới thuộc xã Na Khê huyện Yên Minh. Có khoảng hai chục nhà trên một trảng đất rất rộng rãi. Cảnh sinh hoạt ở đây thật sôi động, ai cũng tất bật với công việc.
Bản hạ sơn trông thật đẹp, những ngôi nhà xây dựng có tổ chức xếp quây quần cạnh nhau. Người dân như thế là đã sống tập trung chứ không rải rác như trước kia nữa. Ông trưởng bản đi đâu vắng, chỉ còn đám thanh niên đang mải miết dựng nhà, tiếng cười, tiếng gọi nhau vang lên í ới.
Nhà mới
Những người dân ngừng tay đục, tay cưa nhìn chúng tôi dò xét. Biết tôi là nhà báo, Thức toe toét cười, khoe chiếc răng vàng choé: "Xuống núi thôi nhà báo ạ, xuống để tiện làm ăn chứ, tiện cho con cái đi học nữa".
| |
Nhà hạ sơn làm ven đường quốc lộ. |
Tay lực điền này có nước da ngăm đen, một tay cầm rìu, tay kia cầm đục, vừa chuyện vừa phang những nhát chắc nịch vào thân gỗ đang sắp ra hình một cây cột: "Ở đây bà con sống dựa vào nhau, mỗi ngôi nhà trong bản đều là công sức của tất cả mọi người". Thức vơ cái điếu ụp, rít sòng sọc.
Đám thanh niên lúc đầu còn dò xét e dè, sau thì nói chuyện với chúng tôi thân thiện và cởi mở. Người dân vùng cao luôn là thế, nếu xoá đi được cảm giác e dè thì tình cảm của họ với khách sẽ nồng hậu hơn ai hết.
Những ngôi nhà mới đều có tường chình đất thật dày, mái ngói fibrôximăng khá khang trang. Mã - một thanh niên mới tròn đôi mươi hấp háy mắt: "Ở vùng cao này, chỉ có những tường đất dày thì mới chống chọi được cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông.
Lạnh lắm anh ạ, cái lạnh cứ thấm qua quần áo, len lén dần vào xương thịt. Đến như chúng em là thanh niên thế này mà còn thấy rét, huống chi người già, em bé. Bởi thế, tường càng dày càng tốt, nhà thấp cũng đỡ rét hơn nhà cao".
Một vài ngôi nhà dựng xong, đã có người ở, nhưng những căn nhà khác thì đang hoàn thành. "Chúng em cố gắng làm xong càng sớm càng tốt, để bà con khỏi phải chịu rét, gia súc cũng an toàn. Năm ngoái rét quá, có nhà chết cả trâu đấy anh ạ", Mã nói.
Cuộc sống đang đổi thay
Bọn trẻ con chạy ào ra, lúc đầu còn sợ sệt, sau thì thi nhau sờ mó chiếc xe máy dặm trường bẩn như con trâu đất của chúng tôi. Chúng nói cười với nhau bằng tiếng dân tộc. "Bọn nó đều học lớp ba, lớp bốn cả đấy, nhưng chỉ nói tiếng phổ thông khi đi học thôi, về nhà lại sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình", Thức nói với ra.
Cuộc xuống núi đổi đời xem ra thật đáng với công sức bỏ ra. Xuống chân núi, không phải đi chợ huyện từ giữa đêm, đợi đến sáng ra đi cũng vẫn kịp. Con trâu con ngựa cũng bớt mệt mỏi, không phải thồ hàng nặng nhọc lên cao.
Đám trẻ thì đã biết sự khác nhau giữa ôtô tải và ôtô chở khách. Thậm chí, thỉnh thoảng chúng còn reo toáng lên khi thấy có ông bà Tây nào cưỡi xe máy lao qua. Nhiều người đã mở những sạp hàng mậu dịch nho nhỏ.
Một vài gói thuốc lào, mấy gói kẹo lấy về từ chợ huyện, đèn pin, mì gói... và rượu ngô nữa. Rượu ngô bán chạy nhất, nhưng không ai dám lấy lãi nhiều vì toàn phục vụ người trong bản. Bán mà đắt quá cũng chẳng có ai mua nữa.
Cuộc sống ở những làng bản như thế này đang đổi thay từng ngày. Có thể rằng, lần khác khi tôi đi qua, những ngôi nhà đất đã không còn, mà thay vào đó là nhà xây. "Nhà xây cũng chống rét tốt lắm nhưng bây giờ thì không có tiền làm", nụ cười của Mã lúc chia tay làm tôi nhớ đến tận bây giờ.
Án Văn Long