1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10:

Người chị nghèo và 3 đứa “em dưng”

(Dân trí) - Không anh em ruột thịt, không máu mủ ruột già, nhưng từ bao năm nay, người phụ nữ trẻ ấy vẫn nhận nuôi 3 người con bị nhiễm chất độc da cam của một gia đình liệt sĩ, trong đó có một em bị bại liệt, một em bị tâm thần. Chị là Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1971, ở xóm Phượng Lưu, Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.

"Lá rách đùm lá nát"

 

Sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, bố mẹ mất sớm, tuổi xuân của chị Lan là một chuỗi những ngày khó nhọc, một mình gồng gánh nuôi mấy đứa em trưởng thành rồi mới  lấy chồng. Theo anh Trung về làm dâu tại làng Phượng Lưu, cuộc sống của chị cũng chẳng khá hơn là mấy. Tài sản quý nhất mà anh chị có là căn nhà cấp bốn mà  bố mẹ chồng giao lại. Ngày anh làm thuê phụ hồ, chị làm ruộng nuôi 7 miệng ăn, nguồn thu nhập chính anh chị trông chờ vào mấy sào ruộng khoán.

 

Hiểu hoàn cảnh của chị, chúng tôi càng thấy băn khoăn, nghị lực nào, sức mạnh nào đã giúp chị chăm sóc, nuôi dưỡng cho 3 anh em đang bị nhiễm chất độc màu da cam, đứa bị thần kinh, đứa bị bại liệt nằm 1 chỗ, con của một người thương binh đã mất.

 

Đó là gia đình ông Nguyễn Xuân Tân, bộ đội tổng kho 764 tại Quảng Trị, người đã trực tiếp tham gia các  trận đánh lớn dọc đường Trường Sơn. Năm 1975, ông Tân được cử đi học rồi ở lại làm giảng viên Trường Đại học Quân sự Vĩnh Phúc. Năm 1985, do vết thương trên người tái phát, ông về quê an dưỡng chờ ngày nghỉ hưu thì lâm bệnh qua đời.

 

Ông để lại cho vợ là bà Nguyễn Thị Hiền 4 người con. Buồn thay, cả 4 đều mang những di chứng chất độc màu da cam do cha truyền lại. Đứa con gái thứ 2 Nguyễn Thị Hương khi sinh ra đã dị dạng, sống được 4 tuổi thì qua đời. Người anh cả Nguyễn Xuân Lương (SN 1975) một ngày cũng phát bệnh, lên cơn co giật, suốt ngày đập phá rồi dùng đá ném chết mẹ mình. Em út Nguyễn Xuân Tuyến (SN 1985) toàn thân tê liệt. Chỉ có cô em Nguyễn Thị Huệ là lành lặn.

 

Cảm thương trước hoàn cảnh của ba anh em, chị Lan đã nhận chăm sóc họ như chính những người em ruột của mình.

 

Gánh cả gian nan về mình

 

Cuộc sống, gánh nặng trên vai hai vợ chổng trẻ ngày mỗi vất vả. Hàng ngày, anh chị phải chăm sóc cho 2 người con đang tuổi ăn tuổi học, một đứa cháu mồ côi và người bố đã già. Giờ nhận thêm 3 người em bệnh tật hàng xóm, gánh nặng càng oằn vai chị.

 

“Là hàng xóm nhưng nhìn những đứa trẻ không cha không mẹ, không người nuôi dưỡng tối đến một đứa nằm mỗi góc, đứa khóc đứa cười nghe thảm thương tội nghiệp lắm” - chị Lan nói như giải thích về nghĩa cử của mình. Chính chị đã động viên anh Trung nhận nuôi ba anh em “người dưng” đó.

 

Lúc đầu anh Trung cũng hoang mang lắm. Anh sợ gia cảnh mình nghèo khó, nuôi thân không nổi. Anh lại sợ những cơn thần kinh, lên cơn đập phá của mấy em. Nhưng dần dà, anh hiểu tâm nguyện của vợ và đồng ý.

 

Giờ thì chị vừa là chị, vừa là mẹ của ba anh em Lương - Huệ - Tuyến. Hàng ngày, chị phải tự tay chăm sóc, phục vụ nhu cầu cá nhân của Tuyến, Lương và người bố chồng. Đặc biệt là Tuyến, từ khi sinh ra đã nằm bất động, thân mình lở loét, chảy nước vàng. Tự tay chị phải lo lau rửa, bôi thuốc cho em.

 

Vất vả bội phần, nhưng hai vợ chồng trẻ ấy vẫn vươn lên sống bằng một nghị lực phi thường và lòng nhân hậu cao quý. Công việc phụ hồ của anh Trung thất thường, tiền kiếm khi ít, khi không, nhưng anh vẫn cùng vợ chăm lo cho gia đình và những người “em dưng” bệnh tật. Anh chia sẻ: “Khó khăn gian khổ là vậy nhưng chẳng bao giờ tôi nghe vợ oán than một lời”. Còn chị tâm sự: “Tôi nghĩ chắc duyên nợ, số phận anh bài đã cho tôi chia sẽ gánh nặng với gia đình họ”.

 

Thân Ba