1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngư phủ quái kiệt trên sông Lô

(Dân trí) - Bầu trời sau cơn mưa vẫn còn vần vũ như chụp một màu tối đen đáng sợ xuống dòng sông Lô, khiến cho người đứng trên bờ vọng xuống hay ai lạ nước lạ cái không khỏi rùng mình ớn lạnh. Nhưng cũng lúc đó thì ông và người con trai duy nhất của mình lại chèo thuyền vác lưới ra sông.

Để chinh phục những con nước xiết, dòng chảy vật, tìm ghềnh, hang dưới đáy của con sông này, nơi gọi là tổ của những linh ngư, để bắt cho bằng được những con cá "cụ", đã nhiều đời nay, đại gia đình nhà ông vẫn làm như thế. Cũng vẫn trên dòng sông Lô hiền hoà, nhưng ẩn chứa không ít sự hung hãn và vẫn được trả công bằng những con cá Lăng, cá Ngạnh, cá Quất nặng tới vài chục kg.

Nhà cửa, thuyền bè, việc ăn, học của con cái ông bây giờ cũng bằng chính những đêm dài dằng dặc, chèo thuyền trong giông dữa, giữ dòng sông Lô để văng câu, thả lưới, đánh chài, đơm tôm. Đó là công việc của ông, biệt danh Sinh Tơ, một trong những tay quái kiệt trong nghề săn cá trên sông Lô huyền thoại.

Đêm giông

Khoảng 10h đêm, cha con ông Sinh Tơ mới lục tục ra bến, để bắt đầu một cuộc săn tìm mưu sinh nơi dưới đáy sông. Chúng tôi, những người đi cùng cha con ông đêm nay tuy không nói ra, nhưng ai cũng cầu mong may mắn, vì lần đầu tiên lênh đênh cả đêm trên mặt nước của một dòng sông đang mùa lũ.

Anh con trai nắm tay chèo, ông Sinh ngồi ở mũi thuyền chỉ nói một câu "ngược ghềnh", không một chút tròng trành chiếc thuyền ngược dòng vượt lên phía trước khoảng 50m. Ông Sinh hô "trấn" đứng phắt dậy, tay cầm chài vung ra, chiếc chài như bị một lực thổi cực mạnh toả ra như một chiếc nơm lớn, chụp xuống một góc sông ven bờ, nơi có dòng nước mưa vẫn đang chảy từ bãi sông xuống.

Nhìn ông quăng chài tôi không khỏi giật mình thán phục vì khi chuẩn bị đồ nghề săn cá tôi có nhấc chính chiếc chài mà ông vừa quăng, thấy cũng phải đến ngót 20kg. Thế mà ông đứng ở mũi thuyền, lúc văng ra hai chân ông vững chắc, thân trên uyển chuyển và thành thục như đang thực hiện một vũ điệu.

Chỉ nghe một tiếng tủm gọn lỏn, thì cũng là lúc sợi dây dù to như ngón tay, đang quấn thành những vòng trên tay ông tự buông ra từ từ, ước chừng đoạn dây này cũng dài đến mười sải. Khi buông hết dây, ông lại làm ngược lại với những động tác dài chậm chạp như lúc thả khi lưới theo tay ông chụm lại, bằng một động tác nhanh kéo lên, rải ra mũi thuyền.

 

Ngư phủ quái kiệt trên sông Lô - 1
 

 

Ánh sáng từ chiếc đèn trên đầu ông đeo lia vào, những con mắt tò mò của chúng tôi đổ dồn vào bụng chài và lần này có một chú cá Lăng nhỏ. Trong khi gỡ cá ra ông bắt đầu nói: khi quăng chài chân phải tấn vững, cơ bụng và cánh tay phải khoẻ, lực phải dứt khoát. Đánh chài, nếu đạt yêu cầu cánh chài phải dán trên mặt nước, không một hòn chì nào được dính vào nhau. Người non tay thì nhất định chài sẽ bị thổi loang ra không tỏa và rơi xuống nước đánh "tùm" một cái, như vậy cá sẽ chạy hết.

Với tay quái kiệt Sinh Tơ thì có thể đánh chài ở mọi tư thế: ngồi, quỳ, và có lẽ tư thế có một không hai là đứng trên đầu một con trâu, ông ta cũng đánh được chài. Đây quả là độc chiêu của một tay sông nước có nghề. Vừa nói chuyện với chúng tôi, ông vẫn không ngớt tay quăng rồi lại kéo nhịp nhàng.

Cũng từ chiếc chài này, đã có lần ông bắt được con cá Lăng tới 16kg, bán được gần 3 triệu đồng. Nhưng cũng có lần làm ông tới bây giờ vẫn tiếc và vẫn sợ, đó là một đêm tháng 7 âm lịch. Ông một mình một thuyền trôi giữa dòng, vừa hóng mát vừa tìm ổ cá. Khi chài văng ra, chụp xuống nước, ông thấy cánh tay tê dại, ngón tay móc dây chài bị cứa mạnh bất ngờ.

Ông phát hiện trong lòng chài có một vật gì đó đang bùng nhùng và cựa quậy loạn xạ, ông phải quỳ xuồng móc dây chài vào mạn thuyền. Thế là chiếc thuyền nan của ông bị hút xuống chao đảo. Ông nghĩ trong chài  hẳn phải là con cá rất to, có thể lớn nhất trong đời ông gặp ở dòng sông này. Thuyền liên tục bị kéo đi. Ông vẫn ghì tay chắc vào chiếc dây chài đã cột được một vòng vào mạn thuyền.

Đúng lúc ông đang dồn toàn bộ sức lực, và thi triển hết các ngón nghề của tay săn cá lão luyện đã hơn 40 năm ra, thì  nghe "bục" một tiếng khô khốc, thuyền lại nhẹ bẫng hết chao đảo. Sợi dây chài đang căng như dây đàn bỗng chùng xuống. Ông vội kéo chài lên, thì chẳng có một con cá nào cả, mở chài ra chỉ thấy một lỗ thủng to bằng chiếc nia, có đường kính khoảng 1,5m, những hòn chì kịp vào mép chài đã không còn nữa, chiếc chài nhẹ hơn bao giờ hết.

Lúc đó, giữa dòng nước lớn, trời mùa hè gió thổi mát lạnh, mà mồ hôi ông vã ra như tắm, tim đập thình thịch và lúc này ông mới thấm câu "mất cả chì lẫn chài" của các cụ vẫn nói. Ông nghĩ nếu mà bắt được con cá này, thì có thể ông đã vượt thành tích của bố ông với 1 con cá Nhồng cụ 72kg dài tới 2,2m.

Sau cái đêm trượt cá, làm ông vừa tiếc vừa sợ, phải mất mươi ngày sau, ông mới dám đi đánh chài. Tới bây giờ ông vẫn ao ước có một ngày ông gặp lại "kỳ phùng địch thủ". Ông đã tự tay thửa  một chiếc chài, vừa rộng vừa chắc, lưới kép, nặng tới 20kg. Ông bảo lưới chài này có thể buộc cả được con voi.

Cao thủ câu văng

Không chỉ là đệ nhất quăng chài ông cũng nổi tiếng về tài câu văng. Nhà ông có khoảng 20 bộ lưỡi câu văng, một bộ lưỡi lên tới 300 chiếc, được nối liên tiếp với nhau trên sợi dây dù dài trăm mét. Khi thả móc xuống đáy sông, con cá nào lội qua ngay lập tức bị móc vào, càng dẫy mạnh thì càng bị nhiều lưỡi vướng vào, không thể thoát ra được.

Chính nhờ hệ thống lưỡi câu tiêu diệt này mà cách đây 2 năm ông đã tóm được chú cá Lăng kỷ lục của đời ông: 40kg. Ông vẫn còn nhớ rất rõ, hôm đó khoảng 6h sáng, khi ra nhấc câu văng, ông thấy ngay từ đầu dây đã nặng khác thường. Mới nhấc được khoảng 2m thì thấy dây câu bị giật mạnh liên hồi, linh tính của một tay ngư phủ lão luyện mách bảo ông rằng vướng câu là một con cá lớn. Ông nói cô con gái út  trấn vững mái chèo, còn ông một tay cầm đáp lặn xuống, lần theo đường dây câu để khuất phục con cá đã vướng vào.

Là một người trường hơi có thể lặn được tới 12 sải sâu (khoảng 20m), nhưng cũng gần hết hơi thì ông mới đáp trúng con cá. Cùng với sự trợ giúp đắc lực của cô con gái, cũng là con nhà nòi thì mới kéo được con cá lên thuyền, mang lên bờ cân đúng 40kg, dài tới 1,9m.

Ông cho biết, giống cá Lăng mà to tới cỡ này thì ít nhất cũng phải sống hơn 10 năm rồi, vì cá Lăng chỉ ăn tôm tép nên tăng trọng rất chậm, chủ yếu phát triển cơ thể theo chiều dài. Do vậy thịt thì rắn chắc, vàng óng, thơm ngậy, xương của nó cứng như sắt, ninh cả ngày cũng không mềm.

Hôm đó khi về nhà ông đã thịt một con lợn cũng khoảng 40kg để cúng thần sông và khao anh em và phường câu, nhưng cũng chỉ tốn chưa tới một phần năm của con cá, bởi ông đã bán được 170 nghìn/1kg cho một tay chuyên buôn cá lớn ở sông Lô từ Hà Nội lên.

Đây cũng là con cá lớn nhất mà đời ông đã bắt được cả về trọng lượng lẫn số tiền. Tuy vậy, ông Sinh vẫn còn muốn được một lần ngược sông Lô cách chỗ nhà ông ở là xã An Đạo, Phù Ninh, Phú Thọ khoảng 30km, tới khu vực Kim Xuyên, Tuyên Quang, nơi sông Lô tiếp giáp với sông Chẩy có một vùng nước ngập.

Trong những hang đá mà ở đó vẫn còn những con cá trắm đen cụ, thỉnh thoảng lại nổi lên, to như chiếc thuyền nan. Cũng đã có nhiều tay câu lão làng, lên đó bài binh bố trận để săn cá. Tới nay mới chỉ có một người thành công, đó là cụ Chỉ đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn 1 mình kéo được con trắm đen 63 kg lên thuyền.

Còn những tay câu khác cũng đã có lên, giáp mặt chỉ thu được những chiếc vây cá, đen xì trơ cứng to như chiếc bát ăn cơm mà thôi. Ông Sinh dự định sẽ mang bộ câu mệnh danh không thể nào thoát của mình, tới đó để thi triển, mong tóm được một lần trắm cụ để thoả chí hùng ngư.

Trên sông Lô hiện nay đoạn từ cầu Việt Trì ngược lên khoảng 50km, là chỗ giao với sông Chẩy có đến cả chục tay quái kiệt trong làng săn cá, họ đều là những tay anh hùng nhất khoảnh như: Hạc Lập Thạch, Tư Bình Bộ, cụ Chỉ, Kim Xuyên và nhiều tay "dái cá" khác.

Ngày ngày phải lần tìm tầng tăm cá mong bắt bằng được những con cá lớn để nuôi sống gia đình. Nhưng khi bắt được cá dưới sông lên, họ không dám ăn, mà phải bán cho những tay "săn cá cạn" chủ yếu ở Hà Nội lên gom cá cho những nhà hàng lớn ở Thủ đô. Vì ngay những quán cá bờ sông ở Việt Trì cũng chỉ dám tiêu thụ những con cá loại 2 - dưới 10kg mà thôi.

Với những tay săn cá cạn này, túi tiền lúc nào cũng đầy. Nếu mua được: Anh Vũ, Lăng lớn, Chiên, Ngạnh, Quất to thì đó là ngày "được mùa" của họ.

Hiện nay giá cá mua tại bến tương đối cao: Anh Vũ 320 đến 400 nghìn 1kg tuỳ loại, Lăng khoảng 200 nghìn, các loại khác cũng không có loại nào dưới trăm nghìn cả. Thế mà những tay săn cá không săn được cá mà bán.

Các nhà hàng muốn có cá sông Lô xịn chỉ có nước đặt tiền  trước, khi nào có hàng thì mới dám gọi thực khách quen đến thưởng thức. Có thể đến một lúc nào đó cá trên sông Lô sẽ không còn nữa. Và không biết những người làm nghề chài lưới như ông Sinh sẽ làm gì để sống?

Nguyễn Gia Tưởng