Nặng lòng với gánh hàng rong…
(Dân trí) - Mấy hôm nay trời Sài Gòn trở chứng, hết mưa tầm tã lại lất phất mưa bay suốt cả ngày. Đường ngập, kẹt xe, khối anh sửa xe phất lên nhờ dịch vụ lau bugi, cứu xe thoát lụt; khối chị bán áo mưa bên đường hí hứng vụ mùa bội thu. Nhưng cũng có lắm o, lắm mệ… nặng lòng với gánh hàng rong.
Dạo Sài Gòn mấy hôm nay thấy không khí có vẻ khang khác. Tại những quận trung tâm, người đi kẻ lại có vẻ vội vàng hơn, không nhàn tản ngắm cảnh phố phường, công viên như trước. Có lẽ họ sợ cơn mưa lất phất bất chợt nặng hạt sẽ làm lỡ công hư chuyện của mình. Trên phố cũng vắng hẳn những xe đẩy, những gánh hàng rong xuôi ngược, một nét đặc trưng của phố thị Sài thành.
Bụng đói quá! Hôm nay kiếm một chị bán hàng rong sao mà khó, mọi hôm đâu thế. Ghé công viên 30/4, may quá, vẫn còn một o bán bún xào. Lùm xùm mái tóc khô cháy điểm vài sợi bạc dưới chiếc nón lá đã ngả vàng, môi nhợt nhạt vì lạnh nhưng o vẫn mỉm cười thật tươi khi thấy tôi đến: “Cậu ăn bún chả hay bún tàu hủ?”. “Cho con một đĩa bún chả”, tôi như vui lây cái vui của o. O mừng có lẽ vì tôi là khách mở hàng của o chăng? Vì trông mâm bún vẫn chưa vơi tẹo nào, dù trời đã tầm giữa trưa.
Khi được hỏi, o bảo: “Mấy hôm nay đều thế. Người ta ngại ra đường hẳn. Trước không kể sáng trưa chiều tối, công viên này luôn đông nghẹt người, bán từ 10g đến 2g chiều là hết gánh. Hôm nay đi hơn 2 tiếng rồi mà bán cho cậu là người thứ 2”.
“Mua giùm bà cái kẹo cậu ơi!”. Rời mắt khỏi đĩa bún đang ăn dở, tôi nhìn sang bên. Một mệ tuổi cũng đã ngoài 70, thỏi kẹo cao su như đang run rẩy trong bàn tay khô quắt lại vì lạnh. Thân hình gầy xọm của mệ cũng đang run rẩy trong tấm áo ni lông xỉn màu, không biết là được dùng từ thuở nào đến giờ.
Với nhìn theo bà cụ chậm chạp băng qua đường Hàn Thuyên, o bán bún tặt lưỡi than: “Tội nghiệp! Bà già đến giờ vẫn phải buôn bán kiếm cơm qua ngày”. Tôi buột miệng hỏi: “Bà ấy không có con cái gì hả dì?”. Như càng buồn hơn, o bảo: “Phải đâu! Bả có hai cậu con trai. Nhưng có đứa nào khá giả đâu. Đều là dân ở nhà trọ, chạy ba gác kiếm cơm. Thương con, thương cháu nên bả buôn bán kiếm ít tiền lẻ phụ giúp tụi nó ấy mà. Tội nghiệp, mưa gió thế này…”.
Có ở lại tôi cũng không ăn nổi đĩa bún chả béo ngậy. Bởi trước những con người đó, tôi thấy mình xa xỉ quá.
Dạo qua công viên Tao Đàn thì trời mưa như trút nước. Cả mấy chục người tập trung trong mái hiên hóng mát để núp mưa; có cả hai xe bán kẹo bông, hai xe bán bò viên chiên và một chị bán nước chanh dạo.
Chị bán nước chanh than thở cùng anh bán kẹo bông: “Mưa gió vầy cả ngày cũng chẳng bán được 3 bịch nước chanh”. Anh bán kẹo bông có lẽ gốc Hải Dương, Bắc Ninh gì đó, cười lộ hàm răng vàng xỉn vì thuốc lào đùa: “Trời nạnh thế lầy, kẹo bông mới sấy chừng 30 phút nà dịu hết, chỉ có lước đem về nhà lấu chè thôi chứ biết sao giờ”. Bên cạnh, anh bán kẹo bông thứ hai đang nhâm nhi cây kẹo do chính mình làm nhìn ra màn mưa lất phất, không biết đang vui hay buồn.
Trời vừa ngớt mưa, tôi chạy vội về nhà không lại mắc mưa. Đến đầu hẻm chợt gặp chị Thúy, một người hàng xóm bán nón bảo hiểm dọc quốc lộ 52, than thở: “Mưa gió làm chi mà buôn bán ế ẩm quá! Chủ nhà trọ thì tăng tiền thuê nhà, giá sữa lại đang tăng… không biết cuối tháng kiếm đâu ra học phí cho con!”. Chị ấy có mỗi một bé gái đang học nhà trẻ mà đã thế thì… Khổ thật!
Nhưng sao thế nhỉ? Ai cũng trách trời mưa…
Tùng Nguyên