1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Nặng lòng những phụ nữ phá rừng đốt than

(Dân trí) - Gần 20 năm nay, phong trào theo nghề đốt than kiếm kế sinh nhai rộ lên ở bản Khe Xong. Phần đông dân làm nghề này là chị em phụ nữ. Những viên than đen thu về sau chuỗi ngày băng rừng sâu thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của phận “má hồng”.

Đốn củi đốt than đổi gạo

“Hầu như nhà nào ở bản mình cũng mua nợ gạo ở quán, sau đó mới vào rừng đốt than để trả dần. Một bao gạo tính bằng 10 bao than. Làm cật lực trong vòng 10 ngày, mình mới có một bao gạo đấy”. Đó là tâm sự của chị Hồ Thị Minh khi bắt đầu câu chuyện về những người phụ nữ làm nghề đốt than ở bản Khe Xong, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Khe Xong có 159 nóc nhà với 675 nhân khẩu. Khí hậu vùng núi khắc nghiệt, đất canh tác hẹp lại cằn cỗi… khiến người dân nơi đây quanh năm đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Bà Pỉ Vỉ giải thích: “Đàn ông con trai ở bản mình đi làm thuê để kiếm tiền. Phụ nữ thì chẳng có ai thuê nên phải vào rừng đốt củi lấy than thôi. Khó khăn, nhưng không làm thì đói”.

Nặng lòng những phụ nữ phá rừng đốt than - 1

Từ sáng sớm các “nữ phu” bản Khe Xong đã vào rừng đốn củi đốt than kiếm từng cân gạo

Buổi ngày, thôn Khe Xong độc người già và trẻ em. Hiếm hoi lắm chúng tôi mới bắt gặp một, hai phụ nữ. Chỉ đau ốm hay có việc quan trọng, họ mới “bó gối nằm nhà”. Chị Hồ Thị Thuỷ tâm sự: “Hôm nay chồng con em ốm nên em mới ở nhà thế này. Mấy chị em trong bản vào rừng đốt than từ mờ sáng cơ. Chiều tối họ mới về”.

Khi những vệt nắng cuối ngày rải xuống, những người phụ nữ thôn Khe Xong vội vã từ nơi đốt than trở về nhà. Sau một ngày bươn bả chốn rừng thiêng, nước độc; thân thể các chị tả tơi mệt mỏi, áo quần nhuốm màu than… 

Những người phụ nữ làm nghề đốt than đều có chung một cảnh khổ. Chị Hồ Thị Tư năm nay 36 tuổi. Chồng mất đã bốn năm, “mái tranh” của mẹ con chị run rẩy từng cơn trước cái đói. Thương các cháu bữa đói, bữa no; chị quyết định gia nhập “đội quân” làm nghề đốt than. Người thiếu phụ trẻ chảy nước mắt, bộc bạch: “Cực lắm anh ơi! Em biết làm nghề này là phá rừng, là trái pháp luật. Nhưng không vào rừng đốt than thì lấy gì mà ăn?”. Nói rồi, chị đưa đôi bàn tay chai sần, chằng chịt vết sẹo như sự minh chứng cho nỗi khổ ải của nghề.

Gia cảnh bà Hồ Thị Kừm cũng chẳng sáng sủa hơn. Vợ chồng bà có 6 người con thì 3 đứa bị mù loà. Trong ngôi nhà sàn trống lộng, bà vừa khơi bếp than hồng vừa âu sầu nói: “Nhà mình có 3 đứa mù đang tuổi ăn, tuổi học. Vợ chồng mình phải thay nhau vào rừng đốt than để kiếm tiền cho chúng đóng các khoản thu nộp”.

Nặng lòng những phụ nữ phá rừng đốt than - 2

Cũng chỉ vì cái ăn qua ngày mà bất đắc dĩ họ phải vào rừng đốn củi đốt than

Ở xã, thâm niên làm nghề đốt than của bà Hồ Thị Xá thuộc hàng kỳ cựu. Đã 56 tuổi, nhưng bước chân của bà vẫn rất bền bỉ. Bà cho biết: “Miềng (mình) làm nghề ni hơn20 năm rồi. Ngày chồng chết, con còn bé như bắp chuối, miềng vào rừng đốt than để lấy tiền nuôi nó. Giờ con lớn rồi, miềng vẫn làm nghề này để tự lo cho cái thân”.


“Cái nghề khổ đến tận tâm…”

Khi tôi ngỏ ý gia nhập “đội quân đốt than”, các chị lắc đầu nguây nguẩy: “Không được! Không được đâu! Chú làm sao có thể cuốc bộ, băng rừng cả chục cây số? Lắm chuyện xảy ra không lường trước được đâu chú ạ. Nào là lạc đường, gặp thú dữ, nhỡ cháy rừng,… thậm chí gặp kiểm lâm. Khổ lắm!”.

Từ mờ sáng, phụ nữ thôn Khe Xong đã lục đục dậy. Họ chuẩn bị miếng cơm, ấm nước,… cho cả nhà, rồi xách A Chói lên đường khi chồng con chưa thức giấc. “Đồ nghề” của các chị khá đơn giản: cây rựa hoặc dao sắc, vài chiếc bao bì cũ, can hoặc túi ni-long đựng nước,… Tất cả vật dụng được đặt trong chiếc A Chói.

Địa điểm “hành nghề” thường nằm sâu trong rừng và liên tục thay đổi địa điểm. Một phụ nữ luống tuổi bật mí: “Chị em mình phải chọn nơi vừa có nhiều cây to, gần khe suối để lấy nước dập lửa than… Đặc biệt là không bị kiểm lâm phát hiện”. Vì thế, những người phụ nữ nghèo sẵn sàng vạch rừng, cuốc bộ hơn 10 km. Có khi thời gian đến điểm khai thác mất nguyên một buổi sáng. Chị Hồ Thị Minh nhớ lại: “Lần đầu tiên theo chị em đi đốt than, mình mệt bở hơi tai. Tối về, hai chân nhức lắm, sau đó thì sưng vù lên như bị bệnh. Giờ thì quen rồi, cuốc bộ bao nhiêu cũng được”.

Tìm được điểm khai thác, chưa kịp nghỉ ngơi, các chị đã lao ngay vào công việc. Thông thường, những “phu đốt than” chia thành nhóm: người đốn cây, người chặt thành khúc, người bó củi… Khi số lượng củi gỗ đã “hòm hòm”, các chị mới tập trung lại để đốt lấy than. Chị Hồ Thị Vân bật mí: “Mình thường chọn những cây gỗ lớn, chắc, kích thước đều nhau. Chụm gỗ khô xen với gỗ tươi rồi mới đốt. Đốt thì phải cẩn thận kẻo than bị già”.

Thông thường, người làm nghề đốt than thường cẩn thận đào “lò” - hố đất sâu vừa phải để chất củi đốt thành than. Nhưng, một số chị em “tác nghiệp” đơn giản hơn. Họ chọn mảnh đất trống, thoáng đãng để dồn củi gỗ, rồi châm lửa đốt. Bao giờ cũng có ba, bốn người ngồi canh lửa. “Mình đã lấy của rừng, đã sai luật mà còn làm cháy rừng nữa thì tội để đâu cho hết, nên phải cẩn thận” - Pỉ Yên thở dài giải thích.

Khi củi gỗ đã bén lửa và cháy thành than, các chị lấy nước chứa trong can hoặc túi ni-long nước vẩy lên để dập lửa. Than “ra lò” được để nguội và cho vào bao. Mặt trời xuống núi cũng là lúc chị em gùi những bao than ấm nóng trở về nhà. Nếu được một bao than, coi như ngày làm việc “thắng lợi”. Chị Hồ Thị Bích thật thà nói: “Nghề này bấp bênh lắm. Gặp ngày trời mưa, trên đường đi bị rắn cắn, đốn cây chặt phải tay, bị bỏng lửa,… hay gặp kiểm lầm thì coi  như gặp vận rủi”.

Nặng lòng những phụ nữ phá rừng đốt than - 3

“cái nghề khổ đến tận tâm…”

Một ngày “nước mắt, mồ hôi thấm từng hòn than”, các chị chỉ thu nhập khoảng vài chục ngàn (tương đương với 1 bao than). Thế nhưng, hiếm khi số tiền ấy nằm trong tay họ. Hầu hết, chủ quán mua than trừ vào số tiền các chị nợ tiền đong gạo trước đây. Như vậy, mỗi ngày họ vào rừng lấy than đúng nghĩa là một ngày “kéo cày trả nợ”.


Tận sâu trong tâm khảm phận “má hồng” làm nghề đốt than, nỗi âu lo vần vũ ngày nối tháng. Chị Hồ Thị Tư nói hộ lòng các “thợ đốt than” khác: “Rừng rú chặt lắm rồi cũng hết. Chúng tôi áy náy lắm chứ. Chẳng biết con cháu sau này sống ra sao?”. Cái nhìn của bà Pỉ Yên sâu sắc hơn: “Thú thật, nhiều lúc mình nghĩ: không biết vì sao vào rừng chặt củi, đốt than quanh năm mà bà con mình vẫn cứ khổ? Phải chăng đó là cái giá mà mình phải chịu vì lấy của rừng?”.

Chạnh lòng nghĩ vậy, nhưng cái khổ vẫn buộc phụ nữ thôn Khe Xong vào “cái nghề khổ đến tận tâm”. Ông Hồ Văn Lan, Trưởng thôn Khe Xong buồn buồn tâm sự với chúng tôi: “Thú thật, bà con mình hiểu lâm luật lắm chứ. Họ cũng không muốn vào rừng đốn cây, đốt than đâu. Nhưng vì không làm thế thì họ chẳng có đồng nào mua gạo kiếm sống qua ngày!”.
 

Đặng Tài