1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Một thời chiến tranh, một thời hàn gắn

Qua Internet, những cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam từng tham gia trận đánh đẫm máu ở Chư Tan Kra (Kon Tum) tháng 3.1968, cuối cùng đã gặp lại nhau. Ngày xưa họ từng giội pháo vào đầu nhau, còn giờ đây họ bắt tay, ôm nhau thật chặt.

Deryle Perryman (thứ hai từ phải sang) cùng các cựu chiến binh Việt Nam.
Deryle Perryman (thứ hai từ phải sang) cùng các cựu chiến binh Việt Nam.
 
Những thông tin về trận đánh do cựu chiến binh Mỹ cung cấp đã giúp các cựu chiến binh Việt Nam tìm được đồng đội hy sinh ở Chư Tan Kra, hầu hết là lính Hà Nội, và rất trẻ.

1. Cuối tháng 7, Deryle Perryman hẹn gặp các cựu binh Việt Nam ngày 27.7, ngày khánh thành nhà tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội ở Pleiku. Nhưng cuộc hẹn bị lỡ, vì ngày khánh thành bia đã xảy ra sớm hơn. Khi ông tới Pleiku thì các cựu binh Việt Nam đã trở về Hà Nội. Và thế là, họ gặp lại nhau ở Hà Nội.

Trong cuộc tấn công vào cao điểm M2 thuộc dãy núi Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đêm 26.3.1968, họ là đối phương một mất một còn. 200 người lính Việt Nam - chủ yếu là lính Hà Nội - đã ngã xuống trong trận đó. 198 lính bộ binh Mỹ cũng bị loại khỏi vòng chiến. Perryman thắp hương và cúi đầu trước các liệt sĩ Việt Nam. Trong khói hương nghi ngút, ông nhớ đến đồng đội, đến tuổi trẻ chính mình, và cả tuổi trẻ của đối phương một thời: “Đọc những cái tên và ngày tháng năm sinh của họ, tôi bị sốc vì họ trẻ quá, mới 19 - 20 tuổi”.

Ngày gia nhập quân đội Mỹ, Perryman cũng mới 19 tuổi, đúng ngày lễ Haloween, năm 1966. Haloween là ngày hội “Ma hiện hình” của người Mỹ, tổ chức vào 31.10 hằng năm, nổi tiếng với trò gõ cửa xin kẹo của trẻ con với câu “Trick or treat?” (Thết đãi hay chơi khăm?).

“Và đúng là tôi đã bị chơi khăm - ông nói - Tôi sang Việt Nam vào Giáng sinh năm 1967, khi chỉ còn vài ngày nữa, mùng 6 tháng giêng tiếp theo là tôi tròn 19 tuổi. Tôi trẻ và ngớ ngẩn, tôi được dạy rằng chúng tôi sang Việt Nam để bảo vệ tự do, bảo vệ những người yếu. Tôi đã tình nguyện sang Việt Nam. Một năm ở Việt Nam tôi nhận ra rằng, tôi không biết gì về đất nước này, tôi cũng không có nhiều cơ hội nói chuyện với người dân ở đây, M2 là một cao điểm biệt lập”.

Hết hạn quân ngũ, Perryman về nước. Lúc đó phong trào phản chiến ở Mỹ cực kỳ mạnh mẽ. Nhưng vẫn còn nhiều người cho rằng phản chiến nghĩa là không phải người Mỹ, là không yêu nước. Ông nói rằng ông mất một chặng đường dài mới “gặp” được những người phản chiến. “Trở về Mỹ tháng 12.1968, thì ngay tháng giêng tiếp theo tôi quay lại trường đại học. Tôi cố quên đi cuộc chiến, làm như nó chưa từng xảy ra trong đời tôi. Tôi hơn các sinh viên khác vài tuổi và hơn họ cả một cuộc chiến. Những sinh viên trẻ hơn đề nghị tôi đi nói chuyện phản chiến, nhưng tôi từ chối. Tôi làm như không nhớ đến cuộc chiến đó, cho đến cả khi tốt nghiệp đại học, lập gia đình. Nhưng cũng chỉ được đến lúc tôi có đứa con trai đầu lòng” - Perryman cúi đầu, giọng khàn đi khi nhắc tới con.

Con trai đầu của ông sinh ra bị tràn dịch não, đầu to bất thường. Lúc đó thì ông không biết, mãi sau ông mới hiểu đó là do ông phơi nhiễm chất độc da cam ở chiến trường Việt Nam. “Con trai đầu của tôi chỉ sống được đến 6 tuổi rưỡi. Con trai thứ hai của tôi, thật may mắn, giờ đã 26 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh” - Perryman vui hơn khi giơ tay ước lượng vóc dáng mạnh mẽ của con ông.

“Cũng nhiều cựu chiến binh Việt Nam có con bị hậu quả chất da cam và chúng tôi chia sẻ với ông điều đó” - ông Hồ Đại Đồng - cựu chiến binh cũng từng đánh trận Chư Tan Kra nói. Họ chia sẻ được nhiều điều. Cuối năm 1967, sinh viên chuyên toán Hồ Đại Đồng xung phong vào bộ đội, phiên chế Tiểu đoàn D7 của đoàn quân bộ binh mũ sắt thuộc Trung đoàn 209, Sư 312. D7 gồm toàn những chàng trai Hà Nội tuổi 19 - 20.

“Nhiều người trong chúng tôi còn chưa biết yêu là gì” - ông Đồng nói. “Phải, chúng ta biết đến cái chết trước khi biết yêu. Chúng ta khiêu vũ với súng đạn trước khi khiêu vũ với cô dâu của chúng ta” - Perryman tiếp lời. Và các cựu chiến binh bắt tay nhau thật chặt.

2. Chư Tan Kra là trận thử lửa đầu tiên của những chàng trai Hà Nội. Sư đoàn 312 được mệnh danh là “quả đấm thép”, được trang bị hiện đại. “Chúng tôi lên đường với khí thế hừng hực của tinh thần Mậu Thân 68, của tuổi trẻ xông pha vì lý tưởng, với vũ khí, quân trang mới đẹp và đặc biệt có trang bị mũ sắt, những chàng trai Hà Nội lạc quan pha chút lãng mạn như một trung đoàn kiêu binh ra trận chỉ để viết tiếp những dòng lịch sử cuối cùng của cuộc chiến tranh” - ông Phạm Văn Chúc nhớ lại nguyên vẹn những cảm xúc của lính D7 ngày ấy.

Gia đình ông vốn định cư ở New Caledonia. Đầu những năm 1960, nghe lời kêu gọi của Bác Hồ về tham gia công cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng tổ quốc, gia đình ông đã trở lại quê nhà khi ông còn nhỏ. Tiếp nối lời kêu gọi đó, ở tuổi thanh niên, ông Chúc xung phong vào bộ đội và sau một năm huấn luyện, ông cùng D7 hành quân gấp gáp vào chiến trường miền Nam. Ông bị thương ngay trận đầu tiên ấy, nằm lại ven suối 2 đêm 1 ngày trước khi được đồng đội đưa ra ngoài. Trận đánh chỉ có một đêm mà bao nhiêu đồng đội của ông đã không trở về. 

“Ngày 26.3.1968 là ngày mà anh em chúng tôi mãi mãi không quên. Trận chiến rất ác liệt dưới tầm súng của địch bắn ra từ công sự, của pháo chi viện từ nơi khác đến và cả đạn bom từ máy bay rót xuống. Chúng tôi bấy giờ còn quá trẻ, thừa tinh thần ý chí xông lên tiêu diệt Mỹ, nhưng thiếu hẳn kinh nghiệm của một trận đánh thật và chết thật” - ông Chúc kể. Những đồng đội ông bây giờ, Hồ Đại Đồng lúc đó là lính pháo 82 ly, Nguyễn Văn Vĩnh là lính trinh sát, còn ông Chúc là lính hỏa tiễn B41. Còn bên kia, Perryman là lính pháo 175 ly. Mỗi quả 175 ly như một quả bom.

“Các ông bắn bao nhiêu quả 175 đêm đó?” - ông Nguyễn Văn Vĩnh hỏi. “Mỗi khẩu chúng tôi bắn 500 quả, mà chúng tôi có 4 khẩu” - Perryman đáp. “Đó là thứ vũ khí gây nhiều thương vong cho chúng tôi nhất. Chúng tôi gọi đó là vua chiến trường” - ông Đồng tiếp lời. Đáp lại, Perryman nói ngắn gọn: “Phải. Nhưng các ông đã cố gắng lật đổ ngai vua!”.

“Lật đổ ngai vua” – con số thương vong của lính Mỹ trong trận đó là 198. Trận chiến không cân sức vì Mỹ vượt trội cả về hỏa lực và quân số, lại đóng trên cao điểm, nã pháo xuống bộ binh Việt Nam. Tới 200 chiến sĩ ta anh dũng hy sinh trong trận Chư Tan Kra đêm đó, phần lớn là lính Tiểu đoàn 7 toàn người Hà Nội. Trận đánh đó được gọi là “trận đánh làm rung động nước Mỹ, làm dấy lên phong trào phản chiến, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam”. Chỉ 4 ngày sau trận Chư Tan Kra, ngày 31.3.1968, Mỹ phải tuyên bố dừng ném bom miền Bắc, từ vĩ tuyến 20 trở ra.

40 năm sau, xót xa những đồng đội còn nằm lại chiến trường, 5 người lính của Tiểu đoàn 7 năm xưa đã tập hợp thành ban liên lạc đi tìm đồng đội. Chuyến đầu tiên, các thành viên trong ban tự nguyện góp tiền đi Tây Nguyên, họ có mặt tại Sa Thầy đúng ngày 26.3. Đại ngàn Tây Nguyên năm nào che phủ đoàn quân mũ sắt, giờ chỉ còn là những vạt đồi trọc cháy dở, những nương sắn của đồng bào.

Họ tìm thấy dấu vết của lô cốt, công sự Mỹ và quan trọng nhất là người dân cho biết ở đây có lúc họ tìm được nhiều mũ sắt đến nỗi phải chở bằng ôtô. Đúng là đặc điểm riêng của Sư đoàn bộ binh 302 lúc đó, những chàng trai Hà Nội “bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”.

Sau, ban liên lạc lên 7 người, “nhiều anh em vẫn cơ hàn lắm, chỉ sống bằng tiền thương tật” - như lời ông Đồng nói. Nhưng có người trong 4 năm đã đi tới 20 chuyến để tìm đồng đội. Và từ đó đến nay, ban liên lạc đã tìm được 136 liệt sĩ đưa về với gia đình, với quê hương.

Việc kết nối với các cựu binh Mỹ là sự không ai ngờ. Sau chuyến đi đầu tiên không có kết quả, ông Phạm Văn Chúc lên mạng tìm kiếm thông tin. Chữ Chư Tan Kra duy nhất trên mạng mà ông thấy lúc đó là từ một bản đồ du lịch của Mỹ. Ông vẫn kiên trì đưa thông tin lên. Và bất ngờ vài tháng sau, ông có phản hồi.

Lúc đó, Deryle Perryman - sau này trở thành nhà giáo dục - biết một cựu binh khác ở New York là Steve Edmun Sapos có thông tin về trận Chư Tan Kra, đã thúc đẩy Steve gửi các thông tin cho ban liên lạc tìm đồng đội của Trung đoàn 209. Steve sang Việt Nam, trao tận tay các cựu binh Việt Nam đĩa CD, ảnh, tài liệu miêu tả trận đánh. Từ các thông tin do cựu binh Mỹ cung cấp, ban liên lạc của Trung đoàn 209 đã tìm được 2 mộ tập thể.

Công việc tìm kiếm liệt sĩ đã đưa cựu chiến binh Mỹ, Việt trận Chư Tan Kra trở lại gần nhau. Những người lính hai bên đều hiểu rằng, mất mát của chiến tranh là quá lớn, nhưng cuộc sống không dừng lại. Giờ đây, khi Steve hay Deryle Perryman trở lại chiến trường xưa, họ đã có thể bắt tay những người lính Hà Nội D7, hẹn nhau đi uống rượu.

Theo Mỹ Hằng – Lê Huân
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm