1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một "minh giám" trong giới trí thức tinh hoa thời mở nước Cộng hòa

Xứng đáng với chữ tên mang ý nghĩa sâu xa.

Một minh giám trong giới trí thức tinh hoa thời mở nước Cộng hòa

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ông Hoàng Minh Giám đứng giữa hàng thứ ba), năm 1945.

 

Theo Hán tự, “minh” nghĩa là sáng. Chí Minh trong tên Chủ tịch Hồ Chí Minh có nghĩa là chí sáng. Còn chữ “giám” có nghĩa là gương; như khâm thiên giám là gương quan sát vòm trời, tức là đài thiên văn thời xưa ở các nước Đông Á chuyên lo lịch pháp, thiên văn. Minh Giám trong tên GS. Hoàng Minh Giám có nghĩa là gương sáng. 

 

Hoàng Minh Giám sinh ra trong một dòng họ đại danh Nho, con trai cụ Phó bảng Hoàng Tăng Bí (1883-1939), một chí sĩ yêu nước tham gia sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục; cháu ngoại cụ Cao Xuân Dục (1843-1923), Thượng thư Bộ Học, Tổng tài Quốc sử quán, Đông các Đại học sĩ, một trong Tứ trụ triều đình nhà Nguyễn nhưng, về sau, bị giáng chức do không chịu khuất phục cường quyền. Tất nhiên, chữ tên Minh Giám không phải được đặt ra một cách ngẫu nhiên, tùy hứng, mà được cân nhắc kỹ, nhằm gửi gắm niềm kỳ vọng của ông, cha.

 

Trong suốt cuộc đời trường thọ (1904-1995), vị giáo sư họ Hoàng đã tỏ rõ hoàn toàn xứng đáng với chữ tên Minh Giám (Gương Sáng) của ông.

 

Hoàng Minh Giám, từ năm 2005, được đặt tên cho một con phố ở Hà Nội, nối đường Nguyễn Tuân với đường Trần Duy Hưng.

 

Hoàng Tăng Bí, người cha của GS Giám, cũng được đặt tên cho một con đường trải nhựa phẳng phiu, dân cư đông đúc ở vùng ven đô Hà Nội.

 

Cao Xuân Dục, ông ngoại của GS. Giám, cũng được đặt tên cho bốn đường phố ở Vinh, Huế, Đà Nẵng, và TP Hồ Chí Minh.

 

Một số nhà sử học Nhật Bản nêu lên luận điểm đáng chú ý: Công cuộc Duy tân trong kỷ nguyên Minh Trị (1868-1912) sở dĩ thành công là do có sự góp công chủ yếu của ba tầng lớp: giới cầm quyền tinh hoa (ruling elite), giới trí thức tinh hoa (intellectual elite), và giới doanh nghiệp tinh hoa (business elite).

 

Thời kỳ mở nước Cộng hòa ở Việt Nam, do di sản non yếu của nền kinh tế thuộc địa - phong kiến, giới doanh nghiệp tinh hoa ở nước ta quá mỏng. Nhưng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã hình thành được giới cầm quyền tinh hoa với những gương mặt tinh khôi như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

 

"Con mắt xanh" anh minh của vị lãnh tụ cũng đã nhìn thấy và tận dụng được tài năng của giới trí thức tinh hoa, tạo thành một "thế hệ vàng" với những tên tuổi sáng giá như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Thai Mai, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ, Lê Văn Thiêm...

 

Đó là nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của một thời oanh liệt.

 

Không "xa chính đạo, sẩy chân, lạc lối"

 

Cuộc đời GS. Hoàng Minh Giám trải dài gần trọn thế kỷ XX, một thế kỷ đầy biến động dữ dội, trên khắp địa cầu cũng như ở nước ta. Bao nhiêu bước ngoặt, bao nhiêu lối rẽ! Người trí thức chọn lối nào đây khi đang ở giữa ngã ba, ngã bảy? "Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?" Thật chẳng dễ chút nào! Nếu trí tuệ thiếu sáng suốt, thì rất có thể rẽ ngoặt sai đường, "xa chính đạo, sẩy chân, lạc lối", như lời thơ đầy cảm khái trong chương Địa ngục tập thơ Thần khúc của Dante Alighieri, đại thi hào Italy (1265-1321) được Khương Hữu Dụng và Lê Trí Viễn dịch ra tiếng Việt:

 

Nửa đường đời

 

Tôi rơi vào rừng tối

 

Xa chính đạo, sẩy chân, lạc lối

 

Ôi, nói ra nào có vui gì

 

Khu rừng sao um tùm, mấp mô, hoang dại

 

Chỉ nghĩ đến đủ rùng mình kinh hãi.

 

Nó đắng cay cái chết cũng không bằng…

 

Trong suốt thế kỷ XX lắm sự kiện rối bời chằng chịt, không phải không có những ai đó "nửa đường đời, rơi vào rừng tối"! Để rồi, cuối đời, "chỉ nghĩ lại đủ rùng mình kinh hãi/ nó đắng cay cái chết cũng không bằng"! Khu "rừng tối" mà Dante nói đến trong Thần khúc chính là địa ngục.

 

Hoàng Minh Giám đã hành xử đúng trước biết bao biến cố. Không lúc nào ông "xa chính đạo, sẩy chân, lạc lối". "Chính đạo", đối với người dân mất nước, là xả thân cứu nước, bởi lẽ "không có gì quý hơn độc lập, tự do".

 

Hoạt động ngoại giao dồn dập bên cạnh Hồ Chủ tịch

 

Năm 1941, thầy giáo Võ Nguyên Giáp dạy môn lịch sử và địa lý Việt Nam ở Trường Thăng Long, bí mật rời trường - cùng thầy giáo Phạm Văn Đồng - sang Côn Minh (Trung Quốc), gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Rồi thầy trở về Việt Bắc, thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và, sau đó, đã chỉ huy đoàn quân anh dũng ấy tiến về Thủ đô, dự lễ duyệt binh vào Ngày Độc lập 2/9/1945.

 

Vừa đặt chân đến Hà Nội, thầy Giáp đã mời thầy Giám, hiệu trưởng Trường Thăng Long ỏ phố Ngõ Trạm, tham gia Chính phủ lâm thời, làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. Vừa nhậm chức, GS. Giám đã được Hồ Chủ tịch mời cùng tiếp Thiếu tá tình báo Mỹ Archimedes L. A. Patti, Trưởng phái bộ OSS, tại số nhà 48 phố Hàng Ngang. Patti, về sau là tác giả cuốn hồi ký Why Vietnam: Prelude to America's Albatross (Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu của chim hải âu Mỹ), phê phán sự lựa chọn sai lầm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

 

Ông Hoàng Minh Giám cũng ở bên cạnh Hồ Chủ tịch trong cuộc đàm phán khó khăn với J. Sainteny, dẫn đến việc ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Văn bản hiệp định do Hoàng Minh Giám và Léon Pignon soạn thảo.

 

Sau đó, ông tháp tùng Hồ Chủ tịch hội kiến với Đô đốc kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương D'Argenlieu trên vịnh Hạ Long.

 

Từ phải sang: GS. Nguyễn Xiển, GS. Hoàng Minh Giám, GS. Nguyễn Lân và tác giả.
Từ phải sang: GS. Nguyễn Xiển, GS. Hoàng Minh Giám, GS. Nguyễn Lân và tác giả.

 

Ngày 31/5/1946, Hồ Chủ tịch và Phái đoàn Việt Nam rời Hà Nội đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. GS. Giám là một thành viên trong Phái đoàn do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu.

 

Hội nghị Fontainebleau kết thúc ngày 10/9/1946 mà không đạt được kết quả nào. Phái đoàn ta rời Paris ngày 13/9/1946, trở về nước.

 

Sau khi ký bản Tạm ước với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Marius Moutet, ngày 19/9, Hồ Chủ tịch cũng trở về nước. Lúc tàu hỏa chuyển bánh rời Paris, Chủ tịch còn nhoài người ra ngoài cửa sổ toa tàu, dặn dò GS. Giám. Ông được Chủ tịch cử làm Trưởng Đoàn đại diện nước ta ở lại Pháp để làm nốt một số công việc.

 

Tháng 11/1946, ông quay về Hà Nội, nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (Hồ Chủ tịch tạm thời kiêm chức Bộ trưởng Bộ này).

 

Về tài ngoại giao của nhà trí thức này, ta có thể nghe lời nhận xét của Đại tướng Raoul Salan, Tổng Tư lệnh Quân đội Pháp ở Đông Dương: "Ông Hoàng Minh là một nhà ngoại giao có tài tranh luận ứng khẩu tại bàn hội nghị, là một mẫu mực về việc sử dụng tiếng Pháp đạt đến mức tinh tế, thấu lý đạt tình, khiến đối phương chỉ có thể chấp nhận mà không thể phản bác nếu còn muốn thảo luận nghiêm túc".

 

Do các cuộc gây hấn triền miên của Pháp ở Hải Phòng, Hà Nội, ta phải đáp trả: Tối 19/12/1946, cuộc Kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

 

Cố gắng ngoại giao cuối cùng mong lập lại hòa bình

 

Tháng 3/1947, Hoàng Minh Giám được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

 

Hạ tuần tháng 4/1947, ta gửi cho Pháp một bức thông điệp đề nghị ngừng bắn. Lúc đó d'Argenlieu đã bị về vườn, và Cao ủy mới Bollaert vừa đến Đông Dương. "Cao ủy" là tên gọi mới, ngụy trang cho chức Toàn quyền Đông Dương cũ.

 

Một ngày đầu tháng 5/1947, Bộ trưởng Giám gặp lãnh sự Anh Tresor Wilson gần cầu Đuống. Sau mấy phút trao đổi ý kiến về "vấn đề tù binh", viên lãnh sự Anh nói:

 

- Ông có biết ông Paul Mus chứ? Ông ấy đã có dịp gặp ông ở Hà Nội và đã được yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày 19/12/1946.

 

- Có. Đúng vậy.

 

- Ông Paul Mus muốn gặp ông. Ông ấy đã đi theo tôi đến phía bên kia cầu Đuống, cách đây một cây số và đang chờ ở đó. Nếu ông đồng ý tiếp, thì ông ấy sẽ đến ngay.

 

- Ông ấy muốn gặp tôi về việc gì? Ông có biết không?

 

- Ông ấy nói rằng có một việc rất quan trọng, và ông ấy thiết tha muốn gặp ông. Hiện nay, ông ấy là một người giúp việc thân cận, một cố vấn của Cao ủy Bollaert.

 

- Được. Nhờ ông báo cho ông ấy rằng tôi sẵn sàng gặp ông ấy.

 

Một lát sau, P. Mus đến. Sau khi chào hỏi, ông ta vào đề ngay:

 

- Tôi có một việc rất quan trọng, bí mật và gấp, muốn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi được ủy nhiệm trực tiếp chuyển đến Chủ tịch một bản thông điệp của Cao ủy Bollaert. Nếu có thể, tôi sẵn sàng đi theo ông ngay bây giờ.

 

- Rất tiếc! Đi ngay bây giờ thì không được. Tôi sẽ báo cáo với Chủ tịch. Rồi tôi sẽ trả lời ông về quyết định của Người. Ông cho biết nên trả lời ông bằng con đường nào, vừa nhanh chóng vừa bảo đảm bí mật?

 

- Cảm ơn. Đề nghị ông trả lời cho tôi bằng điện đài.

 

P. Mus đọc một câu có nghĩa lóng và nói tiếp:

 

- Bắt đầu từ ngày kia, mỗi buổi sáng, vào lúc 9 giờ, bộ phận nghe đài của chúng tôi sẽ đón nghe đài của các ông; nếu nghe được câu lóng đó, tôi sẽ đến nơi này, đúng giờ hẹn, và sẽ được người của các ông dẫn đến gặp Hồ Chủ tịch và trao trực tiếp bản thông điệp của Cao ủy Bollaert.

 

Sau đó, điện đài của ta báo cho phía Pháp biết: Hồ Chủ tịch bằng lòng tiếp phái viên của Cao ủy Bollaert. Đúng hẹn, người của ta chờ Paul Mus ở cầu Đuống và dẫn vào vùng ta kiểm soát. Để bảo đảm bí mật và vì các đường cái đã bị dân quân đào, cắt, ông ta phải đi bộ qua các làng phần lớn đã tản cư, và đi ban đêm.

 

Và một buổi tối trung tuần tháng 5/1947, P. Mus đã được Hồ Chủ tịch tiếp, lúc 22 giờ, tại thị xã Thái Nguyên.

 

Thị xã Thái Nguyên đã tản cư triệt để, và tiêu thổ kháng chiến. Các anh bảo vệ của Hồ Chủ tịch tìm được một ngôi nhà không còn nguyên vẹn, nhưng cũng có được một gian tương đối khả quan, có bàn ghế, có thể dùng làm nơi Chủ tịch tiếp người phái viên bí mật của Bollaert.

 

GS. Hoàng Minh Giám chờ P. Mus ở cửa và đưa ông ta vào gian nhà yết kiến Hồ Chủ tịch. Dưới ánh sáng của ngọn đèn măng-sông, Giáo sư cảm thấy ông ta xúc động được gặp Chủ tịch, được Người tiếp giản dị, lịch sự như lúc ở phòng khách Bắc Bộ phủ tại 12 Ngô Quyền, Hà Nội.

 

P. Mus cảm ơn Hồ Chủ tịch đã vui lòng cho ông ta gặp để làm nhiệm vụ do Cao ủy Đông Dương giao cho và xin phép được đọc cho Chủ tịch nghe (đọc thuộc lòng) bản thông điệp không ghi vào giấy (message verbal) của Bollaert, trả lời bức thư đề nghị ngừng bắn của Chính phủ ta đề ngày 25/4/1947.

 

Thông điệp của Bollaert nêu lên bốn điều kiện cho ngừng bắn:

 

1. Quân đội Việt Nam phải nộp vũ khí cho Pháp.

 

2. Quân đội Pháp được quyền tự do đi lại trên đất nước Việt Nam.

 

3. Chính phủ Việt Nam phải trả lại cho Pháp tất cả những người bị bắt mà họ gọi là con tin (otages).

 

4. Chính phủ Việt Nam phải trả lại cho Pháp tất cả những người nước ngoài (ý nói người Nhật, người Pháp) đã chạy sang phía Việt Nam...

 

Sau khi nghe những điều kiện láo xược đó của Cao ủy Pháp, Hồ Chủ tịch nghiêm nét mặt, nhưng vẫn bình tĩnh và giọng nói vẫn ôn tồn. Người nói:

 

- Ông Paul Mus, tôi biết ông đã tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler của nhân dân Pháp, điều đó có đúng không?

 

- Thưa Chủ tịch, đúng.

 

- Vậy ông hãy trả lời tôi: Nếu ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ như thế nào với bản thông điệp của ông Bollaert? Ông có nhận những điều kiện đó không?

 

Paul Mus lúng túng. Hồ Chủ tịch nói tiếp:

 

- Tôi nghe nói ông Bollaert cũng đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler và có thành tích. Những điều kiện ông ấy đưa ra để ngừng bắn có nghĩa gì? Có nghĩa là ông ấy đòi chúng tôi phải đầu hàng! Ông Mus, bản thân ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể đầu hàng không? Lại còn điều kiện liên quan đến những người nước ngoài trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam chống thực dân. Phải là một con người hèn mạt, mới chấp nhận điều đó. Nếu tôi chấp nhận, tôi là kẻ hèn mạt (Si j'accepte, je serais un lâche). Và tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn mạt (Je pense que dans l'Union française, il ne doit pas y avoir de place pour des lâches).

 

Paul Mus im lặng, gật đầu, tỏ ý đồng tình, rồi nói:

 

- Tôi hiểu, thưa Chủ tịch, tôi hiểu.

 

Thế rồi không nói đến bản thông điệp nữa.

 

Hồ Chủ tịch giải thích về lập trường của Chính phủ và nhân dân ta: Yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ tốt với nhân dân Pháp, nhưng kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc mình. P. Mus thừa nhận rằng đó là những tình cảm và ý chí chính đáng, hứa sẽ báo cáo với Cao ủy Bollaert những ý kiến của Hồ Chủ tịch. Ông ta chúc sức khỏe Chủ tịch, và chào từ biệt, tỏ ra cảm động thực sự. Lời cuối cùng của ông ta lúc ra về là:

 

- Du courage, Monsieur le Président! (Chúc Chủ tịch dũng cảm!).

 

Hồ Chủ tịch đáp lại:

 

- Toujours! Naturellement! (Luôn luôn! Tất nhiên!).

 

Một việc nhỏ có lẽ làm cho P. Mus ngạc nhiên. Khi buổi tiếp kết thúc, các anh bảo vệ bưng ra mấy cốc sâm-banh để Chủ tịch mời khách uống trước khi ông ta rút lui vào bóng tối đêm khuya.

 

Sau khi P. Mus ra về, Hồ Chủ tịch và GS. Giám còn ngồi lại khoảng một tiếng đồng hồ, đợi ông ta đi thật xa, rồi mới trở về Tân Trào bằng xe com-măng-ca. Đã 1 giờ sáng. GS. Giám, người duy nhất chứng kiến buổi tiếp, hứa với Chủ tịch sẽ nhớ lại nguyên văn bức thông điệp không có văn bản của Bollaert, qua những câu đọc thuộc lòng của P. Mus. Hai ngày sau, ông gửi đến Chủ tịch toàn văn bức thông điệp ấy…

 

Năm 1952, trong cuốn Vietnam, sociologie d'une guerre (Việt Nam, cuộc chiến tranh xét về mặt xã hội học) in ở Paris, P. Mus phê phán bức thông điệp ngạo mạn của Bollaert, mà ông ta có trách nhiệm chuyển đến Hồ Chủ tịch ở Thái Nguyên.

 

Ông ta gửi tặng GS. Giám cuốn sách ấy, như một lời thanh minh cho công việc ông ta buộc phải làm vào năm 1947.

 

Khi còn giữ chức Tổng biên tập tạp chí Tổ Quốc, trong một lần đến nhà riêng GS. Giám, tôi được ông đưa cho xem cuốn sách ấy của P. Mus, với lời đề tặng viết tay.

 

Tôi cũng được tờ Tổ Quốc phân công ghi lại hồi ký của GS Giám, theo lời ông kể, để đưa in lần đầu tiên trên tạp chí này. Là người "kỹ tính", GS. Giám đã xem lại và sửa chữa từng chi tiết nhỏ, trước lúc đưa in.

 

Sau ngày Hà Nội giải phóng năm 1954, GS. Giám chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Về tài năng và đức độ của ông, ta có thể lắng nghe nhận xét của bà Ecaterina Fourtseva, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Liên Xô thời ấy: "Tôi chưa từng gặp một vị bộ trưởng văn hóa nào tinh tế, lịch thiệp như ông Giám. Đó là kiểu mẫu của một nền văn hóa. Ông rất uyên bác và luôn thể hiện phong thái của một người có trình độ văn hóa cao, toát ra từ dáng điệu, cử chỉ, lời nói".

 

Theo Hàm Châu (*)
 Thế giới & Việt Nam

 

(*) Nhà văn, nhà báo, nguyên Tổng biên tập tạp chí Tổ Quốc, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên phóng viên cao cấp báo Nhân Dân, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập tạp chí tiếng Anh Vietnam Cultural Window, Nhà xuất bản Thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.