1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Lớp học miễn phí của người thương binh mù

(Dân trí) - Trở về từ chiến tranh với đôi mắt mù loà, ông Nguyễn Đăng Khoa (SN 1942, ở Nam Lĩnh, Nam Đàn, Nghệ An) không khuất phục số phận. Ông tham gia nhiều hoạt động ở địa phương, mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo trong vùng…

Đội trưởng đội thông tin, văn nghệ

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ kĩ, bên bát nước chè xanh sóng sánh, ký ức một thời binh lửa chợt ùa về qua giọng kể trầm buồn của ông Khoa.

 

Ngày 6/4/1965, chàng thanh niên tên Khoa viết đơn tình nguyện xung phong vào chiến tuyến miền Nam. Ngày 19/11/1968, sau một trận bom Mỹ tập kích, tiểu đội của Khoa 11 chiến sĩ thì 10 người vĩnh viễn nằm lại với núi rừng, duy nhất Khoa sống sót với đôi mắt mù loà, cơ thể mang nhiều vết thương. Năm 1971, Khoa đau đớn rời quân ngũ về quê.

 

Rồi Khoa “may mắn” cưới được vợ trong sự vui mừng của người thân. Mọi gánh nặng cuộc sống oằn lên vai người vợ trẻ. Khoa sinh ra mặc cảm, lầm lì, nghĩ buồn cho thân mình vô dụng. Mình phải làm gì đó để có ích cho đời thôi.

 

Tình cờ một hôm, nghe cán bộ thôn đọc thông báo qua “loa mo cau” (không có loa, phải đem cuộn tròn mo cau lại rồi trèo tít lên ngọn cau đọc). Người đàn ông xứ Nghệ bỗng thấy tự ái quá đỗi, sao quê mình nghèo khó đến vậy. Ông Khoa tới UBND xã Thanh Lĩnh, đề nghị thành lập Đội thông tin cổ động, phục vụ cho việc tuyên truyền của xã. Sáng kiến được chấp nhận, ông Khoa trở thành một thành viên tích cực trong đội.

 

Như được tiếp thêm lửa, ông Khoa tiếp tục vận động mọi nguồn thu để mua một bộ loa đài. Hằng ngày ông cùng anh em xuống từng đội sản xuất để nắm bắt thông tin, nguyện vọng của của bà con. Rồi ông Khoa nhen nhóm thành lập đội văn nghệ và giành được nhiều giải cao.

 

Và lớp học tình thương

 

Người đàn ông mù này có biệt tài đối với âm nhạc. Ông có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ như đàn ghita, măng-đô-luyn, kèn ac-mô-ni-ka, trống, violong, oocgan, sáo… Ông Khoa kể, đó là nhờ những ngày nằm điệu trị vết thương ở Viện 108, có dịp quen với nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng hồi đó như chị Tường Thụ, Thuý Hà, nhạc sĩ Phan Anh Tuấn… và học được chút kiến thức về âm nhạc. Từ chút “vốn” ít ỏi đó, ông cứ tự mày mò dần rồi “làm chủ” các nhạc cụ lúc nào không biết.

 

Cùng môt lúc, ông Khoa có thể chơi kết hợp được 3 loại nhạc cụ, tạo ra những bản hoà tấu đặc sắc: Dùng miệng bằng kèn ac-mô-ni-ka, hai tay cầm măng-đô-luyn và đôi chân chơi trống.

 

Lớp học miễn phí thì được bắt đầu từ một lần ông giúp các cháu học sinh giải một bài toán khó. Từ đó, các học sinh “tín nhiệm”, cứ đến nhờ dạy học. “Những lúc có bài toán hóc búa chúng lại tìm đến tôi. Khổ trẻ em quê tôi thiệt thòi đủ thứ. Bố mẹ lo lặn lội với cuộc mưu sinh, nào có đủ thời gian mà bày dạy cho con cái”, ông Khoa tâm sự.

 

Hơn ba năm nay, ông Khoa mở lớp dạy học miễn phí cho các cháu đến học thêm. Có thời gian thì dạy ngày, không có thì “cày” đêm, chủ yếu là “chiều” theo thời gian của các cháu. Căn nhà cũ kỹ của ông là lớp học. Về sau, để các cháu đỡ vất vả, ông lại tự dò dẫm đến nhà các cháu.

 

Nhờ sự phụ đạo của ông, nhiều cháu đã học hành tiến bộ trông thấy. Ông giãi bày: “Tôi học hành có hạn nên lo nhất là càng học lên cao càng khó, sợ tôi không đủ kiến thức để dạy các cháu. Chứ còn sức tôi sẽ tiếp tục dạy học”.

 

Ghi nhận những đóng góp của người thương binh mù Nguyễn Đăng Khoa, nhiều cấp ngành đã kịp thời động viên, trao tặng ông những giải thưởng đáng quý: giải đặc biệt cuộc thi “Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh” do Ban Tư tưởng - Văn hoá TƯ trao tặng; giải giành cho người khuyết tật cuộc thi “Âm vang điện biên”; giải khuyến khích cuộc thi “Sáng mãi phẩm chất cụ Hồ” do Tổng cục chính trị trao tặng; giải khuyến khích cuộc thi “60 năm nước cộng hoà XHCN Việt Nam” của tỉnh Nghệ An;…

 

Nguyên Nghĩa - Văn Dũng