1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giáo sư Hoàng Minh Giám: Tấm gương sáng cho trí thức Việt Nam

Kỳ III: Trợ thủ đắc lực của Hồ Chủ tịch

(Dân trí) - Cách mạng Tháng Tám thành công không chỉ dành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc mà còn mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc. Đất nước bước sang một thời đại mới, thời đại dân chủ. Thế nhưng giành được độc lập, tự do đã khó thì việc gìn giữ nền độc lập tự do có lẽ còn khó hơn nhiều.

Đây là giai đoạn cực kỳ nguy nan "ngàn cân treo sợi tóc", bởi ngay từ những ngày đầu, chính quyền cách mạng đã phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài. Vì vậy, một trong những mặt trận vô cùng quan trọng khi đó chính là mặt trận ngoại giao. Với tài năng kiệt xuất, Hồ Chủ tịch cùng với các cộng sự của mình trong đó đắc lực là GS Hoàng Minh Giám đã hoạch định những chiến lược ngoại giao phù hợp để gìn giữ và củng cố nền độc lập non trẻ.

Sắc lệnh số 01

Hà Nội mùa thu năm 1945 cực kỳ sôi động. Những tin tức thắng trận của Liên Xô và phe Đồng minh tới tấp bay về. Hàng vạn quân Tầu Tưởng kéo vào miền Bắc. Trong sự nhốn nháo của thời binh lửa ấy, người dân vừa hoang mang vừa phấp phỏng chờ đợi sự bùng nổ của một sự kiện nào đó...

Tháng 8/1945, một người bạn cũ vốn nhiều năm tham gia giảng dạy ở Tư thục Thăng Long - Giáo sư sử học Võ Nguyên Giáp từ chiến khu trở về đã mời Hoàng Minh Giám tham gia Chính phủ. Ông Giám nhận lời và ngay sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 01 bổ nhiệm Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ.

Ngay những ngày đầu tiên ở cương vị mới, Hoàng Minh Giám đã ký ban hành một loạt sắc lệnh, nghị định, thông tư quan trọng như: Ngày 31/8/1945, ban hành Nghị định cho phép xuất bản tờ Việt Nam dân quốc công báo. Ngày 1/9/1945, ký Quyết định trưng thu nhà in L’Action. Ngày 28/9/1945, ban hành Thông tư về cách xử trí với Pháp kiều. Ngày 8/10/1945, ban hành Nghị định cho phép ông Phạm Văn Khoa xuất bản tờ Cờ giải phóng 2 kỳ/tuần. Ngày 3/11/1945, ban hành Sắc lệnh ấn định những điều kiện cho công chức về hưu và sau đó là ban hành Thông tư số 52/NV về việc thi hành Sắc lệnh này... Có thể nói đến thời điểm đó, sau gần hai mươi năm (1926 - 1945, từ khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đến Cách mạng Tháng Tám), nhà trí thức yêu nước, giáo sư Hoàng Minh Giám đã chính thức trở thành cán bộ cách mạng. Thế nhưng người ta vẫn thấy trong cách ứng xử thường ngày cũng như cách hành xử trước các mối quan hệ, Hoàng Minh Giám vẫn ân cần, giản dị như thủa nào trên giảng đường.

Từ chối nhận... "hối lộ"

Trong giai đoạn từ 9/1945 đến ngày Bầu cử Quốc hội khoá đầu tiên 1/1946, Hồ Chí Minh là Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Giúp Hồ Chủ tịch trong lĩnh vực đối ngoại có các ông Nguyễn Đức Thụy và Đặng Văn Cáp chuyên giải quyết các vấn đề với Trung Quốc, Tạ Quang Bửu lo các vấn đề liên quan đến người Anh và các nước sử dụng tiếng Anh. Do văn phòng của Bác thiếu một người giúp giải quyết các công việc liên quan đến người Pháp và nước Pháp, nên Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đề xuất Hoàng Minh Giám đảm nhận nhiệm vụ này. Vì vậy, tuy là Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ nhưng Hoàng Minh Giám đồng thời còn là phụ tá thân cận cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực ngoại giao. Trong phần Biên niên tiểu sử tóm tắt của Giáo sư Hoàng Minh Giám, thời gian này gần như kín mít những lễ nghi, đàm phán, đón tiếp. Ngày 25/9/1945, Hoàng Minh Giám tiếp thiếu tá Mỹ L.Apatty. Ngày 28/9/1945, cùng với Hồ Chủ tịch tiếp Alecxăngđri và Pinhông. Ngày 1/12/1945, cùng với Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trợ lý cho Bác trong buổi tiếp L.Pinnhông và L.Capuyt...
Một ngày giữa tháng 9/1945, khi Hoàng Minh Giám đang làm việc tại trụ sở của Bộ Nội vụ số 12 Ngô Quyền (cũng là nơi Bác làm việc) có hai người Pháp đến gặp và nói:

- Ngài Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp muốn gặp đại diện của Chính phủ Việt Nam để trao đổi về quan hệ Pháp - Việt.
Hoàng Minh Giám báo cáo với Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp và Hồ Chủ tịch toàn bộ sự việc này và còn nói thêm:

- Thưa Chủ tịch, Sainteny tên thật là Jean Roger, sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Y hiện là sĩ quan quân đội Pháp và là con rể của nguyên toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut. Y đã từng là chủ một hãng bảo hiểm ở Hải Phòng.

Nghe xong, Hồ Chủ tịch bảo:

- Chú Giáp có thể cho anh ta gặp xem anh ta nói gì.

Hoàng Minh Giám là một trí thức yêu nước tiêu biểu, có học vấn uyên bác, một nhà giáo mẫu mực, một người cộng sản chân chính, một nhà ngoại giao mẫu mực luôn đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cuộc đời hoạt động của Hoàng Minh Giám đã để lại "tấm gương sáng" (chữ Hán, Minh Giám nghĩa là gương sáng) cho đông đảo trí thức Việt Nam ta bây giờ và mãi mãi sau này".

Kể từ đó, Hoàng Minh Giám thường đến nhà riêng của Sainteny để nắm bắt tình hình. Đó là căn nhà hai tầng nằm ở góc phố Quang Trung - Lý Thường Kiệt (gần Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hiện nay), trước đây là nhà của một người Pháp tên là Sacton về nước để lại. Một lần đến nhà Sainteny, Hoàng Minh Giám thấy trong ngăn kéo bàn làm việc của y để hở một gói tiền khá lớn. Làm như vô tình, Sainteny hỏi: "Tôi nghe nói các anh làm việc không có lương à?". Thấy Hoàng Minh Giám im lặng. Sainteny liền tiếp: "Anh có cần tiền thì tôi cho vay tạm một ít". Là một trí thức giàu lòng tự trọng, Hoàng Minh Giám giận tím mặt, định mắng cho y một trận nhưng rồi nhớ đến nhiệm vụ được giao, ông chỉ nhẹ nhàng nói:

- Cách mạng nước tôi mới thành công, đất nước của chúng tôi còn rất nhiều khó khăn nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả chúng tôi đều không lấy lương của Chính phủ. Nếu các ông có nhiều tiền thì hãy trực tiếp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách Chính phủ Pháp cho Chính phủ Hồ Chí Minh vay, còn nếu ông đưa cho tôi với tư cách cá nhân thì xin ông hãy cất tiền đi vì tôi không cần đến nó.

Thấy việc mua chuộc không thành, Sainteny đóng ngăn kéo lại vớt vát chữa ngượng:

- Thôi, coi như tôi chưa nói gì và chúng ta sẽ nói về chuyện này vào dịp khác.

Nghe Hoàng Minh Giám báo cáo lại sự việc, Hồ Chủ tịch bảo:

- Chú không nổi nóng với nó là tốt vì ta còn phải làm việc với nó. Chú nói thế là nó đủ hiểu rồi.

Chính vì cách hành xử khôn khéo và tự kiềm chế đó khiến cho sau này, những cuộc gặp gỡ giữa Hoàng Minh Giám và Sainteny không trở nên gượng ép. Điều này rất có lợi cho nền cách mạng non trẻ khi đó.

Những ngày sôi động

Ngày 6/1/1946, tại cuộc Bầu cử Quốc hội lần thứ nhất, Hoàng Minh Giám được bầu làm Đại biểu Quốc hội (đại biểu tỉnh Hà Đông). Đến tháng 2/1946, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến (Bộ trưởng là cụ Huỳnh Thúc Kháng). Từ đây, nhà trí thức Hoàng Minh Giám chính thức bước vào con đường chính trị, trở thành chính khách chuyên nghiệp. Tuy là Thứ trưởng Nội vụ nhưng với những phẩm chất đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao, Hoàng Minh Giám luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tham gia trong hầu hết các cuộc đàm phán với Pháp. Biên niên tiểu sử của Hoàng Minh Giám giai đoạn này chật kín những cuộc đàm phán, thoả thuận, tiếp xúc cả công khai và bí mật:

Đầu tháng 3/1946, giúp việc trực tiếp cho Hồ Chủ tịch trong cuộc đàm phán với đại diện Chính phủ Pháp, tạo cơ sở cho việc ký kết Hiệp định Sơ bộ 6/3, hiệp định đầu tiên của Chính phủ Việt Nam ký với nước ngoài. Ngày 7/3/1946, đi Đà Nẵng thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Ngày 24/3/1946, tháp tùng Hồ Chủ tịch trong cuộc hội kiến với cao ủy Pháp Đác-giăng-li-ơ trên Tuần dương hạm Êmin Bectanh tại Vịnh Hạ Long.

Ngày 29/6/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 81 cử Hoàng Minh Giám và một số thành viên tham gia phái đoàn sang Pháp . Hai ngày sau, 7 giờ 45 phút ngày 31/5/1946, chiếc máy bay Đacôta 356 chở Hồ Chủ tịch, Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện, bác sỹ Nguyễn Văn Luyện và Salăng cất cánh tại sân bay Gia Lâm.  Sau cuộc hành trình dài ngày, đoàn đến Paris vào ngày 22/6/1946. Từ ngày 6/7/1946, Hoàng Minh Giám tham gia chính thức trong đoàn đàm phán Việt Nam tại lâu đài Phôngtennơblô...

Sách lược "hòa để tiến"

Vào thời điểm đó, hoàn cảnh đất nước ta hết sức phức tạp và khó khăn do phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, chính quyền cách mạng non trẻ cần có thời gian để củng cố và phát triển lực lượng nên buộc phải có những nhượng bộ nhất định. Hiệp định Sơ bộ 6/3 được coi là sách lược "hòa để tiến" trong chiến lược ngoại giao của ta.

Tối ngày 6/3, Bác và Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp báo cáo với Chính phủ liên hiệp về việc ký Hiệp định Sơ bộ và chiều 27/3, ta tổ chức lễ mít tinh rầm rộ tại Quảng trường Nhà hát Thành phố Hà Nội. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước quốc dân đồng bào: "Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là độc lập, thống nhất, cuộc đấu tranh còn gian khổ, kéo dài... Chúng ta phải tin vào Chính phủ, phải đoàn kết tiếp tục chiến đấu. Riêng tôi, tôi hứa với đồng bào Hồ Chí Minh nhất định không bao giờ bán nước".  

Bùi Hoàng Tám

Kỳ II: Trường tư thục Thăng Long - Cái nôi của cách mạng

Kỳ I: Dòng họ khoa bảng ở làng khoa bảng