1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cuộc đời sóng gió của ông “Núi điện”:

Kỳ cuối: Qua đắng cay là đoạn kết có hậu

(Dân trí) - Vào những năm 1950, ông “Núi điện” Trần Văn Minh được biết đến là một nhà tư sản lớn của Hà Nội, có nhà xưởng, tư liệu sản xuất. Duy có điều, nhà tư sản này không thuê nhân công ngoài mà huy động cả gia đình, với những máy móc tân kỳ trong tay, để sản xuất ra hàng loạt máy khoan, tiện.

Kỳ 1: Triết lý sống của một người thực dụng

Và sau này, sau 8 năm cải tạo, ông lại chế tạo ra những chiếc máy mang thương hiệu “Rồng đất” nổi danh một thời. Chính lòng ham muốn làm giàu một cách chân chính đã góp phần làm hại ông...

Những năm tù tội

Cho đến bây giờ, ông Minh vẫn nhận mình là một người thợ giỏi về điện. Triết lý sống đơn giản là làm sao để có nhiều tiền, thật nhiều tiền: "Hai bàn tay tôi chế tạo ra máy móc, rồi máy móc ấy lại tạo ra máy móc khác, làm giàu cho xã hội, giải phóng sức lao động cho con người". Những năm cuối thập niên 1950, ông làm nhiều máy tiện, máy khoan.

Ông vừa sản xuất, nghiên cứu, hoàn thiện nghề cơ khí, nắm những yếu tố cơ bản, truyền nghề cho các con. Lúc bấy giờ, tên tuổi "núi điện" đã vang danh khắp Hà thành. Người con trai duy nhất của ông Minh, anh Trần Chí Khỏe cho rằng những thăng trầm, chuyển biến của cha mình, gia đình mình, đều gắn chặt với những khúc ngoặt lịch sử của Hà Nội.

Anh Khoẻ kể: "Cuối thập niên 1950, nhà tôi sở hữu những chiếc máy tân kỳ nhất của nền công nghiệp cơ khí. Một chiếc ôtô Ford lúc đó có giá khoảng 6 vạn đồng Đông Dương, thì trong nhà tôi có chiếc máy tiện trị giá 51 vạn đồng, máy phay trị giá 36 vạn đồng".

Năm 1958, cải tạo tư bản tư nhân ở Hà Nội. Tháng 7/1959, nhà xưởng của ông Minh vào Công tư hợp doanh. Tháng 3/1960, ông bị bắt đi cải tạo tư bản. Toà còn xử ông mất quyền công dân 5 năm, tịch thu 2/3 tài sản. Quá trình "cải tạo" kéo dài tới 8 năm ròng rã, qua hết trại Hoả Lò, Bất Bạt (Sơn Tây - Hà Tây), Thanh Hà (Ấm Thượng - Phú Thọ), Lào Cai...

Kỳ cuối: Qua đắng cay là đoạn kết có hậu - 1
  

Núi điện là tôi, Rồng đất cũng là tôi.

Ông "Núi điện" kể: "Lúc bị đưa đi cải tạo, tôi chỉ tiếc cho Nhà nước đã tự đánh mất đi một người thợ giỏi, một người thầy có hạng trong nghề cơ khí. Những máy móc của tôi, vào tay người khác chỉ là một đống sắt vụn, họ không sử dụng được".

Bấy nhiêu năm tháng đó, với ông là chuỗi ngày học tập không ngừng nghỉ. Ông nghiệm ra rằng, cuộc đời này chỉ như một trò chơi. Sống ở đâu cũng có người nọ, kẻ kia. Ông học được nhiều điều, học từ những người khác có hoàn cảnh như mình: "Nhiều người giỏi lắm.

Chúng tôi học hỏi lẫn nhau, học để làm chủ chính mình, để biến những kiến thức sách vở thành tiền". Trong tù, ông "núi điện" lại chứng tỏ được mình chẳng phải kẻ chỉ có hão danh, chẳng phải sự giàu có đến với ông do may mắn, do thừa kế của tổ tiên, mà bằng hai bàn tay và khối óc.

Một mình ông quản lý 8 bễ rèn bằng than hoa, với nguyên liệu là sắt vụn. Chỉ bằng sắt vụn phế liệu, ông chế tạo ra máy cào cỏ, máy thái sắn, máy đóng gạch... Những phát minh chẳng những khiến bạn tù mà cả cán bộ cũng phải nể. "8 năm đó là 8 năm tôi không hề ngủ trưa", ông kể, "giấc mộng giàu sang chưa thành, vương vấn trong tôi cả khi tỉnh khi mê. Tôi luôn mơ đến những nhà máy, những nhà xưởng tầm vóc, để tôi được thoả sức sản xuất".

"Rồng đất" ra đời

Tháng 4/1968, cả gia đình ông Minh mừng rớt nước mắt, hân hoan đón ông trở về từ Lào Cai. Chưa được mấy nỗi, giấc mộng làm giàu lại bùng lên. Hai bàn tay trắng, giờ làm gì? Đã làm phải ra làm, không thể nhì nhằng kiếm sống. Hoặc giàu, giàu hẳn, hoặc lụn bại thì cũng lụn bại luôn. Người ta sống ở đời, ai cũng phải có hoài bão. Hoài bão của ông, đơn giản là trở thành người giàu.

Đầu tiên, ông xin vào làm thợ nguội ở HTX Việt Hưng ở Hàng Mã. Chẳng khó để những người ở đây nhận ra ông là tay thợ lành nghề nhất, dày dạn kinh nghiệm hơn cả, có thể chế tạo ra những thứ máy móc bằng tư duy của một người từng trải, một người có những ngón nghề cơ khí đã ngấm vào máu. Và thế là, tuần tự những chiếc máy dập gạch, dập ngói ra đời.

Gần 2 năm sau, ông tách khỏi hợp tác, trở về với cái "hợp tác" gia đình bé nhỏ của mình. Vợ con ông trở thành những công nhân, xưởng chuyên làm máy dập ngói, đóng gạch. Thương hiệu "Rồng đất" ra đời. Máy ngói có năng suất cao gấp 10 lần máy của nhà nước, giá bán cao gấp 5.

Khách kéo đến ùn ùn. Máy gạch, máy ngói Rồng đất liên tục được cải tiến. Chiếc máy gạch Rồng đất số 4 có thể đùn một lúc ra 4 viên gạch. Chiếc máy ngói Rồng đất số 1 thực sự trở thành  cỗ máy vạn năng, có thể sản xuất tới 12 mặt hàng khác nhau. Công suất lên tới 1.200 viên/giờ (máy bình thường là 100 viên/giờ).

Rồng đất sản xuất được như thế khoảng 10 năm...

Chuyện 1.000 "cây" vàng

Năm 1978, lần thứ hai ông "núi điện" bị bắt giam, tài sản bị phong toả. Lý do là nhà chức trách nghi ngờ về chất lượng những chiếc máy bán ra, và có thể trong số ấy, có những chiếc ông lậu thuế. "May mà từ đầu, làm ra chiếc nào tôi đều đánh số chiếc ấy. Bán chiếc nào, cho ai, nộp thuế bao nhiêu, tôi đều ghi chép đầy đủ. Những việc làm cẩn thận đó đã giúp tôi thoát tội".

Nhưng cũng phải 81 ngày sau ông mới được tha. Tài sản bấy giờ phiêu tán mỗi thứ một nơi, cái còn cái mất. Đúng lúc đó thì Hà Nội xôn xao khi ông "Núi điện" tuyên bố sở hữu 1.000 cây vàng trong tay, có được do bán máy. Tính sơ sơ, mỗi chiếc máy bán được ba cây vàng. Trừ hết các khoản, cả thuế, lãi vẫn còn một cây. Mười năm tích lũy, được 1.000 cây vàng. Con số đó bấy giờ gây sốc cho nhiều người.

Mãi về sau, có lẽ phải đến khi chúng tôi tìm ông viết loạt bài này, qua công luận, sự thật về 1.000 cây vàng mới được ông chính thức hé lộ. "Tất cả là tôi nói bợm đấy thôi. Tôi làm gì có đến số vàng nhiều như thế.

Chẳng qua tôi uất ức quá, vì làm ăn một cách chính đáng, phải đổ mồ hôi nước mắt mà chẳng được thừa nhận nên nói phóng lên cho bớt uất ức", ông "Núi điện" cười sảng khoái, "cuộc đời này như một ván cờ anh ạ, hư hư thực thực thật chẳng biết sao mà lường. Cứ như tôi đây, giờ tay trắng nhưng lại không phải tay trắng. Các con tôi đều trưởng thành, làm ăn rất tấn tới".

Ông "Núi điện" bây giờ

Năm 1983, ông Minh cùng hai người con "Nam tiến", làm một số máy dập gạch, đúc ngói, mà theo ông chuyến đi ấy là "ngói hoá đồng bằng sông Cửu Long", rồi năm 1986 trở ra Hà Nội. Ngôi nhà 105 Hàng Gai vẫn đề tên "Núi điện", nhưng kinh tế thị trường mở ra, các con ông chuyển sang buôn tơ lụa.

Giờ thì ai cũng có thể thả sức làm giàu, càng giàu càng tốt, miễn sao không vi phạm pháp luật. Căn nhà đã xây thành 4 tầng. Những chỗ trước kia toàn dầu máy sắt thép nhem nhuốc, thì nay là lụa là sang trọng.

Chuyện về "Núi điện", "Rồng đất" đã vang bóng, một thời trở thành câu chuyện cổ tích hư hư thực thực của những đứa cháu nội ngoại. Những cửa hàng buôn bán đồ điện, giờ một số vẫn hoạt động, mặc dầu không được thịnh vượng như xưa. Vợ chồng ông núi điện đã già yếu, ký ức về một thời đã nhạt nhoà, khi nhớ khi quên...

Nhưng khát vọng, ham muốn làm giàu thì vẫn tràn trề trong ông. Ngồi với chúng tôi, trong thư phòng tầng 4 ngồn ngộn sách, thỉnh thoảng ông lại tự ngắt câu chuyện về quá khứ thăng trầm của mình bằng một tràng cười khà khà: "Tôi chỉ tài làm tiền thôi anh ạ! Cuộc đời này đâu khác gì một cuộc chơi".

Lê Bảo Trung