1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Vua lốp” và hành trình tìm công lý:

Kỳ cuối: Đỉnh điểm của oan trái

(Dân trí) - Năm 1983 trở thành dấu mốc lớn trong cuộc đời ông Nguyễn Văn Chẩn. Trong lúc gia đình đang làm ăn phát đạt, lốp xe thồ Quyết Thắng nổi tiếng từ Bắc chí Nam, ông được suy tôn "vua lốp" thì ông lại trở về với hai bàn tay trắng, sống cuộc sống tù tội. Lần này mới là đỉnh điểm của nỗi oan trái.

Kỳ 2: Vào tù vì tội... làm giàu

Từ "vua" thành kẻ bị tầm nã

Những năm 1980, tiếng tăm "vua lốp" loan truyền khắp miền Bắc. Đa phần người chạy xe thồ đều sử dụng lốp xe Quyết Thắng do cơ sở của ông sản xuất. Vợ "vua lốp", bà Trần Thị Oanh (năm nay 75 tuổi), kể: "Có lần tôi xuống Vân Đình (Hà Tây), thấy ven đường người ta tập trung bàn tán về lốp Quyết Thắng đông lắm. Ai cũng nói, lốp nhà tôi là tốt nhất".

Loại lốp này sử dụng mành lốp ôtô (do ông Chẩn phát hiện từ ngày mới ra Hà Nội làm dép lốp) kết hợp với  loại nhựa vá cũng do ông pha chế. Mở rộng sản xuất, gia đình mua lại toàn bộ bãi rác của nhà máy cao su Sao Vàng, bao gồm lốp và cao su phế liệu. Bãi nguyên liệu của gia đình ông (chợ Thành Công bây giờ) luôn có tới hàng trăm tấn.

Tại Triển lãm Giảng Võ năm 1983, lốp Quyết Thắng được tặng Huy chương Đồng. "Vua lốp" lúc bấy giờ được nhiều tờ báo nhắc đến như một người nông dân lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Chẳng ngờ chỉ được một thời gian ngắn thì tai hoạ ập xuống. "Vua lốp" bị kết tội "Dùng cao su chính phẩm do Nhà nước quản lý để sản xuất lốp, chứ không phải phế liệu".

Anh Nguyễn Văn Tâm - con trai ông Chẩn kể: "Bố tôi phải thao diễn đủ các công đoạn để ra được một chiếc lốp thành phẩm trước con mắt của hàng chục quan sát viên trong nghề lốp, ròng rã suốt ba ngày trời. Không đưa ra bí quyết thì lốp sẽ kém chất lượng, không được như những chiếc đang bán trên thị trường. Đưa bí quyết ra thì sẽ bị hàng chục người nhìn vào để học mót".

Cuối cùng, ông Chẩn cũng phải mang bí quyết ra trình diễn trước ban bệ đủ loại thành phần. Chiếc lốp làm từ phế phẩm cũng xong, nhưng đó chỉ là một chiếc, còn 2.000 chiếc ông xuất ra mỗi năm và đống tư liệu sản xuất ngồn ngộn thì sao? Những thứ ấy được quy thành tài sản "bất minh"!

Ngày 8/7/1983, kê biên tài sản. Ngày 25/7 khởi tố vụ án. Tiếp đến ngày 27/8 xử lý hành chính đặc biệt: Tịch thu toàn bộ nhà cửa, tài sản, công cụ, nguyên vật liệu sản xuất.

Nhưng ngày 27/8, ông Chẩn không bị bắt như nhiều người đã tưởng vì trước đó ông đã đi trốn. Anh Tâm kể: "Ngày 15/8/1983, bố tôi đi ăn sáng ngoài phố Đội Cấn. Tôi ra ngoài về thì gặp mẹ. Mẹ tôi nói: "Có mấy anh công an vừa vào tìm bố". Tôi quay trở ra thì thấy "ông già" đang lững thững đạp xe về. Tôi nói: "Bố tạm lánh đi đã, lại có chuyện rồi". Hôm sau, công an quận Ba Đình triệu tập, tôi nói bố tôi đi chơi vắng, không ở nhà".

Ngày 27/8/1983, các lực lượng chức năng kéo đến nhà ông Chẩn ở làng Ngọc Hà rất đông. Anh Tâm cùng lúc phải ký hàng loạt giấy tờ: Lệnh khám nhà; Bắt người khẩn cấp; Thu nhà; Thu toàn bộ công cụ, nguyên liệu sản xuất. Lệnh truy nã toàn quốc đối tượng Nguyễn Văn Chẩn cũng lập tức được ban bố rộng rãi.

Điều trớ trêu là sau khi bị thu nhà, tài sản, đến tháng 9/1983, gia đình “Vua lốp” nhận được giấy mời đi nhận huy chương cho lốp Quyết Thắng!.

Vừa trốn vừa kêu oan

Trong một lần trả lời báo chí, cố nhà báo Trường Phước, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, ông coi những doanh nhân như "Vua lốp" là những anh hùng thời đổi mới: "Nếu nói trong "chiến dịch" đánh đổ những tư nhân làm giàu như ông Chẩn - Hà Nội có sai lầm thì trong đó có cả những sai lầm của những nhà báo lên tiếng cổ vũ cho chiến dịch này như tôi. Bằng công cụ truyền hình, bằng các buổi bình luận, nhưng trước hết bằng lòng nhiệt tình trong sáng nhưng nhầm lẫn của mình, tôi đã làm "đau" ông Chẩn".

Sau ngày 27/8/1983, ngôi nhà trong làng Ngọc Hà bị tịch thu, vợ con ông Chẩn dắt díu nhau ra đường. Bản thân "Vua lốp" phải sống những ngày chui lủi tăm tối của một kẻ bị truy nã.

Kỳ cuối: Đỉnh điểm của oan trái - 1
  

Anh Nguyễn Trí Dũng sắp xếp
lại những tư liệu về cha mình.

"Bố tôi lúc đầu loanh quanh ở Hà Nội, về sau trốn xuống Thái Bình, rồi các tỉnh lân cận" - anh Tâm kể. Thời gian ấy, để thăm được ông, người nhà phải đi hết đường bộ lại đến đường thuỷ, đổi hết loại phương tiện này tới phương tiện khác, xuyên làng vượt thôn, chỉ dám đi qua những con đường mòn, hoang vắng ít người qua lại để tránh sự nhòm ngó theo dõi.

"Đó là khoảng thời gian rất cơ cực, tôi vừa phải trốn vừa làm đơn kêu oan gửi đi khắp nơi, bất cứ chỗ nào có thể. Cuộc hành trình đi tìm công lý gian khổ và vất vả không thể kể hết thành lời", ông Chẩn nói. Không thể kể hết bao nhiêu lá đơn ông viết, bao nhiêu lần gửi đơn đến cơ quan công quyền.

Sự đấu tranh cũng đem lại kết quả. "Bố tôi không sai, gia đình tôi sản xuất lốp từ phế liệu, tạo của cải cho xã hội, giải phóng đôi vai người nông dân. Như thế không thể có tội", anh Tâm nói. Cuối cùng thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ra quyết định đình chỉ vụ án, yêu cầu trả lại toàn bộ tài sản, nhà cửa cho "Vua lốp".

Nhưng Công an lại ra quyết định miễn tố. Ông Chẩn tiếp tục kiện: "Miễn tố là có tội nhưng miễn cho, nhưng tôi có tội gì?". Lại thêm những đơn từ kiện lên, kiện xuống. Ngày 21/12/1985, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố của Sở Công an Hà Nội, quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận tôi vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại tài sản cho gia đình ông. Đây có thể nói là một "thắng lợi tinh thần", giúp ông lấy lại danh dư vì được minh oan và trở thành người vô tội.

"Vua lốp" bây giờ

Từ năm 1989, Hà Nội bắt đầu sửa sai chiến dịch Z30 theo thông báo số 83 TB/TƯ ngày 8/8/1986 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: "Đối với những trường hợp kết luận, xử lý sai phải trả lại nhà và tài sản thu giữ của họ".

Ngày 1/9/1990, Hà Nội ra công văn số 4071 do Chủ tịch UBND Lê Ất Hợi ký về việc trả lại tài sản cho "Vua lốp". Ngày 13/2, gia đình ông hân hoan đón nhận ngôi nhà sau gần 7 năm bị thu giữ, trong tiếng pháo ăn mừng của bà con trong làng Ngọc Hà.

Nhà được trả lại, nhưng tài sản thì không, "Vua lốp" lại tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng, không mệt mỏi. Và phải 10 năm sau đó, ông mới nhận lại được một phần tài sản của mình.

... Tất cả những sóng gió, bão táp rồi cũng lặng. Sau khi được minh oan, "Vua lốp" tiếp tục nghề làm lốp một thời gian rồi truyền lại cho các con cơ nghiệp phải đổi bằng mồ hôi, danh dự lẫn nước mắt. Những lá đơn năm xưa giờ không còn bỏng cháy như ngày nào, được xếp gọn gàng như một kỷ niệm. Chiếc bàn xếp từng chồng những bài báo viết về ông, về những năm tháng truân chuyên ông đã trải qua.

"Chú thấy không, tôi là người nổi tiếng đấy chứ. Có mấy ai được lên đủ các báo như tôi, gần như không thiếu báo nào" - ông Chẩn chua chát.

"Vua lốp" sau chuyển sang nghề bốc thuốc được một thời gian. "Cũng chữa được cho nhiều người lắm đấy", ông nói. Mấy bài thuốc ông học được trong tù, cộng với kiến thức ông đọc từ sách Đông y, biến ông trở thành người làm thuốc có nghề. Toàn những bệnh nan y cả: bệnh liệt, vôi hoá cột sống, viêm xoang...

Nhưng rồi sức khoẻ sa sút, "Vua lốp" không thể làm việc được nữa mà sống dưỡng già, hưởng thú điền viên. Cả ngày, ông chỉ loanh quanh chăm sóc mấy chậu cây cảnh, đọc sách. Ngôi nhà trong ngõ 135 phố Đội Cấn giờ mở kinh doanh Internet, vài bàn bi-a. Ông truyền nghề cho các con, rồi nghề cũng mai một.

Anh con trai Nguyễn Trí Dũng theo nghề lốp được ít lâu thì cơ chế thị trường mở ra, xe máy tràn ngập, lốp không còn theo kịp với thời cuộc. Phố Nguyễn Thái Học có thời trở thành phố lốp (ăn theo ông Chẩn), nhưng cửa hàng số 16 của gia đình đã không còn hoạt động từ lâu. Phố cũng chuyển nghề, chủ yếu bán tranh chép.

Những thế hệ con cháu dần trưởng thành, mỗi người một nghề. Anh Tâm nói: "Nhiều lúc tôi thấy mình có lỗi, vì không có được sự phấn đấu như ông cụ". Hình như lý lịch về một người ông, người cha mấy lần tù oan vì làm giàu không làm anh và người thân tủi hổ.

Lê Bảo Trung