“Vua lốp” và hành trình tìm công lý:
Kỳ 2: Vào tù vì tội... làm giàu
(Dân trí) - Bắt đầu có chút của cải và tư liệu sản xuất, “vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn lập tức bị xếp vào danh sách những người giàu có như tư bản mới nổi. Kể từ năm 1969, tai bay vạ gió liên tiếp xảy đến với gia đình ông, biến ông từ một người lao động chân chính trở thành kẻ có tiền án, tiền sự.
Bài 1: Từ kẻ tha hương trở thành ông chủ
Khúc dạo đầu tai vạ
Ông Chẩn có hơn chục người con. Trong số ấy, con trai thứ 4 - anh Nguyễn Văn Tâm - là người hiểu vòng trầm luân của cha mình rõ hơn ai hết. Chính anh Tâm đã ký hầu hết các loại giấy tờ liên quan tới ông, như lệnh bắt, lệnh tịch thu, lệnh truy nã... Sinh năm 1951, đã sống quá nửa đời người, anh Tâm thấu hiểu nỗi đau của cha và gia đình.
Chuyển sang nghề làm bút, "vua lốp" quên ăn quên ngủ nghiên cứu để nắm được những "yếu quyết" của nghề. Ông Chẩn đem mẫu bút ra Phòng thủ công nghiệp quận đăng ký sản xuất bút mực. Tá bút được người ta thi nhau lia trên 12 tờ giấy trắng.
Một thời gian sau, ông được phép sản xuất và những chiếc bút máy mang kiểu dáng bút Trường Sơn được xuất xưởng hàng loạt, mỗi ngày ra hàng trăm chiếc vẫn không có đủ để bán.
Đang làm ăn phát đạt thì bất ngờ các ông ở phòng tài chính quận Hoàn Kiếm đến khám nhà, kiểm tra đăng ký sản xuất. Tôi trình giấy tờ đủ, nhưng họ vẫn tịch thu toàn bộ công cụ, nguyên liệu, sản phẩm, thuê xe đưa về quận Hoàn Kiếm. Tôi khiếu nại, vì sao tôi ở quận Ba Đình mà Hoàn Kiếm lại bắt? - ông Chẩn kể.
“Đơn kiện được gửi đi khắp nơi, ít lâu sau họ trả lại những thứ đã tịch thu, cái còn cái mất. Nhưng bấy nhiêu đó chỉ là khúc dạo đầu. Sau này tôi còn phải trải qua những bận gian lao, tù tội gấp trăm ngàn lần như thế. Những tai hoạ cứ liên tiếp, cứ dắt đẩy nhau, trước tiếp theo sau, tất cả như có thiên định", ông nói.
Những lần vào tù ra tội
Sau lần bị tịch thu công cụ, nguyên vật liệu sản xuất bút, "vua lốp" đoạn tuyệt với nghề làm bút tai vạ. Những tưởng sẽ được yên ổn, nào ngờ chỉ một thời gian ngắn sau đó, công an quận Ba Đình kéo đến khám nhà, tịch thu toàn bộ môtơ, khuôn làm bút, vài tạ dép đứt quai, cao su, hàng ngàn chi tiết bút... Vụ án được khởi tố.
Toà án Hà Nội xử 30 tháng tù vì tội tàng trữ, đầu cơ, sản xuất trái phép. Anh Tâm nhớ lại: "Lúc đó bố tôi chống án nhưng không được xử phúc thẩm. Cuối cùng phải ngồi tù đủ 30 tháng không thiếu một ngày".
| |
Ông Nguyễn Văn Tâm: Bố tôi |
Ra tù, trong tay không có nghề, ông Chẩn kiếm sống bằng đủ cách: Đào ngó sen bán, làm thuê ở Công ty vệ sinh. Nối săm xe đạp thuê ở Công ty xe đạp... Vòng vo mãi, cuối cùng cũng đành quay lại với nghề dép lốp, có cải tiến tí chút nên dép bán được.
Lốp xe hơi cũ không còn dư dật và dễ kiếm như thời trước. Có những chiếc lốp mòn vẹt, cao su bong ra. "Không ai mua, tôi mua về nghĩ cách dán lại. Dán thì phải có nhựa tốt, do vậy mà tôi ngẫu nhiên có một nghề mới: sản xuất nhựa vá săm", ông Chấn kể.
"Lúc đầu thì làm nhựa dán những cái đế dép bị bong. Tôi cứ mầy mò pha chế nhiều cách, cuối cùng được một loại nhựa rất tốt. Dán đế dép còn chắc thì vá săm xe đạp, xe máy có thể nói là vĩnh cửu. Sáng dậy, mở cửa ra đã thấy khách xếp hàng chai lọ đầy cả vỉa hè. Ông Chẩn lại giàu lên. Tuy nhiên sự hưng thịnh ấy chỉ kéo dài được đúng 2 năm trời.
Đầu năm 1974, Công an Ba Đình lại đến khám nhà bắt người. Ông Chẩn bị giam ở quận, lý do đơn giản vì “ăn lên làm ra” vùn vụt, chắc phải có gian lận. Ông Chẩn đã có tiền án tiền sự nên việc bị bắt, bị giam chỉ là chuyện thường.
"Vua lốp" nhớ lại: Đang ở trong tù thì có một vị to béo, mặt mũi phương phi đến hỏi công thức pha nhựa "xem có đúng là nhựa cậu làm ra không". Tôi đọc cho vanh vách, đọc đến đâu ông kia ghi chép lia lịa đến đấy. Nhưng đó chỉ là công thức pha chế loại nhựa rất bình thường, ông Chẩn không đọc bí quyết của mình.
Và vì sự không thành khẩn đó nên ông phải tiếp tục ngồi tù cho đến ngày 30/3/1974. Anh Tâm kể: "Trong bản "Quyết định tha, tạm tha" công an giao cho chúng tôi, lúc đầu họ xoá chữ tha ở giữa. Tôi hỏi vì sao cha tôi chỉ được tạm tha, anh công an lại xóa tiếp chữ tạm cạnh đó, cuối cùng còn bản Quyết định (cách một quãng) tha. Mục Can tội để trống".
Ông Chẩn lại bắt đầu từ đầu. 50 tuổi, hai lần vào tù ra tội, nhưng ông không còn thấy xấu hổ nữa, cuộc đời như thế là đã dạn dày nếm trải tất cả. Thế là đã quen với bất công, quen với những ánh mắt khinh bỉ, kỳ thị soi mói, hằn học của đời, của những người quyền chức.
Cái ranh giới giữa đúng với sai thật mong manh, khiến cho ông cảm thấy buồn nản và chán chường: "Sau hai lần tù oan, tôi định không làm gì nữa. Mở hàng nước, "đổi" tem phiếu hoặc "chỉ trỏ" nhì nhằng. Ở đời có khi rong chơi ăn bám là kẻ giá áo, túi cơm lại được coi là thanh liêm, trong sạch. Còn làm ăn cật lực, ngày mười lăm, mười sáu tiếng lại bị ghép tội là làm giàu, kẻ ghen ăn ghét ở vu oan, thành người có tội".
Trở về với đời, ông vật lộn với cuộc sống cơm áo hàng ngày đầy cơ cực. Hàng ngày đi bán chè vặt ở đầu ngõ, nhưng trời xui đất khiến, ông lại quay về với nghề lốp: “Một hôm tôi gặp lại người bạn cũ chữa xe đạp ở phố Nguyễn Thái Học. Chúng tôi nói chuyện làm ăn, ông ta khuyên tôi nên đi chữa xe đạp. Tôi mua ngay cái khuôn hấp lốp chín, nhưng mua phải khuôn có tiết diện bé, rất khó làm. Tôi nghĩ mãi mới tìm ra cách lót thêm một vòng đậm. Không ngờ lại được cái khuôn vạn năng. Hấp lốp, vá lốp đều được, thì có lẽ làm hẳn một chiếc lốp mới cũng được”.
Sau 5 năm, vừa bán nước vừa mày mò nghiên cứu, đầu năm 1980 chiếc lốp xe đạp mang tên "Quyết Thắng" đầu tiên của ông Chẩn ra đời. "Làm ra chiếc lốp không khó, nhưng đạt đến độ bền như lốp Quyết Thắng của tôi thời tám mươi (1980), tám mốt thì tôi phải qua 5 năm tìm kiếm pha chế", ông nói.
Những năm đó, lốp của ông Chẩn nổi tiếng toàn quốc, mỗi năm sản xuất trên 2.000 đôi. Năm 1983 lốp Quyết Thắng được trao Huy chương đồng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ. Người ta bắt đầu xưng tụng ông là "vua lốp" từ đó. Thế là "Vua lốp" lại phất.
Có tiền ông mua nhà, mở xưởng sản xuất lớn. Khu chợ Thành Công bây giờ chính là nơi để nguyên vật liệu của gia đình ông. Chỉ hình ảnh ấy cũng đủ thấy "vua lốp" phát đạt cỡ nào.
Năm 1983 đánh dấu nhiều mốc quan trọng đối với gia đình ông. Tai vạ lại ập xuống. Lần này, chỉ thị Z30 tịch thu tài sản "bất minh" khiến cho nhà ông lại một lần nữa trở nên khuynh gia bại sản, vợ con lâm cảnh màn trời chiếu đất, và ông bắt đầu cuộc hành trình đi tìm công lý đầy khổ ải.
Kỳ 3: Đỉnh điểm của oan trái
Lê Bảo Trung