1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hoa anh đào nở muộn...

(Dân trí) - Trước đây người ta thường nói “ăn cơm Tầu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Điều này có lẽ không còn đúng lắm, khi chúng tôi sang Fukuôka, thành phố lớn thứ ba của Nhật và chứng kiến cuộc sống của người dân trong một xã hội công nghiệp với dòng chảy trôi rất nhanh.

Chúng tôi đặt chân đến Fukuôka vào lúc tiết trời thu, trời hơi có mưa và buổi tối thì se lạnh. Trên các đại lộ lớn ở trung tâm thành phố, cuộc sống của giới trẻ Nhật thực sự sôi động, nhưng rất ít thấy trẻ con chơi đùa trên các phố. 

 

Fuđatê, nhân viên của Công ty dịch vụ du lịch tại Fukuôka cho biết: “Người Nhật bây giờ nói chung xây dựng gia đình khá muộn và đời sống gia đình cũng không còn bền chặt như xưa nữa”. Khi tôi hỏi chị về câu nói: “ăn cơm Tầu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” thì “vợ Nhật” có còn đúng với nghĩa “vô cùng lo toan cho chồng, hy sinh tuyệt đối và chịu đựng vì chồng”, chị Fuđatê ngạc nhiên và giải thích với tôi: “Truyền thống đó vẫn còn, phụ nữ Nhật vẫn chăm chỉ, biết chiều chồng, nhưng trong xã hội Nhật bây giờ thì mọi thứ đều bình đẳng và vì sự bình đẳng này mà phụ nữ Nhật không còn sống theo cách cũ nữa”.

 

Trao đổi với chị Yashicô, nhân viên trong khách sạn Nhật Ôkura, nơi tôi ở, thì được biết giới trẻ ở Nhật quan niệm rằng: “Chỉ nên xây dựng gia đình khi sự nghiệp và tiền bạc đã ổn định”. Để tìm được một việc làm có thu nhật ổn định từ đó tích luỹ rồi kiếm một căn hộ là một việc không hề dễ dàng gì ở Nhật hiện nay. Như Kaoru, một nam tiếp viên hàng không của Japan Airlines thì anh sẽ phải làm việc cật lực ít nhất 5 năm nữa, có nghĩa đến ngoài 30 tuổi mới có thể đủ tiền để mua một căn hộ nhỏ trị giá khoảng 200.000USD (khoảng 24 triệu Yên - tiền Nhật) và lúc đó anh mới có thể lấy vợ.

 

Nói chung, tuổi kết hôn của thanh niên Nhật bây giờ là khá muộn, thường ở tuổi 30. Như chị ChiTsu, phóng viên của tờ Yomuri Shimbun thì đến gần 40 tuổi chị mới kịp có điều kiện lấy chồng, còn cô em gái của chị là Sukei thì đến nay đã 35 vẫn chưa lấy chồng. Trả lời về tình trạng sống độc thân, chị Sukei cho biết: “Xã hội Nhật quá năng động, quá nhiều thứ để làm, nên cũng không có thời gian cho việc ngồi buồn. Đôi lúc rảnh rỗi thì thời gian chủ yếu là đọc sách hoặc đi mua sắm...”

 

Buổi tối, chúng tôi đến Tiajin, trung tâm thương mại lớn nhất ở Fukuôka, nơi đây có rất nhiều siêu thị, cửa hàng, quán ăn, cũng là nơi mà giới trẻ Nhật thường lui tới. Hầu hết là thanh niên, tôi thấy có rất ít các cặp vợ chồng đứng tuổi đi dạo chơi, mua sắm. Có lẽ những người lớn tuổi của Nhật không thích nghi và làm quen được cuộc sống quá ồn ào sôi động ở bên ngoài nên cách tốt nhất là họ ở nhà.

 

Hoa anh đào nở muộn... - 1

Không mấy thiếu nữ Nhật còn mặn mà với bộ Kimonô. Cũng thế, phụ nữ Nhật hiện đại coi việc xây dựng gia đình không phải là điều quan trọng nhất.

Ông Tôkaishô, chủ một cửa hiệu ở khu phố cổ Tiasen, lối dẫn lên ngôi chùa cổ kính nhất Fukuôka đang chuẩn bị đóng cửa hàng. Theo ông Tôkaishô thì những người Nhật lớn tuổi vẫn rất tự hào về truyền thống gia đình trước đây, nhưng giới trẻ bây giờ thì lại gần như không quan tâm gì đến. Họ không thể tìm được tiếng nói chung ở bên ngoài, do vậy cứ đóng cửa hàng xong là vợ chồng ông giải buồn bằng cách ngồi xem ti vi. Còn Shôchu, con gái ông 24 tuổi, thì cùng bạn bè đến các khu vui chơ ở trung tâm thành phố. Nói rồi ông chỉ bộ áo Kimônô treo ở góc phòng và giải thích: Bộ quần áo truyền thống Kimônô này cũng chỉ còn được mặc để bán hàng cho du khách chứ các cô gái Nhật bây giờ chẳng còn mấy ai mặc.

 

Đúng như ông Tôkaishô nói, suốt mấy tiếng đồng hồ lang thang ở khu Tianjin tôi chẳng thấy bóng dáng của chiếc Kimônô nào mà thay vào đó là quần bò, áo phông và những mái đầu nhuộm vàng.

 

Chính vì cuộc sống hiện đại len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, nên hôn nhân cũng không còn được coi là “chuyện hệ trọng nhất trong cuộc đời” của giới trẻ Nhật nữa. Tỉ lệ nam nữ ở độ tuổi kết hôn còn độc thân ở Nhật khá cao (chiếm đến 25%). Lý giải điều này, chị Mayo, chuyên viên tâm lý ở Bệnh viện Fukuôka, cho biết: “Do mức thu nhập của người Nhật thuộc loại cao trên thế giới, nên không những giới trẻ lao vào kiếm tiền mà còn có nhiều cách hưởng thụ như mua sắm, đi du lịch...

 

Có lẽ do sợ có con cái sẽ bị ràng buộc nên giới trẻ Nhật coi việc xây dựng gia đình không phải quá hệ trọng, chính vì vậy mà xã hội Nhật cũng đang rơi vào tình cảnh như nhiều nước phương Tây, đó là tuổi thọ trung của người Nhật ngày càng cao hay nói một cách khác người Nhật đang ngày một già đi”.

 

Trở về khách sạn lúc đã gần mười giờ đêm. Đường phố Fukuôka đã vắng vẻ hơn, nhưng bên con đường Seiku vẫn còn một nhạc công với cây ghi ta đứng hát. Một bài hát truyền thống của Nhật có đoạn rằng: khi hoa anh đào nở muộn, khi mùa thu đến chậm và hoa tàn, lá rụng, nhưng chỉ tình yêu vẫn còn mãi mãi... Giọng hát của người nhạc công đường phố làm lòng tôi ấm lại.

 

Minh Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm