1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hành trình “trả nợ nghĩa tình” của người thương binh

(Dân trí) - Gắn bó máu thịt với mảnh đất Quảng Trị từ khi còn là người lính pháo binh trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, bị thương, chuyển ra Bắc. Rồi vì nghĩa tình sâu nặng với mảnh đất và con người, người lính ấy lại quay vào Quảng Trị, bắt đầu một hành trình “trả nợ” tình cảm...

Quê hương thứ hai

 

Giữa không khí lao động nhộn nhịp của những người thợ mộc, chen lẫn tiếng cưa máy, tiếng đục, chạm, khảm lách cách rộn rã, ông Nguyễn Đức Dũng đang tận tình chỉ bảo cho những người thợ từng đường chạm trổ tinh xảo. Nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt phúc hậu của người thương binh hạng ¾.

 

Năm 1964, ông Dũng cùng đơn vị được điều vào Quảng Trị chiến đấu. Chính trong những ngày tháng sống và chiến đấu trên đất Quảng Trị, ông và đồng đội được những người dân, những bà mẹ từ Vĩnh Quan, Vĩnh Hiền, Vĩnh Tú... đến Dốc Miếu, Cồn Tiên cưu mang, đùm bọc. Bị thương sau một trận bom của địch và được chuyển ra Bắc điều trị, ông học Trung cấp Kế toán rồi về công tác tại ngành Giao thông vận tải Bắc Ninh. Một thời gian sau, ông nghỉ làm, trở về quê nhà - làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) - dấn thân với làng nghề.

 

Nhưng nghĩa tình với mảnh đất Quảng Trị cứ mãi đau đáu trong tâm trí người lính già. Ông quyết định chọn Quảng Trị làm nơi lập nghiệp, phát triển nghề mộc mỹ nghệ. “Tôi chọn mảnh đất này để xây dựng làng nghề là để trả nợ cho người, cho đất”, ông giải thích cho quyết định khăn gói vào Quảng Trị của mình và gia đình.

 

Những ngày đầu cùng gia đình trở lại mảnh đất xưa, ông gặp vô vàn khó khăn. “Ngược xuôi mấy năm ròng tôi mới thuê được một mảnh đất. Lúc đầu phải thuê một số người thợ đã có tay nghề, sau đó  tuyển lao động để đào tạo dần. Khi xưởng  mộc đã phát triển, tôi mở thêm một cơ sở mới”, ông kể.

 

Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của cơ sở ông được khách hàng rất ưa chuộng, đã được đưa đi tiêu thụ nhiều nơi, cả trong và ngoài nước. Mỗi tháng, cơ sở của ông có doanh thu từ 60-70 triệu đồng. Số thợ hiện lên đến 50 người, trong đó có hơn 2/3 do chính ông đào tạo.

 

Cưu mang những mảnh đời bất hạnh

 

“Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, lại trong điều kiện chiến tranh, nên không có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, vì thế tôi luôn hiểu và thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người dân nơi đây, đặc biệt là số phận của những đứa trẻ thiếu may mắn”, ông tâm sự.

 

Chính vì nỗi niềm đó mà cơ sở mộc mỹ nghệ của ông đã trở thành nơi đào tạo nghề miễn phí và tạo việc làm cho nhiều trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ. Đến nay, mặc dù đi vào hoạt động chưa lâu và còn một số khó khăn, nhưng cơ sở của ông đã đón nhận, đào tạo nghề cho gần 20 trẻ mồ côi, khuyết tật và trẻ lang thang.

 

Em Nguyễn Văn Linh đang tỉ mẩn chạm trổ trên một khúc gỗ đã được đục thành hình. Trước khi vào đây, em hàng ngày đi kéo xe thuê trên đường phố, số tiền ít ỏi kiếm được không đủ  để nuôi mấy đứa em nheo nhóc. Nay em đã là một người thợ có tay nghề  khá, thu nhập mỗi tháng gần 2  triệu đồng.

 

Em Ngô Quang Cường mồ côi từ khi lên 4 tuổi, được ông Dũng đưa về và đào tạo nghề từ năm 2006. Từ chỗ là đứa trẻ lang thang, không nơi nương tựa, đến nay, Cường đã trở thành một người thợ giỏi.

 

Hay em Nguyễn Thị Ngọc Bích vào cơ sở đã được 1 năm, nhà có 5 anh chị em, bố mẹ đau yếu liên miên. Công việc ở xưởng giúp em có thêm thu nhập để lo cho các em và thuốc thang cho bố mẹ.

 

Và còn rất nhiều những số phận thiếu may mắn khác đã được ông Dũng mở rộng vòng tay cưu mang. Đó là chưa kể nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người dân trong vùng từ chỗ cuộc sống luôn trong tình cảnh túng thiếu đã được ông tạo việc làm ổn định.

 

Thợ làm tại cơ sở của ông, tuỳ theo công việc, thu nhập từ 1,5 - 5 triệu đồng. Nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi và lang thang đứng trong tốp thu nhập cao nhất xưởng. Những đứa trẻ bất hạnh, ngoài công ăn việc làm, còn được ông cho cho chỗ ăn, ở; và yêu thương như con cháu trong nhà.

 

Chia tay tôi, người thương binh già tâm sự: “Phát triển làng nghề đương nhiên không thể không nghĩ đến lợi nhuận kinh tế, nhưng đối với tôi, lợi nhuận phải đặt ở vị trí thứ hai. Tiền bạc có nhiều bao nhiêu rồi cũng hết, điều quan trọng là mình đã giúp đỡ được gì cho những người dân nghèo khó và những số phận thiếu may mắn”.

 

Trần Nghệ