Giám đốc ngồi xe lăn
“...Đã trót có học, có lý tưởng, hoài bão trong tim. Tôi không cho phép tôi được ngồi yên”. Anh nhìn thẳng vào mắt tôi và khẳng định điều ấy. Người đàn ông tật nguyền ngồi trên xe lăn, cháu ngoại của chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh đã phấn đấu hơn nửa đời người để sống, để vươn lên, thầm lặng viết lên những kỳ tích giữa đời thường...
Tuổi thơ và những cuốn sách
Anh Trung không còn nhớ rõ mình bị ốm rồi liệt hai chân như thế nào, bởi lúc ấy anh chỉ là một cậu bé lên hai. Sau này anh nghe mẹ kể lại rằng, đó là trận dịch bại liệt lớn nhất miền Bắc năm 1951, anh sốt li bì nhiều ngày mà không có vắc xin để tiêm. Cũng từ đó anh không thể bước đi được nữa, suốt ngày chỉ quanh quẩn từ đầu giường đến cuối giường.
Nhìn đứa con trai đầu lòng ngồi co ro một chỗ mẹ anh lại ứa nước mắt, còn ba của anh thì cứ nghe mách ở đâu có thuốc hay là lại đạp xe đến hỏi, có lần đạp đến cả trăm cây số để đi tìm thuốc, vậy mà vẫn đôi chân của anh cứ teo dần...
Những ngày đầu tiên cả gia đình từ Điện Bàn - Quảng Nam tập kết ra Bắc, gia đình anh còn khó khăn lắm, để làm một chiếc xe lăn cho anh, cha đã đi nhặt từng thanh sắt, mảnh gỗ, cái đinh rồi đêm đêm cặm cụi ngồi lắp, ghép, chế ra một chiếc xe.
Cũng trên chiếc xe này, 8 tuổi, ba đã đưa anh đến trường tiểu học Sông Hồng để anh được học chữ như những đứa trẻ bình thường. Tình thương của bạn bè, sự chỉ bảo tận tình của thầy cô, anh quên đi những mặc cảm, phấn đấu vươn lên và trở thành cậu học sinh đứng đầu lớp, tiếp những năm sau đó mọi người đều cảm phục trước tinh thần vươn lên học hỏi không ngừng nghỉ của anh.
Và một người mà cả đời cậu chắc không bao giờ quên được, đó là thầy giáo dạy Sử, chính thầy đã giúp Trung tin tưởng hơn vào cuộc sống hơn “Con ạ ! Rất nhiều người lành lặn chân tay nhưng thật ra là đang tàn phế! Đầu óc của họ không đi xa hơn được một mái nhà, một việc làm...”.
Không có thể chạy nhảy như chúng bạn, nên ngoài giờ trên lớp, anh dành thời gian đọc sách, khám phá điều mới lạ khắp các phương trời qua những trang sách, anh đã có với những chuyến phiêu lưu kỳ thú của riêng mình. Lần đầu tiên đọc Không gia đình anh đã khóc, khóc cho mình và khóc cho cậu bé Rêmi khốn khổ. Trung cảm thấy mình dù sao cũng may mắn hơn nhân vật ấy vì anh luôn có gia đình và bạn bè xung quanh.
Rồi Những người khốn khổ, Ba chàng lính ngự lâm... tất cả những cuốn sách như là người bạn tâm giao của anh. Ngày đấy, sách rất khan hiếm, đọc hết tủ sách của ba, ba anh lại đi mượn bạn bè để cho anh đọc, rồi nhìn những cuốn sách nước ngoài với bao điều tò mò lẫn khát khao được chiếm lĩnh nó. Trung quyết định thi vào Đại học Ngoại ngữ.
Những ngày thử thách
Ra trường với tấm bằng loại giỏi, thông tạo ba ngoại ngữ, Anh, Pháp, Nga là niềm mơ ước của bất cứ sinh viên nào. Nhưng, đối với anh tại thời điểm ấy điều đó chẳng có ý nghĩa gì, bởi nhà trường đã không phân công công tác cho anh, giống như các sinh viên khác sau khi ra trường. Điều đó có nghĩa là anh sẽ phải tự xoay sở, tự mình tìm việc.
Cầm tấm bằng đi xin việc với con dấu còn đỏ chói, ở đâu anh cũng nhận được những lời từ chối khéo léo và những cái lắc đầu an ủi, người ta bảo rằng cơ quan sẽ chẳng thể nào bỏ tiền ra xây cho riêng anh một cái đốc cầu thang để anh có thể lăn bánh xe lên được.
“Tôi còn nhớ rất rõ một câu nói của Nhạc sĩ Hoàng Hiệp - Người mà cảm nhận được cái đẹp sẽ không bao giờ làm việc xấu. Và tôi nghĩ rằng dù trong thất vọng ê chề cũng không bao giờ được tìm đến cái chết, đó là một cách chốn chạy hèn yếu”. Không tìm được việc làm, nhưng anh không hề nản chí. Một lần nữa anh lại tìm đến sách, bằng vốn kiến thức và năng khiếu sẵn có Trung lao vào dịch sách Cuộc sống và mơ ước của Seckov, Bạn hay thù của BellaDijur... và hàng chục tập sách về khoa học phổ thông do anh dịch.
Người gác cổng của NXB Thanh Niên, NXB Kim Đồng đã quá quen với một chàng trai nhỏ thó ngồi trên xe lăn, tuần nào cũng đến đưa những bản thảo đã được dịch xong và xử lý cú pháp gọn gàng. 275 đồng tiền nhuận bút đầu tiên được nhận làm anh rơi nước mắt, ý thức được công sức lao động của mình và anh thấy cần phải sống có nghĩa hơn.
Không chỉ dịch sách mà anh còn làm thêm khá nhiều nghề, nhận làm khắc đĩa đá cho một xưởng làm đồ mỹ nghệ, sửa chữa xe đạp, chụp ảnh, làm buồng tối... Nghề nào làm cũng giỏi.
Sau năm 1975, Trung trở về Đà Nẵng. Ngỡ về quê hương sẽ tìm được một công việc phù hợp với mình, song dường như cuộc đời vẫn luôn tìm mọi cách thử thách con người bất hạnh này. Làm một chân dịch tài liệu trong ban Khoa học-Kỹ thuật của Đà Nẵng, mọi người đều khâm phục khả năng của anh, xong cứ đề cập đến một biên chế chính thức thì họ lại lắc đầu “trên có chủ trương không nhận người khuyết tật vào làm trong các cơ quan nhà nước ”.
| |
Nguyễn Trung trong một cuộc hội thảo tại Mỹ |
Anh bảo, đời anh có “quý nhân phù trợ”. Năm 1978 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào công tác tại Đà Nẵng và có ghé qua nhà anh vì biết ông ngoại anh là chí sĩ yêu nuớc Phan Chu Trinh. Gặp một chàng trai khuyết tật cặm cụi bên chồng sách ngoại văn, lại nói tiếng Anh rất thông thạo, ông hết sức ngạc nhiên và bảo với anh rằng sẽ nhận anh vào làm tại Bộ Ngoại giao.
Thực lòng, lúc đó Nguyễn Trung khá thờ ơ với lời hứa đó bởi anh đã quá quen với những cảnh, người ta vồn vã, ân cần tỏ ra quan tâm song chẳng bao giờ thực hiện. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, đích thân ông Thạch viết thư tay gọi anh ra Hà Nội làm việc, anh được làm trong Ban Thông tin của Viện Quan hệ Quốc tế.
Vậy là gần chục năm trời, với đủ các thứ nghề để kiếm sống, bây giờ anh trở thành một công chức nhà nước, chuyên viên Bộ Ngoại giao “Mọi người đã coi ta như một người bình thường”. Anh lại tiếp tục học và phấn đấu, để làm sao không bao giờ là người tụt hậu.
Nhớ lần ấy, cả cơ quan có một chiếc máy tính nên ai cũng muốn được một lần chạm tay vào bàn phím, anh ghi tên mình trong danh sách những người đăng ký đầu tiên, nhưng chỉ được đáp lại bằng một câu gọn lỏn “Cậu tật nguyền thì học làm gì”. Thế là anh lại ra ngoài tự học rồi trở thành người đầu tiên giỏi vi tính của cơ quan.
Hạnh phúc giữa đời thường
Sau một ngày làm việc vất vả, anh lại trở về ngôi nhà nhỏ cùng vợ và đứa con trai trong khu tập thể Kim Liên. Chị Liên, vợ anh kể rằng, hạnh phúc của anh chị đến tình cờ lắm. Chị từ trong Đắc Lắc ra Hà Nội có việc, phải ở nhờ nhà mẹ của anh đến vài tháng trời, song bà không bao giờ kể về đứa con tật nguyền.
Một lần tình cờ chị theo một người quen sang nhà anh chơi (anh không ở cùng bố mẹ). Vậy là họ gặp nhau, quan tâm đến nhau, rồi yêu nhau, “anh yêu em rồi đấy, Liên ạ!”. Lời tỏ tình giản dị, chân thành khiến cho chị thực sự cảm động, chị quyết định ở lại Hà Nội bên anh và hạnh phúc của họ giờ đây là một bé trai kháu khỉnh.
Một gia đình êm ấm, một công việc ổn định, anh thực sự tin yêu vào cuộc sống. Có cơ hội được giao lưu, gặp gỡ với nhiều người, anh cùng một số bạn bè đồng cảnh ngộ lập ra nhóm Vì tương lai tươi sáng.
Mục tiêu của nhóm là giúp đỡ những người khuyết tật thoát khỏi những khó khăn về mặt vật chất cũng như tinh thần, trong đó cả việc dạy ngoại ngữ, vi tính, do chính anh làm giáo viên... ngoài ra anh còn tham gia dự án “Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật” rồi cùng sáng lập ra “Trung tâm sản xuất kinh doanh của những người khuyết tật” tại số 24 phố Liễu Giai, Hà Nội.
Mở xưởng chế tạo xe lăn ngay tại gia đình, anh Trung vừa làm giám đốc, kỹ sư vừa làm công nhân. Nhiều tổ chức từ thiện nước ngoài đã đến tận xưởng của anh để đặt xe. Biết được hoàn cảnh và nghị lực vươn lên của anh, họ đã mời anh tham gia nhiều diễn đàn, sinh hoạt cộng đồng của người khuyết tật ở Mỹ, Thái Lan... để rút kết các kinh nghiệm tồn tại và niềm tim cuộc sống hoàn cảnh khó khăn.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong mỗi chuyến đi, là những tiếng cười, tiếng cười là ngôn ngữ gần gũi và thân thương nhất, anh mong rằng mình sẽ còn được đi nhiều nơi hơn nữa để gắn kết những mảnh đời không lành lặn. Anh bảo, gần nửa đời người anh mới ngộ ra một điều. “Hạnh phúc không phải là món quà tặng bất ngờ, hạnh phúc không tự đến đâu, mà chúng ta phải đi tìm nó...”
Thu Phương.