1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gặp người từng bắn hạ máy bay Mỹ bằng một viên đạn

(Dân trí) - Chiến công mà ông từng lập quả thực không dễ tìm thấy. Một mình một khẩu súng trường K44 và duy nhất một viên đạn, ông đã bắn hạ chiếc máy bay trinh sát RP - 100P của không lực Hoa Kỳ. Ông là Lê Xuân Dương, sinh năm 1947, nguyên là dân quân xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Quá khứ hào hùng

 

Chiến công của ông thoạt nghe như chuyện cổ tích - Một mình, một súng, một viên đạn, một trận địa - bắn hạ máy bay trinh sát RP-100P của không lực Hoa Kỳ. Chiến công đó được ông Dương lập cách đây gần 40 năm.

 

Ngày đó, thực hiện phương châm “Dân quân tay cày, tay súng”, ông Dương là dân quân tự vệ của xã nên được trang bị vũ khí là một khẩu súng trường K44. Đi đâu, làm gì luôn mang súng bên mình trong tư thế sẵn sàng chiến đấu...

 

Vào một ngày tháng 10/1968, mưa lâm thâm, trời đầy mây mù. Từ mờ sáng, máy bay địch đã liên tục đánh phá vào đồi Hố và một số làng của xã Thái Thủy. Khoảng 8, 9 giờ sáng, ông đang bứt tranh ở đồi Đá gặp một đợt oanh tạc của máy bay địch. Địch ngừng bắn, ông vội chạy về phía làng thì lại nghe tiếng máy bay. Ông lao vội xuống hố chiến đấu cá nhân, quan sát và bình tĩnh lên đạn.

 

Hướng thẳng nòng súng vào khối sắt khổng lồ đang lao đến, ông xiết cò. Chiếc máy bay dính đạn, bay qua đầu ông và cuộn khói. Khi đó, ông nhìn rõ cả hình thù của bánh xe và thân máy bay. Thấy máy bay bốc khói, ông mừng quá, nhảy vội lên khỏi công sự và báo cáo với xã đội trưởng. Ông và một người nữa được cử đi tìm xác máy bay, tại hiện trường, chiếc máy bay đã nổ tan từng mãnh.

 

Khi đó, chiếc máy bay RP-100P đó là chiếc thứ hai bị bắn hạ trên địa bàn xã Thái Thủy...

 

Nhớ lại cảm xúc lúc đó, ông bảo rất vui và tự hào. Gần 40 năm đã trôi qua, nhưng mọi cảm xúc vẫn tươi mới như mới hôm qua.

 

Chiến công của ông được ghi nhận và bản thân ông được tham dự Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn miền Bắc; được tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ và Huân chương chiến công...

 

Và câu chuyện hiện tại

 

Tuổi tác, thời gian và cuộc vật lộn với cuộc sống mưu sinh đã khắc lên khuôn mặt ông đầy những nếp nhăn. Nhưng vẫn còn đó ánh mắt rạng ngời khi nhắc lại câu chuyện hào hùng trong quá khứ. Sau chiến công đó, ông được đi học và về công tác tại xã Thái Thủy. Từ một anh Bí thư xã đoàn cho đến Bí thư Đảng ủy của xã..., ở vị trí công tác nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Hỏi về cuộc sống riêng tư, gương mặt ông lại đượm nét buồn. Năm ngoái, kết quả xét nghiệm khẳng định ông bị nhiễm chất độc màu da cam. Thứ chất độc vô hình này đã để lại di chứng trên người con thứ ba và cũng là người con trai duy nhất của ông.

 

Ông cho biết một ngày nào đó sẽ tìm đến những người đã từng được ông dẫn đường, che chở, bảo vệ trong năm 1969. Chỉ mong rằng họ có thể xác nhận cho ông khoảng thời gian hoạt động. Đó là khoảng thời gian ông làm giao liên, dẫn đường cho những đồng chí cán bộ cao cấp vào chiến trường Quảng Trị. Và nơi ác liệt đó, ông nhiễm phải chất độc màu da cam.

 

Có thể chiến công của ông chẳng có gì to tát ở cái thời cả nước đều đánh giặc, cũng có thể đã một thời ông được coi là người anh hùng của quê hương; cũng có thể câu chuyện ông kể đây chỉ là câu chuyện cũ; nhưng nỗi đau ông và người con trai đang gánh là nỗi đau thật.

 

Tôi về, còn nhớ mãi lời ông: “Tui thì răng cũng được, nhưng còn con tui hắn còn quá trẻ. Nỗi đau nớ hắn không thể gánh nổi”.

 

Vĩnh Quý