1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đòi nợ thuê:

Đòi nợ bằng “luật rừng”

Trong giới “xã hội đen” ở TPHCM thì đi đòi nợ thuê được coi là một “nghề” khá phát đạt. Và khi những tay giang hồ đã “ra đòn” thì các con nợ dù chây lì đến mấy cũng phải “mềm như bún”...

Các băng nhóm đòi nợ thuê không chỉ cấu kết với những trùm cho vay nặng lãi mà còn sẵn lòng đáp ứng các yêu cầu giải quyết những món nợ khó đòi của giới kinh doanh. Đủ kiểu nợ, đủ kiểu đòi...

 

Hành xử với “con nợ”

 

Bà Ch. N. L., ngụ ở quận Tân Bình (TPHCM), vẫn chưa hết kinh sợ khi kể về đám người đòi nợ thuê đã xông đến nhà bà hồi tháng 2/2005. Mọi chuyện cũng chỉ vì cậu con trai của bà học hành dang dở, chưa có công ăn việc làm, bị rủ rê bài bạc, cá độ đá banh mà gia đình không hề hay biết. Thời gian qua bà thấy lạ vì cậu con trai không đi chơi và cũng hạn chế ra khỏi nhà, suốt ngày ngồi trong phòng cắm cúi với cái máy vi tính.

 

Tưởng con đã quyết chí học hành, ai ngờ vào một buổi tối khi bà mở cửa thì thấy một đám 5-6 thanh niên vẻ mặt hung dữ hỏi kiếm Tr., con trai bà. Bà vội vàng gọi con xuống. Cậu con trai tái mét khi nhìn thấy đám thanh niên này. Bà L. không tin ở tai mình khi nghe đám người đó nói Tr. đang thiếu nợ 45 triệu đồng “tiền banh” của một trùm cá độ, mấy ngày nay không trả nợ được nên trốn biệt tăm, đám thanh niên yêu cầu gia đình bà phải trả ngay. Không thể tìm đâu ra số tiền quá lớn như vậy, bà năn nỉ bọn chúng bỏ qua vì “đó là tiền bài bạc thì từ từ em nó đi làm mới có tiền trả”. Ồn ào một lúc bọn chúng bỏ đi.

 

Vài ngày sau cũng lại mấy người đó quay trở lại và làm dữ dằn hơn. Nghe bà nói gia đình không có tiền, con bà thiếu nợ thì để từ từ nó trả, một thanh niên có vẻ là cầm đầu đám người này cười gằn: “Bà nói không có tiền à? Dễ lắm, để tôi dẫn nó đi vay tiền trả cho người ta ngay bây giờ, mai mốt nó đi làm trả lại sau. Chỉ sợ lúc đó tiền lãi ngất ngưởng, con trai bà bán cả mạng cũng không trả được đâu”. Thấy bọn thanh niên định đưa Tr. lên xe, bà L. hồn vía lên mây, phải lạy lục, năn nỉ mãi bọn chúng mới cho hẹn lại hai ngày để bà đi vay mượn mà trả nợ.

 

Cứ khoảng 17g mỗi ngày, những người bán quần áo, mũ nón, băng đĩa trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (quận Phú Nhuận) lại dáo dác nhìn trước nhìn sau... Điều khiến họ lo sợ là một người đàn ông to béo, thấp người tên Quân, còn gọi “thằng lùn” - một đối tượng chuyên đi đòi nợ thuê khét tiếng từ nhiều năm nay. Người có tiền trả lãi hằng ngày cho Quân rất hiếm, hầu hết phải... khất đến ngày hôm sau, rồi hôm sau lại... khất! Tuy nhiên, không ai có thể khất đến ngày thứ ba bởi đây là hạn chót nếu không muốn... bỏ xứ mà đi.

 

Bà N. - một “con nợ” đang sống tại khu vực này - kể: để có vốn bán cà phê vỉa hè, bà phải vay đứng (còn gọi vay nóng) 10 triệu đồng, mỗi ngày phải đóng 100.000 đồng. Ngày đầu tiên bà không có đủ 100.000 đồng để trả lãi, Quân xuất hiện đe: “Ngày mai phải trả gấp đôi, nếu không thì trả ngay tiền gốc”. Ngày thứ hai vẫn không thể kiếm đâu ra số tiền ấy nên bà N. lại phải đi mượn của người nhà để trả cho Quân 200.000 đồng. Cầm cự được một thời gian, cứ “lãi mẹ” đẻ “lãi con” không chịu xiết, bà N. đang tính toán sang nhượng lại quán cho người khác thì Quân kéo theo một đồng bọn đến chửi bới rồi “động viên” bà có muốn vay thêm không, nhưng bà đã quá hoảng sợ nên chỉ xin thêm vài ngày nữa sang được quán sẽ trả hết.

 

Cùng cảnh ngộ với bà N., ở khu vực này có bà H. vay tiền bán mũ nón không trả lãi đúng hạn, sau hai lần bị Quân hăm dọa đã phải bỏ trốn về miền Tây lập nghiệp. Còn một số “con nợ” khác thì bị đánh đập như cơm bữa, nhưng không ai dám lên tiếng...

 

Th. là một cô gái hành nghề tiếp viên nhà hàng bia ôm ở quận Bình Thạnh, tâm sự: “Trong thế giới của tụi em có nhiều điều nghiệt ngã lắm. Cùng làm tiếp viên chung một nhà hàng nhưng cô nào có vay tiền thì có thu nhập cao hơn. Con H., con Th. nhờ có vay tiền của L. “hói” nên được anh ta bảo kê, gửi gắm cho má mì. Khi “đại ca” gửi gắm thì tất nhiên là “má mì” phải ưu ái bố trí cho thường xuyên được ngồi bàn với khách để hưởng nhiều tiền “boa”. Đứa nào không được gửi thì “má” không quan tâm, “bỏ quên” vài đêm là húp cháo. Chưa kể khi đụng chuyện, bị chủ đuổi hoặc khi phải “cạnh tranh trong nghề” dẫn đến choảng nhau, nếu đứa nào không được bảo kê thì... mất trắng. Do vậy, dù lãi suất hiện nay lên đến 30%/tháng nhưng tụi em cũng phải chấp nhận, thậm chí xin vay”. Tuy nhiên khi đã vay tiền rồi, các cô gái này coi như cá mắc câu, suốt đời phải “cày” cũng không sao trả hết nợ.

 

Theo điều tra của chúng tôi, ở hầu hết các “nhà hàng máy lạnh” hiện nay đều có “dịch vụ” cho vay nặng lãi hoạt động ăn theo những cô gái tiếp viên.

 

Bạn hàng cũng xử...

 

Gia đình bà Ng. Th. Đ., ngụ tại P.13, Q.Tân Bình, đã gặp không ít rắc rối bởi bạn hàng cho đám người “xã hội đen” đến đòi nợ thuê. Theo bà Đ. một cơ sở thêu vi tính ký hợp đồng thêu áo thun cho gia đình bà nhưng lại làm không đúng mẫu nên bà không thanh toán cho cơ sở này khoản tiền 50 triệu đồng còn lại. Một buổi sáng chủ cơ sở thêu vi tính dẫn đến nhà bà Đ. một người đàn ông tướng tá to lớn, vẻ mặt rất hung dữ, trên bắp tay có xăm nhiều hình kỳ dị và nói là cậu em. Chủ cơ sở thêu nói rằng sẽ bàn giao hợp đồng và công nợ cho người này, bà muốn quyết toán thế nào cứ nói chuyện với người đó.

 

Người thanh niên tự xưng là Dũng cứ ngồi lầm lì, chẳng thèm nghe chuyện các lô hàng đã bị thêu sai, khăng khăng đòi bà Đ. phải trả hết hơn 50 triệu đồng. Nghe bà nói không thể trả hết, Dũng đe dọa: “Ngày nào bà chưa trả hết số tiền thì ngày đó tôi sẽ còn tới đòi”. Dũng nói và làm thật, hôm nào hắn cũng phóng chiếc môtô to đùng đậu chắn ngang cổng nhà bà Đ., rồi vào ngồi lì ở giữa nhà và lớn giọng hỏi: “Bây giờ bà muốn gì, có muốn trả nợ hay không?”. Biết gặp phải dân giang hồ có máu mặt, bà Đ. đành bấm bụng thanh toán toàn bộ số tiền.

 

Vừa nghe nói đến việc muốn tìm người để nhờ đòi một món nợ khó đòi, ông Đoàn - chủ một cửa hàng kim khí điện máy - đã không ngần ngại giới thiệu với chúng tôi một người có thể đòi được nợ 100%. Nói xong ông Đoàn vừa móc điện thoại di động tìm số vừa nói: “Anh đã nhờ nó hai lần rồi, lần nào cũng nhanh gọn, êm thắm lắm”. Ông Đoàn đọc cho tôi ghi số điện thoại: 0909.3774... của một người tên Dũng, còn gọi là Dũng “điện”, bảo tôi gọi mà nhờ, cứ nói anh Đoàn giới thiệu là được.

 

Nghe tôi nói muốn nhờ người đi đòi nợ giùm, Dũng “điện” thản nhiên hỏi chi bao nhiêu, địa chỉ ở đâu, có giấy nhận nợ hay không? Tôi nói có người cô ở Lạng Sơn muốn nhờ đòi món nợ trên 1,2 tỉ đồng của một bạn hàng ở đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình. Dũng “điện” nói cần phải coi giấy nợ như thế nào mới tính chi phí, nhưng ít nhất cũng phải 40%. Qua lời ông Đoàn, Dũng có rất nhiều bạn bè là dân giang hồ, chỉ cần nói một tiếng là bọn chúng sẽ ập tới áp đảo làm cho con nợ sợ hết vía mà phải trả tiền.

 

Có thể nói số chủ nợ là dân làm ăn đàng hoàng cũng rất ngán “nhờ vả” đến các băng nhóm đòi nợ thuê. Họ thừa hiểu chẳng hay ho gì khi dính vào đám này, thậm chí có lúc “tiền mất, tật mang”...

 

Theo Chi Mai- Hồng Quỳnh- Anh Đủ

Tuổi Trẻ