Đời nhôm!
(Dân trí) - Tôi đã nhiều lần bán cả thùng vỏ lon bia cho các bà đồng nát, nhưng chẳng biết các bà thu mua thứ phế liệu ấy để đem bán lại cho ai, vào việc gì. Vừa rồi tình cờ theo anh bạn về làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh thì mới vỡ lẽ...
Ở đây người ta thu mua tất cả các loại vỏ hộp nhôm ấy để tái chế cô đúc nhôm. Nghề đúc nhôm ở Mẫn Xá ít nhiều cũng đã có đến gần năm chục năm nay, giờ đang đối mặt với những vấn đề môi trường dầy bức xúc.
Nhôm làm đổi đời người
Con đường lầy lội vì mưa ướt, ngang dọc những ổ gà ổ trâu dẫn chúng tôi vào đầu thôn Mẫn Xá. Tiến - người bạn đi cùng tôi - khua chân múa tay ba hoa: “Đúc nhôm là nghề truyền thống của xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Thôn Mẫn Xá được coi là thôn có đông người làm nghề này nhất trong tổng số 5 thôn trong xã. Tôi gốc ngoài kia, nhưng có khi còn nắm rõ chuyện hơn cả người ở đây. Nói mạnh mồm như thế, chắc hẳn Tiến phải hiểu vùng này lắm. Tiến là người gốc Bắc Ninh, ngày trước thường về Mẫn Xá đánh hàng chậu nhôm, xoong nồi nhôm ở vùng này rồi đem rải đi khắp các tỉnh phía Bắc. Từ khi đồ inox ra đời với mẫu mã đẹp, kiểu dáng phong phú, giá cả đa dạng, nhất là khi các sản phẩm của Trung Quốc với giá thành cực rẻ xâm nhập thị trường Việt Nam thì nghề đúc xong nồi mâm chảo ở đây chỉ còn có thể hoạt động cầm chừng, Tiến cũng thôi buôn đồ nhôm từ đấy.
Phải nói, người thôn Mẫn Xá rất giỏi. Thấy thị hiếu của người dân thay đổi, lập tức họ cũng uốn mình chuyển theo. Những lò đúc xoong nhôm, chậu nhôm hầu hết đều chuyển sang làm cô nhôm, đúc phôi nhôm. Nhôm phế liệu được nấu rồi làm thành nhôm thỏi, cung cấp ra thị trường. Như thế mà lại hay. Cuộc sống của người dân khấm khá lên trông thấy. Tiến dẫn tôi đi vòng quanh làng. Đường làng đều đã được bê tông hoá, những ngôi nhà tầng còn mới màu sơn mọc lên san sát. Hầu như nhà nào cũng có lò đúc nhôm, bễ lò đỏ rừng rực. Xe máy trong làng đi lại như mắc cửi. Rõ ràng quá trình đô thị hoá ở đây đang diễn ra rất nhanh. Hôm sau đã khác nhiều so với hôm trước. Gọi là làng, nhưng ăngten TV mọc san sát trên các nóc nhà, trông ra dáng phố.
Đối mặt với ô nhiễm
Làng Mẫn Xá đang phải đối mặt với một thực trạng: Ô nhiễm môi trường. Môi trường ở đây đã bị ô nhiễm nặng nề từ rất lâu, nhưng dân làng ở mãi nên quen. Ai cũng biết không khí rất ô nhiễm, nhưng chẳng ai có thể... nín thở được mãi. Đi theo Tiến, tôi liên tục phải bịt mũi vì bụi và những mùi hôi thối, mùi khét, mùi hoá chất của thiết bị và nguyên liệu tái chế nhôm. Dọc đường, đâu đâu cũng thấy những bãi xỉ chất đống, bốc mùi cực kỳ khó ngửi. Các mái ngói phủ đầy bụi đen như bồ hóng. Tiến cười: “Thế này ăn thua gì. Có những hôm các lò đúc nhôm thi nhau nhả khói mịt mù, tạo thành một lớp sương mù dày đặc bao trùm khắp làng.
Ở sân đình làng, chúng tôi gặp ông Mẫn Văn Ước - trưởng thôn. Sân đình Mẫn Xá là khoảng trống rộng nhất thôn. Những vũng nước mưa ở đây đen ngòm màu xỉ than. Ông Ước chẳng giấu giếm: “Đợt này ế hàng lại vừa mưa to nên các chú đi lại được trong làng. Chứ đúng dịp hàng chạy thì các chú vào đây sẽ không thể chịu nổi vì bụi và mùi hôi. Cả làng không còn một cái ao nào nữa, tất cả đều đã ô nhiễm. Cứ 1kg phế liệu thì được 7 lạng nhôm. 3 lạng xỉ còn lại, người ta lại đem ra ao bòn đãi tiếp....
Theo lời ông Ước thì nghề đúc nhôm ở đây chẳng phải truyền thống xa xưa gì, mà bắt đầu có từ năm 1965, khi ta hạ được máy bay Mỹ. Hiện cả thôn có khoảng 70-80 hộ đúc nhôm chuyên nghiệp trên tổng số 525 hộ. Số còn lại, nhiều người đi làm thuê cho các lò lớn và một số thì đi thu mua phế liệu ở khắp nơi. Ông Ước nói, nghề này chưa bao giờ được xếp vào hạng nghề truyền thống, vì nó bấp bênh lắm, không ổn định. Lúc có nhiều hàng, lúc không. Đây chỉ là nghề thời vụ giúp người dân kiếm thêm trong lúc nông nhàn. Thế nhưng cái gọi là thời vụ ấy đã giúp công ăn việc làm cho hàng trăm người. Nhiều người phất lên trở thành giàu có. Người chẳng được giàu thì cũng đủ ăn.
Tới đâu hay tới đó!...
Chúng tôi tới nhà anh Nguyễn Văn Đức, vợ chồng anh đang xoay trần bên những mẻ nhôm nấu chảy. Anh Đức nói, nghề là của cha truyền lại. Anh đúc nhôm từ khi còn là một thiếu niên. Chị vợ tên Mai, mặt bịt kín khẩu trang, tay cầm một chiếc xẻng dài khoắng đều lên chảo nhôm, mồ hôi nhễ nhại. Những chiếc vỏ hộp cứ mềm dần, rồi nóng chảy. Trong sân, cả núi vỏ hộp bia, nước ngọt được đập bẹp, chờ đổ vào chảo. Chiếc lò tự tạo phun phì phì những ngọn lửa nóng rẫy. Khói đen khói trắng bốc lên nghi ngút. Phải mất 1 tiếng đồng hồ thì những chiếc vỏ hộp sẽ nóng chảy thành nhôm nước. Anh Đức cúi gập người, lấy chiếc gầu sắt thận trọng múc nhôm nước đổ vào khuôn. Trên những thỏi nhôm vừa đúc, anh có thể đặt nồi cơm, ấm nước lên trên và nấu nướng như bếp điện. Mỗi thỏi nhôm như thế nặng 10kg, bán được với giá 25.000đ. Thường thì hàng làm ra đến đâu bán hết tới đó.
Anh Đức chỉ cho chúng tôi xem những vết bỏng phồng rộp chằng chịt khắp chân tay, cười hiền lành: “Làm mãi tôi quen rồi. ở đây có nhiều trường hợp bị nhôm bắn vào mặt mũi, nhưng nguy hiểm nhất là vào mắt. Dân ở đây hầu hết ai cũng mắc chứng khó thở. Biết làm sao được, làm thì nguy hiểm, ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nhưng không làm thì lấy gì nuôi sống gia đình!. Mỗi tháng, trừ hết các khoản chi phí vợ chồng anh cũng thu lãi được vài triệu, đủ tiền nuôi con ăn học và trang trải sinh hoạt...
Giống như vợ chồng anh Đức, những lò nhôm khác vẫn hằng ngày đỏ lửa, bất chấp mọi tác hại. Một ngày nào đó, khi môi trường ở đây ô nhiễm tới mức các lò nấu nhôm phải ngừng hoạt động thì không biết cuộc sống của họ ra sẽ sao. Tôi hỏi anh Đức điều ấy, anh gạt mồ hôi và đôi mắt nhìn vô định: Tới đâu hay tới đó anh ạ!
Án Văn Long