1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đời bới rác

(Dân trí) - Bãi đất trống phía sau bạt ngàn cao su là nơi tập kết rác của toàn thành phố Pleiku (Gia Lai). Ở cái nơi ngập ngụa những rác, nồng nặc mùi hôi thối và những lũ ruồi nhặng, có những con người đã gắn chặt đời mình vào những mớ rác để mưu sinh.

Ba đời bới rác
 
Gia đình anh Klơr có cả thảy 15 người thì 12 người "tham gia sản xuất" ở bãi rác này. "Chỉ hai bà vợ ở nhà chăm con nhỏ thôi, còn đứa mô cũng ra đây nhặt rác hết, không đi nhặt rác thì lấy chi mà ăn" - KLơr tâm sự.
 
Ở mảnh đất hẻo lánh này, việc người ta lấy hai vợ và đẻ hàng tá con như vậy cũng là thường lắm, họ chấp nhận nó như chính cái việc con nghỉ học để bới rác mưu sinh vậy.
 
Anh phân trần: "Ruộng nương không có, nhà đông con nên kéo nhau cả lên đây may ra mới đỡ đói thôi".
 
Đời bới rác - 1
Mưu sinh trên rác
 
Theo KLơr thì cái nghề bới rác này anh được "thừa hưởng" từ người cha. Ở đây người ta tính tuổi lao động cũng vừa bằng tuổi đi học. 6 tuổi anh bắt đầu vào nghề. Ấy vậy mà nó thành cái nghiệp truyền kiếp.
 
Mười mấy năm bới rác cũng không đủ để người thanh niên Gia Rai có được chút vốn để đời con bớt khổ, ăn học đàng hoàng. Mười một người con giờ cũng lại vác bị theo cha đi ... bới rác.
 
Túp lều ọp ẹp được che chắn bằng những mảnh bì, túi nilon là chỗ để mấy cha con ở lại ăn uống, nghỉ ngơi. "Ở lại đây, ăn uống còn phân loại rác bán rồi còn kịp chuyến xe buổi chiều", anh nói.
 
Không chỉ riêng bố con anh KLơr, ở đây còn có trên chục chiếc lều như vậy. Những chiếc lều được ngăn với bãi rác bằng những mảnh bì nilon nhưng cũng không kém nhớp nháp so bên ngoài là mấy. Giữa trưa nắng cái mùi nồng nặc của rác vẫn ngập ngụa cả trong lẫn ngoài .
 
Đời bới rác - 2
Túp lều ọp ẹp trú ngụ cho mười hai cha con anh KLơr
 
Lớn tuổi nhất trong đám người nhặt rác này là cụ H`Reng, 62 tuổi. Ông cụ đã gắn bó gần như trọn đời mình với cái nghề này. Nhưng đã mấy tháng nay cụ nằm liệt một chỗ. Mấy người nói cụ bệnh nặng rồi nên đi khám bác sỹ hoặc ít nhất cũng tránh khỏi cái nơi ô nhiễm này.
 
Nhưng cụ nói: Tiền đâu mà khám với chữa, nhà đâu mà về. Cả đời sống ở đây rồi thì cũng nhắm mắt ở đây thôi. Mỗi ngày cụ sống bằng chén cơm nhỏ mà mấy người làm cùng san sẻ.
 
Cụ H’ Reng ho sặc sụa, rồi thở dài: "Mù chữ nên mới phải chọn cái nghề nhớp nhúa này thôi. Nhưng dẫu sao không trộm cắp cướp giật mà cũng không phải ăn khoai mì đã là phúc lắm rồi".
 
Những đứa trẻ lớn lên với rác
 
H`Rim (15 tuổi) là chị cả của năm đứa em vẫn đang hành nghề bới rác ở đây. Rim kể: Nhà nghèo nên mấy chị em lớn lên đã không được đến trường mà theo chị hàng xóm lên đây nhặt rác với hi vọng kiếm được tiền mua sách vở đi học. Nhưng 5 năm rồi, ước mơ của em vẫn chôn vùi ở bãi rác này.
 
Đời bới rác - 3
Khu ổ chuột - nơi gắn chặt cuộc đời của bao "phận bới rác"
 
"Em thì chắc không có phần rồi nhưng mấy chị em đang cố gắng làm để cho bé út đi học. Tội, nó đang học dở lớp 1 mà không có tiền đóng học nên đành bỏ dở!", H`Rim cười buồn bã.
 
B`Lir (14 tuổi) gia nhập đội quân nhí bới rác này được 3 năm. "Cả nhà em đều bới rác ở đây, bữa trước ở nhà làm ruộng nhưng chẳng đủ ăn nên bố đưa cả nhà xuống đây bới rác có tiền mua gạo không phải ăn lá mì nữa", B`Lir nói.
 
B`Lir là chị thứ ba của bảy anh chị em. Mẹ ở nhà với hai em nhỏ còn cả mấy chị em theo bố xuống đây. Nhà em ở làng Blei Cơm Bông (xã Iabang, Đak Hóa, Gia Lai), đi bộ khoảng một giờ đồng hồ đường tắt. Ngày nào cũng vậy đi từ sáng rồi ở lại đến tối mới về.
 
"Hôm nào bới được nhiều em cũng kiếm được khoảng 15 - 20 nghìn", rồi cô bé lí nhí: "Nhưng em vẫn muốn được đi học!".
 
Tố Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm