Đi chợ Nga ở Sài Gòn
Gọi là chợ Nga vì ở đó bán buôn các loại thực phẩm đặc sản được nhập từ Nga và các mặt hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu đi Nga. Có đi để biết giữa Sài Gòn có một chợ Nga thật thú vị, lạ lẫm…
…và cũng để hiểu thêm về một địa điểm giao thương, giao lưu văn hóa Việt - Nga.
Có một chợ như thế đấy!
Biết anh Quốc Quân (công tác trong ngành Dầu khí) có thời gian dài học tập, lao động bên nước Nga, lại thành thạo ở khoản “chế biến” các món ăn ngon của xứ sở bạch dương từ nhiều loại nguyên liệu, gia vị Nga, nên khi gặp anh tôi hỏi:
- Ở Sài Gòn có chợ nào chuyên bày bán hàng hóa, đặc sản Nga không anh?
- Có chứ em. Có một chợ như thế đấy, người ta gọi là “chợ Nga” nằm ở Đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1. Không chỉ có du khách nước ngoài hay lui tới mà dân dầu khí từng du học bên Nga hay gia đình các chuyên gia Nga ở Vietsovpetro vào dịp ngày nghỉ cuối tuần đi tàu cánh ngầm từ Vũng Tàu lên TP HCM cũng tìm đến ngôi chợ này - anh Quân trả lời.
- Chợ Nga có gì đặc biệt không anh?
- Ở đó chuyên bán các loại thực phẩm đặc sản được nhập từ Nga và các mặt hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam xuất khẩu đi Nga. Giá cả cũng phải chăng. Em nên đi cho biết có một chợ Nga giữa Sài Gòn, đi để biết thêm về văn hóa Nga như thế nào - anh Quân nói.
Theo chỉ dẫn của anh Quốc Quân, chỉ mất khoảng 1km, xuất phát từ chợ Bến Thành, tôi cùng một anh bạn chạy theo đường Phó Đức Chính ra Đại lộ Võ Văn Kiệt, sau đó theo hướng về quận 5, qua khỏi nút giao thông cầu Ông Lãnh vài trăm mét, nhìn bên phải đã thấy ấn tượng với một biển hiệu đèn Led ghi là “Russian Market” (tức chợ Nga). Khi đi thẳng vào bên trong thì thấy hàng chữ “chợ Nga” to tướng nằm trong phức hợp của tòa nhà Central Garden ở số 328 Đại lộ Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, quận 1.
Hôm tôi đến tuy không phải là ngày nghỉ cuối tuần nhưng trông các xe ôtô, taxi vẫn đậu sát rạt trước khuôn viên chợ Nga. Lâu lâu lại thấy vài đoàn xe chở khách du lịch nước ngoài ghé vào trông rất nhộn nhịp.
Ngôi chợ này có quy mô 3 tầng, gồm 100 gian hàng với tổng diện tích kinh doanh gần 2.000m2, được xây dựng theo mô thức là trung tâm thương mại bán hàng sỉ lẫn hàng lẻ.
Trước khi đến đây, tôi cứ mường tượng đó là một khu chợ yên tĩnh, có lối đi rộng rãi, nơi hàng hóa được bày biện ngăn nắp, sang trọng, mang đậm phong cách phương Tây như trong các trung tâm thương mại mà tôi thường thấy ở Sài Gòn. Thế nhưng ngược với điều suy nghĩ ấy, ấn tượng trước tiên khi tôi bước chân vào bên trong chợ Nga đó là nó được thiết kế theo đúng nghĩa “chợ” với san sát các ki-ốt nhỏ nhắn cùng một không gian chật hẹp, bề bộn như các shop quần áo ở Sài Gòn Square (quận 1). Chợ có lối đi không rộng lắm và thường huyên náo bởi tiếng người mua kẻ bán trò chuyện, mặc cả bằng tiếng Nga, tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Tôi đoán không lầm thì hình như có một sự “cố ý” sắp đặt ở khu chợ này nhằm thu hút hiệu quả khách mua hàng. Bởi bài học về sự lạnh lẽo của các trung tâm thương mại vẫn còn đó, vốn có những lối đi rộng rãi, cửa hàng thoáng đãng, sạch sẽ chỉ khiến các khách hàng xem lướt qua, chẳng đếm xỉa gì đến các kệ hàng được bày biện gọn gàng và… đi thẳng ra cửa mà chẳng mua thứ gì.
Có vào bên trong chợ Nga mới thấy rằng, đó là một không gian riêng với những món hàng quần áo thời trang đặc trưng ở Nga và xứ lạnh, có vẻ xa lạ trong mắt người dân miền nhiệt đới. Đối với những khách hàng chưa từng biết về chợ Nga, nhìn những mặt hàng thời trang lạ lẫm sẽ cảm giác như lạc đến khu chợ Tây của vùng ôn đới. Thêm vào đó, cứ nhìn những cái tên Nga của một số gian hàng ở đây như Natasa, Kiev, Volga… và văng vẳng đâu đó là giai điệu du dương của những ca khúc Nga bất hủ được phát ra từ hệ thống âm thanh của chợ cũng khiến người ta liên tưởng đến nước Nga hoặc chủ nhân các gian hàng ít nhiều liên quan đến xứ sở bạch dương tuyết trắng.
Mải mê ngắm các gian hàng quần áo, anh Xuân Cường - bạn đi cùng tôi háo hức nói:
- Nếu chịu khó lục lọi tìm kiếm ở đây để mua về làm quà cho gia đình mình ngoài Bắc thì chắc chắn sẽ lựa được những bộ đồ thời trang không đụng hàng!
Là một nhân viên bán hàng mẫn cán ở khu chợ này và nói tiếng Anh, Nga khá lưu loát, chị Lý Kiết Hoàng (thuộc shop Diệm quầy B-14) cho rằng chợ Nga dường như mặc định một không gian giao lưu giữa người bán và người mua. Đối với khách Việt, từ những khách có nhu cầu cụ thể cần thiết cho một chuyến du lịch đến xứ lạnh hoặc là người lao động chuẩn bị cho chuyến đi hợp tác lao động ở nước ngoài cũng tìm đến đây mua hàng. Còn các bạn sinh viên Việt Nam chuẩn bị đi du học cũng thường đến mua đồ mùa đông vì giá rẻ hơn nhiều so với thị trường thế giới.
Theo như lời của chị Hoàng, ở chợ này còn có một nhu cầu mang giá trị tinh thần giữa người bán và người mua ít nhiều liên quan đến nước Nga. Đó là dịp để những người đến đây nói với nhau bằng thứ tiếng Nga thời hoàng kim, gặp những khách hàng là công dân Nga đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam để nhớ về những kỷ niệm về một nước Nga Xôviết trong ký ức hoặc trí tưởng tượng của mỗi người mà nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam học và đọc qua sách vở mà chưa đặt chân đến.
“Hơn nữa, những ai đến chợ Nga đều có chung nhận xét là người bán hàng như chúng tôi luôn tỏ ra dễ gần, không chèo kéo, chặt chém như những khu chợ khác, phóng khoáng và nhân hậu như người Nga”, chị Hoàng bộc bạch.
Đi tham quan các ki-ốt mới thấy mặt hàng ở chợ Nga chủ yếu là áo lạnh, quà lưu niệm của Việt Nam và những đặc sản của Nga. Khách hàng đến chợ không chỉ có du khách người Nga mà còn có du khách người Malaysia, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… và cả người Việt. 100 gian hàng tại chợ Nga chủ yếu là hàng thời trang, hàng chuyên dùng của xứ lạnh từ đồ mùa đông, áo lông vũ, áo khoác bành tô, áo khoác da… Ngoài ra còn có các loại áo phông cùng hàng may mặc “big size” dành cho những người có ngoại hình quá cỡ, đi kèm một ít gian hàng dành cho trẻ em.
Nhiều người nói rằng đây là chợ tập trung quần áo thời trang mùa đông lớn nhất tại TP HCM hiện nay. Tất cả được giới thiệu là hàng Việt Nam xuất khẩu do các công ty may mặc trong nước sản xuất. Đó cũng có thể là hàng gia công mang thương hiệu nước ngoài khi hoàn tất các đơn hàng thì doanh nghiệp dư thừa hoặc gặp sự cố nên tiểu thương trong chợ mua về để bán lại với giá mềm.
Chị Vương Ngọc Phối - chủ của một ki-ốt bán mắt kính và túi xách thuộc da khẳng định, các mặt hàng bày bán ở chợ Nga là hàng Việt Nam chất lượng cao, được xuất khẩu đi Nga và các nước Đông Âu, rất được thị trường nước ngoài ưu chuộng. Giá cả ở chợ cũng rất phù hợp cho túi tiền của khách du lịch bình dân. Đa số là khách du lịch Nga hoặc khách Nga từ Vũng Tàu lên hay các đoàn khách du lịch nước ngoài thường tìm đến để mua hàng, đông nhất là vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Thậm chí người Việt từ ngoài Bắc vào Sài Gòn cũng tìm đến chợ để mua hàng về làm quà cho người thân.
Các tiểu thương ở đây cho biết thêm, thông qua các bạn hàng, họ còn nhận hợp đồng nhỏ lẻ từ các công dân Nga ở TP HCM, thực hiện trọn gói từ mẫu mã đến hoàn tất sản phẩm. Những mặt hàng ở chợ là đặc thù ở xứ sở bạch dương. Thế nhưng dù đang là mùa nóng ở Sài Gòn nhưng hằng ngày chợ vẫn bán được áo rét cho những du học sinh. Ngoài ra còn các khách nước ngoài mua những mặt hàng cần thiết, nhiều nhất là khách hàng Nga. Họ đến đây mua số lượng lớn đem về Nga bán lại. Bởi vậy nó hình thành chợ Nga là chợ có nhiều khách hàng Nga chuyên mua sỉ.
Một điều thú vị là ngoài mặt hàng áo lạnh, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng… tại chợ Nga còn có một siêu thị thực phẩm mini (thuộc Công ty Cổ phần Phân phối Nga - Việt) với hàng ngàn mặt hàng đặc sản có xuất xứ từ Nga đã để lại ấn tượng không nhỏ cho mỗi du khách khi đến tham quan.
Bên trong siêu thị này là những gian hàng nhỏ chuyên bán đồ thực phẩm rất Nga. Nào là các loại rượu vodka xuất xứ từ Nga hay các loại gia vị Nga vừa ngon vừa lạ. Và cơ man các món đặc trưng của Nga như cá chép xông khói, trứng cá muối, mỡ muối, trứng cá đen, hạt mạch, trứng cá hồi, socola, phô mai, cá skumira, cá atrakhan, phô mai, bơ, bánh mì đen, xúc xích, thịt hộp, cá hồi ngâm dầu Nga… Đặc biệt ở đây còn có món patê gan ngỗng của Nga được cho là vừa rẻ (chỉ 55.000 đồng/hộp) vừa ngon cực kỳ, nên được nhiều người mua. Hay như nước Bạch Dương - một món nước giải khát Nga uống rất mát dùng vào mùa hè. Bên trong siêu thị còn bày bán mỹ phẩm Nga và các món quà lưu niệm như búp bê gỗ của Nga (Matriosca) có 7 cái giống nhau từ nhỏ đến to lồng vào nhau.
Khi bước vào siêu thị tôi có gặp chị Katerina, một công dân Nga đang làm việc tại TP HCM. Thấy chị mải mê lựa chọn thực phẩm nên tôi hỏi thăm:
- Chị thấy siêu thị này thế nào ?
- Tôi thích lắm. Rất đủ các món đặc trưng của Nga mà tôi cần trong sinh hoạt hằng ngày. Đến đây mua thực phẩm vừa hợp khẩu vị vừa giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà - chị Katerina chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Khánh Vân - người quản lý của siêu thị thực phẩm chợ Nga thì ở đây chuyên bán nhiều mặt hàng thực phẩm mang đặc trưng của Nga nên rất được nhiều khách Nga ưa chuộng. Các công dân Nga ở TP HCM hoặc khách du lịch Nga hay tìm đến mua thực phẩm cũng nhiều. Thậm chí nhiều khách Việt (đặc biệt là người Bắc) từng sống ở nước Nga, nay muốn nhớ lại hương vị Nga nên cũng thường xuyên ghé qua siêu thị mua những thực phẩm Nga mà họ ưa thích.
Dù còn nhiều mặt hàng chưa có ở chợ Nga nhưng ở đó phản ánh rõ sự khác biệt về cách sống và văn hóa Nga. Thế nên những người Nga đang sinh sống và làm việc tại TP HCM cũng như một số người có thời gian định cư ở Nga đều công nhận chợ Nga là “một nước Nga thu nhỏ giữa Sài Gòn”.
Điểm giao thương Việt - Nga
Qua tìm hiểu thì chợ Nga được xây dựng từ tháng 4/2009, quy tụ 100 tiểu thương kinh doanh hàng trăm mặt hàng, chủ yếu là sản phẩm may mặc, thời trang, mỹ nghệ, hàng gia dụng và một số thực phẩm đặc trưng của nước Nga… Ngôi chợ này không chỉ là nơi giao thương hàng hóa giữa Việt Nam với Nga và các nước Đông Âu cũ mà còn là điểm sinh hoạt của cộng đồng các công dân Nga sinh sống tại TP HCM, Vũng Tàu và các học sinh, sinh viên cùng những người lao động từng học tập, làm việc tại Nga.
Các loại hàng ở đây giá không cao lắm so với thị trường. Một chiếc áo jacket hay một túi xách thuộc da cũng tầm tầm khoảng một vài trăm nghìn đồng, lại yên tâm về chất lượng, đặc biệt là áo lạnh. Hơn nữa, hầu hết các mặt hàng đều niêm yết giá nên rất dễ mua.
Gọi là chợ Nga theo khuynh hướng phục vụ cộng đồng từ thấp đến cao, tổng hợp các mặt hàng. Thế nhưng các tiểu thương ở đây cũng có “lai lịch” khá đặc biệt. Có nhiều tiểu thương vốn từng đi lao động hợp tác ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu (Tiệp Khắc, Đông Đức, Ba Lan) hoặc là các cử nhân tiếng Nga thuở trước nay đã chuyển ngành kinh doanh. Họ từng kinh doanh buôn bán hàng ở Thương xá Tax hoặc Lucky Square ở quận 1, nhưng sau đó, vì các trung tâm thương mại này hoặc nâng cấp hoặc giải thể nên họ chuyển hướng kinh doanh về chợ Nga.
Nói về quá trình hình thành chợ Nga ở Đại lộ Võ Văn Kiệt, ông Vũ Ánh Dương - Trưởng ban Quản lý Russian Market (tức chợ Nga), cho biết: Trên thực tế chợ kinh doanh các mặt hàng Nga ở Sài Gòn ra đời từ năm 1989 do một nhóm người đã từng học tập, làm việc tại Liên Xô (cũ) đứng ra thành lập ở Công ty Bách hóa Tổng hợp (cũ) để kinh doanh những mặt hàng áo quần áo mùa đông phục vụ cho nhu cầu của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Năm 1991, do Liên Xô tan rã cộng với một số biến động của thị trường nên chợ Nga phải tạm dừng hoạt động một thời gian. Đến giữa năm 2009, Công ty Cổ phần Tống Linh Giang nhận thấy các mặt hàng này vẫn còn nhu cầu rất lớn nên đã quyết định đầu tư thành lập lại chợ Nga tại Tòa nhà Central Garden trên Đại lộ Võ Văn Kiệt thành nơi trao đổi mua bán hàng hóa giữa Việt Nam và Nga. Sau 4 năm hoạt động giờ đây chợ Nga đã trở thành một địa điểm mua sắm quen thuộc đối với đa số du khách trong và ngoài nước khi đến TP HCM.
“Chợ Nga không chỉ là một địa chỉ tham quan, mua sắm lý tưởng cho khách du lịch Nga khi sang Việt Nam mà còn là trung tâm giao thương lớn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam và Nga”, ông Vũ Ánh Dương nói.
Theo như lời các tiểu thương ở đây thì sự ra đời của chợ Nga là cần thiết và cấp bách, tạo điều kiện cho các tiểu thương cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với thị trường Nga. Chợ Nga góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng mối quan hệ hữu nghị bền vững về mọi mặt giữa Việt Nam và Nga. Mỗi ngày, có hàng trăm chuyến hàng đi đến sân bay, cảng và cũng ngần ấy chuyến hàng được nhập về chợ. Những ngày cuối tuần, khách đến chợ đặc sản Nga rất đông nhưng không vì thế mà không khí trở nên ồn ào, xô bồ. Chính vai trò quan trọng của chợ Nga, để đáp ứng nhu cầu giao thương Việt - Nga mà Công ty Airgo Cargo (một doanh nghiệp hàng đầu của Nga về vận tải hàng không quốc tế và vận tải biển) đã mở văn phòng thường trực nằm ngay trong khuôn viên chợ Nga nhằm phục vụ nhanh chóng và an toàn cho việc giao nhận hàng hóa của các tiểu thương.
Được biết hiện nay chợ Nga không chỉ là trung tâm giao thương lớn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nga mà nhiều công ty du lịch lữ hành trong và ngoài nước cũng đã đưa ngôi chợ này vào danh sách địa chỉ tham quan, mua sắm để khai thác tour.
Còn nhớ, 4 năm về trước (tháng 5/2009), nhân dịp sang thăm Việt Nam, Hoa hậu thế giới 2008 Ksenia Sukhinova đã đến tham quan tại chợ Nga ngay sau một ngày đặt chân đến TP HCM. Cô chia sẻ với báo giới rằng cô muốn đến đây vì tại Nga, từ lâu cô đã biết về chợ Vòm, nơi kinh doanh rất sôi nổi của người Việt trên đất Nga. Do đó, khi biết tại TP HCM cũng có một mô hình chợ như vậy nên cô háo hức muốn đến tham quan và mua hàng thủ công mỹ nghệ Việt về làm quà cho người thân, bạn bè. Và cô cũng kỳ vọng rằng chợ Nga không chỉ là một địa điểm tham quan mua sắm lý tưởng cho khách du lịch Nga khi tới ViệtNammà sẽ còn là trung tâm văn hóa Nga tại ViệtNam.
Ngay khi vừa đặt chân đến chợ, sau một thoáng xem qua các mặt hàng bày bán, Hoa hậu đã vào quán bar nhỏ nằm trong chợ để nghe giới thiệu về hoạt động kinh doanh của chợ Nga. Ksenia Sukhinova thổ lộ cô rất thích những món hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo của ViệtNam được bày bán trong chợ. Sự xuất hiện của Hoa hậu tại chợ Nga khiến nhiều người Việt và các gia đình Nga sống tại TP HCM vây quanh cô xin chữ ký và chụp ảnh, điều này khiến kế hoạch mua sắm của người đẹp phải thay đổi. Ksenia Sukhinova kiên nhẫn đứng chụp ảnh kỷ niệm và tặng chữ ký của người hâm mộ trong khoảng 15 phút. Sau đó cô được nhiều vệ sĩ tháp tùng ra về với ánh mắt tiếc nuối vì chưa thực hiện được ý định mua sắm của mình…
Với sức hút của chợ Nga, nhiều người yêu mến xứ sở Bạch Dương mong rằng trong tương lai không xa sẽ có thêm những chợ Nga tương tự ở Hà Nội hay Vũng Tàu (là những nơi có nhiều du khách Nga lui tới và hội tụ nhiều người Việt Nam đã từng sinh sống, học tập, lao động tại Nga). Có như thế, sự giao thương, giao lưu văn hóa Việt - Nga sẽ càng thêm phát triển bền chặt.
Theo T.V
Petrotimes