1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đành gửi con về... nương xóm cũ!

(Dân trí) - Ở những làng giao thông, để được đến trường, những đứa trẻ phải rời vòng tay của mẹ từ rất sớm. Em về ở cùng ông bà, em ở cùng cô dì chú bác. Thậm chí vì cái chữ có em được cha mẹ gửi ở nhà người quen hoặc ở cùng bạn bè trong nhà trọ... Khó khăn vất vả về kinh tế, thiếu thốn tình cảm cũng như sự kèm cặp của cha mẹ, các em "chịu đơn, thiệt kép" bởi không biết rồi chất lượng học của các em đến đâu...

Băn khoăn sự học

Sau nhiều lần lỗi hẹn, cuối cùng chúng tôi đã chọn được một ngày đẹp trời để trải lòng mình trên những tuyến đường. Nghe các anh, các chị, những công nhân chăm sóc cung đường chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời mình, chúng tôi thấy, đó là nghề muôn sự nhọc nhằn. Sự nhọc nhằn ấy, không chỉ là dãi nắng, dầm mưa, cơm nắm dọc đường mà chạnh lòng hơn là tình mẹ xa con, là những băn khoăn về sự học...

Người đầu tiên chúng tôi gặp được trên tuyến đường Núa Ngam - Điện Biên Đông là chị Phạm Thị Lạc. Dáng người nhỏ nhắn, trong màu áo xanh có hàng chữ "Công ty Quản lý Sửa chữa Đường bộ 2", chị đang cặm cụi giẫy cỏ. Lên công tác ở Điện Biên từ năm 1988, đã 2 - 3 lần chuyển địa bàn công tác, chị không cầm được nước mắt khi kể với chúng tôi: Một mình nuôi con, bố cháu đã lâu rồi không còn liên lạc. Cháu Phạm Quang Dũng, đang học lớp 2A4, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn về sống cùng ông bà ngoại ở T.P Điện Biên Phủ. Ông bà thì già, chương trình học cải cách, dạy cháu làm sao nổi, chả biết nó học hành được đến đâu. Rồi chị chỉ cho chúng tôi làng giao thông chị ở.

Chị Đoàn Thị Liên (người cởi mở nhất trong chuyến công tác mà chúng tôi được gặp), gồng mình đẩy chiếc xe cải tiến đầy đất hót sạt ở taluy dương vừa nói vừa thở hổn hển: Sạt dưới 5m3 là phải tự làm, giá mà có tiền để thuê người đẩy cùng thì đỡ hơn, nhưng như vậy đồng lương còn chẳng là bao...

Gia đình chị ở Mường Chà, mỗi tuần về thăm nhà một lần, hôm nay làm ở cây số xa nên mang theo cơm trưa. Chúng tôi ngó vào cái làn: một âu cơm trắng, ít canh rau cải và quả dưa Xá mang theo. Chúng tôi hiểu, đó là suất ăn của chị. Chị nói, chuyện học của con đành phó thác hết cho cô giáo, chả biết rồi có nên công nên quả gì không. Ngay cả Trung thu vừa rồi, muốn mua cho con cái đèn ông sao mà cũng không được.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, con đường như dài thêm, hình ảnh nữ công nhân gồng mình đẩy xe đất vẫn còn ám ảnh.

Cần lắm một vòng tay của mẹ

Cố gắng để được nhìn thấy những hình ảnh khả quan hơn, nhưng cuối cùng chúng tôi gặp một nữ công nhân trên cây số 25 +700. Chị là Bùi Thị Chiến. Sự vất vả, hiện rõ không chỉ trên khuôn mặt, giọng nói mà ngay cả cái cách chị chia sẻ. Con gửi bạn bè học ở dưới huyện Điện Biên, một đứa THCS, một đứa THPT. Đến tháng thì gửi tiền về trả tiền ăn học. Ở đâu chả tốn tiền ăn, tiền học...

Ấy là chị nói thế, nhưng chúng tôi không tin và thương cảm bởi những lo lắng trong lòng chị. Người ta bảo, trong mắt cha mẹ, những đứa con luôn còn nhỏ và ở cái tuổi dậy thì, cái tuổi học làm người lớn và nghĩ mình đã lớn, các con chị cần lắm những sẻ chia, dạy bảo, cần lắm một vòng tay của mẹ. Lầm đường, lạc lối lúc này có nghĩa là suốt bao năm hy sinh, bao năm tần tảo của anh chị sẽ thành mây khói...

Cũng cùng cảnh công nhân giao thông, nhưng vợ chồng anh chị Quyển, Hường còn rất trẻ. Anh chị có một con  trai, mới 4 tuổi nhưng đã gửi về ông bà nội được hơn một năm. Lý do nhiều lắm, tất cả cũng vì khó khăn: ở làng giao thông cũng có nhà trẻ, nhưng công nhân thì cứ sạt đường, tốt cỏ là đi làm. Nửa đêm còn làm chứ nói gì đến thứ bảy, chủ nhật. Đã vậy, lớp mẫu giáo lại xa, chỉ học buổi sáng còn buổi chiều thì không, chất lượng chăm sóc làm sao bằng miền xuôi được. Thế là anh chị đành rứt ruột gửi con. Chả biết nó ốm đau lúc nào, rồi chuyện học hành cũng còn chưa tính được.

Nỗi lòng dốc thẳm, đèo cao

Sẽ ra sao nhỉ? Chúng tôi cứ băn khoăn mãi, tương lai sẽ thế nào, những đứa trẻ ở làng giao thông phải sống xa cha mẹ, phải 2 - 3 lần đổi trường, thậm chí ở nhờ nhà người quen. Hàng ngày, bên những cung đường chênh vênh, bụi bặm, những người công nhân lặng lẽ với cái bóng của mình.

Không mấy ai dừng lại để hỏi tên các anh các chị, lại càng không ai biết họ đang lao động trong sự phân tâm, rằng đồng lương chia năm sẻ bảy đã đành mà nỗi lòng cũng chia năm sẻ bảy. Đồng lương có thể rất có hạn, nhưng nỗi lòng của họ thì đằng đẵng theo từng cây số, qua dốc thẳm đèo cao. Không hiểu sao, tôi chợt nhớ câu thơ của ai đó: "Người gửi con về nương xóm cũ...".

Mai Thủy (Báo Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên)