1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dân ven biển và nỗi lo bão đến

(Dân trí) - Bão đến, nỗi lo lại oằn nặng lên mỗi ngôi nhà, mỗi con đường trên quê hương cửa sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Người người, nhà nhà lại phải thu dọn lĩnh kỉnh đồ đạc, kéo nhau đi tránh bão.

Từ các hộ dân...

Về Thạch Kim những ngày bão nổi không ai không khỏi ngậm ngùi trước cảnh người dân chạy sơ tán khỏi địa phương. Từ người già đến trẻ nhỏ, nặng trĩu gương mặt âu lo vội vàng chạy bão.

Các hộ kinh doanh sơ tán máy móc
Các hộ kinh doanh sơ tán máy móc
 
Nằm sát bờ kè là xóm Long Hải với 450 hộ dân, hơn 2200 nhân khẩu. Trong đó ở dọc tuyến nguy hiểm có khoảng 300 hộ, trong vùng xung yếu nhất là khoảng 160 hộ. Sau khi nghe đài báo bão và được sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, bà con đã khẩn trương thu xếp đồ dùng, nhu yếu phẩm để lên đường đi tránh bão, chủ yếu họ tập trung đến nhà thờ họ giáo cách bờ biển khoảng chứng 600m, còn một số đi vào nhà bà con ở các vùng sâu đồng bằng.

Bà Nguyễn Thị Bình, một người dân đang thu xếp đồ để chạy bão cho biết “Sống ở miền biển thật là khổ. Mỗi năm có bao nhiêu cơn bão là bấy nhiêu lần lo chạy bão. Người thì chạy được, nhưng rồi khi bão tan về lại nhà cửa ngập úng, đồ đạc hư hỏng không biết phải làm sao?”.

Mẹ con chị Trần Thị Viện cũng vừa thu xếp được mấy bộ quần áo và mấy gói mì tôm chuẩn bị lên đường đi tránh bão. “Mẹ con nhà tui thì của nả không có, trong nhà cũng không có đồ đạc gì đáng giá, nhà thì làm tạm bợ, chỉ lo khi người trở về nhà không có để ở nữa”.

Nhiều hộ gia đình nuôi chó, mèo, gà, vịt đành bỏ lại, không thể mang theo. Đây cũng là một trong những phần thu nhập trong đời sống của bà con. Qua một trận bão lũ là bà con lại mất đi phần thu nhập bấy lâu của mình.

Nhìn bà con lỉnh kỉnh đồ đạc, tay xách nách mang, trẻ em, người già theo nhau đi tránh bão mà chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Cuộc sống chênh vênh bên bờ biển khiến người dân nơi đây phải vật lộn với thiên tai khắc nghiệt. Nhìn những con người nơi đây hằn nỗi lo trên những gương mặt sạm cháy vì gió biển mặn mòi ai cũng nặng lòng thương cảm. 

 … đến các hộ kinh doanh.

Dọc bờ kè có đến 12 chủ hộ kinh doanh kho đông lạnh và 2 hộ kinh doanh mắm ruốc. Những hộ kinh doanh kho đông trước mắt họ đóng cửa và ràng buộc xung quanh lại để gió không làm tốc mái, bên trong máy đông vẫn chạy bình thường. Còn các cơ sở kinh doanh mắm ruốc thì chính quyền địa phương đốc thúc di dời khỏi cơ sở để tránh thiệt hại khi bão tới.
Sơ tán hải sản
 Sơ tán hải sản
 
Chị Lê Thị Phượng, chủ cơ sở kinh doanh mắm ruốc tại xóm Long Hải, gần ngay bờ kè cho biết: “Vừa qua gia đình tôi đầu tư vào mấy trăm triệu để làm ruốc, chưa phơi được bao nhiêu thì đài báo bão, chúng tôi lại phải dồn đựng hết vào các thùng nhựa và che chắn lại. Nhưng vẫn còn chưa hết lo, vì không biết  nước mà  dâng ngập lên cao thì trôi hết đi. Mà tiền đầu tư vào đó phải đi vay mượn ngân hàng còn chưa trả”.
 
Cơ sở hộ anh Nguyễn Hữu Bình cũng kinh doanh mắm ruốc ngay bên bờ kè, nhưng vốn đầu tư vào tiền tỷ. Ruốc cũng vừa mới phơi chưa được mấy nắng thì gặp bão. Sau khi nghe đài báo, thì chính quyền địa phương đã tạo điều cho anh kịp sơ tán các phi đựng hải sản tại các hộ gia đình quanh khu vực sản xuất.
 
Cách đó không xa, cơ sở làm mộc của anh Nguyễn Xuân Hà nằm chênh vênh bên bờ biển cũng vội vàng thu dọn để di dời tránh bão. “Chúng tôi kinh doanh ở đây đã được hơn 4 năm. Năm nào đến mùa mưa bão cũng phải di dời. Cực lắm cô ơi, mỗi lần di dời nào là máy móc, gỗ phải đưa vào tận trong khu vực đồng bằng mới đảm bảo an toàn”.
 
Trong vòng buổi sáng của ngày bão đến, hầu hết các hộ kinh doanh đã thu xếp tạm ổn và di dời vào khu vực an toàn. Dọc con đường biển chỉ còn một số thanh niên và những người được giao nhiệm vụ trực bão.

Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch xã Thạch Kim cho biết: “Chính quyền xã đã phối hợp với bộ đội Biên phòng 164 và lực lượng công an huyện đi rà soát toàn thể hộ dân trong diện di dời, để tránh việc người đi, người ở lại. Đến nay toàn thể hộ dân trong diện di dời đã vào khu vực tránh bão an toàn”.

Và những đồng tôm chuẩn bị  mùa bội thu
 
Sáng ngày 30/9 chính quyền địa phương điều động gần 20 đoàn viên thanh niên cùng một số bà con trong xã đến hỗ trợ anh Phan Văn Chân, xóm lâm Châu, xã thạch Châu gấp rút thu hoạch gần 1ha tôm tránh bão.
 
Được biết, mùa tôm thứ nhất anh Chân thu hoạch được hơn 400 triệu đồng, lãi hơn 200 triệu đồng.

Dùng lưới vét khẩn trương thu hoạch tôm
Dùng lưới vét khẩn trương thu hoạch tôm

Đây là mùa tôm thứ hai anh Chân thả hơn 30 vạn con giống, lấy về từ Ninh Thuận. Theo quy trình nuôi tôm, phải đúng 70 đến 80 ngày thì thu hoạch. Nhưng vụ tôm này, anh Chân nuôi chưa đầy 60 ngày, hiện tổng lượng tôm gần 4 tấn. Do thu hoạch chưa đủ ngày nên vụ tôm này anh Chân mất lãi gần 200.000.000 đồng.

Thường mỗi lần thu hoạch tôm, các thương lái đến tận nơi để thu mua và chở vào cung ứng tại thị trường Đã Nẵng, Quãng Nam. Anh Chân cho biết: “Năm nay tôm được giá, nhiều thương lái đặt mua trước khi thu hoạch mấy tháng. Để tạo được niềm tin cho người mua, chúng tôi đã đầu tư công sức và tiền bạc vào đây không nhỏ, những mong sẽ cho mùa tôm bội thu. Ai ngờ mưa bão đổ bộ, đành phải thu hoạch non, chịu mất gần gấp đôi lãi suất trên vụ”. 

Những đợt sóng biển đang cuồn cuộn, chồm lên xoáy vào bờ bãi tưởng chừng như muốn nuốt trôi những những phố làng ven biển. Cuộc sống của người dân nơi đây đang đứng trước bao nguy hiểm của thiên tai bão lũ. Xin cầu mong cho họ một ngày mai tươi sáng.

                                                                                                            Thu Hoài

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm