1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Có một người thơ như thế!

Bị bệnh hiểm nghèo từ 3 tuổi, tay chân teo tóp, ngồi một chỗ trên giường, vẫn yêu đời và đặc biệt yêu thơ, lấy thơ làm niềm vui, làm chỗ dựa tinh thần; đã viết khoảng 400 bài thơ, đã xuất bản một tập thơ và đang chuẩn bị xuất bản 2 tập nữa.

Đó là Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Hợp, ở thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết, huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc.

 

Về Mê Linh...

 

Đã được đọc qua một số bài thơ của Hợp in ở Tạp chí Văn nghệ Đắc Lắc và một vài tờ báo khác, đã nghe một người bạn kể sơ qua về hoàn cảnh của Hợp, nhưng quả thực tôi vẫn chưa ấn tượng lắm về Hợp. Nhưng ngày 28/6 vừa qua, có dịp đi công tác ở huyện Lắc, tôi đã tìm đến Mê Linh thăm Hợp, từ đó, tôi mới thực sự ấn tượng về Hợp; và không chỉ ấn tượng mà còn bị “ám ảnh”...

 

Tôi cũng không hiểu sao ở một nơi sơn cùng thuỷ tận, xa xôi như thế - nếu tính từ TP.Buôn Ma Thuột đến thôn Mê Linh 2 phải gần 80 cây số, còn nếu tính từ thị trấn huyện Lắc cũng gần 20 cây, mà đường đi đâu phải dễ dàng, cứ vòng vèo, leo lên tụt xuống, hết quả đồi này đến đồi khác, nhiều chỗ ngày mưa chỉ có nước cuốc bộ - lại “phát tích” một người thơ như thế?

 

Chị Nguyễn Thị Vui - Phó Chủ tịch xã Buôn Triết - nói với tôi: “Lạ lắm chú ạ! Cậu ấy là người đặc biệt. Bệnh tật giày vò thể xác như thế mà lúc nào cậu ấy cũng chỉ nghĩ đến thơ. Mà thơ hay lắm. Cả xã em ai cũng khâm phục. Mà nào cậu ta có được học hành gì nhiều. Mang cái bệnh đi học, gắng đeo đuổi việc học lắm, nhưng đến lớp 11 phải bỏ, vì bệnh đã quá nặng, chẳng thể đi lại được, nhà lại quá nghèo...”. Kể vắn tắt với tôi vậy, rồi chị Vui bảo một cán bộ của UBND xã dẫn tôi đến nhà Hợp.

 

Quả là nhà Hợp rất nghèo. Bố mẹ Hợp (ông Nguyễn Văn Tuất - 67 tuổi và bà Vũ Thị Khá - 63 tuổi) quê ở xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, đi kinh tế mới vào đất này định cư từ năm 1977. Đây là vùng đất trũng, sâu nhất huyện Lắc. Bây giờ đã nên xóm nên làng, đường đi lối lại đã khá khang trang, đã có ruộng lúa nước làm 2 vụ. Nhưng ngày ấy, nơi đây chỉ có rừng và sình lầy với bạt ngàn lau lách. Đã thế, bố mẹ Hợp còn đẻ sòn sòn tới 11 đứa con, vì thế cái nghèo cứ đeo đẳng mãi từ ngày ấy tới tận hôm nay.

 

Có một người thơ như thế!  - 1

Căn nhà nghèo mà gia đình Nguyễn Văn Hợp đang sinh sống.

 

Trong khi nhiều hộ khác đi kinh tế mới cùng thời với bố mẹ Hợp bây giờ đã rất khá giả, đã có nhà xây khang trang, kiên cố, có nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền, thu nhập tới vài ba chục tấn thóc một năm; riêng bố mẹ Hợp vẫn phải ở trong căn nhà gỗ nho nhỏ, lợp ngói, nằm ở rìa đồng. Tài sản trong nhà cũng chẳng có gì đáng kể. Rất tiếc là hôm tôi đến thăm Hợp, cả hai ông bà đều đi làm vắng, nên không được gặp, không được trò chuyện với ông bà để hiểu sâu hơn hoàn cảnh của gia đình và nghe ông bà tâm tình thêm về Hợp. Tiếp tôi chỉ có một người anh trai của Hợp...

 

...gặp Huệ Nguyên - Nguyễn Văn Hợp

 

Năm nay Hợp đã 25 tuổi, nhưng trông thật tội nghiệp, cơ thể da bọc xương, chân tay đều teo tóp, vì căn bệnh quái lạ mang tên “loạn dưỡng cơ Duchenne”. Không một bệnh viện nào, không một bác sĩ nào trong nước nhận chữa bệnh cho Hợp, vì là bệnh lạ chưa có phương pháp điều trị, nên Hợp đành chấp nhận số phận, 25 tuổi nhưng chỉ nặng 30kg, không thể đi lại, suốt ngày phải ngồi trên giường và chỉ có thể nhích từng phân trên mặt giường một cách đau đớn, cực nhọc. Mọi sinh hoạt cá nhân của Hợp đều phải nhờ cậy bố mẹ và các anh chị em. Dù vậy, nhìn vào sắc diện và nhất là ánh mắt của Hợp, tôi biết đây là một con người thông minh, giàu ý chí, nghị lực. Điều đó đã được thể hiện qua những trang thơ của Hợp và trong lúc trò chuyện cùng Hợp.

 

Có một người thơ như thế!  - 2
Nguyễn Văn Hợp bên những cây đàn thân thiết của mình do một số bạn bè tặng (ảnh trên). Ảnh: Đ.B.T

 

Bao giờ Hợp cũng dùng từ chuẩn xác, linh hoạt và hóm hỉnh. Trí nhớ của Hợp cũng rất tuyệt vời. Không chỉ thuộc thơ mình, mà Hợp còn thuộc thơ của rất nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh. Tôi có một bài thơ xoàng mang tên Lời con voi trong hội voi, in trên tạp chí Văn nghệ Đắc Lắc từ cách đây 3 năm mà Hợp vẫn thuộc làu làu và đọc cho tôi nghe không sai một chữ, khiến tôi hết sức nể phục và xúc động. Hợp bảo: “Em ở đây đâu có sách báo thường xuyên để đọc. Ai cho em cuốn sách, tờ báo nào em cũng đọc. Đọc đến thuộc thì thôi.

 

May mắn, cách đây gần 3 năm, em được nhà văn, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm thương tình, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ và được ông chủ doanh nghiệp Trí Tín tặng cái máy vi tính, máy được nối mạng Internet, nên em mới được đọc nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn mọi sự kiện diễn ra hằng ngày ở trong nước và trên thế giới; đặc biệt là được đọc thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng trong nước như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy... mà trước đó em chưa được đọc bao giờ”. “Nhưng ai dạy cho Hợp sử dụng máy vi tính?” - tôi hỏi. Hợp cười bẽn lẽn: “Người ta lắp đặt máy cho em xong, chỉ dạy em cách khởi động máy, cách tắt máy, cách truy cập mạng Internet một lần thôi. Sau đó thì em cứ tự mày mò, mày mò nhiều lần rồi cũng “ra vấn đề” thôi anh”...

 

Một con người chưa học xong lớp 11, lại bị bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa, phải nằm, ngồi một chỗ, phó mặc thân mình cho số phận, mà sống không bi quan, vẫn luôn luôn ôm đàn hát, cười một cách vui vẻ, luôn luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp, luôn luôn nghĩ về những năm tháng còn lại ở trên đời phải làm việc gì cho có ích, thì đó quả là “người đặc biệt” - đúng như lời chị Vui - Phó Chủ tịch xã Buôn Triết - đã nói với tôi. Đó là lý do khiến Hợp đến với thơ, đồng thời thơ của Hợp cũng phản ánh tất cả những phẩm chất đó. Đến thăm Hợp, tôi càng xúc động và cảm phục hơn khi biết Hợp đã làm đơn gửi Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam xin được hiến giác mạc, hiến xác cho nghiên cứu khoa học...

 

Thơ của “người đặc biệt”

 

Lết lại bên cái máy vi tính để ở góc giường, Hợp mở máy cho tôi xem một số bài thơ mới viết và đọc cho tôi nghe một số bài Hợp tâm đắc nhất. Tôi nghe thơ Hợp mà muốn rơi nước mắt: “Mẹ vẫn cõng con như ngày xưa/ Hai mươi bốn tuổi mà như còn bé nhỏ/ Chỉ vì con nên đời mẹ khổ/.../ Chỉ vì con tủi nhục mẹ đã từng/.../ Biết con bệnh chẳng thể nào lành được/ Nên ngậm ngùi mẹ giấu lệ vào tim/.../ Con biết mẹ thường khóc thầm mỗi đêm/ Vì mỗi sáng mắt thâm quầng, hốc hác”... (Mẹ).“Mẹ ơi, vì đâu tóc mẹ pha sương/ Mỏi gối run chân, thân già gầy guộc/ Đời mẹ khổ hoài/ Chỉ bởi con thôi, chỉ tại con thôi!” (Đời mẹ). Tôi nghĩ, đấy không còn là thơ mà là những giọt máu đang rỉ ra trong trái tim của Hợp. Mẹ thương anh, vất vả, khổ đau vì anh. Nhưng anh biết làm gì để đền đáp lòng mẹ? Biết làm gì hơn “Ngoài việc sống vui để mẹ bớt phiền lòng” (Đời mẹ). Có lẽ cũng chính là tình mẹ đã cho Hợp điểm tựa, đã truyền năng lượng sống cho anh, để anh biết “ngồi” trên hoàn cảnh mà “ngạo nghễ cười”.

 

Cầm tập thơ “Thơ và tôi” (Nhà xuất bản Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh ấn hành năm 2010) do Hợp sáng tác và gửi tặng, tôi đã đọc một mạch từ đầu đến cuối. Không có những bài thơ toàn bích, không có những sáng tạo gì đặc biệt trong cấu tứ, hình ảnh, ngôn từ, nhưng bài thơ nào của Hợp cũng làm cho tôi xúc động, bởi những cảm xúc chân thật xuất phát từ sự rung động thực sự của trái tim - một trái tim trong sáng, một tâm hồn nhuần nhị, thuần khiết luôn luôn hướng tới sự trong trẻo, cao đẹp của cuộc đời.

 

Phải nằm một chỗ, nhìn cuộc đời qua cửa sổ, nhưng Hợp chẳng hề bi lụy, nên thơ cũng rất nhân văn và rất đẹp: “Chút nắng vàng hanh bên bậu cửa/ Mơ màng ru một khoảng trời riêng” (Khoảng trời riêng). Thấy chiếc lá khô rơi, Hợp vẫn nghĩ tới sự cống hiến: “Chiếc lá khô rụng xuống/ Vẫn có ích cho đời/ Khi hiến thân vào đất/ Hoá mỡ màu tốt tươi” (Lá khô).

 

Giữa đêm mùa khô Tây Nguyên bệnh tật giày vò không ngủ được, vậy mà Hợp vẫn cảm nhận được: “Đêm ấm trầm làn điệu dân ca/ Ta lạc giữa không gian huyền sử/ Rượu cần thơm và lời khan bất tử/ Nhịp chiêng dồn gọi những ngày xuân” (Mùa khô cao nguyên). Thảng hoặc đôi khi nỗi buồn chợt đến, Hợp biết xua đi như một chàng lãng tử: “Này buồn ư?/ Ôm đàn dạo nhạc/ Miệng nghêu ngao khúc hát yêu đời/ Nồng cháy Nguyễn Cường/ Du dương nhạc Trịnh/ Thả hồn bay theo ngọn gió chơi vơi” (Ngày của Hợp). Và rất bản lĩnh Hợp xác định: “Ta là đốm lửa/ Dù sắp lụi tàn/ Vẫn luôn khao khát/ Bùng cháy huy hoàng” (Đốm lửa). 

 

Đúng là Hợp vẫn đang “bùng cháy huy hoàng” trong “giấc mơ” của Hợp và cả trong cảm phục của bao người!

 

Hiện nay Hợp đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn, người gầy da bọc xương, nhưng cái đệm nằm cũng không có. Bộ máy vi tính - phương tiện duy nhất để Hợp viết và đọc hằng ngày cũng đã xuống cấp, tốc độ truy cập rất chậm. Hợp cũng đang thiết tha được xuất bản 2 tập thơ nữa (hiện đã có bản thảo). Rất mong các tổ chức, cá nhân có điều kiện giúp đỡ cho Hợp (theo địa chỉ thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết, huyện Lắc, Đắc Lắc. ĐT: 01669771449).

 

Theo Đặng Bá Tiến

 Lao động