1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chuyến xuất ngoại buồn của một “đại gia đình”

(Dân trí) - Sau gần 4 tháng làm oshin bên Ma Cao (Trung Quốc), tích cóp được hơn chục triệu đồng, chị Lê Thị Chẫm (37 tuổi, Nghệ An) vay tiền từ quê nhà, nhờ người lo cho sang Đài Loan với mức lương hứa hẹn sẽ rất hậu hĩnh. Đi cùng chị là 2 người cháu trai…

Xa chồng con làm kiếp oshin

 

Bản Hoa Hải, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, nơi gia đình chị Chẫm sinh sống, vốn rất nghèo đói. Ruộng ít, đất đai cằn cỗi, 2 vợ chồng quần quật suốt ngày kiếm chẳng đủ ăn, chưa nói nuôi 4 con đi học.

 

Chị Chẫm thuyết phục chồng chạy vạy tiền xin đi lao động ở nước ngoài. “Không thế thì chẳng biết lúc nào ngóc mặt lên được chú à. Biết đi là khổ cho chồng, con nhưng đành chịu thôi…”, chị Chẫm tâm sự.

 

Tháng 7/2007, gia đình chị Chẫm vay hơn 30 triệu đồng, lo cho chị đi Ma Cao làm giúp việc, lương tháng hơn 5 triệu đồng, số tiền mơ ước với người đàn bà vốn quen với ruộng đồng, núi cao.

 

Sang Ma Cao, chị may mắn được làm trong một gia đình tốt bụng, công việc chẳng nặng nhọc gì. Nhưng làm được hơn 2 tháng thì chị ngã bệnh, thuốc thang mãi không khỏi. Chị đành phải về quê chữa bệnh. Hồi phục sức khỏe, chị lại xin chồng cho đi. Gia đình vay thêm 10 triệu đồng, chị sang Ma Cao và nhanh chóng tìm được việc làm ổn định, lương tháng 5-6 triệu đồng.

 

Cú lừa ngoạn mục

 

Chị Chẫm nhớ lại: Làm việc được một thời gian thì bà chủ tên Lan (sau này chị mới biết đó không phải là tên thật) gạ sẽ lo cho chị đi Đài Loan với giá 50 triệu đồng. Bà Lan khoe có chồng làm giám đốc một Casinô bên Đài Loan, chị Chẫm sang đó, công việc nhẹ nhàng như quét dọn lương tháng cũng hơn 12 triệu đồng.

 

Để tạo sự tin tưởng, bà Lan chỉ cho chị Chẫm thấy gia tài đồ sộ của mình; đồng thời kể ra nhiều trường hợp đã được bà ta lo cho đi “trót lọt”.

 

Bà chủ cũng hứa hẹn nếu chị Chẫm có anh em, bà con nào nữa thích sang thì bà cũng “giúp” cho, giá tiền chung vẫn là 50 triệu đồng/người, riêng chị Chẫm sẽ được cho nợ một ít. Háo hức trước viễn cảnh tươi sáng, chị Chẫm gọi điện về Việt Nam để chồng vay tiền gửi sang.

 

Ngày 18/12/2007, chồng chị Chẫm bắt xe đi Lạng Sơn rồi đi “chui” sang Ma Cao đưa tiền cho vợ. Cùng đi còn có Phan Xuân Kiên (SN 1983) - cháu gọi chị Chẫm bằng dì và Ngô Xuân Tiến - cháu rể chị Chẫm.

 

Ngày 23 Tết âm lịch vừa qua, trong lúc người chồng và anh em đang say sưa với lễ “hú vía” (trước đó người chồng đi xe đò bị lật 2 vòng xuống ruộng nhưng thoát chết) thì nhận được hung tin của vợ: “Sang cứu em và các cháu. Mình bị hắn lừa rồi”.

 

Chị Chẫm cho hay, cùng bị lừa với chị còn có 10 người nữa, phần lớn đều quê Hà Tĩnh. Họ bị tập kết trong một căn phòng trọ tại biên giới Ma Cao từ mấy tháng trước. Chị Chẫm cùng 2 cháu được một người phụ nữ khác (không phải bà Lan) đưa  đến sau. 

 

Chờ mãi mấy ngày không thấy có người đón đi, bị bỏ đói, chị Chẫm biết đã bị lừa. Điện thoại cho bà Lan không được, trong khi số tiền hơn 100 triệu đồng đã giao cả cho bà ta.

 

Ăn mày nơi đất khách!

 

Chị Chẫm cùng 2 người cháu quyết tìm bà Lan hỏi cho ra nhẽ. Họ đến khu nhà nơi bà này ở nhưng chờ mãi không thấy tăm hơi. Không có tiền, dựa vào đôi ba từ Ma Cao bập bẹ, chị Chẫm lang thang các bến xe xin tiền. Nhiều người Việt Nam thương tình cho đôi đồng lẻ, giúp mấy dì cháu cầm cự qua ngày. Dò hỏi mãi, chị được biết bà Lan không còn ở đây nữa.

 

Chị đành điện về cho chồng đưa tiền sang chuộc. Một chủ xe tốt bụng cho 3 dì cháu đi xe nợ đến sát biên giới Việt Nam. Chồng chị lại cầm hơn 6 triệu đồng ra Lạng Sơn, đi “chui” sang Ma Cao trả cho nhà xe, chuộc vợ và cháu về. Hôm đó là ngày 26 Tết.

 

“Buồn quá nên Tết cũng chẳng sắm sanh gì. Nhà như có đám chú ạ”, chị Chẫm gạt que củi đun nốt nồi cám lợn, nói như rơi nước mắt. Hiện gia đình chị nợ gần 60 triệu đồng, mỗi tháng phải trả lãi gần 500 ngàn đồng.

 

Cháu chị, Phan Xuân Kiên, trước khi gặp cú lừa này cũng đã mất hơn 10 triệu đồng vì lo đi Hàn Quốc không thành. Giờ nợ lại chồng thêm nợ.

 

Chia tay tôi, chị Chẫm dè dặt: “Rồi tui cũng sang Ma Cao tiếp chú ạ. Tưởng đưa cháu sang cho mở mày mở mặt, ai dè…”.

 

Đặng Nguyên Nghĩa