1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Chân dung cuộc sống:

Chuyện Sài Gòn

(Dân trí) - Đúng 7 giờ sáng, Thắng đã chờ tôi ở cửa khách sạn. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là quán Givral trên đường Đồng Khởi, một quán có xuất xứ từ rất lâu đời của Sài Gòn. Từ đây có thể nhìn thấy khách sạn Continental và Nhà hát lớn thành phố, nhìn thấy cái nhịp sống sôi động, hối hả ngược xuôi của Sài Gòn.

Chuyện của bác tài taxi

 

Thắng năm nay đã 49 tuổi, có hai con, một trai một gái. Lái taxi từ 15 năm nay, chuyên đứng chờ khách ở khách sạn Sài Gòn. Mỗi ngày Thắng phải kiếm đủ 300.000 đồng để trả tiền thế chân xe taxi (4 triệu đồng/tháng). Còn khoảng 6 triệu vừa đủ để tiêu xài trong gia đình.

 

Thắng kể: “Em đã từng qua biết bao nghề, buôn bán có, xây dựng có, bỏ mối hàng có... nhưng nghề nào cũng đuội. Cuối cùng thì em đi lái taxi. Vậy mà lại sống được”.

 

4-5 năm trước, nghề lái taxi còn “vượng” lắm, có ngày Thắng kiếm tới 2 triệu đồng. Bây giờ thì Sài Gòn có tới gần 20 hãng taxi với gần 4.000 chiếc chạy như mắc cửi, làm sao kiếm được nhiều như trước.

 

Tài xế taxi Sài Gòn hầu hết đều rất nhã nhặn với khách. Ở Sài Gòn không có cảnh lái xe cứ phải nói vào cái micro rèn rẹt để nhận lệnh của tổng đài.Vì taxi ở đây nhiều quá, vẫy tay là thấy, chả cần đến sự điều phối của tổng đài. Tổng đài giải tán, các hãng khoán tất cho tài xế.

 

Vậy là Thắng, cũng như phần đa các tài xế khác, mỗi sáng có thể thảnh thơi làm một ly cà phê, một tô hủ tiếu, rồi ngồi tán gẫu với các bác tài khác đến tận 8-9 giờ sáng. Hôm nào mệt quá, Thắng ngủ “thẳng giò”, chấp nhận ít tiền để hôm sau làm bù.

 

Nào “Tí”, cười lên!

 

 

 

Chuyện Sài Gòn - 1
 

 

Chúng tôi đến sở thú. Bao năm qua, sở thú vẫn vậy. Một vé vào cửa 4.000 đồng. Vẫn những cái quán bày đặt bên trong y như ở vườn thú Thủ Lệ ở Hà Nội, vẫn những tay máy ảnh lẽo đẽo bám theo khách. 10 năm trước, tôi mang cái háo hức của đứa trẻ con vào sở thú Sài Gòn, chạy tung tăng đút cho chú khỉ cái bánh, nhìn chú voi đung đưa cái vòi…

 

Bây giờ, chuồng voi đã khác hơn trước. Người ta ngăn chỗ voi đứng với nơi người xem bằng một rãnh nước, đủ để ngăn không cho người bước vào chuồng voi nhưng vẫn có thể chơi với chúng. Người ta bán 1.000 đồng một tấm mía, không phải để ăn mà để đút cho voi.

 

Những chú hổ nằm còng queo trên nền đất, những chú đà điểu đi lại vẻ nhàn nhã. Một chú đười ươi và một chú vẹt cùng làm trò để khách chụp ảnh. Nhiệm vụ của chú đười ươi là đứng cạnh du khách, còn chú vẹt thì đậu trên vai hoặc trên tay. Chú đười ươi có vẻ mệt lắm, nhưng người ta không cho chú nghỉ.

 

Ông chủ gọi chú là “Tí”. Thi thoảng ông lại ra lệnh: “Nào Tí, cười lên”. Ai muốn chụp ảnh với “Tí” phải trả cho ông chủ 10.000 đồng. Ngày kha khá, “Tí” cũng kiếm được cho chủ cả trăm ngàn đồng. Sau mỗi lần “cười lên”, tôi lại thấy “Tí” thui thủi đứng sau tảng đá, vẻ như buồn lắm.

 

Sau 10 năm trở lại, trò chụp ảnh cùng “Tí” có lẽ là sự thay đổi lớn nhất ở sở thú Sài Gòn.

 

Chuyện của người bán nước dừa

 

 

Chuyện Sài Gòn - 2
 

 

Sài Gòn có cả trăm thứ đồ uống, từ nước lade đến xá xị, rau má, sinh tố... nhưng thứ mà tôi thấy thích nhất vẫn là nước dừa. Đứng trên đường Nguyễn Trãi có tới 4-5 cái xe nước dừa. Người ta đẩy xe trên đường, trên đó có bày mấy chục trái dừa nhỏ đã gọt vỏ xanh. Người bán chỉ cần lấy dao phạt một cái rồi lấy cái ống hút chọc vào. Thế là khách có thể thưởng thức một trái dừa ngọt lịm với giá 5.000 đồng.

 

Cứ đẩy xe trên đường như vậy, một ngày người ta có thể bán được tới ba bốn chục trái. Mỗi trái lãi 2.000 đồng. Thế cũng khá rồi. Tôi nhâm nhi trái dừa và hỏi chuyện người bán. Đó là một thanh niên trạc 30 tuổi, vẻ mặt chất phác, hiền lành tên Hải.

 

Hải quê Long An, lên Sài Gòn mấy năm nay, kiếm chẳng được việc gì đành đi bán dừa. Cũng là một cách kiếm sống. Nghề này cực nhất là gặp cảnh sát. Nếu đứng loạng quạng trên đường, có khi cảnh sát đến hốt trọn cả xe lẫn dừa. Có những hôm mưa nhâm nhi, trời trở mát, đi cả ngày mà chỉ bán được vài trái.

 

Ngồi ở Hội An

 

Không phải ở Quảng Nam. Đây là quán Hội An trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, chuyên bán món ăn Huế. Gọi là quán ăn truyền thống của VN nhưng suốt một tối ngồi ở Hội An chỉ có mỗi chúng tôi là thực khách Việt, còn tất cả đều là người nước ngoài: Tây Âu, Nhật, Trung Quốc…

 

Món ăn Huế nom vậy chứ thực ra rất cầu kỳ, ăn đúng theo phong cách của cung đình xưa, là cái gì cũng chỉ có một chút một. Giá cũng đắt hơn tôi tưởng tượng rất nhiều, gần 800.000 đồng cho mấy món cơm hến, bánh bèo tôm chấy, nem lụi... Đổi lại, thực khách được phục vụ như vua.

 

Để phục vụ cho sự sành ăn của người Sài Gòn có những quán chỉ chuyên một thứ. Ví dụ như quán có tên “Bún ta” (136 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) mà tôi rẽ vào ngày cuối trước khi rời Sài Gòn. Quán có tới 50 loại bún của đủ 3 miền. Khách vào đông nườm nượp, nhiều người không có chỗ để ngồi. Mỗi bát bún cũng có giá tới 30.000 đồng nhưng khách vẫn đổ đến ăn rất đông.

 

Chị L., một trong những người góp vốn kinh doanh ở đây cho biết, để thuê địa điểm này cũng đã mất ngót nghét 5.000 USD/tháng, nếu không thuê nhanh là có người khác đến “tranh” mất.

 

Chiếc xe “ghẻ” và ông chủ lớn

 

Bất ngờ lớn nhất của chuyến thăm Sài Gòn lần này của tôi là được gặp lại Hùng, một người bạn cũ ít hơn tôi 5 tuổi. Tôi nhớ hồi năm 93-94, Hùng vẫn lông nhông không nghề nghiệp ổn định, kinh tế rất khó khăn. Có lần Hùng tha thiết đề nghị tôi bán lại giá hữu nghị cho Hùng chiếc xe cúp 81 mà tôi gọi là cúp “ghẻ” để Hùng có phương tiện đi lại. Tôi đồng ý.

 

10 năm sau, Hùng bây giờ đã khác quá xa cái hồi còn năn nỉ tôi bán cúp “ghẻ”. Nếu nói về chức quyền thì Hùng đã là Tổng giám đốc của 3 hay 4 công ty. Chỉ riêng chiếc xe Hùng đi đã trên 1 tỉ đồng. Còn biệt thự thì có vài chiếc. Mỗi ngày Hùng đến công ty là các nhân viên mặc đồng phục phải đồng loạt đứng dậy cúi đầu chào sếp.

 

Tôi không ngờ Hùng còm ngày xưa bây giờ nom bệ vệ, bụng nở phưỡn và khuôn mặt căng bóng, một khuôn mặt điển hình của người ăn nên, làm ra và ních quá nhiều chất bổ vào người.

 

Tôi hỏi Hùng, chiếc xe cúp 81 ngày xưa bây giờ thế nào? Hắn cười: “Anh nhắc chuyện đó làm gì. Bây giờ anh thích đi đâu em điều xe và tài xế đưa anh đi”. Hình như Hùng cũng mắc cái bệnh “có mới nới cũ” cố hữu của những người có tiền, có của. Cậu ta rất ngại nói chuyện cũ, nhất là những chuyện phải bỏ mối hàng, chạy chiếc xe “ghẻ” hay ăn cơm bình dân 3.000 đồng cùng tôi suốt mấy mùa mưa Sài Gòn.

 

Hùng bây giờ là một ông chủ lớn. Nhưng không hiểu sao, đến tận khi Thắng đưa tôi ra sân bay để ra Hà Nội, tôi vẫn nghĩ về chiếc xe cúp 81 “ghẻ”, đến cái cách ngày trước của Hùng: ăn rất nhanh và uống rất nhiều trà đá...

 

Đức Trung