Chuyện những nhà khoa học rà phá thuỷ lôi (kỳ 3)

(Dân trí) - Tháng 4/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đột ngột ra lệnh ném bom dữ dội Hà Nội, Hải Phòng, và, cùng một lúc "khoá chặt" đường bộ, đường sông, đường biển miền bắc nước ta. Tàu T5 xuất kích trận đầu, phá thuỷ lôi trên một đoạn sông gần Thủ đô...

Kỳ III: T5 trước giờ xung trận

Phong toả thủ đô

Tháng 4/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh ồ ạt ném bom miền bắc Việt Nam. Khác với lối đánh trước kia "leo thang" từng bước của cựu Tổng thống Lyndon Johnson (Đảng Dân chủ), Richard Nixon (Đảng Cộng hoà) xử sự như một "diều hâu", dùng lối đánh... "phủ đầu"! Ý đồ của R. Nixon là, cùng một lúc, triệt đường sắt, cắt đường bộ, chặn đường sông, ngăn đường biển của đối phương! Trước kia, L. Johnson chỉ bao vây vòng ngoài cảng Hải Phòng, chứ chưa dám trực tiếp đánh vào bến cảng. R. Nixon khác hẳn: Đánh cả vào tàu Liên Xô, Trung Quốc, làm một số thuỷ thủ bạn chết, bị thương. Và, cùng một lúc, ông ta cho thả khoảng 7.000 quả thuỷ lôi MK-52 bịt 25 cửa biển của ta, kể cả cảng Hải Phòng. Trên đường bộ, máy bay Mỹ đánh sập các cầu Long Biên, Đuống, Bắc Giang, Việt Trì, Lai Vu, Phú Lương ở tuyến ngoài, cũng như các cầu Phủ Lý, Ninh Bình, Đò Lèn, Hàm Rồng ở tuyến phía Nam.

Trên đường sông, Nixon ra lệnh cho không quân Mỹ đánh hàng nghìn trận, thả hàng vạn quả bom các loại, trong đó có khoảng 6.000 quả bom từ trường MK-42 (khi rơi xuống nước, bom từ trường được gọi là thuỷ lôi từ tính). Phía Mỹ thường dùng các loại máy bay của hải quân như A4D, A3J, A6, A7 và có khi cả OV10 để thả thuỷ lôi; thả vào lúc sương mù, nửa đêm về sáng, khiến cho ta khó phát hiện; thả bom nổ ngay, bom nổ chậm xen với thuỷ lôi, khiến cho ta dễ lẫn lộn, khó xác định được số lượng từng loại. Chúng không đánh nhiều vào phương tiện giao thông hay hàng hoá, mà tập trung triệt phá các đầu mối đường sông, cửa sông, cửa biển; phong toả Lục Đầu Giang, sông Lèn, đoạn Đào Viên trên sông Đuống, đoạn Vạn Điểm trên sông Hồng, cửa Ba Lạt, cảng Bến Thuỷ, phà sông Gianh, v.v.

Nixon không dùng các loại thuỷ lôi MK-42 mô-đen 0, mô-đen 1 mà Johson trước kia đã dùng, và ta đã có kinh nghiệm rà phá. Nixon cho thả các loại mới: MK-42 mô-đen 2, mô-đen 3, mô-đen 4. Cách rà phá cũ của ta không còn hiệu lực! Các phương tiện rà phá giản đơn như thùng phuy, bè mảng, viên nam châm X67, X68, cuộn dây điện, v.v. ta đem ra dùng chẳng thu được kết quả gì nữa!

Báo Mỹ Tuần Tin tức viết: "Những quả mìn này có gắn bộ phận điều khiển nửa tự động để đánh lạc hướng tàu vớt mìn, có thể nổ hoặc không nổ, tuỳ theo ý đồ của người thả." (Dẫn theo báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 11/9/1972).

Sự hồi hộp cao độ

KS Đoàn Nhân Lộ đề nghị Đại học Bách khoa Hà Nội biệt phái anh sang công tác bên Bộ Giao thông - Vận tải để cùng các kỹ sư bên đó đưa tàu T5 vào rà phá thuỷ lôi.

Đêm 23 rạng ngày 24/8/1972, máy bay Mỹ thả thuỷ lôi khoá chặt đoạn Chi Nhị - Đào Viên trên sông Đuống. Đây là lần đầu tiên Mỹ phong toả một khúc sông gần kề thủ đô Hà Nội. Ông Bình Tâm, Cục trưởng Cục Đường sông, yêu cầu T5 "xuất trận".

5 giờ chiều 24/8, KS Nguyễn Hữu Bảo, chủ nhiệm công trình tàu T5, khoác áo mưa, nhờ bạn đèo mô-tô lên bến phà Chèm. Con tàu đã được xe tải Zil ba cầu chở từ xưởng đóng trong công viên Thống Nhất lên. Anh lo lắng kiểm tra từng bộ phận máy móc. Thiết bị phóng từ trục trặc! May mà phát hiện được ngay nguyên nhân. Lần đầu tiên T5 đi rà phá, nếu thất bại thì sao? Ai còn tin anh nữa? Liệu anh có còn đủ lý lẽ để thuyết phục mọi người tiếp tục ủng hộ công trình nghiên cứu khá tốn kém này không? Vì thế, chỉ một trục trặc nhỏ cũng làm anh lo.

Trời đang mưa lũ. Nước sông Hồng dâng cao. Xắn quần, anh lội ra kéo con tàu vào neo chặt. Ngày mai, T5 sẽ được ca-nô kéo lên Chi Nhị, vùng có thuỷ lôi. Tất nhiên, phải có lệnh đặc biệt, cầu phao sông Đuống mới mở cho T5 qua.

7 giờ tối 25/8, anh em trong nhóm kỹ thuật tề tựu đông đủ tại 120 Hàng Trống, nơi làm việc của Phân viện Thiết kế tàu thuỷ, bên bờ Hồ Gươm, chênh chếch trước cửa báo Nhân Dân.

- Lần này anh em đi đông, nhưng chịu trách nhiệm chính - Bảo nói với Lộ - vẫn là cậu với mình. Nếu T5 không gây được tiếng nổ, thì rắc rối to! Công trình của bọn mình vẫn bị một số kẻ gièm pha! Nhưng, nếu phá được thuỷ lôi mà chết người, thì còn đau đớn hơn! Mục đích của việc chế tạo con tàu không người lái là để tránh thương vong, thế mà đánh trận đầu, đồng đội lại hy sinh, còn biết ăn nói làm sao? Cậu thạo vô tuyến điện, lo phần đó nhé! Còn phần điện, rơ-le mình lo.

- Cậu chuẩn bị đủ các thứ dự phòng rồi chứ?

- Đủ hết. Thừa là khác! Cần một bộ pin dự trữ, mình mang hai. Máy phát, máy thu đều có cái thay thế. Linh kiện điện tử, các loại đồng hồ đo, ống nhòm, mỏ hàn dầu (trên ấy sợ không có điện), mình đều mang theo. À, mình còn mang cả máy bộ đàm. Tất cả gói bọc cẩn thận, đóng thùng, khoá trái...

- Thế thì xe nặng lắm đấy!

Nỗi buồn trước khi "xuất trận"

Chiếc com-măng-ca chở nặng thật. Cùng đi với Cục trưởng Bình Tâm có các kỹ sư Bảo, Lộ, Đăng, Lương, Sơn. Lại còn hai anh quay phim tư liệu. Nhờ có giấy ưu tiên hai vạch đỏ, xe qua cầu phao sông Hồng và sông Đuống khá trót lọt. Quá Bắc Ninh một quãng, rẽ về Quế Võ. Hơn 11 giờ đêm, mới đến cơ quan của Đoạn Quản lý đường sông ở Bến Trì. Khu nhà của Đoạn khá khang trang, có trạm vô tuyến điện, xưởng sửa chữa phao đèn, nạp ắc-quy... Thời bình, các đoạn quản lý đường sông có nhiệm vụ đặt phao tiêu, thắp đèn hướng dẫn tàu thuyền đi đúng luồng, và dọn sạch luồng khi lũ cuốn trôi các thứ cây cối, rác rưởi làm tắc nghẽn. Thời chiến, các anh làm thêm công việc rà thuỷ lôi trên đoạn sông dài mấy chục ki-lô-mét do mình quản lý.

Lúc đoàn rà phá của Bộ đến, anh em trong Đoạn nhiều người còn thức. Không khí cơ quan chẳng hiểu sao rất nặng nề? Sự kiện nghiêm trọng gì đã xảy ra? Dường như đoán được điều băn khoăn ấy, anh Đoạn trưởng chậm rãi nói:

- Hôm nay, bốn anh em trong Đoạn chúng tôi cùng một anh cán bộ huyện đội Quế Võ đi phá thuỷ lôi. Anh em ngồi trên tàu TX có mang theo thiết bị phóng từ của nước bạn. Buối chiều, con tàu từ Chi Nhị trở về Đào Viên, qua chỗ không ai ngờ có thuỷ lôi, thì bị ngay một quả nổ đúng dưới bụng tàu! Tàu TX chìm ngay tại chỗ! Bốn anh em trong Đoạn đều bị thương, phải chở đi cấp cứu ở bệnh viện Đông Du. Anh cán bộ huyện đội đứng ở mũi tàu bị hất tung lên, chết ngay! Đến nay, vẫn chưa tìm thấy xác!...

Đêm trắng ở bến trì

Thời gian gấp lắm. Anh Bình Tâm triệu tập ngay một cuộc họp. Anh Đính, Ty trưởng Ty Đường sông, trải rộng trên mặt bàn một tấm bản đồ sông ngòi vùng Hà Nội - Bắc Ninh. Anh Đoạn trưởng đoạn Đào Viên báo cáo tình hình: Đêm 24 rạng ngày 25/8, một chiếc máy bay của hải quân Mỹ, đến thả thuỷ lôi trên sông Đuống ở quãng Chi Nhị - Đào Viên. Lúc bấy giờ mưa to, trời tối, nên anh em gác máy bay trên các chòi canh không phát hiện được. Bà con trong làng thì đang ngủ say, chỉ có một ông lão đánh cá trông thấy chiếc máy bay rẹt qua, thả những khối gì to, đen đen như những quả bí lớn rơi lõm bõm xuống sông mà không thấy nổ. Nhưng ông lão không đếm được bao nhiêu quả. Đoạn đã treo biển cấm luồng. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, vẫn chưa xác định được số thuỷ lôi địch ném, vị trí của từng quả, do đó, chưa cắm được tiêu ở những chỗ có thuỷ lôi, chưa vẽ được sơ đồ để rà phá.

Sau khi nghe anh Đoạn trưởng báo cáo, Cục trưởng Bình Tâm hỏi KS Nguyễn Hữu Bảo:

- Khó khăn như vậy, ngày mai có tiến hành rà phá được không?

- Thưa anh, vẫn được! - Anh Bảo trả lời dứt khoát.

Quay sang phía anh Sơn, kỹ sư, thượng uý hải quân, anh Bình Tâm nói:

- Anh Sơn phán đoán thế nào về chiến thuật của địch?

Sơn cúi xuống tấm bản đồ, trình bày nhận định của mình về đường bay, vị trí các quả thuỷ lôi, trên cơ sở đã biết vị trí của một quả vừa nổ lúc ban chiều đánh đắm chiếc tàu TX.

Nghe xong, anh Bình Tâm dặn anh Đoạn trưởng:

- Đoạn phải chuẩn bị ngay để đoàn của Bộ rà phá theo phương pháp mới.

Đã 1 giờ khuya. Mọi người lên giường nằm, nhưng chẳng ai ngủ được. Đêm tĩnh mịch quá. Khoảng 2 giờ sáng, một chiếc máy bay địch bay rất thấp trên mặt sông, tiếng rú rít chói cả tai. Anh Đoạn trưởng nói:

- Rạng sáng hôm qua, nó cũng bay thấp như thế. Nhưng, hôm nay, chắc nó không thả thuỷ lôi như hôm qua, mà trinh sát, kiểm tra, chụp ảnh hồng ngoại tuyến.

- Anh cố ngủ đi một tý - anh Bình Tâm nói.

- Ngủ thế nào được anh!

(Còn nữa)

Hàm Châu