1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyện gia đình giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam

(Dân trí) - Tiếp tôi trong căn nhà nằm ở một ngõ nhỏ trên phố Đào Tấn (Hà Nội), Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, nguyên cán bộ Viện Cơ học Việt Nam, luôn tự nhận mình là người nhà quê. Nhưng trong “gia đình nhà quê” ấy, không kể người con Ngô Bảo Châu là giáo sư toán học trẻ tuổi nhất Việt Nam, vợ chồng ông cũng là những nhà khoa học tên tuổi của đất nước.

Kỳ 1: Hổ phụ sinh hổ tử

 

Nghề chính là nghề học

 

Ông bảo chuyện của ông nhạt, không có gì đáng kể, thuyết phục mãi ông mới đồng ý để tôi đến nhà. Nhà ông nằm cạnh một cây lan to trong ngách nhỏ của phố Đào Tấn, rất khó tìm. GS.TS Ngô Huy Cẩn năm nay đã về hưu. Vợ ông, PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương năm nay cũng đã bắt đầu nghỉ. Bà hiện đang chuyên tâm nghiên cứu một số thảo dược có lợi cho sức khoẻ.

 

Ông Cẩn pha cho tôi một tách trà thảo dược, do chính tay vợ ông chiết xuất từ hoa cúc. Ông kể rằng, cụ thân sinh ra ông cũng là một nhà giáo. “Tôi giờ cũng không còn nhớ được nhiều. Cứ kể, nhưng chỉ sợ câu chuyện không có gì đáng để anh viết...”, ông mở đầu câu chuyện.

 

Năm 1957, ông Cẩn học hết cấp II. Khi ấy mảnh đất Hà Tây quê ông chỉ có một trường cấp 3. Cả tỉnh lúc đó có 7 người thi được vào cấp 3 Chu Văn An, trong đó có ông. “Lũ nhà quê ra tỉnh chúng tôi học trường Chu Văn An khi đó, mặc dù giá cả sinh hoạt không đến nỗi quá đắt đỏ như bây giờ, nhưng cũng rất khó khăn”. Ông Cẩn kể hồi đó ông và mấy người bạn cùng thuê nhà ở, tiền cũng chẳng đáng là bao nhưng so với học trò nghèo thì đó là cả một vấn đề.

 

Sở GD&ĐT Hà Nội lúc đó mới lập ra trường Nguyễn Gia Thiều, lấy học sinh từ các trường công như Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương sang. Bấy giờ đang lúc khó khăn, nhà nào có điều kiện cho con em đi học, không khá giả thì cũng phải là gia đình gia giáo trọng đạo lắm.

 

Lãnh đạo trường THPT Nguyễn Gia Thiều tạo điều kiện để học sinh có thể sống ở nhà dân, ăn cơm tập thể. Thế là mấy học sinh “nhà quê” bên Chu Văn An được sang bên này học hành, nơi ăn chốn ngủ cũng đàng hoàng hơn trước.

 

“Chúng tôi cũng được cử vào nhà máy xe lửa Gia Lâm làm thêm, dạy thêm cho các cán bộ của nhà máy. Học sinh trong lớp khi ấy đều có trình độ cũng như hoàn cảnh kinh tế không chênh lệch nhiều, nên rất quý mến nhau” - Ông Cẩn nhớ lại.

 

Năm 1960, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Cẩn cùng khoảng 10 người khác được nhà nước cử đi học tại Liên Xô. Sau một năm học ngoại ngữ, đến năm 1961 thì ông bước chân vào Đại học Tổng hợp Quốc gia Voronnhegio. “Trong nước lúc ấy rất khó khăn, chúng tôi sang Liên Xô, thấy cuộc sống bên này khác quê nhà một trời một vực, tiện nghi hơn hẳn. Sinh viên Việt Nam sang đây được học bổng 50 rúp mỗi tháng (SV Nga chỉ được 30 - 40 rúp). Chúng tôi chỉ biết bảo nhau học hành cho đàng hoàng. Ai cũng nóng lòng học xong sớm để về phục vụ đất nước”.

 

Cuối năm 1968, ông Cẩn về nước, khi ấy đã là phó tiến sĩ. “Lúc đó tôi là người của Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Chúng tôi nhận được lệnh tổng động viên ra chiến trường”.

 

3 năm thăng 3 cấp quân hàm

 

Ngày ông Cẩn lên đường nhập ngũ (1972), Ngô Bảo Châu (GS Ngô Bảo Châu) mới chào đời được mấy ngày. Khi ấy chiến tranh đang rất ác liệt. Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh cho máy bay chiến lược B-52 ném bom trải thảm Hà Nội.

 

Cả đại đội đứng tụ tập ở trước cửa nhà hộ sinh trên đường Ngô Quyền, chờ ông Cẩn vào nói khó với y tá để được nhìn mặt con rồi đi ngay. Nhưng cuối cùng, mong muốn đó không thành hiện thực. Y tá không cho vào. “Lúc đó tôi bước chân đi mà lòng nặng trĩu, vì chỉ được nhận lệnh là đi chứ chưa biết đi đâu. Có thể chúng tôi sẽ vào tuyến lửa Quảng Trị, cũng có thể sẽ vào một chiến trường khác”.

 

Bộ Quốc phòng cử các cán bộ khoa học, trong đó có ông Cẩn, về Cục quân giới. Ông Cẩn được phân về phòng thiết kế Cục Quân giới, cùng các  đồng sự tiếp tục những công việc của nhà khoa học Trần Đại Nghĩa. Ở đây, những cán bộ ngày đêm nghiên cứu các loại vũ khí mới cho quân đội. Chiến trường lúc đó đang rất thiếu đạn dược.

 

Đang khi phục vụ quân ngũ trong hoàn cảnh chiến tranh sôi bỏng thì bất ngờ Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có công văn do Bộ trưởng Tạ Quang Bửu gửi sang Bộ Quốc phòng, xin cho ông Cẩn tiếp tục đi sang Liên Xô làm luận án tiến sĩ, công văn nhấn mạnh ý: “Ngay sau khi làm xong luận án tiến sĩ sẽ trở về phục vụ quân ngũ”. Do chiến tranh đang hồi ác liệt, Bộ Quốc phòng đã từ chối đề nghị này với tinh thần tất cả lực lượng tập trung chống Mỹ cứu nước.

 

Do khả năng làm việc và những đóng góp của ông nên cấp trên phong hàm cho ông theo kiểu mỗi năm mỗi cấp. Từ 1975 đến 1977, ông là Trung uý, Thượng uý, rồi Đại uý.

 

“Tôi nhận ra khả năng của Châu từ rất sớm”

 

Hết chiến tranh, ông Cẩn quay trở lại Liên Xô lần hai để làm luận án Tiến sĩ, theo đề nghị của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trước đây. Khi ông đi, Châu còn rất bé nhưng lúc đó đã có nhiều biểu hiện thông minh.

 

“Từ lúc Châu còn nhỏ, tôi đã phát hiện ra khả năng làm toán của nó”, ông Cẩn kể, “Lúc đầu làm 1 - 2 bài, sau đó ra cả trang vở. Cấp 1 Châu học trường Thực nghiệm công nghệ giáo dục của ông Đại (GS.TS Hồ Ngọc Đại - PV), sang cấp 2 thi Chuyên Toán Trưng Vương nhưng... không đỗ. Tôi phải nói khó với người ta để Châu vào học lớp đại trà thôi, chứ không phải chuyên chọn gì”.

 

Nhưng chỉ mất một thời gian ngắn, đến lúc vào guồng, dưới sự dìu dắt của các thày cô giáo giỏi, Ngô Bảo Châu đã vươn lên nhanh chóng. Thầy giáo dạy Toán của Châu là thầy Tôn Thân, cháu ngoại nhà giáo dục Phạm Quỳnh, Chủ bút tạp chí Nam Phong hồi đầu thế kỷ XX. Cô giáo dạy văn là bà Trịnh Bích Ba, con gái học giả Trịnh Đình Rư, cử nhân Nho học. Và đến cuối cấp 2, Ngô Bảo Châu đã trở thành học sinh giỏi cấp quốc gia, môn toán học.

 

Thầy Tôn Thân là một trong những người thầy kỳ cựu ở đất Hà thành. Thầy có cách giảng bài rất dễ hiểu. Với phương pháp sư phạm tốt, vốn kiến thức dày dạn, thầy Thân đã truyền lòng ham mê toán học tới những học sinh mà sau này trở thành các “cây toán” như Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hoà, Đặng Hoàng Trung, Nguyễn Quốc Thắng... (những nhân vật sau này trở thành thành viên đội tuyển Olympic Toán quốc tế đầu tiên của Việt Nam).

 

Cách giảng bài của thầy Thân đã góp phần lớn đưa Châu đến với con đường toán học. Và như một con tàu đã lăn bánh, Ngô Bảo Châu tiếp tục phát sáng khi lên đến bậc THPT. Tài năng của Ngô Bảo Châu được chứng minh qua hàng loạt các giải thưởng vàng toán học quốc tế.

 

Con đường khoa học mở rộng trước mắt. Ngô Bảo Châu tiếp tục học tập nghiên cứu và đạt những thành công rực rỡ, được đặc cách phong giáo sư, trở thành nhân vật trẻ nhất trong cuốn sách “100 chân dung một thế kỷ, Đại học Quốc gia Hà Nội” và trở thành vị Giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam từ trước đến nay.

 

Kỳ cuối: Vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam

 

Lê Bảo Trung