Chuyện ghi ở viện tâm thần
(Dân trí) - Hầu hết những bệnh nhân của khoa Pháp y, bệnh viên tâm thần Trung ương I đều có liên quan đến pháp luật và luôn được canh phòng nghiêm ngặt. Họ, người thì bị bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm pháp, người đang trong quá trình theo dõi, kẻ giả điên, chọn nơi này để trốn tránh sự trừng trị của pháp luật.
Sống trong môi trường điên
Khác với những khoa khác trong bệnh viện tâm thần, khoa Pháp y của bệnh viện được chia cắt với thế giới bên ngoài qua nhiều lớp cửa và những ổ khoá to đùng. Đây là nơi điều trị bệnh tâm thần cho những kẻ có tiền án tiền sự như giết người, buôn bán ma tuý, buôn bán phụ nữ và trẻ em...
Lần đầu bước chân vào đây, tôi mang thái độ e dè, sợ sệt. Người đưa tôi đi thăm bệnh nhân là bác sĩ Trưởng khoa Ngô Văn Minh. Thấy có người lạ đến, kẻ thì đến níu áo, người thì nhìn bằng đôi mắt hằn học. Ở sân, đám bệnh nhân túm tụm lại với nhau, nằm lăn ra giữa sân để sưởi ấm hoặc rượt đuổi nhau như con trẻ... Mỗi khi lên cơn xung động thần kinh mạnh, họ có thể tấn công bác sĩ bất cứ lúc nào.
Chúng tôi dừng lại khá lâu trước những cánh cửa sắt, nơi giam giữ và điều trị các bệnh nhân đã phạm tội giết người, buôn bán ma tuý, hiếp dâm... đang trong quá trình giám định của bác sĩ và công an. Vì công tác bảo mật, căn phòng này không cho phép người ngoài bước chân vào. Các bác sĩ cũng chỉ theo dõi biểu hiện, hành vi của bệnh nhân qua hệ thống máy theo dõi từ xa. Bằng cách này, họ sẽ kết luận được ai điên thật, ai điên giả.
Để theo sát bệnh nhân, các bác sĩ và cán bộ điều tra phải theo dõi 24/24 giờ trong ngày và phải có băng quay lại những hành vi của bệnh nhân để phân tích. Vì công việc, cán bộ điều tra cũng phải ở trong viện hàng tháng trời để có thể đưa ra kết quả giám định chính xác.
Tôi băn khoăn: Nhỡ phạm nhân được “cố vấn” trước về bệnh tâm thần thì sao? Bác sĩ Minh trấn an: Không ai qua được con mắt nhà nghề của chúng tôi. Đúng như vậy, đã có rất nhiều kẻ giả điên, giả khùng vào đây để tránh sự trừng trị của pháp luật nhưng cuối cùng đều phải ra hầu toà.
Lật lại hồ sơ
Hiện khoa Pháp y có 80 phạm nhân đang được theo dõi giám định và 100 bệnh nhân đang được điều trị bắt buộc. Theo bác sĩ Minh, có đến 5% số bệnh nhân này không có bệnh nhưng vẫn muốn “được” vào nằm ở bệnh viện tâm thần.
Lật lại hồ sơ của những kẻ phạm tội vào bệnh viện tâm thần trong những năm gần đây, có rất nhiều kẻ giả điên. Điển hình, như bị can Hoàng Văn Thụ ở Phú Thọ, phạm tội hiếp dâm một bé gái 10 tuổi. Theo giám định tâm thần của Phú Thọ là bị can không đủ năng lực để chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng chỉ sau 2 tháng “nằm viện”, bộ mặt thật của tên Thụ đã lộ rõ, hắn chỉ giả điên để không phải chịu trách nhiệm cho hành động thú tính của mình.
Một đối tượng khác là Vi Văn Mùi ở Lạng Sơn, phạm tội hiếp dâm, sau đó thực hiện hành vi giết người. Hắn cũng giả điên để trốn tội. Khi vào viện, Vi Văn Mùi có biểu hiện tâm thần hoảng loạn, nói nhảm suốt ngày. Sau 3 tháng giám định, đối tượng đã phải cúi đầu nhận tội, chịu sự trừng trị đích đáng của pháp luật.
Bác sĩ Ngô Văn Minh tâm sự: “Chúng tôi luôn trong tình trạng căng thẳng và phải chịu áp lực quá lớn như không được để cho bệnh nhân trốn thoát, phải theo dõi hành vi của những can phạm để có kết luận điều tra. Nhưng biết làm sao được, đó là công việc và đã dấn thân vào nghề thì phải yêu nghề và có trách nhiệm với nghề”.
Làm việc trong một môi trường “độc hại” và nhiều rủi ro (bị bệnh nhân tấn công, mắc các căn bệnh truyền nhiễm từ bệnh nhân) với đồng lương ít ỏi nhưng các bác sĩ ở đây luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp. Trong những dịp lễ, tết, khi mọi người vui chơi, nghỉ ngơi thì họ vẫn thay phiên nhau túc trực ngày đêm để theo sát bệnh nhân với mục đích đem lại những kết quả giám định không để lọt người, lọt tội... Tôi biết, không ít những trường hợp vì muốn thoát tội đã “biếu” bác sĩ hàng trăm triệu để xin một giám định “bị bệnh tâm thần” nhưng đều bị từ chối thẳng thừng.
Rời khoa Pháp y, tôi cứ bị ám ảnh mãi hình ảnh những nụ cười man dại của những kẻ phạm tội giết người, buôn bán ma tuý, hiếp dâm... Lạ thay, bất cứ bị can nào, dù phạm tội ghê tởm đến đâu, dù điên thật hay điên giả, khi đã vào đến đây đều được các bác sĩ chăm sóc bằng tình người rất đẹp.
Vũ Nga