1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Bốc thuốc” cho cây Dã hương nghìn tuổi

(Dân trí) - Năm 1998, cây Vông cổ thụ gắn liền với cụm di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng quanh Hồ Gươm tức tưởi chết đứng giữa lòng Hà Nội. Năm 2005, một huyện nghèo tỉnh Bắc Giang hoàn thành dự án tổng giá trị hơn 200 triệu đồng để “chữa bệnh” cây Dã hương nghìn tuổi. Cây Vông xấu số kia chắc cũng muốn biết “phương thuốc” kỳ diệu nào đã cứu sống người bạn của mình...

“Lai lịch” một đời cây

 

Trên đường đến đình Dã, xóm Dã, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, ngay từ xa chúng tôi đã thấy nổi bật lên dáng xanh mát, cao to, uy nghi của cây Dã hương ôm trùm lên mái đình làng. Tới gần, ai cũng thấy như lạc vào một khoảng không gian được thanh lọc bởi hương thơm dịu mát toả ra từ cây Dã hương nghìn tuổi.

 

Năm 2000, các nhà khoa học Trung tâm Đa dạng sinh học, ĐHSP Hà Nội, một số Đại học và Viện nghiên cứu đã xác định đây là cây hạt kín rất hiếm hoi còn sót lại sau trận đại hồng thuỷ biển tiến muộn. Cây cao 36m, đường kính trên 2,5m, chu vi thân chỗ lớn nhất đo được 11 mét. Trong bộ từ điển bách khoa La Rousse của Pháp có in bức ảnh cây Dã hương Tiên Lục, ghi rõ dòng chữ “Cây dã Tiên Lục - cây dã thứ 2 thế giới” (cây già nhất ở châu Phi). Tuổi của cây vào khoảng hơn 650 - nói là “khoảng” vì thân cây đã bị rỗng rất rộng nên khó mà xác định tuổi cây cho chính xác.

 

Cụ Kỳ, người sống trong ngôi nhà ngay dưới gốc cây hào hứng kể cho chúng tôi nghe bao giai thoại và sự kiện lịch sử của đất nước gắn bó một cách lạ lùng lên từng cành cây, đoạn rễ. Chuyện rằng cây Dã làng tôi mọc ở nước Nam mà cành sang tận trời Tây – thì toàn quyền Dume chả cưa cành mang sang là gì. Rằng cây Dã làng tôi ở đất Bắc mà rễ vươn tới tận Huế - thì có vị quan chẳng chặt một đoạn rễ tiến vua là gì. Rằng cây Dã bén rễ ở đất Bắc Giang mà hương thơm tới tận Bắc Ninh – thì dân xóm đạo chả dâng cây thánh giá gỗ Dã về nhà thờ Bắc Ninh là gì. Rằng cây Dã chẳng bao giờ gẫy cành vì gió bão. Mỗi khi cây Dã gẫy cành đều là điềm báo trước đất nước có chuyển biến lớn: năm 1945 - đất nước độc lập, 1954 – nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, 1975 - đất nước thống nhất... Cụ Kỳ kể: năm Bác Hồ mất, ngọn cây tự nhiên héo rũ và chết. Từ bao lâu rồi, hội hè, đình đám, việc nước việc làng đều chọn sân đình Dã, dưới gốc cây Dã để bàn định, tiến hành. Cây Dã đã gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân nơi đây.

 

“Chết đi sống lại”

 

Trải qua mấy trăm năm, cây Dã hương hiện rất già cỗi. Thân cây tuy còn vững chãi nhưng thân chính đã bị mục rỗng và bị một số nhóm động vật đất gây hại tấn công như mối, bọ xít, sâu cước, sâu kèn...

 

 

“Bốc thuốc” cho cây Dã hương nghìn tuổi - 1
 

Tán cây rộng mát vẫn là nơi nghỉ chân
thư giãn của mọi người trong thôn.

Cây Dã cũng đã mấy phen định “giã biệt” dân làng. Năm 1977 và 1994, đất dưới gốc cây bị rửa trôi, cây trơ hết gốc, lá úa vàng. Con trai ông Kỳ mang máy ảnh ra chụp, mong giữ lại “di ảnh” cây quý. Dân làng bảo nhau đổ đất trùm gốc, cây xanh trở lại. Vài năm trước, trẻ con tụ tập quanh gốc Dã tránh mưa, vơ củi vơ cỏ đốt lửa sưởi. Chẳng may lửa bén vào đoạn rễ khô mục, cháy âm ỉ. Đêm khuya, cả xóm thơm ngát, lửa ngún khói mù. Bà con hô hoán kéo nhau mang xô chậu ra dập lửa trong khi chờ xã cho xe cứu hoả đến, cây mới còn đến hôm nay. Vẫn chưa yên tâm, bà con còn gánh đất ruộng lên lèn chặt vào lỗ hổng trong thân cây.

 

Năm 2000, huyện Lạng Giang “vào cuộc”. Huyện mời các nhà khoa học Trung tâm Đa dạng sinh học, ĐHSP HN thực hiện đề tài xác định tên, tuổi, phương hướng bảo tồn cây Dã quý hiếm này. Từ đó đến nay, đủ các “vị thuốc” đã được kết hợp để “bồi bổ” cho cây quý. Các loài động vật và côn trùng có lợi cho cây như tắc kè, thạch thùng, nhái, cóc... được nuôi thả và bảo vệ. Việc phòng chống mối hại cây – nguyên nhân chính khiến cây mục ruỗng - được tiến hành đều đặn. Đất, phân được bổ sung thường xuyên. Bức tường rào bảo vệ, ngăn đất trôi và  những người thiếu ý thức vào leo trèo, bẻ cành lá, khắc tên, đẽo vỏ... Trẻ con trong xóm cũng tham gia vào việc bảo vệ cây bằng cách... không bắt chim. Quả cây chỉ có thể nảy mầm khi đã qua đường tiêu hoá của chim sâu, chim sáo, chim sẻ, chào mào... và rơi xuống đất.

 

Cả thành hoàng làng cũng “góp một tay” bảo vệ cây Dã! Trước kia rào sắt bảo vệ cây hay bị bẻ trộm mang bán đồng nát. Từ khi làng làm lễ giao công trình cho thành hoàng, tự dưng chẳng tên trộm nào dám bén mảng tới! Trong khuôn khổ dự án bảo vệ cây Dã hương, tỉnh Bắc Giang còn tôn tạo và tu bổ đình Tiên Lục và một số di tích trong vùng, phát triển cụm du lịch văn hóa-sinh thái Tiên Lục gắn liền với cụm di tích lịch sử vùng Xương Giang và khu căn cứ địa nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Riêng số tiền chi cho cây Dã hương đã lên tới hơn 200 triệu. Với tình cảm và cả vật chất bảo vệ tích cực như thế, quả thực cây dã có muốn ra đi cũng không đành!

 

Lần đầu tiên, một huyện nghèo ở một tỉnh miền núi đã dám nghĩ và dám làm một dự án “mạnh tay” vì số phận của một cây quý. Ngắm nhìn cây Dã xanh tươi, uy nghi, hít căng lồng ngực mùi Dã hương thanh khiết, chúng tôi vẩn vơ nghĩ về cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường. Những phiến lá dã nhỏ xinh rì rào trong gió phải chăng đang muốn thầm thì điều gì đó?

 

Lan Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm